Có thể bạn chưa biết: Đây là những dấu hiệu tiềm ẩn của bạo lực mạng

Đăng ngày:

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã ít nhất một lần chứng kiến những vụ bắt nạt hoặc thậm chí trở thành nạn nhân và nhận diện rất rõ những dấu hiệu của một vụ bắt nạt. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thể xác định chính xác một số dấu hiệu bắt nạt tiềm ẩn trên mạng. 

Bạo lực mạng (Cyberbullying) là hình thức bắt nạt sử dụng các thiết bị điện tử gửi tin nhắn đe dọa hoặc bắt nạt người khác thông qua giao tiếp trực tuyến. Những thiết bị này bao gồm: điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính để bàn… Những lời đe dọa có thể đến với người bị bắt nạt qua mạng xã hội, các diễn đàn và thậm chí là tin nhắn cá nhân dưới dạng văn bản hoặc hình ảnh.

Thông thường, người bị bắt nạt trên mạng sẽ khó chia sẻ với bạn bè. Đôi khi, các cá nhân bị bắt nạt – đa phần là trẻ em và thanh thiếu niên – rất e sợ những chuyện xấu có thể xảy ra nếu người khác biết rằng họ đang bị quấy rối trực tuyến. Đây chính là lý do vì sao chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến những người mà mình quan tâm.

Các dấu hiệu của việc bạo lực mạng

Có rất nhiều hình thức tinh vi cho thấy mối đe dọa trực tuyến đang hiện diện. Những dấu hiệu này đôi khi rất khó nhận biết và cũng rất ít người biết đến chúng. Mỗi ngày, chúng ta dành quá nhiều thời gian trên không gian mạng và không ít lần nhầm lẫn giữa bạo lực mạng với các trò nghịch ngợm thông thường. Sau đây là những hình thức bạo lực mạng ít được biết đến. 

1. Đe dọa 

Cô gái bị bạo lực mạng

Ảnh: Pexels/Ron Lach

Một trong những hình thức bạo lực mạng phổ biến nhất nhưng lại rất tinh vi là gửi tin nhắn đe dọa. Những thông điệp có tính chất bắt nạt không phải lúc nào cũng rõ ràng. Thật sự, với những tin nhắn như thế này, bạn không bao giờ hiểu rõ được ý định thực sự của người gửi. Nếu những tin nhắn này khiến bạn sợ hãi, có lẽ bạn nên tự hỏi liệu lời nhắn đó có khả năng chuyển thành hành động hay không.

Sợ hãi các tin nhắn trực tuyến có thể gây lo âu trong thời gian dài. Nếu không được cảnh báo về hành vi đe dọa trực tuyến như thế này, đôi khi nó có thể gây ra những tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho người bị bắt nạt.

2. Chia sẻ hình ảnh

dấu hiệu bị đe dọa trực tuyến cyberbullying

Ảnh: Pexels/Cottonbro

Một hình thức đe dọa trực tuyến tiềm ẩn khác hay xảy ra là hình ảnh riêng tư bị lan truyền trên mạng mà không có sự cho phép của chính chủ. Đó có thể là bất kỳ dạng hình ảnh nào mà bạn không hề muốn công khai. Khi một bức ảnh thuộc quyền sở hữu của bạn được chia sẻ trên mạng xã hội mà chưa có sự cho phép, bạn sẽ cảm thấy quyền riêng tư của mình bị xâm phạm. Nếu bạn yêu cầu người đăng xóa hình ảnh nhưng họ lại không đồng ý, đó chắc chắn là hành vi bắt nạt.

Những người mới sử dụng mạng xã hội thường không nhận thức rõ rủi ro khi thông tin cá nhân bị công khai trên các nền tảng trực tuyến. Khi những điều không may xảy đến, người dùng có thể rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức. Đó là lý do vì sao học cách sử dụng mạng xã hội hợp lý, biết được đâu là thông tin nên chia sẻ là điều cần thiết. Đôi khi, bạn có thể không nhận ra rằng mình đang chia sẻ những thông tin cá nhân không cần thiết lên mạng.

Chụp ảnh một người và đăng tải hình ảnh của họ lên mạng xã hội mà chưa có sự đồng ý của người đó tưởng như là một hành vi vô hại, nhưng đó thực chất là hành động xâm phạm quyền riêng tư.

3. Xúc phạm người chơi game online

Trong một số trò chơi trực tuyến, vấn nạn bắt nạt trên mạng diễn ra tràn lan. Có thể bạn chưa biết, cụm từ rage gamer (tạm dịch: game thủ cuồng nộ) đôi khi được sử dụng để chỉ những cá nhân thường có biểu hiện tức giận và hung hăng khi tham gia trò chơi.

Trong những tình huống đó, một số cá nhân đã dùng từ ngữ không hay, có cả những lời đe dọa và lăng mạ gay gắt người cùng chơi. Dấu hiệu này không được biết đến rộng rãi và có thể gây tổn hại tinh thần cho người bị bắt nạt.


Xem thêm 

Ý nghĩa của việc liên tục nhìn thấy ngày sinh của bản thân ở khắp nơi

Sống tối giản: Lợi ích và cách để bắt đầu

Nghệ thuật giao tiếp: Học cách từ chối sao cho khéo?


4. NÓI Chuyện phiếm trên mạng

dấu hiệu bị đe dọa trực tuyến cyberbullying

Ảnh: Unsplash/Sabina Tone

Mặc dù nói chuyện phiếm là phổ biến, nhưng đây là hành vi không lành mạnh. Điều này đặc biệt đúng trên phương tiện truyền thông xã hội, khi những câu chuyện dễ dàng lan nhanh mà không có bằng chứng hay tính xác thực. 

Những câu chuyện phiếm với ý đồ xấu thường xảy ra trong một nhóm bạn nhằm mục đích cô lập một người nào đó bằng cách lan truyền những bí mật hay những điều không đúng sự thật về họ. Đây chính là hành vi bắt nạt trên không gian mạng và những thông tin sai lệch có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng vượt quá giới hạn các nền tảng mạng xã hội. 

Lập các trang web nhằm mục đích lăng mạ người khác 

Bạn có biết đe dọa trực tuyến ngày nay không chỉ giới hạn ở những lời lăng mạ qua tin nhắn? Những kẻ bắt nạt thậm chí có thể dựng nên một trang web để bắt nạt người khác. Các trang web này nhằm mục đích lăng mạ, làm nhục và hủy hoại danh tiếng một cá nhân nào đó.

Đôi khi, bạn không làm gì sai trái nhưng vẫn có kẻ không thích bạn. Những người này sẽ làm mọi cách để lăng mạ và làm tổn hại danh dự của bạn như một trò tiêu khiển.

5. Đánh cắp dữ liệu

Tấn công bằng việc lấy cắp tài khoản mạng xã hội cũng là một hình thức bạo lực mạng ít được biết đến. Tin tặc có thể đột nhập vào tài khoản cá nhân và giả danh bạn, sau đó gửi những tin nhắn có nội dung không lành mạnh cho bạn bè của bạn, chia sẻ thông tin cá nhân và thậm chí phát tán hình ảnh của bạn trên các nền tảng mạng xã hội, gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. 

6. GIẢ DẠNG danh tính ĐỂ ĐÁNH CẮP THÔNG TIN

Những kẻ bắt nạt trên mạng đôi khi cũng giả danh một ai đó và đánh lừa bạn bằng cách trò chuyện và khai thác những thông tin cá nhân. Trong nhiều trường hợp, khi người dùng phát hiện ra sự thật thì đã quá muộn. Thông tin của bạn đã bị phát tán khắp nơi và bất kỳ ai cũng có thể lợi dụng những thông tin này để thực hiện những hành vi sai trái. 


Xem thêm

7 lời khuyên để duy trì tình bạn bền lâu khi đã trưởng thành

16 dấu hiệu cho thấy bạn đang làm mọi thứ tốt hơn bạn nghĩ

9 cách để phát triển bản thân lành mạnh và hạnh phúc hơn


CÁCH Bảo vệ bản thân khỏi bạo lực mạng

cô gái bảo vệ bản thân khỏi bạo lực mạng

Ảnh: Unsplash/Bailey Burton

Có một số cách để bảo vệ bản thân khỏi bạo lực mạng. Bạn nên tạo mật khẩu có độ bảo mật cao cho tất cả các tài khoản mạng xã hội và nhớ thay đổi các mật khẩu này ít nhất sáu tháng một lần.

Nếu nạn bắt nạt xảy ra trên các diễn đàn hoặc các nền tảng trò chơi trực tuyến, hãy tránh xa những môi trường độc hại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Đối với các bậc cha mẹ có con bị bắt nạt trên mạng, việc theo dõi thời gian con sử dụng mạng và những trang con truy cập cũng là một cách hữu ích để hạn chế nạn đe dọa trực tuyến.

Bạn nên tạo niềm tin để khuyến khích người thân, trẻ em cũng như thanh thiếu niên chia sẻ về các trường hợp bạo lực mạng mà họ chứng kiến hay gặp phải. Bạn cũng có thể báo cáo các trường hợp bắt nạt trên mạng cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ ngăn chặn và phòng tránh. 

Đe dọa trực tuyến phổ biến nhất trong các môi trường sau:

  • Mạng xã hội 
  • Tin nhắn 
  • Email
  • Các nền tảng game trực tuyến 
  • Các phòng chat và diễn đàn 

Thống kê cho thấy hơn 40% trẻ em từng bị bắt nạt trên mạng, 21% trong số đó từng nhận được email đe dọa. Trên hết, ít nhất 75% trẻ em đã truy cập các trang web với ý định bắt nạt những đứa trẻ khác và hơn 50% đã tham gia thực hiện các hành vi bắt nạt người khác trong các phòng chat. Đây thật sự là những con số đáng lo ngại về mức độ nguy hiểm của đe dọa trực tuyến đến con người, đặc biệt là trẻ em.

Đe dọa trực tuyến có thể gây ra thiệt hại khôn lường nhưng lại không thường được chú ý tới. Không chỉ trẻ em và thanh thiếu niên, bắt nạt trên mạng cũng ảnh hưởng đến người trưởng thành theo cách tương tự. 

Hãy chú ý những dấu hiệu sau nếu bạn nghi ngờ người thân của mình đang bị bắt nạt:

  • Hạn chế giao tiếp
  • Giảm sử dụng các thiết bị điện tử
  • Rút khỏi mạng xã hội
  • Thay đổi cảm xúc đáng kể 
  • Lo lắng hoặc trầm cảm
  • Thay đổi giấc ngủ hoặc chế độ ăn uống

Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi vấn nạn này trong tương lai?

cô gái suy nghĩ về việc thay đổi vấn nạn bạo lực mạng

Ảnh: Pexels/Alina Levkovich

Đôi khi, rất khó có thể nhận ra ai đó đang bị đe dọa trên mạng xã hội. Tuy nhiên, với những mẹo này, bạn có thể lường trước hậu quả của đe dọa trực tuyến để có sự đề phòng thích hợp, ngăn ngừa thiệt hại trong tương lai hoặc sẵn sàng để giải quyết bất kỳ rủi ro nào.

Khi đe doạ trực tuyến xảy ra với bạn hoặc với những người bạn yêu thương, đừng hoảng sợ. Hãy bình tĩnh để có cách ứng xử phù hợp và báo cáo trường hợp bạn gặp phải cho cơ quan chức năng ngay khi nó xảy ra.

Không ai xứng đáng trở thành nạn nhân của đe dọa trực tuyến, vấn nạn này phải được chấm dứt ngay hôm nay.

Nhóm thực hiện

Bài: Vy Dương Thảo

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

Tham khảo: Learning Mind 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more