Không chỉ giải khát và ngon miệng, nước ép trái cây thường được ca ngợi là thức uống bổ dưỡng cho cơ thể nhưng hề gây hại. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước ép, dù là các sản phẩm nguyên chất và hoàn toàn thủ công, cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tiểu đường, tim mạch, thậm chí là béo phì.
BÀI LIÊN QUAN
Uống nước ép quá nhiều, làm tăng lượng đường trong máu
Các loại rau củ quả sau khi ép lấy nước chứa chủ yếu là đường ở dạng fructose. Chất dinh dưỡng trong nước ép không còn nhiều và hàm lượng chất xơ bằng không. Chất xơ có vai trò làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu. Khi không có chất xơ, đường sẽ được hấp thu cực nhanh, làm tăng hàm lượng đường trong máu đột ngột.

Điều này có thể dẫn đến tình trạng tuyến tụy phải sản xuất một lượng lớn insulin để điều chỉnh. Theo thời gian, việc này có thể khiến các tế bào trở nên kháng insulin, dẫn đến tiểu đường tuýp 2. Bên cạnh đó, ngày nay khi ép trái cây lấy nước nhiều người thường cho thêm đường, sữa hoặc mật ong vào để gia tăng hương vị. Đường trong trái cây cùng gia vị thêm vào càng khiến đường trong máu tăng nhanh chóng và dễ dẫn đến nguy cơ hoặc làm tăng biến chứng của tiểu đường loại 2.
Lượng đường cao trong nước trái cây còn có thể gây ra các bệnh về tim mạch, béo phì và tăng triglyceride (một loại chất béo có trong máu) – nguyên nhân gây xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, cũng như có thể gây viêm tụy.
“Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiều đường như đường trong nước ngọt và nước ép trái cây có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch” – Jean A. Welsh, phó giáo sư tại Khoa Nhi, Đại học Emory ở Atlanta.
Uống nước trái cây làm tăng cân, vì thiếu chất xơ
Sau khi ép, phần nước bạn uống không còn chứa chất xơ. Một trong những vai trò chính của chất xơ là giúp nhuận tràng. Nếu khẩu phần ăn thường ngày chỉ dùng nước ép và không ăn trực tiếp rau củ quả sẽ dễ dẫn đến tình trạng táo bón, khó tiêu và dễ gây mụn.

Trong khi đó, trái cây qua công đoạn ép lấy nước sẽ bổ sung lượng lớn calo cho cơ thể. Nhưng vì không có chất xơ nên bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy đói. Điều này khiến bạn ăn nhiều hơn và dẫn đến tình trạng dư thừa calo, gây tăng cân. Ngoài ra. lượng đường cao trong nước ép cũng dễ dàng chuyển hóa thành mỡ thừa nếu không được đốt cháy.
BÀI LIÊN QUAN
Nước trái cây gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng
Một số loại trái cây có tính acid cao như chanh, cam, bưởi, khế, cóc… khi ép và uống quá nhiều sẽ làm hư men răng. Điều này khiến răng trở nên nhạy cảm hơn và dễ bị sâu. Lượng đường cao cũng tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn trong miệng phát triển, làm tăng nguy cơ sâu răng.
Phụ thuộc hoàn toàn vào nước trái cây để giảm cân, dễ gây suy nhược
Một số trường phái detox chọn chỉ uống nước ép để giảm cân nhanh chóng. Điều này có thể dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng các chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, đạm, chất béo lành mạnh và một số vitamin quan trọng khác. Khi cơ thể không có đủ dinh dưỡng sẽ dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, suy nhược và tạo ra hệ lụy không tốt cho sức khỏe.
>> Xem thêm:
8 loại thực phẩm giúp giải nhiệt hiệu quả khi nóng trong người
4 loại nước dân gian giúp thanh nhiệt cơ thể nhanh chóng
7 loại thực phẩm giàu beta-carotene nuôi dưỡng đôi mắt sáng khỏe
Uống nước trái cây nhiều dễ gây rối loạn tiêu hóa
Khi ép trái cây, phần bã giàu chất xơ thường bị loại bỏ, chỉ còn lại phần nước. Việc thiếu chất xơ có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy. Đối với người khó dung nạp fructose, uống nước ép quá nhiều có thể gây ra các triệu chứng như đầy hơi. Đó là do vi khuẩn trong ruột sẽ lên men fructose, tạo ra khí gas và tạo ra cảm giác đầy hơi, khó chịu.

Một số loại nước ép có tính acid cao dễ gây trào ngược axit dạ dày thực quản. Các triệu chứng thường gặp là ợ nóng, ợ chua và cảm giác nóng rát ở cổ họng. Một số loại nước ép, đặc biệt là nước ép rau củ như cải xoăn hay súp lơ xanh, có thể gây đầy hơi và chướng bụng nếu uống với lượng lớn.
BÀI LIÊN QUAN
Uống bao nhiêu nước ép mỗi ngày là đủ?
Theo tổ chức WHO, chúng ta nên hạn chế lượng đường tiêu thụ mỗi ngày – bao gồm cả đường có trong nước ép trái cây, ở mức dưới 10% lượng calo hàng ngày. Liều lượng khuyến cáo là 150ml/ ngày. Đặc biệt, không thêm đường, sữa, mật ong hay các chất gia tăng hương vị khác vào nước ép.

Bạn cũng có thể pha loãng nước trái cây với nước lọc hoặc thêm chanh để giảm lượng đường và tăng tính kiềm. Bạn nên chia nhỏ lượng nước trái cây để uống nhiều cử trong ngày. Điều này giúp hạn chế được việc đường huyết tăng đột ngột, dễ gây kháng insulin và tăng nguy cơ tiểu đường.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn trái cây nguyên quả là cách tốt nhất để nhận đầy đủ cả chất xơ, vitamin và khoáng chất từ thiên nhiên. Hãy xem nước ép là một phần nhỏ trong một chế độ ăn uống đa dạng và lành mạnh. Bạn cần bổ sung đủ đạm, protein, chất béo lành mạnh, vitamin, khoáng chất và nước lọc… để đảm bảo cơ thể có đủ dinh dưỡng cho các hoạt động hằng ngày.
Nhóm thực hiện
Thực hiện: Aaron Nguyen.
Ảnh: Tổng hợp.