Starlighting: “Red flag” mới trong tình yêu

Đăng ngày:

Sẽ thế nào nếu các hoạt động lành mạnh như yoga, thiền định hay năng lực tâm linh mạnh mẽ trở thành lý do để bạn hoặc nửa kia kiểm soát đối phương? Trên thực tế, đây là dấu hiệu của starlighting – thuật ngữ mới ám chỉ một hình thức thao túng tinh thần trong tình yêu.

Việc lạm dụng những hoạt động lành mạnh và trải nghiệm tâm linh để thao túng và kiểm soát người khác khiến starlighting trở thành một “red flag” nguy hiểm mới trong tình yêu. Hành động này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người bị tác động, đồng thời làm rạn nứt chuyện tình cảm giữa cả hai. Vì vậy, việc nắm bắt bản chất, hệ quả và cách đối phó với starlighting là điều cần thiết để bạn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân. 

Starlighting là gì?

Starlighting có thể được ví như “người em họ” của gaslighting – một hình thức thao túng tâm lý phổ biến trong các mối quan hệ tình yêu. Theo đó, những người thực hiện starlighting và gaslighting đều lợi dụng nỗi sợ hãi của người khác, tấn công vào cảm xúc của họ nhằm kiểm soát tinh thần, buộc họ tin tưởng và nghe theo người thao túng. Tương tự gaslighting, starlighting có thể xảy ra khi ai đó muốn chứng tỏ mình có giá trị hơn người hoặc muốn khẳng định quyền lực của bản thân trong mối quan hệ. Nhìn chung, những người này có xu hướng cho rằng niềm tin, quan điểm và hành động của mình luôn đúng. 

người đàn ông starlighting

Ảnh: Pexels/cottonbro studio

Tuy nhiên, nếu gaslighting có thể do bất kỳ đối tượng nào gây ra, starlighting lại chủ yếu được thực hiện bởi những người thực hành thiền định, yoga, chánh niệm, người có năng lực tâm linh mạnh mẽ hoặc từng trải qua các hiện tượng tâm linh. Với nhóm người này, trải nghiệm từ các hoạt động tinh thần trên là lý do khiến họ chiếm ưu thế hơn trong mối quan hệ. Do đó, nửa kia của họ cần phải lắng nghe và thực hành những hoạt động tương tự. 

Hệ quả của starlighting

Nếu là nạn nhân của starlighting trong chính chuyện tình yêu của mình, bạn có thể cảm thấy khó chịu và căng thẳng vì luôn bị áp đặt hoặc phải liên tục nghe những lời khuyên về tâm linh hay chánh niệm, ngay cả khi không cần thiết. Về lâu dài, điều này có thể đầu độc mối quan hệ, khiến bạn trở nên mệt mỏi và thậm chí gây ra nhiều vết thương tâm lý trong lòng bạn. 

Hơn nữa, starlighting còn có khả năng tiêm nhiễm vào tâm trí nạn nhân những niềm tin hay quan điểm mang tính giáo điều, độc hại về thực hành tâm linh và tôn giáo. Việc này có thể ảnh hưởng lớn đến các mối quan hệ nói chung và quan hệ tình cảm nói riêng sau này. Đồng thời, hình thức lạm dụng này còn làm biến tướng giá trị đích thực do các hoạt động thiền, yoga hay các trải nghiệm tâm linh mang lại cho mỗi người. 

cô gái suy tư về tình yêu

Ảnh: Unsplash/Laura Oliveira

Làm thế nào để đối phó với starlighting?

1. Bình tĩnh đối diện tình huống

Nếu biết được nửa kia của bạn đang thực hiện starlighting, đầu tiên bạn cần bình tĩnh và thử khiến họ nhận ra những cách tích cực hơn để cải thiện tình trạng mối quan hệ, thay vì hành động thao túng hay ép buộc. Bình tĩnh chính là chìa khóa quan trọng giúp bạn chủ động xử lý vấn đề một cách sáng suốt trong tình huống này. 

Theo đó, họ nên chứng minh lợi ích từ các bài tập yoga đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Đồng thời, họ cần quan tâm đến những dự định cá nhân của bạn và không thể hiện những ý định xấu thông qua hoạt động tâm linh hay cải thiện sức khỏe tinh thần. Nếu đối phương vẫn không muốn lắng nghe và khăng khăng buộc bạn phải làm theo, đó là dấu hiệu lớn nhất cho thấy bạn cần xem xét lại mối quan hệ này.


Xem thêm

• Thần số học tiết lộ điều gì về đời sống tình cảm của bạn?

• Trắc nghiệm: Hình ảnh nhìn thấy đầu tiên tiết lộ vấn đề bạn đang gặp phải trong việc tìm kiếm mối quan hệ lâu dài

• Dấu hiệu nhận biết nửa kia đang ngoại tình về mặt cảm xúc


2. Thể hiện mong muốn được tôn trọng

cặp đôi tâm sự chuyện tình yêu

Ảnh: Unsplash/Priscilla Du Preez 🇨🇦

Khi phát hiện những dấu hiệu starlighting từ nửa kia, bạn nên chủ động bày tỏ mong muốn được tôn trọng quyền riêng tư, tự chủ của bản thân. Bạn có thể cho họ thấy sự trân trọng của bạn dành cho những lời khuyên ấy, đồng thời khẳng định mong muốn được tôn trọng các quyết định và lựa chọn của mình. 

3. Tìm kiếm sự giúp đỡ

Nếu đối thoại không hiệu quả và chuyện tình yêu của bạn ngày càng trở nên áp lực, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đáng tin cậy. Khi đó, bạn nên tâm sự với các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè để nhận được lời khuyên hữu ích. Đồng thời, bạn có thể liên hệ các nhà trị liệu hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời. 

cặp đôi cần tư vấn trong tình yêu

Ảnh: Unsplash/Alexander Mass

4. Tin tưởng bản thân

Nỗ lực giữ vững niềm tin vào giá trị và quan điểm của bản thân có thể trở nên khó khăn nếu đối phương liên tục tấn công bạn bằng những lời nói hay hành vi mang tính thao túng. Tuy nhiên, đây là một trong những biện pháp hiệu quả giúp bạn tỉnh táo và tránh bị đối phương chi phối, kiểm soát. Bạn có thể thực hành tự nhận thức, hoặc tập đọc to những câu nói khẳng định để nhắc nhở bản thân về giá trị thật sự của mình.

5. Chủ động kết thúc mối quan hệ

Đây có thể là một quyết định đau lòng nhưng cần thiết nếu đối phương không nhận ra sự độc hại của họ và nỗ lực thay đổi. Mặt khác, việc nói lời chia tay với mối quan hệ này có thể mang lại những chuyển biến tích cực trong đời sống tinh thần của bạn. Hơn nữa, quyết định này còn có khả năng mở ra một cánh cửa tình yêu mới lành mạnh hơn và xứng đáng với bạn. 

Nhóm thực hiện

Bài: Khiết Minh

Tham khảo: Your Tango

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more