5 vấn đề các cặp đôi nên cùng thảo luận trước khi đi đến hôn nhân

Đăng ngày:

Trước khi tiến đến hôn nhân và bắt đầu cuộc sống cùng nửa kia, bạn cần phải thảo luận 5 vấn đề quan trọng sau đây để có được hạnh phúc gia đình trọn vẹn.

Khi nghĩ đến những từ “cưới” hay “hôn nhân”, chúng ta thường bị cuốn vào những khía cạnh ngọt ngào, cổ tích của viễn cảnh lứa đôi mà ít chú ý tới câu chuyện trọng điểm hơn – cuộc sống của bạn với người ấy đang dần hòa thành một, và thực tế không phải lúc nào cũng như mơ.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi liệu có công thức diệu kỳ nào cho một mối quan hệ bền chặt và hạnh phúc. Thực ra, không hề có một công thức chuẩn nào cả, mà sự giao tiếp để thấu hiểu lẫn nhau mới chính là chìa khóa. Những cuộc trò chuyện cởi mở về các chủ đề sau sẽ là nền tảng quan trọng dẫn đến mối quan hệ hôn nhân trọn vẹn.

1. Tài chính trong hôn nhân

cặp đôi thảo luận trước hôn nhân

Ảnh: Pexels/Cottonbro

Tài chính là một chủ đề căn bản của cuộc sống nhưng cũng khá nhạy cảm nên nhiều người cảm thấy bối rối và khó khăn để mở lời. Vì thế, khi thảo luận với người ấy, hãy bắt đầu thật nhẹ nhàng và từ tốn để cả hai có thể thoải mái chia sẻ với nhau hơn. Bạn cần có cuộc nói chuyện quan trọng này trước khi đi đến hôn nhân bởi đã có rất nhiều cặp vợ chồng xảy ra tranh cãi, thất vọng về đối phương khi những kỳ vọng của mình “tan vỡ”, và một phần đều vì các vấn đề tài chính.

Bạn có thể có những quan điểm và thói quen về chi tiêu khác với người yêu của mình. Thay vì che giấu cảm xúc, hãy chủ động và thẳng thắn chia sẻ với người ấy, bởi những suy nghĩ chất chứa sẽ là mầm mống cho sự bất đồng trong tương lai. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ suy nghĩ của bản thân trước khi chia sẻ những gì bạn mong đợi từ đối phương, và hãy cố gắng hiểu cho người ấy nữa!

Hãy bắt đầu với những câu hỏi về các vấn đề như:

  • Số tiền tối đa mà mỗi người có thể chi tiêu mà không cần phải hỏi ý kiến ​​nhau là bao nhiêu?
  • Bạn có sẵn sàng hỗ trợ gia đình của nhau về mặt tài chính không và khả năng hỗ trợ là bao nhiêu?
  • Bạn có quyền bình đẳng nêu ý kiến của mình về cách sử dụng tiền như một cặp vợ chồng khi mua nhà, đầu tư, chăm sóc con cái… bất kể ai kiếm được nhiều hơn không?
  • Nếu hai người muốn có con nhưng cần sự trợ giúp của y khoa, khoản tiền cả hai sẵn sàng chi trả cho sự can thiệp này là bao nhiêu?
  • Cả hai sẽ về hưu vào năm bao nhiêu tuổi? Khi đó, khoản tiết kiệm hưu trí dự trù là bao nhiêu?

2. Con trẻ

hôn nhân có con

Ảnh: Pexels/Yan Krurov

Con cái chắc chắn là sợi dây gắn kết mối quan hệ gia đình. Trước khi kết hôn, hẳn bạn sẽ mường tượng viễn cảnh “màu hồng” về ngôi nhà và những đứa trẻ, cuộc sống khi có con sẽ vui vẻ, tràn ngập tiếng nói đùa trẻ thơ. Bạn bắt đầu phân vân đặt tên con là gì, phòng ốc của con sẽ trang trí thế nào đây. Thế nhưng, việc sinh con và nuôi con đâu chỉ có vậy.

Tất cả chúng ta đều có góc nhìn riêng về cuộc sống mình muốn dành cho những đứa trẻ và đôi khi ta quên mất rằng đối phương cũng có tiếng nói bình đẳng trong chuyện nuôi dạy con cái. Nuôi con có lẽ là một trong những cuộc phiêu lưu thú vị và thử thách nhất của mỗi cặp vợ chồng. Và trên hành trình ấy, các cặp đôi có thể gặp rắc rối nếu họ không đồng thuận trong phương pháp nuôi dạy và chăm sóc con trẻ.

Dưới đây là một số khía cạnh mà bạn cần cân nhắc:

  • Khả năng tài chính của bạn nếu gia đình có thêm một thành viên mới?
  • Nếu một trong hai người không thể có con, lựa chọn giải pháp sẽ là gì?
  • Ai sẽ là người chăm sóc chính cho con?
  • Bạn muốn con được nuôi dạy như thế nào?
  • Khi có con, cả hai sẽ không còn nhiều không gian và thời gian riêng tư, các bạn sẽ làm thế nào để duy trì mối quan hệ ân ái, ngọt ngào trước đây?

3. Cách tranh luận hiệu quả mà vẫn giữ hòa khí

hôn nhân đi chơi

Ảnh: Pexels/Cottonbro

Bất đồng quan điểm là không thể tránh khỏi trong một mối quan hệ, đặc biệt là sau khi kết hôn. Các bạn có thể tranh luận với nhau từ những vấn đề hết sức bình thường như “hôm nay ăn gì” tới những vấn đề lớn hơn, gây tổn thương đối phương. Tuy nhiên, điều quan trọng là cách bạn giải quyết những bất đồng. Nó sẽ là chìa khóa cho sự dài lâu, êm ấm của cuộc sống hôn nhân. Những mối quan hệ hạnh phúc là những mối quan hệ không trốn tránh và sợ hãi những mâu thuẫn, bởi chúng giúp họ trở nên gần gũi và thấu hiểu nhau hơn.

Khi đã đi đến hôn nhân và về chung một nhà, các bạn đã là người bạn đời cùng nhau dựng xây cuộc sống tương lai. Vì thế, cả hai nên suy nghĩ cẩn trọng trong mọi cuộc tranh cãi, cùng nhau vượt qua những vướng mắc trong lòng thay vì cố gắng “chiến thắng” đối phương. Nếu bạn đã quyết định dành cả cuộc đời cho ai đó thì việc ai đúng ai sai không còn quá quan trọng, hãy nhường nhịn nhau đôi chút để vun vén sự hòa thuận.

Rõ ràng, chỉ cần diễn đạt khác đi thì lời nói của bạn đã tạo cảm giác khác cho người nghe. Hãy cân nhắc những ví dụ sau đây:

  • “Em/anh cảm thấy hơi căng thẳng, hôm nay anh/em có giúp em/anh dọn nhà không?” thay vì “Anh/em không bao giờ giúp việc nhà cả”.
  • “Em/anh xin lỗi vì khiến anh/em cảm thấy bị tổn thương” hoặc “Em/anh không có ý làm anh/em buồn”, để thừa nhận cảm xúc của người ấy (ngay cả khi bạn không đồng ý).
  • Nếu bạn cảm thấy cuộc tranh cãi khiến cả hai đang dần mất kiểm soát, hãy nói “Chúng ta có thể trao đổi sau khi cả hai bình tĩnh được không?” hoặc đề nghị làm điều gì đó thư giãn cùng nhau để cả hai có thể tĩnh tâm suy nghĩ về quan điểm của mình.
  • Hỏi ý kiến của đối phương về mối quan hệ thường xuyên để cùng nhau giải quyết kịp thời những vấn đề “mầm mống”.
  • Luôn tập trung tranh luận về chủ đề trọng tâm và tránh đề cập đến những vấn đề không liên quan mà “đổ thêm dầu vào lửa”.

4. Sự nghiệp

cặp đôi thảo luận về sự nghiệp

Ảnh: Pexels/Lê Minh

Khổng Tử từng nói: “Làm công việc mình yêu thích thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào”. Điều này nghe thật tuyệt, nhưng khi công việc yêu thích của bạn hoặc người ấy đòi hỏi phải đi công tác thường xuyên, tăng ca muộn ảnh hưởng tới thời gian riêng tư của cả hai thì sao? Hoặc, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đang phải làm một công việc mình hoàn toàn không thích? Việc cả hai cùng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình về công việc/nghề nghiệp của người kia trong hôn nhân rất quan trọng. Hãy tôn trọng lý tưởng của nhau và để mỗi quyết định của bạn luôn có ý kiến của đối phương trong đó.

Những câu hỏi bạn có thể suy nghĩ đến:

  • Bạn có muốn chuyển đến một thành phố mới để tìm việc không? Hay có sẵn sàng bắt đầu cuộc sống ở nơi khác để thuận tiện cho công việc của đối phương?
  • Bạn cảm thấy thế nào nếu bạn là trụ cột chính trong gia đình?
  • Các bạn sẽ hỗ trợ nhau như thế nào nếu một trong hai người thất nghiệp, muốn thay đổi nghề nghiệp, hoặc muốn học cao học?
  • Mục tiêu sự nghiệp của các bạn sẽ ảnh hưởng thế nào tới việc xây dựng gia đình, cụ thể là chuyện con cái?
  • Các bạn sẽ phân chia công việc nhà như thế nào?

5. Đời sống tình dục và sự thân mật

cặp đôi hòa hợp trong hôn nhân

Ảnh: Pexels/Ketut Subiyanto

Đời sống tình dục song hành với cuộc sống hàng ngày của các cặp đôi. Dẫu vậy, không phải ai cũng có thể cởi mở và thoải mái khi nói về chủ đề này. Họ cảm thấy lo lắng, dễ bị xúc động và ngại ngùng khi đề cập về chuyện ân ái với nửa kia của mình. Đây là một chủ đề tế nhị để nói về ngay cả sau khi đã kết hôn, tuy nhiên, hãy thẳng thắn đối mặt, bởi khi đời sống hôn nhân được cải thiện, chất lượng mối quan hệ cũng sẽ tốt hơn.

Hãy hiểu rõ về cơ thể của bạn, những điều bạn thích và không thích. Sau đó, cùng người ấy ngồi xuống và trò chuyện để củng cố cảm giác an toàn trước khi đi sâu vào câu chuyện này. Hãy bắt đầu bằng sự giãi bày xung quanh “nỗi sợ”. Nói về điều bạn sợ và lý do tại sao sẽ giúp bạn và đối phương nuôi dưỡng lòng tin và sự đồng cảm. Suy cho cùng, hầu hết mọi người đều muốn thể hiện nhu cầu thân mật và sự say mê của mình với nửa kia nhưng đôi khi không biết làm thế nào.

Dưới đây là một số mẹo có thể hữu ích với bạn:

  • Hãy dùng cách tiếp cận mà bạn cho rằng phù hợp với cả hai.
  • Nói với người ấy những gì bạn cần để cảm thấy an toàn và ngược lại.
  • Tôn trọng sự khác biệt về sở thích tình dục. Bạn không cần phải đồng ý mọi hoạt động và điều quan trọng là phải cởi mở, không phán xét về sở thích của đối phương. Khi bị đánh giá, đối phương sẽ cảm thấy tức giận, xấu hổ, và điều này có thể khiến cả hai mất hứng.
  • Lắng nghe nhiều hơn.
  • “Tập luyện” giúp mọi thứ hoàn hảo hơn. Trong và sau khi “luyện tập”, hãy đưa ra những phản hồi tích cực. Những lời khen ngợi và tình yêu thương sẽ giúp cả hai càng thêm gắn bó, hạnh phúc.
  • Hãy thảo luận về cách giữ cho đời sống tình dục của các bạn luôn tươi mới và vui vẻ. Khi mọi thứ cảm thấy quen thuộc, hãy sáng tạo! Đây là cuộc sống của các bạn, hãy cùng vun đắp nó để giữ lửa hạnh phúc.
Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more