Nghệ thuật giao tiếp: Học cách trò chuyện có duyên và sâu sắc hơn

Đăng ngày:

Cuộc sống của chúng ta quá ngắn ngủi để nói những điều nhạt nhẽo thường nhật. Tại sao không cố gắng vượt lên sự ngại ngùng để trò chuyện và kết nối chân thành với những người xung quanh?

Hãy thử tưởng tượng bạn bước vào một căn phòng hay một bữa tiệc chỉ toàn người lạ. Bạn cần phải trò chuyện và kết nối với một ai đó nhưng trong lòng bạn chỉ là những bất an. Bạn lo lắng mình bị đánh giá, bạn lo lắng sẽ chẳng có được những cuộc hội thoại đủ thú vị vì bạn không phải chuyên gia trong nghệ thuật giao tiếp.

Theo một nghiên cứu mới đây từ khoa sức khỏe tâm thần đại học Leicester, có hơn 10% dân số từng trải qua những cảm giác lo âu về giao tiếp xã hội như thế này. Và rất nhiều người khác cũng từng trải qua những cảm xúc khó chịu tương tự. Nhà tâm lý học Mel Schilling cũng đã đưa ra một kết luận rằng: “Mạng xã hội là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra những lo âu về giao tiếp xã hội”. Các phương tiện mạng xã hội cho phép con người được ẩn mình phía sau màn hình điện thoại để giao tiếp, khiến họ có thể dễ dàng trốn tránh va chạm hay những đoạn hội thoại không mong muốn.Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra tác động tiêu cực bởi những người vốn đã ngại giao tiếp sẽ càng ngại giao tiếp hơn, hoặc những cuộc hội thoại dần trở nên khuôn sáo, ít cảm xúc hơn.

Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ở trong vùng an toàn hay luôn được vây quanh bởi những người khiến chúng ta cảm thấy thoải mái trò chuyện. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể nâng cao nghệ thuật giao tiếp để có thể kết nối với mọi người xung quanh một cách duyên dáng, khéo léo hơn.

nhóm bạn đứng nói chuyện

Ảnh: Unsplash

Vượt lên trên những điều bình thường

Nghệ thuật giao tiếp hướng đến một cuộc hội thoại có ý nghĩa và điều đó chỉ bắt đầu khi bạn gạt bỏ những câu nói xã giao hời hợt hay cố gắng tỏ ra lịch sự để trốn tránh cuộc trò chuyện. Đôi khi, chúng ta lo ngại rằng tỏ ra quá nhiệt tình trong các cuộc trò chuyện có thể khiến đối phương đánh giá không tốt về mình. Tuy nhiên, đây cũng là suy nghĩ ngăn cản bạn kết nối với người khác.

Để vượt ra khỏi vòng an toàn của một cuộc hội thoại nhạt nhẽo, bạn chỉ cần lắng nghe chân thành và trả lời một cách trung thực.

Khi được hỏi “Dạo này bạn thế nào?”, thay vì nhanh chóng đưa ra câu trả lời mà bất cứ ai cũng có thể đoán biết được như “Tôi ổn”, “Mọi chuyện vẫn vậy”, “Hơi bận rộn một chút”… bạn hãy dành chút thời gian để suy nghĩ câu trả lời thật lòng và sâu sắc hơn. Khi chúng ta chia sẻ những điều vượt lên trên những xã giao thông thường, sự kết nối giữa hai người sẽ trở nên chặt chẽ và sâu sắc hơn.

hai co gai ngoi uong tra

Ảnh: Unsplash

Theo Sophie Bruce – giáo viên trường đại học Công nghệ Sydney đồng thời cũng là chuyên gia tư vấn tâm lý: “Không ai sinh ra đã là một người giỏi giao tiếp. Và giao tiếp là một nghệ thuật mà chúng ta cần phải luyện tập”.

Bruce cũng chia sẻ thêm rằng những người nói chuyện có duyên và giao tiếp khéo léo là người biết lắng nghe và đưa ra những câu hỏi gây tò mò, hứng thú với đối phương. Bí quyết của họ chính là biết đưa ra những lời khen ngợi chân thành để tạo ra cảm giác thoải mái, dễ chịu trong các cuộc hội thoại.

Vì vây, hãy bắt đầu trò chuyện và lắng nghe chân thành từ hôm nay để có thể kết nối thực sự với những người xung quanh.

Mở rộng cuộc trò chuyện và học cách hình dung 

Một trong những cảm xúc thường chen ngang nỗ lực giao tiếp của bạn là cảm giác ngại ngùng và đó là điều hoàn toàn bình thường. Tất cả chúng ta đều có những lo âu, căng thẳng, sợ hãi và chúng ta cũng có sự đồng cảm, yêu thương và bao dung… Hãy nhớ rằng, ngay cả những nhà giao tiếp tài năng nhất cũng có những cảm xúc này bởi chúng ta đều là con người.  Vì vậy, cách giúp bạn vượt lên cảm giác ngại ngùng để trò chuyện với người khác chính là hãy hình dung bản thân được giải thoát khỏi những lo lắng và thoải mái với những gì đang diễn ra.

nhóm bạn trò chuyện giữa đồng về nghệ thuật giao tiếp

Ảnh: Unsplash

“Nếu bạn đang “nghĩ” về điều gì đó, một phần não của bạn cũng tin rằng chuyện đó đã xảy ra và sẽ tạo ra một ký ức mới”, Lishman giải thích, “Vì vậy, chỉ cần hình dung bản thân không lo lắng và lặp đi lặp lại điều này, bạn sẽ thiết lập một thói quen cho bộ não”.

Tiếp đó, bạn hãy chuẩn bị sẵn trong đầu những câu hỏi mà bạn có thể sử dụng để hỏi người khác. Điều này sẽ giúp bạn kết nối được với đối phương, đồng thời cũng tránh được sự chú ý hướng về phía bạn. Mẹo này xuất phát từ một nghiên cứu năm 2012 của đại học Havard. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc nói về bản thân sẽ kích hoạt phần cảm giác tích cực của não – giống như những cảm giác tích cực được kích thực bởi tình dục và thức ăn ngon. Tạo cơ hội để người khác nói về bản thân mình chính là cách bắt đầu cuộc hội thoại dễ dàng hơn.

Chúc bạn sớm làm chủ nghệ thuật giao tiếp và xây dựng được những kết nối có ý nghĩa trong cuộc sống.

Nhóm thực hiện

Theo: Tạp chí phái đẹp ELLE

Bài: TN

Tham khảo: Theage

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more