Những giấc mơ tiết lộ điều gì về sức khỏe tinh thần của bạn

Đăng ngày:

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những giấc mơ “lucid dream – mơ tỉnh” có thể phản ánh mức độ phiền muộn hay căng thẳng của cơ thể.

Giấc mơ từ lâu đã thu hút sự chú ý của các nhà tâm lý học thực nghiệm. Rất nhiều giả thuyết đã được xây dựng để tìm ra lý do những giấc mơ tồn tại. Có người cho rằng giấc mơ đơn giản chỉ là kết quả của sự kích hoạt ngẫu nhiên các nơ-ron thần kinh, không hơn không kém. Người khác lại nghĩ chúng là cánh cửa bước vào tiềm thức của con người và mang một ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, có ý kiến nhận định rằng giấc mơ còn là một cơ chế sống còn thích nghi, báo hiệu để chúng ta chuẩn bị cho những thử thách sắp đến.

Nhưng liệu chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ những giấc mơ không? Những giấc mơ có phải là điều chúng ta cần để ý quan sát và dõi theo một cách cẩn thận hay chúng chỉ là những thứ vô bổ ngoài lề của cuộc sống hằng ngày?

giấc mơ 2

Ảnh: Unsplash

Một nghiên cứu mới được đăng tải trên trang web Frontiers in Psychology cho thấy rằng vài khía cạnh của một loại giấc mơ nhất định, được gọi là “lucid dream – mơ tỉnh”, có thể liên quan đến sức khỏe tâm lý của con người. Những độc giả đã từng xem qua bộ phim hoạt hình Waking Life (Đánh thức cuộc đời) có lẽ phần nào đã biết được khái niệm “mơ tỉnh”. “Mơ tỉnh” là trạng thái con người có thể ý thức được họ đang mơ (nhưng không tỉnh giấc) và ít nhiều điều khiển được kết quả hoặc định hướng cho những sự việc xảy ra trong giấc mơ đó. Ước tính có khoảng 50% dân số đã từng trải qua tình trạng “mơ tỉnh” ít nhất một lần trong đời và 20% dân số thường xuyên gặp tình trạng này (có ít nhất một lần “mơ tỉnh” mỗi tháng).

giấc mơ 3

Ảnh: Unsplash

Trong nghiên cứu này, các nhà tâm lý học tại Đại học Ben-Gurion tại Israel đã chiêu mộ 187 sinh viên đại học để tham gia vào một nghiên cứu về giấc mơ. Đầu tiên, họ đo lường các chỉ số tâm lý của sinh viên, bao gồm chất lượng giấc ngủ, các trải nghiệm giấc ngủ, tình trạng “mơ tỉnh”, mức độ lo âu, căng thẳng, các triệu chứng ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, dị tật… Sau đó họ chọn ra một nhóm sinh viên thử nghiệm để hoàn thành một “nhật ký giấc mơ” trong thời gian 2 tuần.

giấc mơ 1

Ảnh: Unsplash

Kết quả họ nhận được thực sự thú vị: những sinh viên thường gặp tình trạng “mơ tỉnh” trung bình có mức độ phiền muộn thấp hơn. Đặc biệt những sinh viên gặp tình trạng “mơ tỉnh” ở cường độ cao, được đo lường bởi cả mức độ kiểm soát và thời gian kéo dài của giấc mơ, có ít lo âu, phiền muộn, căng thẳng hơn hẳn những người “mơ tỉnh” ở cường độ thấp. Tuy nhiên, không có sự khác nhau giữa tình trạng sức khỏe tâm lý của những người thường xuyên “mơ tỉnh” và những người ít “mơ tỉnh”.

Nếu bạn là típ người hay “mơ tỉnh”, bạn có thể có lợi thế về sức khỏe tinh thần hơn những người bình thường khác. Nhưng đừng lấy lý do đó để chủ ý tạo ra những giấc mơ nhằm củng cố sức khỏe tinh thần của bản thân. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy việc sử dụng các kỹ thuật cảm ứng có chủ ý, chẳng hạn như biện pháp trị liệu “mơ tỉnh” – lucid dreaming treatment (LDT), có thể gây nên các vấn đề liên quan đến giấc ngủ hoặc các triệu chứng dị tật. Vậy nên, lời khuyên của các chuyên gia dành cho bạn là hãy để giấc mơ đến một cách tự nhiên, và đừng cho rằng “mơ tỉnh” là một điều gì đó không bình thường xảy đến với cơ thể bạn.

Xem thêm

Đi tìm giấc mơ đánh mất – Blog 5 Xu

Giấc mơ của Oscar De La Renta

Kim Nguyễn & giấc mơ nước Mỹ

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Trần Ánh ( Nguồn: Tạp chí Phái đẹp Elle/ psychologytoday.com)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more