Hội chứng “cháy sạch” và cách vượt qua sự kiệt sức trong sáng tạo

Đăng ngày:

Điều cuối cùng mà tôi nhận ra, sau 2 năm chống chọi với hội chứng kiệt sức trong sáng tạo mà dịch bệnh chính là “giọt nước tràn ly”, là tình yêu của tôi dành cho công việc sáng tạo vẫn và sẽ luôn ở đó” (Heejae Kim, Giám đốc nghệ thuật kiêm nhà thiết kế đến từ Los Angeles, Hoa Kỳ). 

Hội chứng kiệt sức (burnout) có lẽ không còn xa lạ với mỗi người sống trong thời đại mà mọi thứ phải chạy theo nhịp kim đồng hồ. Đối với những người làm trong lĩnh vực phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tạo ra ý tưởng mới, kiệt sức trong sáng tạo (creative burnout) là một mối lo lớn. Và rồi đại dịch COVID-19 ập đến. Mặc cho những cố gắng trong việc tái cấu trúc lại quy trình sáng tạo hay thích nghi với các phương tiện truyền thông mới nổi, đại dịch đã lấy đi niềm cảm hứng của những người làm trong lĩnh vực sáng tạo. Họ – những người thuộc về thế giới của những ý tưởng – đã “cháy sạch”. 

cô gái kiệt sức ngồi trên ghế

Ảnh: Pexels/Cottonbro

Với cuộc khảo sát mang tên The Balancing Act được thực hiện bởi It’s Nice That (website thuộc tập đoàn The Hudson Bec với sứ mệnh thúc đẩy sự sáng tạo), Heejae Kim có cơ hội chia sẻ câu chuyện đầy cảm động của anh về hành trình chống chọi với nỗi kiệt sức kéo dài 2 năm (kể từ năm 2020) trong chính lĩnh vực đam mê của mình.

Nếu bạn đang đọc bài viết này, ELLE hy vọng câu chuyện của Heejae Kim – bằng cách khám phá nguồn gốc của sự kiệt sức, vượt qua nó và tìm lại niềm vui sáng tạo như thuở ban đầu – sẽ phần nào giúp bạn tìm lại niềm hạnh phúc có thể đã mất hay đang dần mai một của mình. 

Niềm đam mê với sáng tạo – Khởi đầu  

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng được nuôi dạy bởi cha mẹ là người Hàn Quốc di cư. Nếu bạn hỏi bất cứ ai là thế hệ thứ hai của một gia đình di cư rằng họ cảm thấy thế nào khi sinh ra trong sự giao thoa của hai nền văn hóa, họ đều sẽ nói với bạn rằng họ không biết mình thuộc về nơi nào cả. Đó cũng là cảm giác mà tôi đã mang suốt cuộc đời, vừa thân thuộc vừa lạ lẫm. Giấc mơ Mỹ – giấc mơ lỗi thời cho rằng mọi người đều có cơ hội bình đẳng để đạt được thành công, chỉ cần họ nỗ lực làm việc chăm chỉ – dường như không đúng với một người đồng tính như tôi.

Những áp lực đó cùng với thành tích học tập sa sút của tôi, trong khi sự chăm chỉ và bảng điểm đẹp là điều căn bản mọi đứa trẻ trong gia đình Hàn Quốc truyền thống cần phải đáp ứng, khiến tôi cảm thấy khủng hoảng về bản sắc của mình. Tôi như người vô hình, một kẻ kỳ dị trong mắt xã hội. 

cô gái vẽ tranh kiệt sức

Ảnh: Pexels/Antoni Shkraba

Điều duy nhất tôi giỏi chính là sáng tạo. Sáng tạo là lối thoát mang lại cho tôi niềm tin và hy vọng. Nó khiến tôi nhận ra rằng tôi là người xuất sắc ở một thế giới nào đó, rằng tôi có thể cống hiến, và là thứ giúp tôi khẳng định mình. Phải, sự công nhận – cảm giác để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất. Được công nhận cũng tốt mà phải không? Giống như những niềm tin trong tôn giáo, sự công nhận mang tính phổ quát. Cơn bão dopamine mang theo cảm giác vui vẻ dập tắt sự phẫn nộ, cảm giác như nó có quyền chính đáng để phán xét cuộc sống. Cơn bão ấy đến bằng nhiều hình thù khi tiếp cận những lĩnh vực công việc khác nhau của chúng ta. Những bậc cha mẹ có lòng thấu hiểu sâu sắc? Tuyệt vời! Một bài thuyết trình diễn ra tốt hơn mong đợi? Quá tuyệt! Được sếp khen thưởng? Cảm giác như được chữa lành vậy! 

Nhưng cơn bão đẹp đẽ ấy, giống như bất kỳ giải pháp vội vàng hay ngắn hạn nào, sẽ dần nguôi đi”. 

Kiệt sức trong sáng tạo – Đi tìm nguyên nhân 

“Khi cơn bão mang đầy sự vui vẻ đó quét qua cuộc đời tôi, tình yêu đối với lĩnh vực sáng tạo cũng dần bị cuốn đi khi tôi trở thành một nhà thiết kế. Áp lực xã hội về sự thành công và cảm giác rằng tôi không đủ tốt, đủ giỏi ngày càng chiếm lấy tâm trí tôi. Tôi vỡ mộng khi thế giới từng mang đến cho tôi niềm an ủi giờ đây biến thành mảnh đất sinh sôi nảy nở cho những vết sẹo không thể chữa lành. Không có gì có thể sửa chữa được, dù là sự công nhận hay bụi mù của sự bận rộn. Mạng xã hội chỉ làm tình hình tệ hơn khi nó trông như một vòng xoáy vô hạn điên cuồng làm đảo lộn thế giới tưởng tượng của chúng ta. Nguồn cảm hứng cứu sống tôi, giờ đây, qua mạng xã hội, trông không khác gì một bức ảnh in 3D tạo ra nhiều hình thù hư ảo”.

Cuộc khảo sát The Balancing Act cũng cho thấy sự tương đồng lớn với câu chuyện của Heejae Kim. Khi độc giả được hỏi liệu sự nhiệt tình của họ có giảm đi kể từ khi thăng tiến trong sự nghiệp hay không, 43% đồng ý, trong khi 33% cho biết họ thấy bình thường và chỉ 24% nói rằng họ hăng hái làm việc hơn. 

cô gái kiệt sức nằm lên bàn

Ảnh: Pexels/Cottonbro

“Nhìn lại những công việc mà tôi đã làm, dường như không có ngày nào mà tôi rời cơ quan sớm hơn 7 giờ tối. Tôi từng nghĩ làm việc chăm chỉ như vậy sẽ khiến tôi thật đáng ngưỡng mộ và tôi nên tự hào vì điều đó. 

Nhưng có gì đó không đúng. Tôi vô tình nhận ra sự vắt kiệt sức lực được lãng mạn hóa với thứ gì đó tốt đẹp, điều có thể đã được “cấy” vào đầu tôi kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nỗi kiệt sức được bọc cẩn thận trong sự khoe khoang và mang đến cảm giác thành tựu. Khi chúng ta bước vào thế giới của người đi làm, cuộc đua thành tích càng làm cho lớp bọc ấy thêm dày. Dần dần, cảm giác được người khác ngưỡng mộ vì sự cố gắng của bản thân trở thành một nhu cầu cần thiết, mặc cho sức lực của ta có bị vắt kiệt”.

Đại dịch – Giọt nước tràn ly 

“Năm 2020 là một năm mù mịt. Tôi vẫn nhớ lúc đại dịch mới bắt đầu, trong khi các bản tin reo lên những tiêu đề về “ngày xét xử” ở khắp nơi, tôi đang ngồi trong phòng tắm tại căn hộ của mình ở Los Angeles. Cái lạnh của nước chảy dọc xuống cơ thể tôi, dần đóng băng tâm trí đang sàng lọc những ký ức quen thuộc không mong muốn và bắt đầu xuyên qua từng lớp căng thẳng tích tụ”. 

Số liệu từ cuộc khảo sát cho biết 57% người tham gia nói rằng khối lượng công việc của họ tăng lên đáng kể từ khi đại dịch bắt đầu, 75% cũng cho biết họ phải tăng ca, trong khi số người nói rằng họ không được nhận thêm tiền làm thêm ngoài giờ chiếm 74%. Hai năm dịch bệnh hoành hành cũng ghi nhận 79% người nói rằng đại dịch đã ảnh hưởng đến niềm vui họ có được từ lĩnh vực yêu thích và 42% cảm thấy niềm say mê dành cho công việc ngày càng nhạt nhòa. 

“Trong khoảng thời gian kể từ khi đại dịch bắt đầu, khi ánh sáng ban ngày dần mờ đi và tôi có thể gập máy tính lại, cảm giác trống rỗng xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi tránh những hoạt động xã hội, tự ngẫm rằng tại sao sáng tạo là lĩnh vực tôi chọn ngay từ ngày đầu. Đại dịch là chất xúc tác cho sự kiệt quệ này. Bong bóng thông tin – nơi thế hệ di cư đời đầu tin vào giấc mơ được trả công xứng đáng nếu làm việc chăm chỉ – bắt đầu xuất hiện những vết nứt. 

cô gái nằm trên giường kiệt sức sáng tạo

Ảnh: Pexels/Cottonbro

Với tư cách là một người có văn hóa, tôi không nghĩ rằng chúng ta đã trao cho mình đủ quyền tự do để rút lui khỏi những định kiến lỗi thời đó. Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng chúng ta chỉ cần chăm chăm vào công việc và tách biệt nó với cuộc sống. Điều đó chỉ góp phần tạo nên nền văn hóa kiệt sức và máy móc. Trải nghiệm cá nhân với các giới tính, màu da, giai cấp, xu hướng tính dục khác nhau và những tổn thương mà chúng ta đều trải qua định hình bản sắc của mỗi người, trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, “Vì sao tôi lại sống?”. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta hành xử, từ đó tác động đến kết quả sáng tạo của chúng ta. Bản sắc cá nhân giống như móng và xà nhà vậy, không có nó, cho dù bạn có cố xây dựng cuộc sống và sự nghiệp của mình, nó sẽ đổ ngay khi bạn xây lên. Vì vậy, chẳng có ý nghĩa gì nếu nhìn nhận cuộc sống và công việc một cách riêng lẻ. Cũng không có câu trả lời rõ ràng nào về cách chúng ta nên đối phó với cuộc sống và công việc như hai điều tách biệt”.

Vượt qua sự kiệt sức sáng tạo 

“Trong hai năm vật lộn với sự kiệt sức, tôi đã học được rằng hội chứng “cháy sạch” không chỉ là cảm giác cạn kiệt năng lượng. Nó có thể là cảm giác mất hứng thú với việc đạt được mục đích, không có động lực, hoài nghi với mọi thứ và bản thân, cảm giác như bị tách rời khỏi thế giới hoặc bị đánh bại. Cũng giống như mớ cảm xúc hỗn độn này, dường như không có nguyên nhân nào là chính xác và duy nhất gây ra sự kiệt sức cả. 

cô gái áo len sọc ngồi nhắm mắt kiệt sức sáng tạo

Ảnh: Pexels/Cottonbro

Vì vậy, tôi bắt đầu tự kéo mình ra khỏi vòng lẩn quẩn của những định kiến. Tôi nhận ra rằng điều có thể giúp tôi vượt qua những cảm xúc đó là tập trung vào phát triển con người tôi, và tôi bắt đầu thử nhiều điều mới. Tôi viết nhiều hơn, thử làm nhạc, đi bơi… Sự tiến bộ trong những kỹ năng dường như không liên quan đến lĩnh vực tôi chọn mang lại cho tôi sự tự tin và tích cực để điều chỉnh lại quan điểm của mình. Những ý tưởng thiết kế chưa từng xuất hiện bắt đầu hiện ra trong đầu tôi và tôi cảm thấy như đã mở được cánh cửa mới của một lĩnh vực rộng lớn hơn, nơi những cơ hội thú vị đang chờ tôi. Những điều mà trước đây tôi cho là không quan trọng lại khiến tôi cảm thấy hài lòng. Đó chính là cảm giác được truyền cảm hứng –  sự khôi phục mạnh mẽ làm cho những kỷ niệm cũ kỹ như được khởi động lại, sống động và mới mẻ hơn. 

Điều cuối cùng mà tôi nhận ra sau hành trình kiệt sức do đại dịch này là tình yêu của tôi dành cho việc sáng tạo vẫn và sẽ luôn ở đó. Tôi cảm thấy biết ơn và tự hào về những kinh nghiệm và thành tích của mình hơn so với trước đây. Tôi để ý đến cách tôi nhìn nhận giá trị và sự xứng đáng của mình nhiều hơn. Tôi cũng nhận ra rằng tôi, bạn, xã hội hay thế giới còn rất nhiều vấn đề chưa giải quyết, và điều đó rồi sẽ ổn thôi”.

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Thư

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: itsnicethat.com

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more