Bí quyết đối phó với những dạng đồng nghiệp “khó ở”

Đăng ngày:

Chúng ta không thể lựa chọn đồng nghiệp hay vị trí công việc nhưng có thể giảm những tác động tiêu cực của họ bằng một số bí quyết sau đây.

Nếu làm việc trong môi trường đòi hỏi giao tiếp thường xuyên như môi trường công sở, thời gian bạn dành cho đồng nghiệp đôi khi còn nhiều hơn cả thời gian dành cho gia đình hay bạn bè. Bên cạnh những mối quan hệ mới được phát triển sâu sắc hơn, vẫn có một số “kiểu” đồng nghiệp khiến bạn mệt mỏi tinh thần và chán nản khi phải làm việc cùng. 

1. Nàng lắm chuyện

Đây là những người thích lan truyền tin đồn khắp nơi và thường bàn tán sau lưng các đồng nghiệp khác. Họ có thể nhào nặn, phóng đại sự thật và “mua vui” bằng những sự việc diễn ra trong văn phòng. Họ cố gắng để hành xử như thể người ngoài cuộc và hướng sự tập trung của mọi người vào đối tượng khác thay vì những sai lầm của họ.

Để đối phó với dạng người này, trước hết, bạn phải hiểu rằng, nói chuyện một cách hợp lý và có hệ thống với họ là điều không thể. Và hẳn nhiên, bạn cũng không thể thay đổi tính cách hay hành vi của họ. Cách tốt nhất để giao tiếp với những người lắm chuyện là thể hiện rõ quan điểm rằng bạn chỉ đang tập trung vào công việc và không muốn tham gia vào những cuộc “buôn chuyện” của họ. Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng và hành xử khéo léo. Khi làm những người này phật ý, bạn có thể trở thành nạn nhân từ những câu chuyện thổi phồng của họ.

2. Người luôn đổ lỗi

đồng nghiệp hay đổ lỗi

Ảnh: Campus reform

Trong công sở sẽ có những dạng người thay đổi trách nhiệm xoành xoạch và đổ lỗi cho người khác khi công việc không thể hoàn thành. Họ sẽ không bao giờ chấp nhận sai lầm của mình và có khả năng thuyết phục người khác rằng họ đúng một cách dễ dàng, dù sự thật không phải vậy.

Trong trường hợp này, bạn nên là người chủ động nhận lỗi nếu việc có liên quan đến mình thay vì dính vào trò chơi đổ lỗi của họ. Hành động này sẽ cho thấy bạn là người trưởng thành và có khả năng chịu trách nhiệm. Tự phát triển bản thân chính là điểm mấu chốt với những tình huống này. Bạn hãy chú tâm vào những sự thật có thể xác minh và làm rõ các vấn đề để không vướng vào trò kéo đẩy của họ. Một cái đầu lạnh là điều cần thiết lúc này để bảo vệ bạn khỏi những lý luận sai trái.

3. Người thích kịch tính hóa

Những nữ hoàng/ ông vua “drama” luôn có xu hướng thể hiện cảm xúc và phản ứng thái quá. Họ thường tìm kiếm sự chú ý và phản ứng mạnh mẽ khi thể hiện cảm xúc. Hoặc là họ có liên quan đến những bệnh về rối loạn nhân cách hoặc ít nhất đang hành xử như thế. Họ có thể phát triển các mối quan hệ nhanh chóng nhưng một cách hời hợt chỉ để đáp ứng nhu cầu tình cảm của mình. 

Tuy nhiên, họ cũng có thể rất thu hút, vui vẻ, giàu năng lượng và mang tính giải trí cao. Nên hãy chắc rằng bạn có thể nhận dạng và giữ khoảng cách với họ. Những người này thường khó tin cậy bởi xu hướng dễ dàng buông xuôi tùy vào tâm trạng. Bạn hãy cố gắng đừng chỉ trích gay gắt mỗi khi họ gặp lỗi lầm dù là to lớn nhường nào. Thay vào đó, hãy khen ngợi những đóng góp và khía cạnh tích cực của họ.

Nếu cần thiết, bạn có thể chân thành nói với họ về việc phản ứng và hành vi thái quá của họ đã ảnh hưởng thế nào đến công việc chung. Bên cạnh đó, bạn cũng nên duy trì sự bình tĩnh mỗi khi những cá nhân này “đóng kịch”. Hãy tập trung vào chính mình và tảng lờ họ nếu có thể. Khi không nhận được sự phản hồi, họ có thể sẽ giảm bớt sự kịch tính trong hành động.

4. Kẻ thích kiểm soát

đồng nghiệp thích kiểm soát

Ảnh: Unsplash

Kẻ thích kiểm soát là một trong những dạng nhân cách nguy hiểm nhất ở đồng nghiệp. Họ cho mình quyền được đánh giá, phán xét tất cả mọi người, đặc biệt là những ai làm việc theo một cách riêng. Họ có thể sở hữu những biểu hiện của người OCD (rối loạn ám ảnh cưỡng chế) khi làm việc.

Họ có mong muốn mạnh mẽ được kiểm soát mọi thứ đang diễn ra quanh môi trường làm việc. Do đó, họ thường lấn ranh và can thiệp vào công việc của người khác. Việc họ cầu toàn đôi lúc có thể tốt với tổ chức nhưng lại khiến những người cùng làm việc cảm thấy khó chịu và gò ép khi bị quản thúc quá mức.

Bạn có thể khen ngợi vì họ đã chú ý đến chi tiết và có những đóng góp cho tổ chức. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa ngợi khen và tâng bốc, tránh khiến cho họ tự mãn. Đôi lúc, việc nói cho họ biết mình đang vượt quyền và kiểm soát quá đáng mọi thứ cũng sẽ giúp họ kiềm chế bản thân và nhận ra giới hạn trong công việc.

5. Người phàn nàn

đồng nhgiệp hay phàn nàn

Ảnh: The Independent

Họ là những người thích đóng vai nạn nhân trong mọi tình huống và phàn nàn về mọi thứ. Họ thường cố thuyết phục tổ chức rằng cách quản lý đang thiếu công bằng thế nào và chỉ tập trung kể lể về những phần còn thiếu sót. Tính cách tiêu cực ấy có thể truyền nhiễm và ảnh hưởng chung đến môi trường làm việc.

Bạn hãy kiên nhẫn khi giao tiếp cùng những dạng người này. Họ là những người thực sự cho rằng bản thân là nạn nhân và loại thái độ ấy đã trở thành thói quen một cách vô thức.

Khi họ nói về lỗi lầm của tổ chức, bạn hãy lắng nghe và sau đó chỉ ra những điểm tích cực khác mà người kia bỏ sót. Lúc họ bắt đầu phàn nàn, hãy kiên nhẫn thấu hiểu và phản biện với lập luận chắc chắn sau đó.

Nếu được, bạn có thể đồng cảm cùng họ nhưng cũng đừng dễ sa ngã vào những ngụy biện của “nạn nhân”. Hãy tạo ranh giới khi bạn trò chuyện cùng họ và tạo tâm thế sẵn sàng bảo vệ chính mình khi cần.

6. Người hoang tưởng

Họ thường là những người nghi ngờ quản lý hoặc đồng nghiệp khi có vấn đề phát sinh. Ngay cả khi không thật sự mắc bệnh, họ cũng có thể cho thấy những biểu hiện của người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng. Họ không tin tưởng một ai trong văn phòng và tự tạo nên thuyết âm mưu kỳ quặc nhất có thể nghĩ đến. Những hành vi của họ có thể tác động xấu đến công ty và hiệu suất công việc của bạn.

Hãy cẩn trọng khi nói với họ những điều về bạn, sếp hay tổ chức. Vì biết đâu đấy, những lời nói vô hại của bạn có thể là tiền đề cho những thuyết âm mưu đáng sợ của họ.

Bạn có thể trò chuyện và phân tích cho họ thấy vì sao những điều lo lắng của họ không có cơ sở và sẽ không thể xảy ra. Và hãy vững vàng để không bị cuốn vào những lý thuyết ảo tưởng của họ.

7. Kẻ tự luyến

các dạng đồng nghiệp nơi công sở

Ảnh: Unsplash

Họ là những người tự cao tự đại và chủ yếu làm quản lý hoặc giám sát hoặc thậm chí là sếp của bạn. Họ thường cho thấy những dấu hiệu kinh điển của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ – nhân cách yêu mình thái quá. Họ thiếu sự đồng cảm với đồng nghiệp, mong muốn được ngưỡng mộ, khen ngợi thường xuyên. Họ khó gần, kiêu ngạo và không thích hầu hết mọi người trong văn phòng.

Nếu bạn phải chỉ trích hành động của họ hoặc chống lại hành vi của họ, hãy đảm bảo bắt đầu bằng cách đưa ra phản hồi tích cực trước và sau đó nhẹ nhàng chuyển sang phê bình. Hãy cẩn trọng bảo vệ bản thân khỏi những tình huống có thể gây hại cho công việc của bạn.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Diễm Ái

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: The Minds Journal

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more