25 hiệu ứng tâm lý đầy thú vị có thể bạn chưa nghe bao giờ 

Đăng ngày:

Tâm trí của con người giống như một cỗ máy huyền bí. Nó cất giấu nhiều hiện tượng tâm lý phức tạp nhưng đầy hấp dẫn đang chờ bạn khám phá. 

Tâm lý học là một lĩnh vực đầy thú vị và còn nhiều bí ẩn. Chúng ta biết nhiều thứ nhưng lại không chắc chắn về những gì đang diễn ra sâu trong tiềm thức của mình. Càng tìm hiểu nhiều về tâm lý con người, bạn càng tiến gần hơn đến cánh cửa huyền bí dẫn tới tâm trí của chính bạn và mọi người, từ đó kiểm soát và phát triển bản thân tốt hơn. 

1. Audience Effect (Hiệu ứng khán giả)

Audience effect, hiểu đơn giản là việc một cá nhân trình bày một khả năng hay nhiệm vụ tốt hơn khi có sự quan sát của người khác. 

Trái ngược với audience effect là hiện tượng tâm lý social inhibition (ức chế xã hội) – xu hướng cá nhân thực hiện một nhiệm vụ nào đó tệ hơn khi có sự hiện diện của ai đó xung quanh mình. 

Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), sự hiện diện của người xem ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi, không chỉ của con người mà còn các loài động vật không thuộc bộ linh trưởng như chim, cá…

Hiệu ứng tâm lý audience effect giữa hai cô gái

Ảnh: Unsplash/ Brooke Cagle

2. Curse of knowledge (Lời nguyền kiến thức) 

Lời nguyền kiến thức hay lời nguyền chuyên môn (curse of expertise), là một trong những hiệu ứng tâm lý phổ biến mà hầu hết ai cũng từng trải qua. Lời nguyền kiến thức khiến một người cho rằng mọi người cũng sở hữu lượng kiến thức như họ về một chủ đề nhất định. Hiện tượng tâm lý này cũng thường xảy ra ở các giáo viên, giảng viên hay các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm. Họ có thể cảm thấy không thể tưởng tượng nổi tại sao một người lại không hiểu về một khái niệm mà họ đã biết từ lâu. 

Lời nguyền kiến ​​thức có thể ảnh hưởng đến giao tiếp, sự đồng cảm, sáng tạo, năng suất và sự phát triển cá nhân của một người. Sự thiên vị này cho thấy rằng chúng ta không thể “học lại” hoặc không quan tâm đến những gì chúng ta đã biết. 

25 hiệu ứng tâm lý

Ảnh: Pexels/ Ozan çulha

3. Birthday-number effect (Hiệu ứng ngày sinh nhật) 

Được nghiên cứu lần đầu tiên vào năm 1997, hiệu ứng ngày sinh nhật là xu hướng vô thức mà một người luôn chọn những con số trong ngày sinh của mình nhiều hơn bất kỳ con số nào khác. Tuy nhiên, khác với các hiệu ứng tâm lý trên, khuynh hướng này có thể bị ảnh hưởng bởi tính cách, giới tính và tuổi tác của một người. Thêm nữa, những cá nhân ít yêu bản thân có thể không trải qua hiệu ứng ngày sinh nhật. 

Hiện tượng này còn liên quan đến một thành kiến tương tự khác được gọi là hiệu ứng chữ cái trong tên (name-letter effect), trong đó, một người thích các chữ cái trong tên của mình và tin rằng chúng mang lại điều may mắn. 

Cả hai khuynh hướng tâm lý này đều có thể ảnh hưởng đến các quyết định trong cuộc sống thực của chúng ta.

4. Google Effect (Hiệu ứng Google)  

Hiệu ứng Google còn được biết đến với tên gọi là hội chứng mất trí nhớ kỹ thuật số (digital amnesia), xảy ra khi một người cho rằng mình không cần ghi nhớ thông tin có thể được tìm thấy dễ dàng trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến, chẳng hạn như Google, Bing… 

Sự tồn tại của hiệu ứng tâm lý này được các nhà khoa học, trong một nghiên cứu vào năm 2011, giải thích là do Internet đóng vai trò như một bộ nhớ bên ngoài não bộ con người. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi giải quyết các vấn đề khó khăn, chúng ta thường nghĩ đến Google và vị trí đường liên kết truy cập thông tin đầu tiên thay vì chính thông tin đó.

Dẫu tiện lợi và tiết kiệm thời gian, hiệu ứng Google khiến chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, về lâu dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trí nhớ và trí thông minh của chúng ta.

5. Tamagotchi Effect (Hiệu ứng Tamagotchi) 

Người trải qua hiệu ứng tâm lý Tamagotchi có xu hướng phát triển tình cảm gắn bó với máy móc, thiết bị, robot hoặc các tác nhân kỹ thuật số khác. Hiện tượng này được đặt theo tên của món đồ chơi Nhật Bản là Tamagotchi – một vật nuôi ảo cầm tay hình quả trứng có gắn màn hình kỹ thuật số được phát hành vào năm 1996. 

Bất cứ ai cũng có thể trải qua hiệu ứng này vì con người có khuynh hướng bộc lộ cảm xúc với bất cứ thứ gì mà chúng ta tìm thấy sự đồng cảm. Các vật nuôi ảo Tamagotchi được phỏng theo tính cách, hành vi và cảm xúc của con người, do đó, hiện tượng tâm lý này được dùng để quan sát những người hướng nội hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp.

6. Zeigarnik Effect (Hiệu ứng Zeigarnik) 

Zeigarnik effect là một hiện tượng tâm lý cho phép chúng ta ghi nhớ những việc bị gián đoạn tốt hơn những mục tiêu đã đạt được. Một ví dụ phổ biến của hiệu ứng này là khi bạn xem phim dài tập. Các vị đạo diễn sẽ tạo ra cái kết bỏ ngỏ cuối tập để khơi gợi sự tò mò và bức bối nơi bạn, khiến não bộ tự động nhắc hẹn khi có tập mới. Zeigarnik effect cũng được sử dụng trong ngành công nghiệp sách báo, như truyện tranh chẳng hạn.  

Một điểm lưu ý là hiệu ứng Zeigarnik khác với hiệu ứng Ovsiankina – xu hướng thực hiện lại một hành động bị gián đoạn khi nó vẫn chưa hoàn thành.

7. Baader-Meinhof Phenomenon (Hiệu ứng Baader-Meinhof hay Ảo tưởng tần suất)

cô gái tóc bạch kim nhìn xa xăm

Ảnh: Pexels/Tima Miroshnichenko

Bạn đã bao giờ thấy hoặc trải qua một điều gì đó, và bạn bắt đầu thấy chúng xuất hiện nhiều hơn chưa? Nếu câu trả lời là rồi, bạn đã được trải nghiệm hiện tượng Baader-Meinhof. Điều này xảy ra là do não bộ của chúng ta có xu hướng hứng thú với thông tin mới, từ đó nó bắt đầu quá trình chọn lọc có chủ ý trong khi vẫn khiến bạn tin đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.   

8. Tetris Effect (Hiệu ứng/hội chứng Tetris) 

Có nguồn gốc từ trò chơi tên Tetris, hội chứng Tetris xảy ra khi một người tập trung quá nhiều thời gian và sự chú ý vào một hoạt động cụ thể, và nó bắt đầu ảnh hưởng đến các mô hình suy nghĩ, nhận thức, giấc mơ và hình ảnh tâm trí (mental visual imagery) của họ. 

Người ta quan sát thấy rằng những người chơi game trong một thời gian dài sẽ nghĩ các hình dạng trong thế giới thực và ảo là khớp với nhau. Họ cũng thấy những khối màu rơi vào vị trí, những hình ảnh chuyển động trước và trong giai đoạn ngủ. 

Những người trải qua hội chứng này cũng không thể ngăn được sự xuất hiện của những suy nghĩ, giấc mơ hoặc hình ảnh trong tâm trí. 

Dẫu vậy, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chơi trò chơi Tetris có thể giúp giảm bớt những ký ức đau thương sau sang chấn tâm lý. Một nghiên cứu năm 2020 cho biết: “Tetris đã được đề xuất như một biện pháp can thiệp phòng ngừa sự xâm lấn của ký ức về một sự kiện đau buồn”. 

9. Hot-Cold Empathy Gap

Hot-Cold Empathy Gap mô tả xu hướng ra quyết định mà bỏ qua hoặc đánh giá thấp ảnh hưởng của các trạng thái bộc phát mang tính bản năng (gọi là trạng thái “nóng”, như đói, khát, thèm, ham muốn…), từ đó dẫn đến khả năng lựa chọn kém. Ví dụ, một người nghiện hút thuốc đang trong trạng thái không thèm hút thuốc, nghĩa là anh ta đang rất lý trí (ở trạng thái “lạnh”), có thể không lường trước được hoặc đánh giá thấp sự bộc phát của bản thân khi chuyển sang trạng thái “nóng”, nghĩa là khi mức độ thèm thuốc của mình lên cao. Điều này khiến anh ta rất khó để bỏ thuốc.  

10. Spotlight Effect (Hiệu ứng ánh đèn sân khấu)

Hiệu ứng ánh đèn sân khấu thường xảy ra với những người mắc chứng lo âu xã hội, đề cập đến xu hướng một người đánh giá quá cao mức độ chú ý của người khác dành cho mình. Điều này xảy ra là do chúng ta thường quên mất rằng hầu hết mọi người cũng chỉ chú ý đến bản thân mình. 

hiệu ứng tâm lý spotlight effect

Ảnh: Pexels/ Sasha Kim

11. Bizarreness Effect 

Bizarreness effect cho rằng chúng ta dễ ghi nhớ những nội dung có phần kỳ lạ, độc đáo hơn là những nội dung bình thường. 

12. Von Restorff Effect (Hiệu ứng cô lập) 

Hiệu ứng Von Restorff dự đoán rằng khi có nhiều nhân tố kích thích hiện diện, thì nhân tố khác với phần còn lại có nhiều khả năng được ghi nhớ hơn.

13. Choice-supportive bias (Thiên vị trong lựa chọn) 

Đây là một loại thành kiến khiến bạn có xu hướng cảm thấy thích hoặc tin vào sự tích cực của một lựa chọn, cho dù trong thực tế chọn lựa đó có sai lầm. Ví dụ, bạn thích dùng iPhone và luôn chọn lựa dòng điện thoại này cho dù tính năng của nó không quá xuất sắc như các dòng điện thoại khác.

14. Positivity Effect

Hiệu ứng tích cực là khả năng tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai. Những người lớn tuổi thường trải qua hiệu ứng tâm lý này hơn do họ có xu hướng thích ghi nhớ những điều tích cực hơn là thông tin tiêu cực.  

Hiệu ứng tâm lý positivity effect

Ảnh: Pexels/ Mikhail Nilov

15. Serial Position Effect (Hiệu ứng vị trí nối tiếp)  

Hiệu ứng vị trí nối tiếp là hiệu ứng tâm lý cho rằng mọi người thường nhớ những vật ở vị trí đầu hoặc cuối tốt hơn so với vị trí ở giữa.

16. Well Traveled Road Effect 

Nếu bạn hay đi phượt hoặc du lịch nhiều và có thể ước tính chính xác thời gian đi một tuyến đường, đó chính là hiệu ứng Well Travelled. Điều này xảy ra là do sự quen thuộc của bạn với tuyến đường đó.

17. Hawthorne Effect (Hiệu ứng Hawthorne) 

Hiệu ứng Hawthorne đề cập đến khả năng phản ứng của một người trong việc thay đổi, điều chỉnh hành vi của họ khi làm việc với tập thể. Họ thường làm việc chăm chỉ và năng suất hơn khi là thành viên của một nhóm hay tổ chức nào đó. 

Hiệu ứng tâm lý Hawthorne

Ảnh: Pexels/ Koolshooters

18. Less-is-better Effect (Hiệu ứng ít-thì-tốt-hơn)   

Hiệu ứng ít-thì-tốt-hơn mô tả cách mà một người đôi khi lựa chọn một vật ít giá trị thay vì vật có giá trị cao. Tuy nhiên, hiệu ứng tâm lý này chỉ xảy ra khi hai vật đó không được đưa ra so sánh cùng nhau. Ví dụ, bạn sẽ thấy cảm kích hơn khi được tặng một chiếc bút trị giá 10$, bởi bạn biết có rất nhiều loại bút rẻ hơn trên thị trường, nhưng lại thấy không vui khi được tặng một cái áo khoác có giá 80$, bởi mặt hàng này trên mặt bằng chung có nhiều lựa chọn đắt tiền hơn.

19. Word Superiority Effect (Hiệu ứng ưu việt của từ) 

các con chữ hiệu ứng tâm lý

Ảnh: Pexels/Pixabay

Nếu bạn để ý, chúng ta thường nhận dạng các chữ cái nhanh và dễ dàng hơn khi nó được trình bày trong một từ/cụm từ hơn là ở dạng biệt lập hoặc bịsắp xếp một cách lộn xộn, vô nghĩa. 

20. Verbatim effect (Hiệu ứng tâm lý học nguyên bản)

Con người có xu hướng nhớ đến những ý chính mà một mẩu thông tin chứa đựng hơn là nhớ đến những chi tiết phụ xung quanh. Lý do là vì não bộ có xu hướng ghi nhớ được vấn đề cốt lõi mà chúng ta quan tâm. Hiệu ứng tâm lý học nguyên bản được dùng rất phổ biến trong các chiến lược Marketing.

21. Reactance

Reactance là một hiệu ứng tâm lý trong đó một cá nhân thường có khuynh hướng tỏ ra khó chịu hoặc phản đối với những quy tắc, chuẩn mực hoặc bình luận xâm phạm đến quyền tự do lựa chọn của họ. 

22. Cheerleader effect (Hiệu ứng cổ vũ) 

Hiệu ứng cổ vũ còn được gọi là hiệu ứng thu hút của nhóm, là sự thiên vị trong nhận thức cho rằng một cá nhân có sức hút hơn khi ở trong một nhóm.  

23. Golem effect 

Golem effect là một trong những hiệu ứng được quan sát rộng rãi trong môi trường giáo dục và các tổ chức, là hiện tượng cấp trên có kỳ vọng thấp ở nhân viên, dẫn đến hiệu suất làm việc trong thực tế cũng bị kém như dự đoán của họ.

24. Hedonic treadmill (Vòng xoáy khoái lạc) 

Vòng xoáy khoái lạc là khuynh hướng tâm lý khiến một người nhanh chóng trở lại trạng thái ổn định và trung lập mặc dù vừa mới trải qua một sự kiện tuyệt vời hay đau lòng. Nói một cách dễ hiểu, là những cảm xúc được mang tới bởi các trải nghiệm, dù tích cực hay tiêu cực, đều mang tính tạm thời và có thời gian tồn tại khá ngắn.   

25. Worse-than-average Effect (Hiệu ứng kém hơn mức trung bình) 

Hiệu ứng kém hơn mức trung bình là xu hướng một cá nhân đánh giá thấp khả năng và thành tựu của mình trong khi cho rằng người khác làm tốt hơn họ. 

Nhóm thực hiện

Bài: Anh Thư

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: themindsjournal

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more