Làm thế nào để sống một cuộc đời đơn giản và hạnh phúc?

Đăng ngày:

Khái niệm “cuộc đời đơn giản” nghe có vẻ… giản đơn nhưng thật sự, đó là mơ ước của rất nhiều người. Xã hội vội vã xô bồ cuốn con người ta vào dòng xoáy công việc, học tập, mối quan hệ không thể nào thoát ra. Vậy, phải làm sao để sống một cuộc đời đơn giản?

Sống một cuộc đời đơn giản không có nghĩa là bạn phải thu xếp mọi thứ để “về quê nuôi cá và trồng thêm rau”. Chắc chắn phải có cách để chúng ta tránh xa những rắc rối do xã hội mang lại mà không cần thay đổi quá nhiều. Đó có thể là những hành động như thu hẹp kích thước căn nhà, tối giản không gian hay xây dựng tủ đồ con nhộng.

Dạo gần đây, ngày càng có nhiều người hướng đến lối sống tối giản bằng cách áp dụng các chỉ dẫn như trên. Khi kiệt sức trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, mọi người đang đau đáu tìm cách để sống chậm lại. Bởi chúng ta đều ý thức được rằng, nếu cứ tiếp tục tình trạng căng thẳng, cơ thể sẽ bị tổn hại (từ hệ miễn dịch đến căng thẳng thần kinh, tất cả các loại bệnh sẽ làm bạn mệt mỏi thêm). Để giúp bạn thoát khỏi cuộc sống xoay vòng bận rộn như bánh xe của chú chuột hamster, dưới đây là một số cách đơn giản bạn có thể áp dụng ngay cho bản thân mình.

cô gái ngồi trên cỏ và nghĩ về cuộc đời

Ảnh: Unsplash/Leah Kelley

Sống tối giản

Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học thần kinh thuộc Đại học Princeton, sự lộn xộn cản trở khả năng tập trung cũng như xử lý thông tin của bạn. Bạn liên tục phải đấu tranh nội tâm để thoát ra khỏi sự thu hút của đống quần áo đang nằm trên ghế, đống chén đĩa chưa rửa hay cả căn phòng lộn xộn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, bằng cách tối giản và sắp xếp ngăn nắp không gian của mình, bạn sẽ bớt cáu kỉnh hơn, làm việc có năng suất và ít bị phân tâm hơn.

Nhà thiết kế nội thất Whitney Giancoli khuyên mọi người dọn dẹp ít nhất hai lần một năm, “ngay trước khi trời chuyển lạnh và ngay trước khi thời tiết nóng lên”. Cô ấy cũng khuyên bạn nên giữ một túi đồ quyên góp trong tủ quần áo để bạn có thể dễ dàng lọc lại những món đồ không còn được yêu thích nữa.

Và để xác định xem bạn có thực sự cần thứ gì không, hãy làm theo quy tắc đơn giản này từ cuốn sách của Gretchen Rubin, Outer order, Inner calm (Bên ngoài ngăn nắp, nội tâm an nhàn). Khi bạn khao khát một thứ gì đó mà không quan tâm đến giá trị sử dụng của nó, đó chính là cơ sở đầu tiên mách bảo rằng bạn có thể không cần món đồ đó chút nào. Nếu bạn không thể quyết định có nên giữ một món quần áo hay không, hãy tự hỏi liệu mình có vui nếu người yêu cũ tình cờ thấy mình trong bộ quần áo này. Thông thường, câu trả lời sẽ cho bạn manh mối tốt.

Chỉ cần nói “không”

Tối giản không có nghĩa là loại bỏ những thứ vật chất. Nó cũng nên được áp dụng cả với đời sống tinh thần của bạn. Mọi chuyện hoàn toàn ổn nếu bạn từ chối một lời mời nào đó mà mình không có tâm trạng để tham gia. Cho dù là trong cuộc sống cá nhân hay trong công việc, thoát khỏi việc “sùng bái sự bận rộn” sẽ ngay lập tức đơn giản hóa cuộc sống của bạn. Ngoài ra, việc cắt giảm số lượng các hoạt động bị nhồi nhét vào cuộc sống hàng ngày còn có thể giúp giảm bớt căng thẳng và lo lắng.

cô gái không làm gì và nghĩ về cuộc đời

Ảnh: Unsplash/Alex Shaw

Không làm gì cả

Tương tự như vậy, hãy thực hành việc không làm gì một cách thường xuyên hơn. Bạn có thể đơn giản là ngồi trong công viên (không sử dụng điện thoại), nhìn ra cửa sổ hoặc nghe nhạc. Quan trọng nhất là bạn không cần một mục đích nào, không có điều gì đợi bạn cố gắng hoàn thành cả.

Ý tưởng này xuất phát từ khái niệm niksen của người Hà Lan, hiểu cơ bản là có ý thức không thực hiện bất cứ hành động nào. Nó khác với chánh niệm (biết rõ những gì đang xảy ra) hay thiền định (tập trung quan sát tâm thức của mình) bởi vì bạn được phép để tâm trí của bạn lang thang với niksen. Trên thực tế, trạng thái mơ mộng được khuyến khích và thực sự có thể giúp bạn sáng tạo và làm việc hiệu quả hơn trong thời gian dài. Trớ trêu thay, vì chúng ta đã được lập trình để liên tục làm một cái gì đó trong cả một phần cuộc đời nên bạn có thể cần đến nỗ lực và thực hành việc không làm gì thông qua quá trình thử và sai.

Dẹp bỏ các phương tiện truyền thông đại chúng

Nếu cảm thấy việc từ bỏ là quá đột ngột, bạn nên thử tối thiểu hóa thời gian dành cho mạng xã hội. Theo một nghiên cứu từ GfK Global, chứng nghiện kỹ thuật số là có thật. Cứ 3 người thì có 1 người vướng vào sự “nghiện ngập” này, dù họ biết rằng họ không nên như thế.

Giờ đây, thay vì vô tư mở và đóng ứng dụng cả ngày, bạn có thể kiểm tra hoạt động của mình trên các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram, Facebook và YouTube, thậm chí đặt giới hạn thời gian. Ví dụ, hãy cho mình một khoảng thời gian cố định để lướt mạng xã hội và có các mức phạt cho bản thân nếu sử dụng quá số phút quy định mỗi ngày. Ngoài ra, hãy tắt tiếng những thông báo phiền phức của điện thoại để bạn không bị phân tâm mỗi khi ai đó “thích” một bức ảnh của mình.

cô gái mìm cười với cuộc đời

Ảnh: Unsplash/Alex Shaw

Từ bỏ việc cố gắng trở nên hoàn hảo

Trong hàng thế kỷ, các nhà triết học đã luôn thôi thúc mọi người nắm bắt ý tưởng “mọi thứ đã đủ tốt rồi”. Đó là vì bạn sẽ phát điên nếu bạn luôn hướng đến sự hoàn hảo.

Những người cầu toàn có xu hướng luôn sống với mức độ căng thẳng cao, cũng như cảm thấy kiệt sức về mặt tinh thần và cảm xúc. Vì vậy, hãy cố gắng làm dịu nhà phê bình bên trong bạn và đặt ra những mục tiêu, những kỳ vọng thực tế hơn cho bản thân và mọi người xung quanh. Hãy nhớ điều này và mua những chiếc bánh cupcake ở cửa hàng cho con bạn đem đến trường thay vì tự tay làm chúng rồi than phiền và cáu kỉnh vì mọi thứ không như ý muốn. 

cuộc đời cô gái mặc áo sơ mi trắng

Ảnh: Unsplash/Mathilde Langevin

Đừng ôm đồm quá nhiều việc một lúc

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu thực sự không sử dụng thuật ngữ “đa nhiệm” cho con người bởi vì bạn không thể thực sự làm nhiều việc cùng một lúc (ngoại trừ việc vừa đi bộ vừa nói chuyện). Thay vào đó, họ khám phá ra khái niệm “chuyển đổi nhiệm vụ” bởi họ phát hiện ra rằng việc làm nhiều thứ cùng lúc không mang lại hiệu quả. 

Bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các nhiệm vụ khi bạn xoay sở giữa núi deadline so với khi bạn thực hiện từng nhiệm vụ riêng lẻ. Mỗi lần “chuyển đổi nhiệm vụ” có thể chỉ lãng phí 1/10 giây, nhưng nếu bạn thực hiện nhiều chuyển đổi trong suốt cả ngày, nó có thể làm mất tổng cộng tới 40% năng suất của bạn. 

Thêm vào đó, bạn có xu hướng mắc nhiều lỗi hơn khi bạn ôm đồm quá nhiều. Vì vậy, có thể bạn nghĩ rằng mình đang làm việc hiệu quả, nhưng bạn thực sự đang tạo ra nhiều công việc hơn cho chính mình. Thay vào đó, hãy chia nhỏ các nhiệm vụ của bạn ra theo mức độ quan trọng. Sau đó bắt tay thực hiện từng cái một. Bởi bạn sẽ đem lại kết quả tốt nhất khi bạn hoàn toàn tập trung thực hiện một nhiệm vụ.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Ánh Xuân

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Pure Wow

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more