9 quyển sách hay nên đọc về phong cách sống của người Nhật

Đăng ngày:

Người Nhật nổi tiếng với những phong cách sống đặc trưng, được xây dựng trên nền tảng triết lý sâu sắc và có thể ứng dụng được ở nhiều quốc gia khác nhau.

Hẳn ai cũng đã biết đến danshari – lối sống tối giản nổi tiếng của người Nhật. Tuy nhiên, đất nước mặt trời mọc còn có nhiều phong cách sống thú vị khác như ikigai, wabi sabi, shinrin yoku… Những khái niệm này đều hướng đến việc giúp con người nhận ra bản chất của cuộc sống, tập trung vào thế giới tinh thần và tìm thấy niềm vui trong những điều giản dị. Dưới đây là 9 quyển sách hay nên đọc nếu bạn đang muốn tìm hiểu sâu hơn về lối sống của người Nhật cũng như xây dựng phong cách sống cho riêng mình.

Ikigai – Chất Nhật Trong Từng Khoảnh Khắc

Yukari Mitsuhashi

sách hay nên đọc ikigai chất Nhật trong từng khoảnh khắc

Ikigai đã tồn tại từ rất lâu trong truyền thống văn hóa Nhật Bản. Đây là khái niệm về niềm vui trong cuộc sống thường nhật, hay nói cách khác là lý do mà bạn thức dậy vào mỗi sáng.

Trong cuốn sách hay này, Yukari Mitsuhashi đã phỏng vấn rất nhiều người, bao gồm cả nhà khởi nghiệp hay vận động viên để hỏi về những thứ mà ikigai đã đem đến cho họ, nó đã giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống như thế nào, và bằng cách nào mà họ tìm ra ikigai của chính mình. Thực tế cho thấy mỗi người có một ikigai khác nhau và không phải ai cũng đã tìm ra được ikigai cho bản thân mình.

Tùy vào ikigai của bạn là gì mà bạn sẽ nhận được những điều khác nhau từ nó, nhưng nhìn chung, hiểu về ikigai của bản thân sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với chính mình, có tâm trí điềm tĩnh và vững vàng hơn, kiểm soát cuộc sống thường nhật tốt hơn và tìm thấy được mục đích sống. Với triết lý đơn giản và quan điểm phóng khoáng, đây là cuốn sách hay nên đọc để khơi nguồn cảm hứng, giúp bạn theo đuổi hạnh phúc và hiểu được chính mình.

Ikigai Của Tôi – Hướng Tới Một Cuộc Đời Xứng Đáng

Caroline De Surany

sách hay ikigai của tôi

Lại một cuốn sách hay khác về phong cách sống Ikigai – một từ tiếng Nhật được viết bởi bốn ký tự với ý nghĩa “sự sống”, “những gì xứng đáng”, “sự ưu tiên, khởi xướng” và “vẻ đẹp, sự thanh lịch”. Tuy nhiên, cuốn sách này không phải một chiếc la bàn chỉ cho bạn ikigai nằm ở đâu. Chính xác thì nó giống như một “khoảng lặng”, dẫn dắt bạn khai phá từng khía cạnh của bản thân, từ đó tìm ra con đường lý tưởng trong hành trình giải đáp câu hỏi đầy triết lý nhưng không kém phần hấp dẫn và thi vị này.

“Hãy quan sát thế giới bằng một góc nhìn mới mẻ, miệt mài dấn thân vào những hoạt động tưởng chừng như “vô bổ”, để mặc cho bản thân được sống và trải nghiệm, đừng lo lắng sẽ lãng phí thời gian và chấp nhận sự chán chường, chậm chạp, tĩnh lặng. Bằng cách không làm gì cả, tạo ra sự trống rỗng nhàn rỗi trong mọi khía cạnh, bạn sẽ tìm được ikigai của mình”.

Ikigai – Đi Tìm Lý Do Thức Dậy Mỗi Sáng

Francesc Miralles, Hector Garcia

ikigai đi tìm lý do thức dậy mỗi sáng

Người Nhật quan niệm rằng mỗi người đều có một ikigai – mục đích sống. Và theo người dân của ngôi làng sống thọ nhất thế giới tại Nhật Bản, tìm ikigai là chìa khóa để có được cuộc sống hạnh phúc và lâu dài. Sở hữu một ikigai rõ ràng tức là mỗi sáng thức giấc, bạn có thể vùng dậy với cảm giác vui sướng, sẵn sàng sống một ngày thật năng động, hạnh phúc và đầy ý nghĩa.

Trong cuốn sách hay này, các tác giả đã tiến hành phỏng vấn người dân sống tại làng Ogimi, ngôi làng có tỷ lệ người thọ trên trăm tuổi cao nhất thế giới, từ đó hé lộ bí quyết hạnh phúc và trường thọ của họ, đồng thời đem đến cho bạn những công cụ thực tiễn để khám phá ikigai của bản thân.

Cuộc sống không phải là một vấn đề cần giải quyết. Chỉ cần nhớ rằng phải có thứ gì đó khiến bạn bận rộn làm những điều mình yêu thích trong khi có những người yêu quý bạn ở bên. Ikigai của mỗi người là khác nhau, nhưng có một điểm chung là tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Khi dành nhiều ngày để gắn kết với thứ có ý nghĩa với bản thân, chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn.

Wabi Sabi – Thương Những Điều Không Hoàn Hảo

Beth Kempton

wabi sabi thương những điều không hoàn hảo

Wabi là khám phá cái đẹp trong sự đơn giản, là tìm thấy sự đủ đầy và bình yên trong tâm hồn khi tách biệt khỏi thế giới vật chất. Còn sabi đề cập tới dòng chảy của thời gian, quá trình sinh diệt và quy luật lão hóa của vạn vật. Cả hai khái niệm này đều có vai trò quan trọng trong văn hóa Nhật Bản, nhưng có lẽ ý nghĩa của cụm từ wabi sabi còn thú vị hơn. Triết lý này bao hàm việc chấp nhận tính ngắn ngủi của vạn vật và trải nghiệm cuộc sống bằng mọi giác quan. Wabi sabi là nền tảng cho ý thức thẩm mỹ và bản tính nhã nhặn của người Nhật. Tuy hiếm khi được đem ra thảo luận, triết lý này là thế giới quan định hướng cuộc sống của họ. Nó có ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống nhưng lại vô hình, vô dạng. Theo bản năng, người ta có thể hiểu khái niệm wabi sabi, nhưng ít ai giải thích được tường tận.

Cuốn sách hay này có thể dạy ta những bài học cuộc sống về việc buông bỏ sự hoàn hảo và chấp nhận con người thật của mình, cho ta công cụ để thoát khỏi sự hỗn loạn và áp lực vật chất của cuộc sống hiện đại, để ta có thể bằng lòng với những gì mình có.

Japonisme – Những Điều Rất Nhật Bản

Erin Niimi Longhurst

japonisme những điều rất Nhật Bản

Japonisme – những điều rất Nhật Bản là một cuốn sách hay mang đầy hơi thở của xứ sở hoa anh đào, là nguồn cảm hứng vô tận để bạn khám phá nghệ thuật kiếm tìm hạnh phúc, sự đủ đầy cho Kokoro (trái tim và tâm trí) lẫn Karada (thân thể) của mình. Với cuốn sách, bạn có thể tìm ra ikigai (mục đích) – thứ thôi thúc bạn rời khỏi giường vào mỗi sáng. Phát hiện vẻ đẹp của wabi-sabi – chấp nhận bản chất của sự vô thường, thoáng qua và trân trọng những điều không hoàn hảo. Hay tìm thấy vẻ đẹp trong sự tan vỡ, thông qua nghệ thuật kintsugi. Mỗi triết lý, mỗi nghệ thuật đều là những lăng kính mới để bạn có thể nhìn vào mọi thứ, để tìm thấy sự bình yên trong tâm trí giữa cuộc sống đầy bất định và hỗn độn này.

Shinrin Yoku – Nghệ Thuật Tắm Rừng Của Người Nhật

Qing Li

shinrin yoku nghệ thuật tắm rừng của người Nhật

Từ hàng thiên niên kỷ trước, chúng ta đã biết việc hòa mình với thiên nhiên đem lại cảm giác dễ chịu đến nhường nào. Âm thanh của rừng, mùi thơm của cây, không khí mát lành, ánh nắng lấp ló qua tán lá ‒ tất cả đều mang lại cảm giác khoan khoái, giúp chúng ta giải tỏa lo âu căng thẳng, thư giãn và suy nghĩ thông suốt hơn. Khi hòa mình với thiên nhiên, chúng ta có thể điều hòa tâm trạng, hồi phục năng lượng, trở nên tỉnh táo và dồi dào sinh lực. Tác giả Qing Li đã nghiên cứu khía cạnh khoa học của hiện tượng này nhiều năm trời. Ông muốn biết tại sao chúng ta lại cảm thấy dễ chịu tới vậy khi ở giữa thiên nhiên. Sức mạnh bí ẩn nào của cây làm cho chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc hơn nhiều đến thế? Tại sao chỉ cần đi bộ trong rừng là chúng ta đã cảm thấy bớt căng thẳng và được tiếp thêm năng lượng? Có người nghiên cứu rừng, số khác nghiên cứu y học. Tác giả nghiên cứu y học rừng để tìm hiểu toàn diện những phương pháp đi bộ trong rừng giúp cải thiện sức khỏe. Tất cả đều được thể hiện trong cuốn sách hay này.

Vào cuối tuần, Qing Li thường ghé thăm những công viên cây xanh ở Tokyo và dành một vài tiếng ở đấy. Còn mỗi chiều thứ Hai, ông lại tổ chức đi dạo cùng sinh viên. Họ thực hành một liệu pháp của Nhật có tên là shinrin-yoku. Trong tiếng Nhật, shinrin có nghĩa là “rừng” còn yoku là “tắm”. Vậy shinrin-yoku có nghĩa là tắm trong môi trường rừng, hay đắm mình vào không gian rừng bằng mọi giác quan. Đây không phải là bài tập thể dục đi bộ hay chạy bộ đường dài mà chỉ đơn giản là đón nhận và kết nối với thiên nhiên bằng thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Và khi các giác quan được mở ra, chúng ta bắt đầu kết nối với thế giới tự nhiên.

Tâm Buông Bỏ, Đời Bình An – Bí Kíp Sống Hạnh Phúc Của Người Nhật

Natori Hougen

sách hay tâm buông bỏ đời bình an

Trong cuộc sống hiện tại, nhiều người thường chia sẻ: “Khi tôi đạt được một điều gì đó quan trọng, khi ước mơ của bản thân trở thành hiện thực, ngay sau khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi, tôi đều cảm thấy trống rỗng, mông lung với cuộc đời”.

Tại sao lại nghịch lí như vậy?

Đa số mọi người rơi vào trạng thái ấy vì họ chưa cảm thấy đủ, họ vẫn quen phóng đại hạnh phúc của người khác, làm quá nỗi khổ đau của bản thân, và không ngừng mang chính mình ra so sánh với những người xung quanh.

Tất cả đều xuất phát từ sự ôm đồm cá nhân, hay nói cách khác là thái độ không bằng lòng với bản thân, cái gì cũng muốn được, muốn hơn mà không chịu “buông”.

Đức Phật định nghĩa rằng đó là cái “tham” tiềm ẩn trong mỗi con người. Để có thể thoát khỏi bế tắc, không còn cách nào khác ngoài việc biết thế nào là đủ và học cách “buông bỏ”. Buông bỏ phiền não, trước là để giải tỏa ưu tư, giúp bản thân hạnh phúc, sau là để cho mình có cơ hội trưởng thành.

Hạnh phúc vốn được xây dựng trên nền tảng bình an và tự tại. Cuốn sách hay này sẽ giúp bạn trở thành một người “tâm bất biến giữa đời vạn biến”.

LỐI SỐNG TỐI GIẢN CỦA NGƯỜI NHẬT

SASAKI FUMIO

sách hay lối sống tối giản của người Nhật

Lối sống tối giản của người Nhật gồm có năm chương.

Chương một: Tác giả giới thiệu lối sống tối giản cùng với cách định nghĩa của mình. Sau đó, anh sẽ đưa ra lý do vì sao mình lại theo đuổi lối sống này.

Chương hai: Tác giả lý giải tại sao sau ngần ấy năm, đồ đạc trong nhà lại chất nhiều đến thế. Những đồ đạc được tích tụ lại do thói quen hay nhu cầu của con người này mang ý nghĩa gì?

Chương ba: Bao gồm những quy tắc cụ thể, những phương pháp để có thể giảm bớt đồ đạc trong nhà. Thêm vào đó là danh sách bổ sung 15 điều cho những người muốn tối giản hơn nữa cùng với toa thuốc cho “căn bệnh muốn vứt bỏ”.

Chương bốn: Tiết lộ những thay đổi của chính tác giả sau khi dọn hết đồ đạc trong nhà. Kèm theo đó, anh còn phân tích và khảo sát thêm về các kết quả nghiên cứu tâm lý học.

Chương năm: Tiếp nối chương bốn, tác giả sẽ giải thích tại sao những thay đổi của bản thân lại dẫn đến “hạnh phúc”.

TỐI GIẢN – SỞ HỮU ÍT ĐI, HẠNH PHÚC NHIỀU HƠN

HIDEKO YAMASHITA

sách hay tối giản sở hữu ít đi hạnh phúc nhiều hơn

Bạn đã bao giờ nghe đến thuật ngữ Danshari nổi tiếng tại đất nước mặt trời mọc? Bạn đã khi nào cảm thấy bế tắc, mệt mỏi vì sở hữu quá nhiều thứ không cần thiết nhưng không biết phải sắp xếp lại từ đâu? Thời đại công nghệ ngày một phát triển, chúng ta thường nghĩ, càng đầy đủ vật chất tiện nghi, cuộc đời sẽ càng thêm hoàn mĩ. Nhưng người Nhật lại cho rằng, đơn giản hóa vật dụng bao nhiêu, cuộc sống sẽ tối ưu bấy nhiêu. Sống tối giản giúp chúng ta có thể nhận thức được bản thân, sắp xếp lại những suy nghĩ hỗn loạn trong đầu và khiến cuộc sống dễ chịu hơn rất nhiều. Danshari là một điều kì diệu giúp bạn buông bỏ gánh nặng, sống tích cực hơn mỗi ngày. Và Tối giản – Sở hữu ít đi, hạnh phúc nhiều hơn sẽ là người đồng hành hữu ích của bạn trong chặng đường buông bỏ gánh nặng ấy!

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more