ELLE Vietnam – Tạp chí Thời trang, Làm đẹp & Phong Cách Sống

Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

Khám phá 7 công dụng tuyệt vời của quả vải với sức khỏe và sắc đẹp

Nỗi lo về việc ăn vải nóng trong người là điều khiến nhiều người e ngại khi thưởng thức loại trái cây đặc trưng mùa Hè. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ đặc tính và sử dụng với liều lượng hợp lý, quả vải không chỉ an toàn mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp.

Giữa tiết trời oi ả, mùa vải thiều đang bước vào thời điểm rộn ràng nhất. Hương vị ngọt lịm và thớ thịt mọng nước khiến ai cũng khó lòng chối từ. Tuy thường bị “gắn mác” là loại trái cây gây nóng, nhưng khi sử dụng đúng cách và vừa phải, quả vải không chỉ giúp thanh nhiệt, bổ sung năng lượng mà còn mang đến nhiều lợi ích cho làn da và sức khỏe. Vậy ăn vải có nóng trong người không? Cùng ELLE tìm hiểu câu trả lời và khám phá những tác dụng quả vải trong bài viết này.

Cân cảnh những trái vải màu đỏ.
Quả vải đỏ au là “kho báu” dinh dưỡng của mùa Hè. Ảnh: Pexels.

Ăn vải có gây nóng trong người không?

Câu trả lời là , nhưng… Theo cả y học truyền thống và bằng chứng khoa học, vải thiều có tính nhiệt, và có thể gây “nóng trong người” nếu ăn một cách vô tội vạ. Tuy nhiên, khi hiểu rõ đặc tính và sử dụng hợp lý, bạn hoàn toàn có thể tận dụng lợi ích của loại trái cây này mà không lo tác dụng phụ. Dưới đây là phân tích cụ thể:

Một nghiên cứu hợp tác giữa Viện Dịch tễ học Quốc gia Ấn Độ (NCDC) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố trên tạp chí The Lancet Global Health (2017) đã chỉ ra rằng, hợp chất methylenecyclopropylglycine (MCPG) có trong quả vải có thể gây hạ đường huyết nghiêm trọng khi được tiêu thụ lúc bụng đói, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân gây nên hàng loạt ca viêm não cấp tại bang Bihar, Ấn Độ mỗi mùa vải chín.

Tiến sĩ Padmini Srikantiah, chuyên gia dịch tễ học tại CDC và đồng tác giả nghiên cứu, khẳng định:

“Trẻ em suy dinh dưỡng khi ăn vải lúc chưa dùng bữa tối sẽ dễ rơi vào trạng thái hạ đường huyết cấp tính, dẫn tới các triệu chứng thần kinh nguy hiểm.”

Ngoài ra, theo chuyên gia sức khỏe Shikhar Bhattarai còn cho biết:

“Vải thiều rất giàu dinh dưỡng, nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn tới hiện tượng rối loạn chuyển hóa, làm tăng phản ứng viêm hoặc nhiệt trong cơ thể – nhất là với những người có cơ địa “nhiệt”.”

Vì vậy, nếu bạn tiêu thụ quả vải trong giới hạn hợp lý (5-10 trái/lần), không ăn khi đói, và kết hợp với thực phẩm có tính mát như nước đậu đen, trà xanh hoặc nha đam, loại trái cây mùa Hè này hoàn toàn có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe mà không gây “nóng trong người”.

7 lợi ích không ngờ từ quả vải bạn nên biết

Dù mang tính nhiệt và cần được tiêu thụ hợp lý, quả vải vẫn là một “kho báu” dinh dưỡng nếu biết cách sử dụng.

1. Tăng cường hệ miễn dịch

Ít ai ngờ rằng tác dụng quả vải lại vượt xa vai trò của một loại trái cây mùa Hè. Nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào, loại quả này không chỉ thúc đẩy cơ thể sản sinh tế bào bạch cầu mà còn tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ các mô khỏi sự tấn công của gốc tự do.

Bên cạnh đó, quả vải còn có tác dụng kháng viêm và giải độc nhờ vào nguồn flavonoid và polyphenol tự nhiên. Những hoạt chất này giúp giảm căng thẳng oxy hóa, nâng cao khả năng đề kháng trước các bệnh nhiễm trùng. Khi được bổ sung đúng cách vào chế độ ăn uống, quả vải còn hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý mãn tính như ung thư, tim mạch, tổn thương gan và suy giảm chức năng não bộ.

Khay bánh đựng vải.
Các chất chống oxy hóa trong trái vải góp phần kích hoạt cơ chế phòng vệ trước bệnh tật. Ảnh: Instagram @savorvietnam.

2. Khơi thông tuần hoàn máu

Một báo cáo của Đại học Lovely Professional University tại Ấn Độ vào năm 2017 đã chỉ ra rằng, trái vải chứa nhiều khoáng chất thiết yếu, trong đó đồng là nguyên tố đáng chú ý nhất. Đồng gia tăng lượng tế bào hồng cầu để phân phối oxy đến các cơ quan nội tạng “sống còn”. Vì thế, quả vải được các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá cao nhờ khả năng hỗ trợ tích cực trong quá trình điều trị bệnh thiếu máu.

Ngoài ra, lượng magiê phong phú trong quả vải thiều có tác dụng ức chế sự hình thành của các cục máu đông bất thường, từ đó giúp bạn phòng tránh các biến chứng nguy hiểm như xơ vữa động mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Khi máu được lưu thông hiệu quả, bạn sẽ không còn phải đối mặt với trạng thái uể oải, thiếu tập trung trong công việc mỗi ngày. Thêm vào đó, quả vải có thể xoa dịu cường độ của những cơn đau bụng kinh dày vò mỗi tháng.

Vải được trưng bày bên trong và ngoài chén đá.
Quả vải giàu các vi khoáng chất có lợi cho máu. Ảnh: Instagram @moricocafe.

3. “Đánh bay” cảm giác mệt mỏi dai dẳng

Khi cảm giác uể oải vẫn đeo bám bạn dù đã đủ ngủ giấc, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu hụt các nguyên tố vi lượng. Không chỉ là món ăn vặt để nhâm nhi lúc đói, quả vải xứng đáng góp mặt trong thực đơn của những ai đang vật lộn với tình trạng thể chất yếu ớt. Nhờ hàm lượng đường glucose dễ hấp thụ, loại trái cây này cung cấp năng lượng kịp thời cho não bộ và hệ thần kinh vận hành trơn tru. Để tiếp thêm sinh lực cho cơ thể, vi chất kali và đồng có trong vải sẽ phát huy tác dụng thúc đẩy chuyển hóa năng lượng ở cấp độ tế bào và tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh hiệu quả hơn.

Cận cảnh lớp thịt căng tròn của quả vải.
Nhâm nhi trái vải là cách đối phó đơn giản nhưng hiệu quả với tình trạng mệt mỏi kéo dài. Ảnh: Instagram @moricocafe.

4. Tác dụng cải thiện chất lượng giấc ngủ từ quả vải

Nếu bạn thường xuyên trằn trọc vì chứng mất ngủ hay giấc nghỉ chập chờn, quả vải có thể trở thành “vị cứu tinh” để cơ thể tận hưởng khoảng thời gian thư giãn và nghỉ ngơi trọn vẹn hơn.

Tác dụng an thần của vải thiều đến từ flavonoid và polysaccharides. Bộ đôi hoạt chất này gián tiếp “bôi trơn” quá trình tiết hormone gây ngủ thông qua việc điều hòa nồng độ dopamine và serotonin trong hệ thần kinh trung ương. Uống nước luộc vải kết hợp với phần cùi luộc giúp các dưỡng chất được giải phóng nhanh hơn và tăng khả năng hấp thụ vào cơ thể. Tuy nhiên, bạn nên hạn chế ăn vải vào buổi tối, vì loại trái cây này có thể gây cảm giác nóng ran trong người, từ đó lại vô tình làm xáo trộn nhịp sinh học của cơ thể.

Những ly thủy tinh đựng thạch vải.
Nên ăn vải vào ban ngày để giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Ảnh: Foxy Folksy.

5. Chinh phục làn da căng mướt không tì vết

Tác dụng quả vải đối với làn da không chỉ dừng lại ở việc bổ sung dưỡng chất mà còn hỗ trợ tích cực trong việc làm chậm quá trình lão hóa. Với hàm lượng vitamin C dồi dào, loại quả này góp phần đẩy mạnh quá trình tăng sinh collagen. Đây là yếu tố then chốt để da luôn duy trì được kết cấu láng mịn, đàn hồi bất chấp quy luật tuổi tác. Hơn nữa, các chất chống oxy hóa như polyphenol và flavonoid trong quả vải cũng phát huy tác dụng làm sáng da, chống lại tác hại của tia UV và trì hoãn các dấu hiệu lão hóa sớm.

Thế nhưng, đừng quên rằng quả vải có tính sinh nhiệt và chứa lượng đường tự nhiên cao. Nếu tiêu thụ quá 5-10 trái mỗi lần, làn da có thể “kêu cứu” bằng những biểu hiện như mụn viêm, rôm sảy, thậm chí là lở loét vùng miệng.

Cô gái khoe trọn làn da trắng phát sáng nhờ tác dụng dưỡng nhan của quả vải.
Công dụng chống nắng tự nhiên của quả vải giúp xóa mờ vết thâm nám, nếp nhăn và tàn nhang. Ảnh: Instagram @ohdayeon_.

6. Tiến gần hơn tới vòng eo “con kiến”

Sở hữu hàm lượng calo khiêm tốn, vải thiều được xem là một “thần dược” cho hành trình giữ dáng. Mặt khác, quả vải mang trong mình nguồn nước lẫn chất xơ dồi dào, và hầu như không có chất béo. Đây là công thức lý tưởng giúp cơ thể no lâu hơn, cũng như thỏa mãn thèm ăn bất chợt. Ngoài tác dụng kiểm soát cơn đói, các hoạt chất polyphenol và anthocyanin trong loại trái dân dã này còn đốt cháy lượng mỡ thừa tích tụ lâu ngày nhằm mang đến thân hình “đồng hồ cát” trong mơ.

Không chỉ ngon miệng khi ăn tươi, vải thiều còn có thể được biến tấu thành nước ép, món luộc hoặc sấy khô. Đừng quên chia khẩu phần vải thành các bữa nhỏ trong ngày để tránh dung nạp lượng đường dư thừa vào cơ thể.

7. Tác dụng hồi sinh suối tóc óng ả của quả vải

Khi được đưa vào khẩu phần ăn và chu trình chăm sóc tóc, quả vải lại chứng minh tác dụng vượt mong đợi trong việc phục hồi những sợi tóc khô xơ. Đặc biệt, với những ai đang chứng kiến mái tóc rụng lả tả mỗi ngày, “bộ tứ” sắt, đồng, vitamin A và vitamin E có trong vải thiều sẽ “đánh thức” quá trình phát triển của các nang tóc, cũng như nuôi dưỡng chúng chắc khỏe từ gốc.

Tác dụng quả vải - cải thiện mái tóc óng ả
Không còn phải chứng kiến những mảng hói trên đầu với mặt nạ và dầu xả chiết xuất từ quả vải. Ảnh: @ginaa.24.

Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin C dồi dào cùng các chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh mẽ trong quả vải còn có tác dụng duy trì độ bóng mượt, giảm gãy rụng, hạn chế tình trạng chẻ ngọn và khô xơ do ảnh hưởng từ ánh nắng, nhiệt độ cao và hóa chất từ các sản phẩm tạo kiểu.

Để nuôi dưỡng mái tóc dày dặn và bồng bềnh như ý, bạn có thể tận dụng nước ép quả vải kết hợp cùng nha đam tươi, dầu dừa và sữa chua để tạo nên công thức mặt nạ ủ tóc hoặc dầu xả tự nhiên.

Xem thêm:

– Ôn lại 6 lợi ích tuyệt vời của quả bơ với sức khỏe

10 công dụng tuyệt vời của vỏ quýt với sức khỏe

4 phương pháp chăm sóc da “vỏ trái cây” đang thịnh hành trên TikTok

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Ngọc

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)