13 cách giúp bạn thoát khỏi cảm giác lười biếng

Đăng ngày:

Lười biếng là một trong những bản năng tự nhiên của con người và hầu hết chúng ta đều trải qua cảm giác đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể thoát khỏi trạng thái này và làm việc có hiệu quả hơn trong cuộc sống.

Lười biếng là trạng thái chán nản, diễn ra khi chúng ta không muốn bỏ ra quá nhiều công sức vào việc gì đó cũng như lười vận động và suy nghĩ. Đặc biệt trong một vài trường hợp cụ thể, lười biếng không chỉ là cảm giác mà còn là nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Để khắc phục thói quen lười biếng, bạn có thể tìm hiểu 13 cách hữu ích dưới đây.

lười biếng cô gái dùng máy tính trên giường

Ảnh: Pexels

1. HỌC CÁCH CHẤP NHẬN sự lười biếng

Đầu tiên, để có thể giảm thiểu cảm xúc tiêu cực và sự căng thẳng trong quá trình loại bỏ tính lười biếng, bạn phải học được cách… sống chung và chấp nhận nó. Điều này sẽ giúp bạn không bị áp lực và rơi vào trạng thái tồi tệ khi lúc nào cũng thôi thúc bản thân phải nhanh chóng thay đổi thói quen xấu đó. Bạn nên hiểu rằng lười biếng vốn là bản năng của chúng ta. Do đó, tùy vào từng trường hợp mà con người sẽ học cách thích nghi và thay đổi bản năng này của mình.

2. Hiểu được nguyên nhân của sự lười biếng

Tiếp theo, hãy dành thời gian để tìm hiểu gốc rễ của sự lười biếng. Đây là một trong những thử thách khó khăn và quan trọng nhất mà bạn cần phải vượt qua. Nếu bạn có thể khám phá ra điều gì khiến bạn trở nên thiếu động lực và lười nhác, bạn có thể ngăn ngừa và giảm thiểu ảnh hưởng của nó. Đặc biệt, khi lười biếng được hình thành từ thói quen, bạn nên tìm cách thay đổi điều đó. Chẳng hạn, bạn có thường xuyên cảm thấy lười biếng vào một khoảng thời gian cố định trong ngày? Cảm giác này sẽ xuất hiện khi bạn phải làm những công việc nhàm chán?

thời gian lười biếng trong ngày

Ảnh: Unsplash

Ngoài ra, bạn nên biết rằng, căng thẳng cũng chính là lý do dẫn đến lười nhác. Những người có mức độ căng thẳng cao sẽ có hiệu quả công việc thấp hơn người có mức độ căng thẳng thấp. Hãy để ý đến môi trường, mọi người xung quanh, khoảng thời gian trong ngày cũng như kiểu công việc bạn đang làm. Sau đó, bạn có thể thay đổi môi trường, thời gian làm việc hoặc cả trang phục hàng ngày. Bất kỳ thứ gì có ảnh hưởng tích cực đều đáng để bạn xem xét và thực hành. 

3. Đặt mục tiêu hợp lý

Thỉnh thoảng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mọi người đặt mục tiêu quá cao. Lấy ví dụ, trong một ngày nắng nóng, bạn quyết tâm phải chạy được 8km – mục tiêu quá cao so với thể trạng hiện tại của bạn. Theo lẽ tự nhiên, bạn sẽ cảm thấy sợ hãi với kế hoạch được đặt ra và tìm cách trì hoãn nó. Nhưng nếu bạn chỉ chọn chạy từ 2km đến 3km, bạn sẽ cảm thấy có động lực để bắt đầu. Rõ ràng, 2km vẫn tốt hơn là 0km. Hãy thiết lập các mục tiêu thích hợp với bản thân, và cũng không cần phải e ngại khi phải hạ thấp nó nếu bạn cảm thấy mất động lực.

lười biếng đặt mục tiêu hợp lý

Ảnh: Unsplash

4. Hoàn thành từng thứ một

Cảm giác thỏa mãn từ việc hoàn thành kế hoạch sẽ mang lại động lực và nguồn năng lực tích cực cho bạn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tối ưu hóa lượng công việc hoặc thời gian làm việc trong ngày. Hãy bắt đầu từng bước, từng nhiệm vụ nhỏ nhất vào đầu ngày. Sau đó nắm bắt cảm giác chiến thắng này và tiếp tục thực hiện các kế hoạch tiếp theo. Nếu bạn cảm thấy chán nản vào giữa ngày, bạn có thể làm điều gì đó khiến bạn cảm thấy vui vẻ, cho dù điều đó không liên quan gì đến kế hoạch của bạn.

lười biếng hoàn thành mục tiêu

Ảnh: Unsplash

5.  Sử dụng kỹ thuật Pomodoro

Kỹ thuật Pomodoro là phương pháp quản lý thời gian phổ biến giúp mọi người làm việc năng suất hơn. Ý tưởng chính của kỹ thuật này là nghỉ ngơi đúng cách sau một thời gian tập trung vào công việc. Thông thường, bạn sẽ làm việc trong 20 phút, rồi nghỉ ngơi từ 3 đến 5 phút. Sau 4 lần như vậy thì thời gian nghỉ sẽ là 15 đến 20 phút. Tuy nhiên, có rất nhiều phương pháp khác như ma trận Eisenhover, đặt thời gian định kỳ.. mà bạn có thể tham khảo và thực hiện để cải thiện năng suất làm việc. Đương nhiên, dù là bất kỳ phương pháp nào thì trong thời gian nghỉ ngơi, bạn phải thư giãn hoàn toàn. 

6. Loại bỏ “lối tắt”

Hầu hết các hình thức của lười biếng được tạo nên bởi “lối tắt” – điều khiến bạn dễ mất tập trung. Bạn sẽ dễ cảm thấy lười biếng khi xung quanh đều là sự xao nhãng như trò chơi, mạng xã hội, lễ hội, chương trình giải trí… Nếu nhận thức được những “lối tắt” này, bạn sẽ biết cần phải làm gì để loại bỏ chúng. Chẳng hạn, khi đang làm việc, bạn có thể tắt thông báo điện thoại, tắt tivi hoặc tìm một nơi yên tĩnh khác.

lười biếng trò chơi xao nhãng

Ảnh: Unsplash

7. Tận dụng tối đa sự lười biếng của bạn

Thỉnh thoảng, lười biếng không hẳn là điều xấu xa. Khi bạn quyết định cho bản thân được nghỉ ngơi và giải tỏa căng thẳng, hãy tận dụng lợi ích của việc lười biếng. Bạn có thể đi du lịch vài ngày, thoát khỏi trách nhiệm một thời gian. Việc thư giãn đúng cách sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng và động lực để quay trở lại công việc. 

Bên cạnh đó, dù tin hay không, trở nên lười biếng có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Bởi vì trạng thái này giúp bạn tìm ra giải pháp ít tốn kém thời gian và công sức nhất nhưng vẫn có thể giải quyết triệt để vấn đề. Hiệu quả không phải là việc bạn nỗ lực như thế nào mà là bạn có thể hoàn thành bao nhiêu công việc. Lười biếng giúp bạn phát triển tư duy hoặc đưa ra phương pháp hoàn thành các nhiệm vụ nhanh nhất với nỗ lực thấp nhất.

lười biếng làm việc thông minh

Ảnh: Unsplash

8. Bớt cầu toàn hơn

Cầu toàn chính là kẻ thù của năng suất, bởi vì nó có thể khiến bạn cảm thấy mất động lực và lười biếng hơn. Những người theo chủ nghĩa cầu toàn, thường cảm thấy lo lắng, bất an và thường xuyên hành hạ bản thân mình vì cảm giác không hoàn thành được công việc như mong muốn. 

Họ bị ám ảnh bởi mức độ hoàn thành một nhiệm vụ và chuẩn mực bản thân đề ra. Do đó, những suy nghĩ tiêu cực và tiếng nói chỉ trích sẽ vang vọng trong bản thân họ mỗi giây. Điều này tước đi niềm hạnh phúc khi làm việc và khiến những người cầu toàn dễ dàng từ bỏ công việc. Ngược lại, những người không cầu toàn sẽ cân nhắc được khả năng của mình và biết phân bổ công việc sao cho hiệu quả thay vì lãng phí thời gian vào những chi tiết nhỏ nhặt nhất.

cầu toàn khiến bạn lười biếng

Ảnh: Medium

9. Tự thưởng cho bạn thân

Hầu hết chúng ta đều cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi nhận được phần thưởng sau thời gian làm việc vất vả. Lần tới, nếu bạn cảm thấy lười nhác và không muốn bắt đầu khi phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, hãy lên kế hoạch tự thưởng cho bản thân sau mỗi lần hoàn thành mục tiêu. Một gói bánh, một món đồ hoặc một chuyến dã ngoại đều là những phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực bạn bỏ ra.

cô gái uống cà phê lười biếng

Ảnh: Pexels

10. Tìm kiếm bạn đồng hành

Quá trình tìm kiếm động lực sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có bạn đồng hành. Họ không chỉ hỗ trợ bạn giải quyết công việc mà còn đem đến cho bạn nguồn năng lượng tích cực và những lời khuyến khích đầy cảm hứng. Tùy thuộc vào tính chất công việc mà bạn có thể chọn người bạn phù hợp với mình. Nhưng nếu bạn không thể tìm được ai đó thích hợp, hãy nhờ sự trợ giúp từ bạn bè hoặc gia đình.

11. Kết bạn với những người giàu động lực

Không thể phủ nhận rằng năng lượng cũng như thái độ có thể dễ dàng lan truyền từ người này sang người khác. Nếu vòng bạn bè của bạn đều là những người lười nhác và thường xuyên than phiền thì bạn rất dễ cảm thấy bi quan và chán nản giống họ. Ngược lại, nếu bạn kết bạn bởi những người giàu động lực, lạc quan và vui vẻ, bạn sẽ cảm thấy được truyền năng lượng và hạnh phúc hơn. Đặc biệt, trong công việc, làm việc với một nhóm người tích cực, bạn vừa được học hỏi ở họ vừa có thể nâng cao năng suất của nhóm và bản thân.

lười biếng hội bạn bè

Ảnh: Unsplash

12. Nhận thức hiện tại

Hầu hết mọi người đều rơi vào trạng thái lười biếng một cách vô thức. Bạn có thể ngồi lướt Facebook hàng giờ mà không nhận ra rằng mình đang bị xao nhãng, hoặc bạn có thể ngồi nhìn vô định nhìn vào không trung khi đang làm việc. Bạn có thể thoát khỏi trạng thái này bằng cách thiết lập báo thức vào bất kỳ thời điểm nào. Và mỗi lần báo thức kêu, hãy dành ra một chút thời gian nghĩ về điều bạn đang làm hiện tại. Liệu nó có giúp bạn tăng năng suất?

13. Khiến các nhiệm vụ nhàm chán trở nên kích thích hơn

Để khiến nhân viên có cảm hứng và cam kết với công việc hơn, một số tổ chức đã cải tiến các quy trình làm việc thông thường, khiến chúng trở nên thú vị và giàu tính sáng tạo. Chẳng hạn, mỗi nhiệm vụ đặt ra sẽ đi kèm phần thưởng, nhiệm vụ càng khó thì phần thưởng càng cao. Hoặc, tăng tính cạnh tranh cũng là cách hiệu quả để khiến công việc trở nên kích thích hơn. Suy cho cùng, nếu bạn có thể tìm thấy được điều khiến bạn say mê ở công việc, không điều gì có thể khiến bạn mất đi động lực cũng như cảm thấy tẻ nhạt và lười biếng.

Nhóm thực hiện

Bài: Vi Tường

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Lifehack

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more