Đi tìm lời đáp: Liệu rằng tia UV có làm filler biến dạng?
Tia UV có trong ánh mặt trời đã khiến Isabella Skeel-Gerhardt có đôi môi sưng vù và phải tiêm kháng sinh nhiều ngày liền. Vậy liệu tia tử ngoại có thật sự làm hư hoại filler?
Những năm gần đây, filler dần trở thành trào lưu. Với công dụng chính là làm đầy, filler được tiêm vào môi để tạo nên vẻ gợi cảm của nụ cười, hay tiêm vào rãnh mũi miệng, vùng trán để lấp đầy những dấu vết thời gian. Tạm thời bỏ qua những yếu tố về chất lượng và tay nghề người tiêm, nhiều loại filler dù đạt chuẩn nhưng đôi khi vẫn gặp những sự cố không ai mong muốn. Gần đây nhất, giới làm đẹp đang bàn tán về việc: Liệu tia UV có làm ảnh hưởng và gây biến chất filler?
Phụ nữ có nụ cười rộng mở và vẻ mặt vui vẻ luôn tỏa ra vẻ đẹp riêng, bất kể cô ấy có khoác gì trên người (A woman whose smile is open and whose expression is glad has a kind of beauty no matter what she wears) – Nhà văn Anne Roiphe.
1. Câu chuyện của Isabella Skeel-Gerhardt
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền nhau video của Isabella Skeel-Gerhardt với đôi môi sưng vù do sự ảnh hưởng của tia UV lên filler. Cụ thể là, cô đã ngủ quên khi tắm nắm ở bãi biển Marbella ở Tây Ban Nha và vài giờ sau đó đôi môi bắt đầu có dấu hiệu sưng viêm. Cô miêu tả cảm giác lúc đó là:
Tôi cảm thấy môi mình như muốn nổ tung. Tôi sợ môi mình có thể vỡ tan tành – Isabella Skeel-Gerhardt
Isabella Skeel-Gerhardt đã tiêm 0.7 mm filler cho môi gần 20 tháng trước và đây cũng là lần đầu tiên cô thực hiện thủ pháp làm đầy môi này. Trong suốt khoảng thời gian 20 tháng, mọi sinh hoạt diễn ra bình thường và đôi môi được tiêm filler cũng không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra. Song, sau buổi tắm nắng ở Marbella cô đã phải tiêm 7 đến 10 ngày kháng sinh để điều trị tình trạng sưng tấy ở môi.
@isabellaskeel If you laugh youre going to hell!🥲 #fypシ #swollenlips #vacationruined #spain #hospital #dk #lipfiller #sun #foryoupage #scary ♬ Say Something – Piano Covers Club from I’m in Records
Đôi môi sưng tấy của Isabella Skeel-Gerhardt khi vô tình ngủ quên ở bãi biển Marbella. Ảnh: isabellaskeel/tiktok.
Thế là, giới làm đẹp đã đưa ra một giả thuyết khả dĩ: Liệu rằng đôi môi được tiêm filler của Isabella Skeel-Gerhardt sau 5 giờ phải chịu tác động của tia UV đã gây ra tình trạng đó?
2. Các bác sĩ nói gì về vấn tia UV gây ảnh hưởng đến filler?
Filler thường chứa những chất gì?
Bác sĩ, Tiến sĩ Phillip Dauwe tại Dallas, Texas, Mỹ chia sẻ, filler được cấu thành từ những chất tương thích sinh học với cơ thể con người và thường là Hyaluronic acid (HA). HA giúp làm giảm nếp nhăn bằng cách hút nước và giãn nở để lấp đầy vùng bên dưới da.
Các chất làm độn sinh học được tiêm vào lớp hạ bì nhằm cải thiện nhanh chóng nhiều vấn đề như nếp nhăn, làm môi dày hơn, xóa nếp nhăn quanh miệng, làm đầy phần trũng ở mắt – trên mu bàn tay – nếp gấp mũi. Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, hiệu quả của filler thường kéo dài từ 6 đến 12 tháng và sẽ thay đổi tùy theo vị trí tiêm và cơ địa của từng người.
Ảnh hưởng của tia UV đến filler?
Có nhiều yếu tố làm ảnh hưởng đến quá trình tan của chất tiêm thẩm mỹ. Ví dụ như, người có khả năng trao đổi chất cao thường có thời gian tan filler nhanh hơn; người hay hút thuốc cũng làm chất làm đầy da dễ bị phân hủy hơn.
Bác sĩ Phillip Dauwe cho biết, tiếp xúc với ánh mặt trời có thể là yếu tố dẫn đến sự thoái hóa filler. Bởi lẽ, tia UV khiến cấu trúc collagen và các protein bị phá vỡ, dẫn đến sự hao mòn sớm. Chống nắng là việc cần làm hàng ngày, đặc biệt với những vùng da được tiêm chất làm đầy.
Tiến sĩ Jessie Cheung hành nghề tại Chicago và New York bổ sung thêm: tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, tia UVA và một số tia UVB có thể xuyên qua lớp hạ bì và khi tiếp xúc đủ mức sẽ phá vỡ lượng Hyaluronic acid dự trữ tự nhiên. Trong khi đó, các loại filler trên thị trường thường chứa HA nên có thể suy ra rằng tia UV sẽ làm tăng tốc độ tan của các chất làm đầy thẩm mỹ ở đường tiêm.
Tạp chí Phẫu thuật Da và Thẩm mỹ (Journal of Cutaneous and Aesthetic Surgery) đăng tải 2018 nhấn mạnh việc filler bị biến chứng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, các bác sĩ và nhà khoa vẫn chưa công bố chi tiết rằng làn da chịu ảnh hưởng bởi tia UV ở cường độ bao nhiêu và trong thời gian bao lâu… thì filler mới có dấu hiệu biến chất.
Bên cạnh đó, tiếp xúc với ánh mặt trời kéo dài sau khi tiêm (thường là trong hai tuần đầu khi vết thương vẫn chưa lành hẳn) sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm, sưng tấy và kéo dài thời gian bầm tím dẫn đến tình trạng tăng sắc tố. Nói cách khác, tia tử ngoại ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình lành thương và biến chứng – đặc biệt ở giai đoạn vừa tiêm filler.
3. Ngăn ngừa ảnh hưởng của tia tử ngoại đến filler
Theo bác sĩ Phillip Dauwe, để các loại filler ổn định và kéo dài thời gian tồn tại thì bạn nên sử dụng kem chống nắng ở mức SPF 30 trở lên mỗi ngày, kể cả đó là da mặt hay môi. Trang bị thêm mũ rộng vành, kính mát để ngăn ảnh hưởng của tia UV. Tránh tiếp xúc với ánh mặt trời vào những thời điểm có chỉ số UV đạt đỉnh – cụ thể là từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tránh các biện pháp nhuộm nâu da, chẳn hạn như giường nhuộm da (tanning bed).
Vẫn còn quá sớm để kết luận cụ thể tia UV gây ảnh hưởng đến filler do thiếu những cơ sở dữ liệu cũng như những nghiên cứu khoa học để chứng minh. Tuy nhiên, để tránh những điều không mong muốn như Isabella Skeel-Gerhardt bạn nên tránh để môi hay bất kỳ vùng da nào đã tiêm filler tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời ở cường độ cao trong nhiều giờ liền.
Bài: Aaron Nguyen
Ảnh: Tổng hợp