Người hướng nội và những ưu điểm không ngờ

Đăng ngày:

Có rất nhiều quan điểm sai lầm về một người hướng nội, như kiểu họ chống đối xã hội, không thân thiện, nhút nhát hoặc cô đơn. Nhưng trong nhiều trường hợp, hướng nội lại là một “tài sản”.

Người hướng nội là người tích tụ năng lượng từ việc dành thời gian ở một mình. Theo Tiến sĩ Jennifer Kahnweiler, tác giả của cuốn Người lãnh đạo hướng nội: Xây dựng sức mạnh thầm lặng, “Những lúc thế này, họ nạp pin cho chính mình. Sau đó, họ đi ra thế giới và thực sự kết nối cái đẹp đến với mọi người”.

Một nghiên cứu năm 2008 được công bố trên Journal of Motor Behavior cho thấy người hướng nội mất nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin so với người hướng ngoại. Kahnweiler nói rằng điều này thực chất là vì họ xử lý chu đáo hơn người hướng ngoại, họ mất thêm thời gian để hiểu rõ ý tưởng trước khi chuyển sang ý tưởng mới.

“Mặc dù tất cả chúng ta luôn có nhiều cách để đạt được sự nổi bật và thành công, nhưng những người hướng nội thực sự có thể đạt được nhiều hơn nếu họ trau dồi sức mạnh nội tại”, Beth Buelow, tác giả cuốn Doanh nhân hướng nội: Amplify Your Strengths và tạo dựng thành công theo các nguyên tắc của riêng bạn, cho biết.

Cùng ELLE Việt Nam điểm lại một số lợi khi là một người hướng nội nhé.

1. Họ là những người biết lắng nghe

Người hướng nội ngồi trên mỏm đá ngắm hoàng hôn

Ảnh: Unsplash

Người hướng nội rất tự nhiên và tích cực trong việc lắng nghe, theo Buelow, một người tự nhận mình hướng nội. “Chúng tôi có xu hướng trở thành người bạn hoặc người đồng nghiệp mà bạn có thể gọi mỗi khi bạn có buồn vui muốn chia sẻ”, cô nói. “Chúng tôi sẽ luôn lắng nghe và đồng hành cùng bạn, chứ không cần phải tranh ngang để kể về chính mình”.

Những người hướng ngoại có xu hướng nhảy vào một cuộc trò chuyện trước khi kịp xử lý đầy đủ những gì người kia muốn nói. Không phải vì họ ích kỷ hay không quan tâm, mà bởi vì họ xử lý thông tin bằng cách tương tác lẫn nhau, theo Tiến sĩ Laurie Helgoe, tác giả của Introvert Power: Why Your Hidden Life is Your Hidden Strength. Ngược lại, người hướng nội xử lý kỹ càng thông tin trong nội tâm. Kỹ năng đó cho phép họ nghe, hiểu và cung cấp cái nhìn sâu sắc, được xem xét cẩn thận mỗi khi đưa ra câu trả lời.

2. Họ suy nghĩ trước khi nói

Người hướng nội ngồi dưới bụi cây

Ảnh: Unsplash

Bởi vì những người hướng nội thường cảm thấy lúng túng khi nói hơn là nghe, họ rất khôn khoan khi đưa ra câu trả lời, theo Buelow. “Chúng tôi chỉ nói khi thực sự có điều gì đó đáng để nói, vì vậy, có khả năng cao là chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều với lời nói của mình”.

Điều đó nói lên rằng, người hướng nội có thể mất một chút thời gian để xây dựng suy nghĩ trước khi chia sẻ – đặc biệt là trong môi trường kinh doanh nhịp độ nhanh. Để chống lại xu hướng đó, Buelow gợi ý rằng những người này nên tham gia các cuộc họp được chuẩn bị trước để họ có thời gian suy nghĩ và nêu lên các ý tưởng. Cô khuyên họ nên sớm chia sẻ một phần dữ liệu hoặc một lời nhận xét mở đầu cho cuộc họp. Thiết lập sự hiện diện của bạn sớm hơn trước khi cuộc trò chuyện trở nên dồn dập và cạnh tranh hơn.

Kỹ năng lựa chọn từ ngữ của bạn một cách khôn ngoan cũng có lợi như mạng trực tuyến vậy. Người hướng nội sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hiệu quả hơn vì họ ít bị phản ứng với những tin giật gân hơn là người hướng ngoại, Kahnweiler nói.

“Một số người rải suy nghĩ ở khắp nơi, đăng ngẫu nhiên mọi thứ, thì không thể gọi là hướng nội”, cô nói.

3. Người hướng nội có óc quan sát

Người hướng nội nhìn về phía biển

Ảnh: Unsplash

Ngoài kỹ năng lắng nghe vượt trội, người hướng nội còn sở hữu những gì Buelow coi là một “siêu năng lực”: kỹ năng quan sát. “Chúng tôi nhận thấy những điều mà người khác có thể không chú ý bởi lẽ họ nói và xử lý thành tiếng”, cô ấy nói. Mặc dù có vẻ như chỉ ngồi im lặng trong một cuộc họp, nhưng những người hướng nội thực sự đắm chìm trong thông tin đang được trình bày và suy nghĩ nghiêm túc.

Người hướng nội điển hình cũng sử dụng bản tính quan sát của mình để nắm bắt tình hình. “Họ có khả năng chú ý ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt của mọi người, điều này giúp việc giao tiếp giữa người với người tốt hơn”, theo Kahnweiler.

Họ đặc biệt có kỹ năng nhận thấy phẩm chất hướng nội ở người khác. Họ có thể biết khi nào một người đang suy nghĩ, xử lý và quan sát, để sau đó cho người ta không gian để làm điều đó. Việc này khiến mọi người cảm thấy thoải mái hơn nhiều, theo Kahnweiler. “Họ dành thời gian để thực sự kết nối với mọi người”, cô nói.

4. Người hướng nội luôn chọn bạn kỹ càng

Người hướng nội ngồi trên khúc cây

Ảnh: Unsplash

Vì có thể cảm thấy năng lượng bị rút cạn khi ở cạnh người khác – trái ngược với người hướng ngoại, người hướng nội chọn bạn bè một cách khôn ngoan. Họ thà có một vài tình bạn thân thiết, đáng tin cậy để đầu tư thời gian và sức lực của mình hơn là một mạng lưới người quen lớn.

Những người hướng nội rất kén chọn và khó để một người bước vào cuộc sống của mình. Nếu ai đó trở thành một phần cuộc sống của họ, nghĩa là họ coi trọng người đó rất nhiều.

Phẩm chất này khiến người hướng nội trở thành những người bạn trung thành, chu đáo và tận tâm.

5. Họ là một người yêu lãng mạn

Người hướng nội nắm tay người yêu trên đường

Ảnh: Unsplash

Người hướng nội khao khát không gian cá nhân để soi xét và tiếp thêm nhiên liệu, và họ có thể cảm nhận được khi nửa kia cũng cần điều tương tự. “Vì chúng tôi có nhu cầu riêng tư này, chúng tôi cũng mong muốn tao điều kiện cho người khác”, Buelow nói. “Chúng tôi sẽ không bám víu hoặc xa cách trong các mối quan hệ”.

Những phẩm chất tương tự cũng khiến họ trở thành một người yêu tuyệt vời, theo Kahnweiler. Vào cuối một ngày dài, họ ở đó để lắng nghe và hỗ trợ người mình yêu mà không nhất định phải nói về bản thân họ.

Người hướng nội cũng muốn tìm hiểu ai đó kỹ càng trước khi chia sẻ thân thiết, và điều đó có thể khiến họ xuất hiện hấp dẫn hơn trong giai đoạn đầu của mối quan hệ. Họ tạo nên sự cuốn hút từ những bí ẩn xoay quanh mình. Điều đó có thể truyền cảm hứng cho sự tò mò và khiến đối phương muốn biết về họ nhiều hơn nữa.

6. Họ là những người kết nối chu đáo

Người hướng nội uống cà phê

Ảnh: Unsplash

Ở trong một nhóm lớn – nơi mục tiêu là gặp gỡ – nói chuyện và tạo ấn tượng đầu tiên có thể là quá sức đối với nhiều người, đặc biệt là người hướng nội. Nhưng họ có thể sử dụng sức mạnh tự nhiên của mình để tạo ra các kết nối có ý nghĩa. Người hướng ngoại có thể tiếp cận các sự kiện kết nối với mục tiêu nói chuyện với càng nhiều người càng tốt, nhưng thông thường, những cuộc trò chuyện nhanh đó không để lại tác động lâu dài.

Nhưng sức mạnh trong mạng lưới quan hệ không nhất thiết là về số lượng. Người hướng nội nên tập trung vào việc tìm hiểu về những người đã gặp, ngay cả khi đó chỉ là số ít.

7. Người hướng nội là những nhà lãnh đạo nhân từ

Người hướng nội đi trên đường

Ảnh: Unsplash

Hướng nội có thể tạo ra những nhà lãnh đạo giỏi nhất – khi hướng đến những thế mạnh tự nhiên của họ. Đối với người mới bắt đầu, họ không thấy cần phải bước vào ánh đèn sân khấu và lấy tất cả sự chú ý về mình; thay vào đó, họ có khả năng làm nổi bật những điểm mạnh của đội mình.

Một người lãnh đạo hướng ngoại có thể nổi bật, nhưng bạn có thể nhìn thấy người lãnh đạo trước khi bạn nhìn thấy đội nhóm đằng sau. Còn đối với người lãnh đạo hướng nội, họ khiến nhân viên cảm thấy được công nhận và có thêm nhiều động lực để làm việc.

Và vì người hướng nội xử lý thông tin chậm và chu đáo hơn so với người hướng ngoại, nên các nhà lãnh đạo hướng nội có xu hướng tìm hiểu thêm về cấp dưới của họ. Họ tập trung trò chuyện với các thành viên trong nhóm để hiểu rõ những kỹ năng, niềm đam mê và sức mạnh của họ. Sau khi thu thập tất cả thông tin này, họ có thể sử dụng chúng để giúp mỗi thành viên trong nhóm làm việc hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn trong công việc.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Huyết Vy

Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Nguồn: wellandgood.com

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more