Căng thẳng có gây nên tình trạng da phát ban?
Mất ngủ, đau đầu, giảm trí nhớ… là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị căng thẳng. Tuy nhiên chứng căng thẳng cũng có thể dẫn đến da bị phát ban đỏ – là nguyên nhân ít ai ngờ đến nhất.
Căng thẳng cảm xúc (stress) có thể ảnh hưởng đến tâm trí và cơ thể. Một trong những ảnh hưởng của stress là nguy cơ dị ứng, hay còn gọi là phát ban do căng thẳng. Những đốm đỏ dị ứng này thường xuất hiện dưới dạng mề đay nổi trên ngực, cổ hoặc vùng mặt. Trong bài viết này, mời bạn cùng ELLE tìm hiểu kỹ về nguyên nhân và cách điều trị phát ban do stress gây nên.
Vì sao stress gây nguy cơ phát ban dị ứng?
Sheilagh Maguiness – Phó giáo sư tại Khoa Da liễu tại Trường Y Đại học Minnesota giải thích:
—
“Căng thẳng chắc chắn có thể đóng một vai trò nào đó trong bất kỳ bệnh ngoài da nào, bao gồm cả phát ban.”
—
Khi gặp căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra hormon cortisol. Hormon này đóng vai trò thiết yếu trong việc đối phó với tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, nếu cortisol tích lũy quá nhiều trong cơ thể, hàm lượng cortisol quá cao trong thời gian dài lại gây tác hại cho cơ thể.
Bên cạnh đó, hormon này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch và kiểm soát tình trạng viêm, làm cho cơ thể dễ bị bệnh và dị ứng. Ở những người có bệnh từ trước, sự suy yếu của hệ miễn dịch kết hợp với tác động của cortisol lên hệ thống ức chế miễn dịch có thể gây bùng phát hoặc làm các triệu chứng trầm trọng hơn.
Phó giáo sư Sheilagh Maguiness còn chia sẻ thêm:
—
“Căng thẳng quá lâu sẽ dẫn đến phát ban nặng hơn, hoặc trong một số trường hợp còn làm xấu đi các tình trạng da khác như mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, bệnh chàm và viêm da tiết bã.”
—
Phải làm gì nếu bị phát ban do căng thẳng?
Tiến sĩ da liễu Jeffrey Fromowitz được hội đồng chứng nhận ở Boca Raton, Florida chia sẻ: “Điều đầu tiên cần làm là cố gắng xác định nguyên nhân gây phát ban để có thể tránh được.”
Jeffrey Fromowitz nói thêm: “Đối với phát ban do stress, ban đầu nên áp dụng một số biện pháp điều trị tại nhà để giúp giảm các triệu chứng.”
Điều chỉnh lối sống
Điều chỉnh lối sống là biện pháp cần thiết để kiểm soát căng thẳng và giảm tình trạng stress nặng. Thực tế cho thấy, đa phần các trường hợp bị stress đều bắt nguồn từ áp lực công việc, học tập, thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc.
Tập quản lý thời gian của bản thân bằng cách xây dựng thời gian biểu hợp lý. Nên ưu tiên những công việc quan trọng và cố gắng sắp xếp sao cho có thời gian nghỉ ngơi, đồng thời đảm bảo ngủ trước 11 giờ và giấc ngủ kéo dài ít nhất 6 giờ đồng hồ.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Xây dựng kế hoạch ăn uống lành mạnh, tránh xa rượu bia, chất kích thích, thức ăn chứa nhiều gia vị và dầu mỡ.
Thực phẩm có thể giúp làm giảm stress bằng nhiều cách. Thực phẩm ăn liền như bột yến mạch góp phần làm tăng lượng serotonin – một chất hóa học giúp làm dịu não bộ. Các loại thực phẩm khác có thể làm giảm mức cortisol và adrenaline cũng như giảm lượng hormone stress trong cơ thể theo thời gian.
Luyện tập thể dục đều đặn
Thể dục, thể thao giúp chúng ta cân bằng lại các mối quan hệ, tinh thần lẫn sức khỏe thể chất. Phần lớn mọi người thường xuyên đến các phòng tập thể dục vì 2 lý do là cải thiện hình dáng cơ thể hoặc là tăng cường sức khỏe. Một điều quan trọng khác mà có thể bạn chưa nhận ra, đó là các bài tập thể dục còn có thể giải tỏa căng thẳng.
Các bài tập thể dục làm giảm các triệu chứng trầm cảm nhẹ hoặc lo âu. Tập thể dục cũng giúp cải thiện giấc ngủ của chúng ta, làm cho giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn.
Liệu pháp thiên nhiên
Liệu pháp mùi hương là biện pháp giảm căng thẳng thần kinh hiệu quả. Mùi hương tự nhiên từ các loại tinh dầu có thể xua tan mệt mỏi, giảm các cảm xúc tiêu cực như chán nản, bực dọc, uể oải và lo âu quá mức. Bằng cách kích thích khứu giác bởi những tầng hương nhẹ nhàng từ thiên nhiên, sau đó truyền dẫn đến hệ thống thần kinh, giúp bạn xoa dịu cảm giác mệt mỏi. Chính vì vậy, đây được xem là phương thuốc tự nhiên làm giảm lo lắng và căng thẳng hiệu quả.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Tiến sĩ Maguiness cho biết: “Mặc dù phát ban thường sẽ biến mất sau 24 giờ, nhưng chúng thường có thể xuất hiện trở lại nếu bạn vẫn ở trạng thái căng thẳng cao.”
Nếu sau vài ngày mà mày đay không bắt đầu thuyên giảm, thậm chí trầm trọng hơn hoặc có thêm các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt thì bạn cần đi khám bác sĩ. Đặc biệt nếu người bị phát ban đột nhiên có dấu hiệu khó thở hoặc khó nuốt, cần đến cơ sở y tế khẩn cấp.
Bài: Ngọc Trân
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The Healthy
Ảnh: Tổng hợp