Hãy hỏi chính mình 4 điều sau trước khi quyết định khởi nghiệp
Một số người quyết định khởi nghiệp và đã thành công rực rỡ – những “tấm gương điển hình” bạn dễ dàng bắt gặp trên báo chí hàng ngày. Nhưng sự thật lại không hề dễ nghe: có rất nhiều, rất nhiều người thất bại. Theo lời khuyên của chuyên gia Scott Galloway (tác giả cuốn sách “The Four – Tứ đại quyền lực”), hãy hỏi chính mình 4 câu hỏi dưới đây trước khi “đánh liều” mạo hiểm tất cả và lao vào khởi nghiệp nhé.
Đặc điểm của các doanh nhân thành đạt vẫn không thay đổi nhiều trong thời đại kỹ thuật số: bạn cần nhiều nhân viên chế tạo hơn là người xây dựng thương hiệu, và điểm mấu chốt là phải có một chuyên gia công nghệ trong đội ngũ sáng lập của mình. Là một giáo sư, tôi nghiên cứu về các doanh nghiệp. Là một doanh nhân, tôi đã thành lập được một số công ty. Vì vậy, tôi rút ra được 4 câu hỏi thiết yếu mà bạn nên tự hỏi chính mình nếu đang nghiêm túc cân nhắc quyết định khởi nghiệp.
Câu hỏi 1: Bạn có thể ký trả tiền thay vì nhận tiền không?
Tôi quen những người có đủ mọi kỹ năng để xây dựng các doanh nghiệp tuyệt vời, nhưng họ sẽ không bao giờ làm thế. Tại sao? Bởi vì họ không bao giờ có thể đi làm – sau hàng tuần liền làm việc 80 tiếng/tuần – và đặt bút ký tấm séc trả tiền cho công ty của mình, thay vì nhận được một tấm séc tưởng thưởng cho những nỗ lực của họ.
Trừ phi bạn từng khởi nghiệp và đã dẫn dắt công ty đến ngưỡng cửa thành công, hoặc bạn biết mình có quyền truy cập vào vốn hạt giống (seed captial) của doanh nghiệp, bạn sẽ phải trả tiền cho công ty của mình để có quyền được làm việc điên cuồng cho đến khi có thể gọi vốn đầu tư. Và đa số các công ty khởi nghiệp không bao giờ kêu gọi đủ số vốn cần thiết. Hầu hết mọi người không thể chấp nhận nổi ý tưởng làm việc mà không được trả tiền – và 99% sẽ không bao giờ mạo hiểm số vốn tự có của mình chỉ để nhận mỗi… niềm vui khi làm việc.
Câu hỏi 2: Bạn có thoải mái với việc thất bại công khai không?
Hầu hết những thất bại đều riêng tư: bạn quyết định rằng mình không hợp với trường luật (vì bạn đã trượt kỳ thi đại học), bạn quyết định dành nhiều thời gian hơn cho con cái mình (vì bạn vừa bị đuổi việc), hoặc bạn quyết định sẽ thực hiện các “dự án” (vì bạn không tìm được việc làm).
Tuy nhiên, không có cách nào che giấu được thất bại của một doanh nghiệp. Đây là mình cơ mà, và nếu mình giỏi giang đến thế, mình phải khởi nghiệp thành công chứ, đúng không? Sai lầm. Và khi bạn không thành công, bạn sẽ thấy mình như trở lại thời tiểu học, với cả thị trường là lũ trẻ 6 tuổi đang cười hả hê vào mặt bạn vì bạn mới tè dầm ra quần, nhân gấp 100 lần.
Câu 3: Bạn có thích bán hàng không?
“Doanh nhân” đồng nghĩa với “người bán hàng”. “Bán” việc gia nhập công ty của bạn, “bán” việc ở lại với công ty của bạn, “bán” cho nhà đầu tư, “bán” cho khách hàng. Việc bạn điều hành một cửa hàng ở góc phố hay trên Pinterest không quan trọng. Dù thế nào, tốt nhất bạn phải vô cùng giỏi bán hàng nếu có dự định khởi nghiệp.
Bán hàng là gọi điện cho những người không hề muốn nghe gì từ bạn, giả vờ thích họ, bị đối xử tệ hại, và sau đó gọi lại cho họ thêm lần nữa. Có khả năng tôi sẽ không bao giờ khởi nghiệp nữa vì cái tôi cá nhân đang trở nên quá lớn để bán hàng. Tôi có niềm tin sai lầm rằng với tập thể thiên tài ở doanh nghiệp hiện tại của mình (L2), sản phẩm sẽ tự động bán được. Thỉnh thoảng, chuyện đó cũng có xảy ra. Kinh doanh là công việc bán hàng với hoa hồng duy trì ở con số âm cho đến khi bạn kêu gọi được vốn, có lãi hoặc phá sản – cũng tùy mà cái nào sẽ đến trước.
Tin tốt lành là: Nếu bạn thích và giỏi bán hàng, bạn sẽ liên tục kiếm được nhiều tiền hơn – phụ thuộc vào chuyện bạn làm việc chăm chỉ đến mức nào, nhiều hơn bất cứ đồng nghiệp nào của mình và họ sẽ phải ghét bạn vì điều đó.
Câu 4: Bạn hăng hái chấp nhận rủi ro đến mức nào?
Thành công trong một doanh nghiệp lớn không phải chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi một bộ kỹ năng rất độc đáo. Bạn phải “chơi đẹp” với người khác, chịu đựng sự bất công và những thứ nhảm nhí có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Bạn cũng phải hiểu biết về chính trị để được các cổ đông quan trọng chú ý đến và “thu hoạch” sự tài trợ của cấp điều hành.
Tuy nhiên, nếu bạn giỏi làm việc trong một công ty lớn, dựa trên cơ sở cân đối rủi ro, có lẽ bạn nên tiếp tục làm công việc đó – và không cần vật lộn với những cá cược đầy rủi ro các công ty nhỏ phải đối mặt làm gì. Với riêng tôi, khởi nghiệp kinh doanh là một cơ chế sinh tồn, vì tôi không có kỹ năng để thành công tại những nền tảng tuyệt vời nhất dành cho thành công kinh tế: các công ty khổng lồ của nước Mỹ.
Chúng ta đang lãng mạn hóa khởi nghiệp với những câu chuyện dài bất tận được đăng tải rộng rãi về những tỷ phú bỏ học. Nhưng trước khi bạn quyết định bước chân vào cái chuồng đầy những con khỉ điên rồ đó, hãy tự hỏi bản thân và những người mình tin tưởng một số câu hỏi về tính cách và kỹ năng của bạn.
—
* Về tác giả:
Scott Galloway là tác giả cuốn sách The Four: The Hidden DNA of Amazon, Apple, Facebook, and Google (tựa xuất bản tại Việt Nam: The Four – Tứ đại quyền lực), nằm trong danh sách bán chạy nhất của báo New York Times. Ông đang là giảng viên trường kinh doanh Stern của Đại học New York.
Scott Galloway đã khởi nghiệp cả thảy 9 công ty trong sự nghiệp của mình, trong đó có L2 (đánh giá hiệu suất nền tảng số), RedEnvelope (thương mại điện tử) và Prophet (tư vấn marketing và thương hiệu).
Những lời khuyên trên về khởi nghiệp được ông nhắc đến trong cuốn sách The Algebra of Happiness: Notes on the Pursuit of Success, Love and Meaning (tựa Việt tạm dịch: Môn đại số của hạnh phúc: Lưu ý khi theo đuổi thành công, tình yêu và lẽ sống, xuất bản vào tháng 5/2019.
Bài: Scott Galloway | TED
Chuyển ngữ: Thùy Anh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE