Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục – “Hạt bụi nhỏ bé cô đơn”

Đăng ngày:

Người nghệ sĩ có đôi mắt sáng rỡ đón tôi tại quán cà phê nằm sâu trong con phố Trưng Trắc, Hà Đông vào một ngày thu Hà Nội. Thoạt nhìn, khó lòng nghĩ đây là một chàng hoạ sĩ vẽ tranh sơn mài với khá nhiều dấu ấn trong giới. Lục nhỏ người, gương mặt luôn phảng phất niềm vui nào đó trông rất tình chứ không như sự cô độc trong từng bức họa anh thổi hồn nên.

Vẽ là một cách giãi bày với chính mình

Trong suốt câu chuyện của mình, Lục thường nhắc đến sự cô đơn. “Con người chỉ là một hạt bụi nhỏ bé giữa vũ trụ bao la, sự nhỏ bé ấy khiến mình trở nên lạc lõng, vô định giữa thinh không, cô đơn với chính bản thân mình. Nếu con người nói chung luôn khát khao chạm tới cõi sâu tâm hồn mình, thì người nghệ sĩ lại càng khát khao được giải bày cảm xúc”. Anh nói, sự cô đơn trong nội tâm giúp anh tập trung sáng tác, đó là khi chỉ anh đối diện với bản thân mình, giãi bày với chính mình và cũng lắng nghe chính mình.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục - “Hạt bụi nhỏ bé cô đơn” 3

Chân dung chàng họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Trong suốt 3 năm, từ 2015 đến nay, Lục dồn tâm huyết cho bộ tranh sơn mài với chủ đề xoay quanh những xúc cảm của con người khi đặt trong bao la vũ trụ.

Lục kể cho tôi nghe về thời gian anh sáng tác tranh sơn mài. Trong xưởng vẽ tại căn nhà nằm khiêm nhường một góc ở ngổn ngang Tây Mỗ, anh thường dồn lực sáng tác khi chỉ có một mình để sự tập trung được cao độ và để cảm xúc được phiêu tự do, không bị bất cứ tác động nào từ thế giới bên ngoài.

Tranh của anh là quá trình tự đào sâu bản thân, là những ngày tự mình gặm nhấm nỗi cô đơn đến cùng tận, là khi nghe những câu chuyện của kẻ cô đơn hơn mình, là quá trình đi qua nhiều trạng thái cảm xúc và sự cảm nhận về mối tương quan của vũ trụ với con người. Dần dà, một thế giới mới mở ra, người xem tranh cảm nhận được họ ở đâu đó trong những mảng màu của anh, đâu đó trong số những phận người bé nhỏ giữa vũ trụ quyền năng.

Tôi có thể nói nhiều về sự cô đơn trong tôi khi sáng tác, nhưng nhìn vào tranh của tôi, cái người xem nhận được không phải là nỗi buồn hay sự cô đơn đến cùng cực. Đó là sự thấu cảm, nhìn nhận lại bản ngã và cảm xúc của chính họ. Họ là ai? Họ đang cảm thấy gì? Tôi tin mình hiểu hết những điều ấy và khi vẽ ra là khi hiện thực được gợi mở, những tâm hồn vì thế mà có chỗ nương theo” – Xuân Lục trầm ngâm.

Không gian “không cô đơn” của Lục

Tôi đã biết về Art In The Forest trước đây, và quyết định tham gia lần này cũng chính vì tôi muốn tranh của mình được trưng bày tại một sự kiện thuần nghệ thuật với mức độ uy tín hàng đầu trong cả nước”, anh bày tỏ khi tôi hỏi về nguyên nhân anh tham dự triển lãm.

Sở dĩ có câu hỏi này, là bởi Lục kể với tôi rằng dòng tranh của anh thuộc vào dạng rất… kén khách. Anh muốn những ý nghĩa nằm ở tầng sâu của mỗi bức tranh có thể chạm đến giác quan của người xem trong một không gian dành riêng cho cảm thụ nghệ thuật. Một triển lãm tranh uy tín cũng là điều kiện tốt cho những nghệ sĩ “ẩn mình” như anh.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục - “Hạt bụi nhỏ bé cô đơn” 4

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục tự nhận dòng tranh của anh khá “kén” người xem.

Lần này, tham gia tại triển lãm Art In The Forest tại Flamingo Đại Lải Resort, họa sĩ Nguyễn Xuân Lục mang tới 9 tác phẩm tiêu biểu của mình. Anh gọi mỗi tác phẩm là một mảng màu, đại diện cho cảm xúc của con người. Đó là niềm vui, là một chút cô đơn, là sự buông bỏ, là sự trân quý và đâu đó là niềm tin đang lẩn khuất.

Với Xuân Lục, ở AIF 2018 có một “cộng đồng” nghệ sĩ đa dạng chất liệu sáng tác, phong cách. Bên cạnh chất liệu sơn mài của anh, thì có người vẽ tranh lụa, có người điêu khắc, có người vẽ chì, người vẽ tranh sơn dầu… tất cả nghe có vẻ không liên quan gì đến nhau, nhưng vô hình trung đều mang cùng một sợi dây liên kết, tạo nên không gian nghệ thuật sống động và nhiều cảm xúc.

Từ khi theo đuổi sơn mài, họa sĩ Nguyễn Xuân Lục dành phần lớn thời gian miệt mài trong xưởng vẽ, nên khi nói về không gian trưng bày tại AIF 2018, Lục cười hồ hởi dùng lời đánh giá ngắn gọn: “Thơ! Rất thơ!”. Tôi hình dung khoảnh khắc đó, có lẽ anh đã nghĩ về thời gian miệt mài trong xưởng vẽ, nơi có bốn bức tường im tiếng vây quanh mỗi ngày và ngổn ngang những mảnh ghi chép nhỏ to về sơn mài, về cảm xúc, về vũ trụ… Với khoảng không gian rộng mở của Flamingo Đại Lải Resort, nơi diễn ra AIF 2018, hình như chàng nghệ sĩ đã bớt cô đơn, đã sẵn sàng cho một sự giãi bày trong nghệ thuật.

Việc không gian triển lãm đặt giữa rừng thông xanh mát, mỗi nghệ sĩ được “cấp” một studio trưng bày độc đáo, thiên nhiên rộn ràng sau từng tấm kính, tất cả những điều này cộng hưởng với thanh âm ven hồ Đại Lải tạo nên một tổng thể rất mới, rất nên thơ. Người xem tranh càng có cảm giác thư thái, cảm xúc sẽ càng thăng hoa. Đó là điều đầu tiên của AIF năm nay khiến tôi rất ấn tượng!”, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Lục chia sẻ thêm.

Art In The Forest là sự trân trọng với nghệ sĩ

Anh nối tiếp câu chuyện bằng một nốt trầm trong nghệ thuật: Thị trường hiện nay, có hàng trăm cách để có một bức tranh trang trí, họ có thể in ấn lại, có thể sao chép hoặc đơn thuần là đặt sản xuất một số lượng lớn. Tuy nhiên, điều đó chỉ mang giá trị trong trang trí và hoàn toàn không có giá trị tác phẩm.

Làm cách này, họ có thể dễ dàng mua được một sản phẩm. Nhưng giá trị nằm ở mỗi bức tranh của người hoạ sĩ chân chính, họ không mua được. Khi thường thức một tác phẩm đúng nghĩa, chính là bạn đang nhìn thấy toàn bộ hành trình sáng tác của nghệ sĩ, trong đó có cả những cô đơn, trải nghiệm và những ước mơ” – họa sĩ Nguyễn xuân Lục bày tỏ.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lục - “Hạt bụi nhỏ bé cô đơn” 2

Không gian trưng bày nghệ thuật độc đáo giữa đất trời tại Art In The Forest là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho nghệ thuật.

Anh nghĩ nhiều về sự trân trọng đối với nghệ sĩ và nghệ thuật. Anh lo rằng sự thấu hiểu đối với nghệ sĩ còn hạn chế, dòng chảy thị trường cuốn nghệ thuật vào những ranh giới mà nếu không tỉnh táo, người nghệ sĩ sẽ bị tác động khiến trôi mòn cảm xúc.

Chính vì vậy, khi được mời tham dự triển lãm nghệ thuật đương đại bên hồ Art In The Forest, Lục cảm nhận được một sự trân trọng từ những người sáng lập và phát triển dự án nghệ thuật này.

Anh tiếp lời: “Không chỉ là không gian nghệ thuật, AIF là sự trân trọng dành cho nghệ sĩ. Việc Flamingo tạo ra một triển lãm uy tín cùng thái độ của họ đối với tác phẩm chính là động lực cho giới nghệ sĩ vững tin hơn khi theo đuổi nghiệp sáng tác”. 

Cuộc nói chuyện kết thúc khi trời cũng vừa ngả tối. Nhấp một ngụm cà phê, chàng nghệ sĩ tựa người như thể vừa trút được những nỗi lòng. Ánh mắt anh dù thoáng chút xa xăm, nhưng vẫn hăm hở một niềm hy vọng mới.

Art In The Forest là chương trình nghệ thuật thị giác vì cộng đồng được tổ chức thường niên từ năm 2015 đến nay. Năm 2016, chương trình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình chọn trong Top 5 sự kiện mỹ thuật Quốc gia tiêu biểu, đồng thời Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng xác lập kỷ lục “Khu Resort có không gian nghệ thuật bên hồ lớn nhất Việt Nam” cho Flamingo Đại Lải Resort.

Art In The Forest 2018 sẽ diễn ra từ ngày 1/12/2018 và kéo dài đến tháng 5/2019 với sự tham gia của 9 nghệ sĩ với các tác phẩm hội họa và điêu khắc.

__

Xem thêm

Những bức tranh hé lộ không gian làm việc của các họa sĩ nổi tiếng

Khi 2 nữ họa sĩ vẽ tranh cùng nhau: Nghệ thuật là “Nhà”

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more