Làm thế nào để quên đi một mối quan hệ đầy tổn thương và bước tiếp

Đăng ngày:

Hầu hết chúng ta đều sẽ trải qua một giai đoạn khó khăn sau chia tay, nhất là khi bạn đã dành trọn tâm ý, sức lực cho mối tình trước đây. Tuy nhiên, bạn cần học cách chấp nhận thực tế rằng mối tình này đã kết thúc, đồng thời không nên để cuộc chia tay cản trở những kế hoạch của bạn trong tương lai.

Dưới đây là những lời khuyên có thể giúp bạn bắt đầu quá trình tự phục hồi và bước tiếp sau khi kết thúc một mối quan hệ.

Thừa nhận thực tế

cô gái thừa nhận thực tế sau mối quan hệ đầy tổn thương

Ảnh: Pexels/Daniel Kondrashin

Nếu bạn cố gắng tỏ ra lạc quan trong một mối quan hệ gặp nhiều khó khăn, nó không hẳn là một điều xấu, thậm chí có thể tiếp thêm sức mạnh vượt qua những tình huống không mong muốn này. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ đã không còn có thể cứu vãn, bạn cần nhìn thẳng vào thực tế thay vì cố gắng nghĩ theo hướng tích cực, chẳng hạn như nhớ về những lời hứa, tương lai mà cả hai đã từng mơ ước. 

Bạn cần hiểu rằng, tình yêu không thể vun vén từ một phía, người bạn yêu có thể không cảm thấy nuối tiếc giống như bạn. Có thể họ đã không còn yêu bạn, hoặc vì cả hai có quá nhiều mâu thuẫn, những cuộc tranh cãi chiếm hết những giây phút ở cạnh nhau. Do đó, bạn cần can đảm thừa nhận những gì đang xảy ra để có thể đưa ra sự lựa chọn tích cực và phù hợp với bản thân. 

Xác định những điều bạn mong muốn trong mối quan hệ

Việc xác định cẩn thận những gì mà bạn mong muốn cũng như điều bạn không thích trong một mối quan hệ sẽ giúp bạn hiểu được đối phương hiện tại có thật sự là người phù hợp với bạn hay không.

Giả sử bạn là một người coi trọng việc giao tiếp ở một mối quan hệ, còn người ấy lại là người rất ít khi bày tỏ tình cảm và thường xuyên mất kết nối với bạn. Như vậy, vấn đề này sẽ tồn đọng trong lòng bạn trong một thời gian dài cho đến khi có những tranh cãi nổ ra. Khi bạn nhận ra người bạn yêu không đáp ứng được những điều bản thân mong muốn, bạn sẽ dễ dàng bị cảm xúc chi phối hơn và dễ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. 

Học cách chấp nhận những giá trị mà tình yêu mang lại cho bạn

cô gái học cách yêu bản thân sau mối quan hệ tan vỡ

Ảnh: Unsplash/Eugenivy Now

Xuyên suốt quá trình trưởng thành, mỗi người sẽ trải qua một số mối quan hệ đặc biệt đến mức hình thành nên những tính cách mới và lĩnh hội được nhiều bài học vô giá, dù mối quan hệ đó có kéo dài được hay không.

Như vậy, việc một mối quan hệ tình cảm đã kết thúc không đồng nghĩa với việc bạn đã bỏ lỡ, mất mát nhiều thứ. Từ bỏ một tình yêu cũng là cơ hội để bạn có thể nhìn nhận lại tất cả những gì tốt đẹp bạn đã trải qua, cũng như học được nhiều điều từ các trải nghiệm trong mối quan hệ này. 

Chấp nhận những cảm xúc chân thành mà tình yêu đã mang lại sẽ giúp bạn cảm thấy bình yên và tự tin tiến về phía trước. Hơn nữa, thừa nhận tầm quan trọng của tình yêu còn giúp bạn nhận thấy mối quan hệ nguội lạnh hiện tại hoàn toàn không dành cho bạn.


Xem thêm

• 5 dấu hiệu cho thấy bạn đang dần quên được người yêu cũ 

• Vì sao những khoảnh khắc im lặng là điều cần thiết trong tình yêu?

• 5 điều bạn nên làm cùng người yêu vào mùa Đông


Hướng về tương lai

Cảm xúc cũ hoặc những kỷ niệm đẹp thường là thứ giữ chân bạn, khiến bạn khó bước tiếp khi vừa kết thúc một mối quan hệ. Tuy nhiên, nếu bạn để bản thân mãi mắc kẹt với mối quan hệ cũ, bạn có thể sẽ gặp khó khăn để trở nên hạnh phúc với bất kỳ ai khác trong tương lai. 

Bí quyết để thoát khỏi tình trạng này đó là hãy nghĩ về tương lai của bản thân nhiều hơn. Ngay cả khi bạn chưa sẵn sàng cho một cuộc tình mới, bạn cũng nên nhận ra rằng còn rất nhiều người tuyệt vời ngoài kia, những người có thể giúp bạn cảm thấy tích cực và hạnh phúc hơn, thay vì người đã làm tổn thương bạn trong quá khứ. 

Bạn không nên lo lắng khi chưa tìm thấy một nửa kia phù hợp. Có thể bạn vẫn cần thời gian để hồi phục và tận hưởng cuộc sống độc thân một cách lành mạnh. Chúng ta thường có xu hướng bị thu hút bởi những người có cùng tần số rung động, vậy nên hãy trở thành một phiên bản tốt nhất có thể để dễ dàng tìm thấy “destiny” của đời mình, bạn nhé!

Ưu tiên phát triển các mối quan hệ khác

hai cô gái dành thời gian cho bạn bè

Ảnh: Unsplash/Stow Kelly

Trong quá trình hồi phục sau chia tay, nhiều người thường gặm nhấm nỗi đau một mình và “bỏ quên” những mối quan hệ quan trọng khác trong cuộc sống của họ. Có nhiều lý giải cho điều này, chẳng hạn như bạn sợ họ cảm thấy phiền, hoặc vì trước đây bạn đã mải mê theo đuổi mối quan hệ tình yêu và bỏ bê các mối quan hệ khác… 

Tuy nhiên, bạn bè và gia đình là những nhóm người rất quan trọng để bạn có thể nhanh chóng vượt qua những đau khổ từ cuộc tình cũ. Điều bạn cần làm lúc này là hãy tìm những người đáng tin cậy để có thể nhận được sự giúp đỡ, những lời khuyên hữu ích từ họ. 

Song song đó, nếu bạn cảm thấy ai đó đang đánh giá hoặc phán xét sự lựa chọn của bạn, hoặc khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn, hãy khôn khéo từ chối tiếp nhận những thông điệp này và hạn chế dành thời gian cho họ. 

Dành thời gian cho bản thân

CÔ GÁI DÀNH THỜI GIAN NHIỀU HƠN CHO BẢN THÂN

Ảnh: Unsplash/Paige Cody

Khi bạn hoàn toàn chìm đắm vào tình yêu, bạn thường trải qua những thay đổi nhỏ, thậm chí rõ rệt về mặt ngoại hình hoặc tính cách của mình để hòa hợp với mối quan hệ. 

Do đó, sau khi kết thúc mối quan hệ tình cảm, hãy tự đánh giá đâu là những thay đổi tiêu cực và cải thiện nó. Lý do rất nhiều người trở nên xinh đẹp và tích cực hơn sau chia tay chính là họ đã học cách chăm sóc bản thân nhiều hơn, bằng cách thay đổi cách ăn mặc, giảm cân, đầu tư vào những sở thích cá nhân… Đầu tư cho bản thân chưa bao giờ là phung phí. Biến nỗi đau thành động lực để trở nên tốt hơn là những gì bạn cần làm sau chia tay.

Cho bản thân không gian riêng

Thoạt nghe điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng lại là một bước rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Thế nhưng, có rất nhiều người đặt câu hỏi rằng: họ có nên làm bạn với người yêu cũ hay không? 

Câu trả lời tùy thuộc vào hoàn cảnh và sự lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, khi bạn vẫn còn cảm thấy tổn thương vì những gì đã xảy ra, bạn nên cho mình một không gian riêng và tránh liên lạc với họ để không bị khơi gợi bởi những cảm xúc tiêu cực. 

Tiếp tục duy trì tình bạn với đối phương không phải là một ý tồi nếu mối quan hệ này lành mạnh, tuy nhiên hãy cân nhắc chờ đợi cho đến lúc bạn nhận ra bản thân không còn cảm xúc yêu đương với họ, nếu không, bạn có thể sẽ tự gây ra cho mình những vết thương lòng không đáng có.


Xem thêm

• 10 dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong mối quan hệ lành mạnh

• 8 dấu hiệu “cờ xanh” chứng minh anh ấy có hình mẫu của một người cha

• 7 đặc điểm chung các cặp đôi nên có để duy trì mối quan hệ bền vững


Chấp nhận bạn cần thời gian để hồi phục

cô gái đằng sau đóa hoa

Ảnh: Unsplash/Salohiddin Kamolov

Chúng ta không thể ngừng yêu ai đó đột ngột trong một giờ, một ngày hay một tuần. Việc từ bỏ cảm giác yêu thương và người chúng ta từng rất trân trọng thật sự rất khó khăn và cần rất nhiều thời gian. Vì vậy, bạn không cần thúc ép bản thân phải làm những điều bạn biết rằng mình không thể. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này:

  • Hãy kiên nhẫn với chính mình.
  • Rèn luyện lòng trắc ẩn bằng cách tự nói với bản thân những điều bạn có thể chia sẻ với một người bạn cùng cảnh ngộ.
  • Chấp nhận rằng việc bị tổn thương là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
  • Nhắc nhở bản thân rằng nỗi đau sẽ không kéo dài mãi mãi.

Yêu một người không phù hợp với bạn không khiến bạn trở nên ngu ngốc hay thiếu sót, ngược lại, bạn rất tuyệt vời khi nhìn thấy những ưu điểm của người đó và đã từng có niềm tin họ sẽ thay đổi vì bạn. Nhưng niềm tin này không nên kéo dài quá lâu khi không có gì biến chuyển, bạn không thể cưỡng ép một người không thuộc về mình phải thay đổi bản tính của họ. Do vậy, bạn cần rời đi khi nhận thức được điều đó, trước khi bạn bị tổn thương quá nhiều từ mối quan hệ này.

Nói chuyện với một nhà trị liệu

Nếu những cách trên không thể nào làm nguôi lòng hay xoa dịu cảm xúc của bạn, hoặc bạn cảm thấy mình đang mắc phải những vấn đề tâm lý không thể tự chữa lành như có ý định tự sát, rơi vào trạng thái tuyệt vọng, lo âu kéo dài… Điều bạn cần làm nhất lúc này là tìm kiếm một nhà trị liệu phù hợp với bản thân.

Trị liệu cung cấp một không gian an toàn, không phán xét để bạn có thể tự do bày tỏ cảm xúc và tìm kiếm những liệu pháp giải quyết những điều bạn đang băn khoăn một cách hiệu quả. Một nhà trị liệu cũng có thể dạy bạn các kỹ năng để kiểm soát những cảm giác này đến lúc tần suất xuất hiện chúng giảm bớt.

Nhóm thực hiện

Bài: Như Quỳnh

Tham khảo: Healthline

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more