Nội tiết tố nữ Estrogen: Không phải cao là tốt, thấp là hay

Đăng ngày:

Estrogen là gì và có vai trò ra sao đối với sức khỏe, khả năng sinh sản của nữ giới? Việc mất cân bằng nội tiết sẽ gây ra những tác hại gì cho cơ thể? Tất cả đều được ELLE chia sẻ trong bài viết này.

Là một trong hai loại hormone giới tính quan trọng, Estrogen đóng vai trò quan trọng trong cả hệ thống sinh sản cả nam và nữ. Ở nữ giới, nội tiết tố này góp phần duy trì sức khỏe sinh sản, các đặc điểm thứ cấp cùng nhiều chức năng khác. Tuy nhiên, lượng estrogen ở mỗi phụ nữ thường thay đổi ở từng thời kỳ khác nhau, dẫn đến tình trạng mất cân bằng nội tiết. Vậy đâu là nguyên nhân, biểu hiện thế nào và cách giải quyết ra sao?

Phụ nữ nói bằng Estrogen và đàn ông nghe bằng Testosterone – Nhà báo, Nhà phê bình Richard Roeper.

Estrogen là gì?

Estrogen là một trong hai hormone giới tính thường gắn liền với những người được xác định là nữ khi sinh (AFAB- Assigned Female At Birth) và bao gồm cả phụ nữ chuyển giới, nam chuyển giới, người không thuộc giới tính nhị phân có âm đạo. Mặc dù nhóm đối tượng AFAB có nhiều Estrogen nhất nhưng tất cả các giới tính đều tạo ra hormone này.

estrogen là một loại nội tiết quan trọng cho sức khỏe phụ nữ

Ảnh: Becca Tapert/ Unsplash.

Kết hợp cùng Progesterone, Estrogen đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, Estrogen là hormone ảnh hưởng đến sự phát triển của các đặc điểm giới tính thứ cấp (như vú, hông…), kinh nguyệt, quá trình mang thai và mãn kinh.

lượng estrogen trong cơ thể luôn thay đổi

Ảnh: Katarzyna Grabowska/ Unsplash.

Theo khía cạnh giải phẫu học, buồng trứng là nơi tạo ra hầu hết Estrogen khi người phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Tuyến thượng thận và mô mỡ cũng là nơi tiết ra nội tiết mang đặc tính nữ này. Bên cạnh đó, nhau thai cũng là nơi tiết ra Estrogen trong khi mang thai. Sau khi được giải phóng, hormone này sẽ di chuyển theo dòng máu đến các bộ phận cần thiết để hoạt hóa. Ở đó, Estrogen liên kết với Protein (hay còn gọi là thụ thể Estrogen) để quá trình hoạt hóa có thể diễn ra.

Các loại estrogen tồn tại trong cơ thể

1. Estrone

Estrone là loại hormone nữ xuất hiện trong cơ thể sau thời kỳ mãn kinh. Đây là dạng thức yếu hơn so Estrogen bình thường và có thể chuyển đổi thành các dạng Estrogen khác khi cần thiết.

2. Estradiol

Dù là nam hay nữ, cơ thể đều sản xuất ra Estradiol. Trong độ tuổi sinh sản, cơ thể phụ nữ sẽ có mức Estradiol cao nhất. Tuy nhiên, lượng Estradiol quá mức dễ dẫn đến tình trạng mụn, mất ham muốn tình dục, loãng xương, trầm cảm hoặc thậm chí là tăng nguy cơ ung thư tử cung, ung thư vú. Song, thiếu Estradiol lại dẫn đến tình trạng tăng cân và mắc các bệnh tim mạch.

Estrogen ảnh hưởng đến tâm trạng phụ nữ

Ảnh: enationaltesting.

3. Estriol

Estriol tăng lên trong thai kỳ để giúp tử cung phát triển và để cơ thể chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Chính vì thế, Estriol thường đạt đỉnh điểm trước ngày sinh.

Estrogen có vai trò gì đối với sức khỏe của nữ giới?

Estrogen tác động trực tiếp đến các cơ quan buồng trứng, tử cung và vú ở nữ giới. Cụ thể là, ở buồng trứng, loại hormone này giúp kích thích sự phát triển của nang trứng. Trong âm đạo, Estrogen duy trì độ dày của thành âm đạo và thúc đẩy khả năng bôi trơn. Hormone này có nhiệm vụ tăng cường và duy trì màng nhầy lót ở tử cung, đồng thời điều chỉnh lưu lượng, độ dày của dịch nhầy.

estrogen ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản

Ảnh: fertility2family.

Vì là chất dẫn truyền thông tin hóa học nên Estrogen được ví như “công tắc” giúp kích hoạt hoặc dừng các quá trình liên quan đến sức khỏe tình dục và sinh sản. Cụ thể là, ở tuổi dậy thì, nội tiết tố nữ này tăng cao giúp phát triển các đặc điểm giới tính thứ cấp như ngực, đường cong trên cơ thể. Khi Estrogen kết hợp với các loại hormone tạo ra trong não (FSH và LH) và Progesterone sẽ tạo ra sự điều độ cho chu kỳ kinh nguyệt cũng như quá trình rụng trứng.

Estrogen nữ có thể giảm hoặc tăng theo độ tuổi

Ảnh: we-heart.

Như đã chia sẻ, Estradiol và Estriol tác động trực tiếp đến quá trình mang thai và sinh con ở phụ nữ. Ở giai đoạn mãn kinh, Estrogen thay đổi từ Estradiol sang Estrone. Biểu hiện thường thấy ở giai đoạn tiền mãn kinh như âm đạo khô, tâm trạng thay đổi, đổ mồ hôi về đêm và bốc hỏa.

Hiểu rõ về việc mất cân bằng nội tiết

Mỗi người sẽ có nồng độ Estrogen cân bằng khác nhau. Lượng Estrogen cũng dao động thường xuyên trong suốt cuộc đời của phụ nữ. Ví dụ, nội tiết tố nữ sẽ tăng cao trong giai đoạn dậy thì, mang thai, kinh nguyệt và giảm dần khi bước đến thời kỳ tiền và mãn kinh. Việc nội tiết tố thay đổi thường ảnh hưởng đến tâm trạng và tạo ra những dấu hiệu trên cơ thể, cụ thể như sau:

1. Khi nồng độ Estrogen ở mức thấp

Estrogen thấp thường là dấu hiệu nhận biết khi bạn sắp bước vào giai đoạn mãn kinh. Hoặc, đây là dấu hiệu mà cơ thể muốn cảnh báo về những vấn đề liên quan đến sinh sản, thiếu hụt dinh dưỡng, hội chứng Turner… Các triệu chứng thiếu hormone nữ thường thấy là: Đau vú, nóng bừng và đổ mồ hôi về đêm, kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh, đau đầu, khó tập trung, mệt mỏi, buồn ngủ, khó ngủ, thay đổi tâm trạng, cáu kỉnh, trầm cảm, âm đạo khô dẫn đến đau đớn khi quan hệ…

2. Khi nồng độ Estrogen ở mức cao

Lượng Estrogen cao và dư thừa thường liên quan đến nhiều vấn đề như: Polyp, u xơ, buồng trứng đa nang, đau do lạc nội mạc tử cung, khối u buồng trứng… Hoặc, những hormone giới tính khác trong cơ thể tăng khiến Estrogen tăng theo. Bên cạnh đó, một số loại thuốc có chứa hoặc kích thích Estrogen cũng làm cho hàm lượng hormone này tăng cao hơn mức bình thường trong cơ thể.

biểu hưởng của tình trạng estrogen cao

Ảnh: Ashley Margeson.

Một số triệu chứng xuất hiện khi Estrogen trong cơ thể tăng cao bao gồm như: giảm ham muốn tình dục, tăng cân – đặc biệt ở vùng eo và hông, kinh nguyệt không đều (khó ước tính được thời gian, chảy máu nhiều), quá trình tiền kinh nguyệt (PMS) và giai đoạn rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) trở nên tồi tệ hơn.

3. Làm cách nào để biết bạn đang bị mất cân bằng nội tiết?

Để biết được chính xác, bạn cần thực hiện phương pháp lấy máu và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Các chỉ số đo lường về Estrone (E1), Estradiol (E2) và Estriol (E3) sẽ giúp bạn xác định cụ thể lượng Estrogen trong cơ thể đang ở trạng thái như thế nào.

Cách duy trì mức estrogen luôn ở ngưỡng cân bằng

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngăn ngừa tình trạng rối loạn nội tiết. Tuy nhiên, duy trì những thói quen tốt sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe tổng thể. Việc duy trì những thói quen tốt bao gồm: ngủ đủ giấc; giữ tâm trí tránh xa căng thẳng quá mức; tập thể dục điều độ ở cường độ phù hợp; hạn chế uống rượu bia; duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học.

Estrogen là hormone thiết yếu đối với sức khỏe sinh sản và sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Nồng độ Estrogen thay đổi theo từng thời kỳ là cách cơ thể điều chỉnh để phù hợp hay báo động về tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, nếu Estrogen luôn cao hoặc luôn thấp khiến bạn cảm thấy khó chịu, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và có sự can thiệp kịp lúc. Ngoài ra, duy trì lối sống – dinh dưỡng – tinh thần là cách giữ cho tâm trạng, sức khỏe và nội tiết luôn ổn định.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Aaron Nguyen. 

Ảnh: Tổng hợp. 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more