Triển lãm “Người Học Trưởng Ngu Ngốc” của nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Giang và Gabriel Hensche

Đăng ngày:

Lần đầu tiên, hiện diện trong không gian nghệ thuật GốcLab đặt tại Toong, một triển lãm đôi giới thiệu các tác phẩm của hai nghệ sĩ: một đến từ Việt Nam – Nguyễn Hoàng Giang – và một đến từ quốc tế – Gabriel Hensche (Đức).

Từ ngày 18/12 đến 25/12/2021, công chúng sẽ được tham gia vào một đối thoại chung về mối quan hệ giữa con người và máy móc, được trình bày dưới dạng những “bài tập” cho tương lai tại không gian Toong 188 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM. Không chỉ mời gọi sự tương tác của khán giả, triển lãm “Người học trưởng ngu ngốc” còn chia sẻ cách mà một dự án nghệ thuật sắp đặt/video/trình diễn được phát triển và hoàn thiện thông qua công nghệ số trong bối cảnh đại dịch, khi các nghệ sĩ và đơn vị tổ chức đều lưu trú tại các địa phương, quốc gia khác nhau.

triễn lãm người học trưởng ngu ngốc của nguyễn hoàng giang và gabriel hensche

Chương trình được kết nối thông qua khuôn khổ dự án RECONNECT* do Viện Goethe khởi xướng.

“Người học trưởng ngu ngốc” – Tác phẩm nghệ thuật hay những “bài tập” cho tương lai

Được gợi hứng từ cuốn sách The Ignorant Schoolmaster: Five Lessons in Intellectual Emancipation (tạm dịch: Hiệu trưởng dốt nát: Năm bài học về Giải phóng Tri thức) (1987) của Jaques Rancière, triển lãm với tên gọi “Người học trưởng ngu ngốc” dẫn dắt người xem đến với các phiên tập dợt (workshops/exercises) dựa trên những băn khoăn: Làm thế nào để đảm bảo được cả sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, khi mà cường độ sử dụng thiết bị điện tử tăng lên; con người có thể học được gì từ máy móc thông minh; và tương lai của mối quan hệ giữa máy móc và con người? Ý tưởng này nảy sinh từ lần gặp gỡ đầu tiên giữa Nguyễn Hoàng Giang và Gabriel Hensche vào năm 2018, trong một chương trình lưu trú nghệ sĩ tại Viafarini, Milan, Ý.

Cả hai tác phẩm Người học – học người (video/ trình diễn) của nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Giang (Việt Nam) và Những bài tập cho Kỷ nguyên Số (sắp đặt tranh vẽ trên ứng dụng Miro Board và in trên vải nhiều kích cỡ) của nghệ sĩ Gabriel Hensche (Đức) đều tồn tại dưới dạng “những bài tập cho tương lai”. Khán giả không chỉ được trải nghiệm một không gian đối thoại giữa hai tác phẩm, mà còn được khuyến khích tương tác, thực hiện những bài tập mà các nghệ sĩ đưa ra trong suốt thời gian diễn ra triển lãm. Đây cũng là lần triển lãm đầu tiên, cả hai nghệ sĩ đặt thực hành nghệ thuật của mình trong không gian đối thoại thông qua việc thực hiện một chuỗi workshop.

triễn lãm người học trưởng ngu ngốc của nguyễn hoàng giang và gabriel hensche

Từng được ấn định thực hiện tại không gian của Viện Goethe – Hà Nội, tuy nhiên, do tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp và bản thân nghệ sĩ Giang Nguyễn đang sinh sống tại Sài Gòn, triển lãm “Người học trưởng ngu ngốc” quyết định “di trú” vào Sài Gòn. Đặt triển lãm trong không gian Toong 188 Võ Thị Sáu không chỉ bởi tác phẩm Người học – học người từng diễn tập tại đây ở giai đoạn đầu của dự án (tháng 4 và 5 năm nay); mà còn bởi sự tương đồng giữa chủ đề của sự kiện với các khách hàng đang làm việc tại Toong – các công ty công nghệ và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Giới lao động tri thức vốn là những người thân thuộc với công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch đẩy nhanh tốc độ số hóa cách vận hành doanh nghiệp…

Người học – học người – mỹ học của sự thất bại (aesthetic of failure)

Người học – học người là một tác phẩm video/trình diễn được thực hiện bởi nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Giang và bốn nghệ sĩ chuyển động đến từ TP. HCM: Nguyễn Huỳnh Như, Minh Duyên, Sơn Lương, Psycho Neo. Video có thời lượng 14 phút được chiếu loop (lặp lại) trong không gian một sàn tập giả tưởng, như một lời đề nghị khán giả vừa theo dõi vừa thực hiện các bài tập ngã/đi lại/vượt chướng ngại vật… theo hướng dẫn. Hoặc đơn giản, người xem có thể ngồi, nằm trên sàn tập để thưởng thức tác phẩm.

triễn lãm người học trưởng ngu ngốc của nguyễn hoàng giang và gabriel hensche

Mối quan tâm xuyên suốt trong thực hành nghệ thuật của Nguyễn Hoàng Giang là những vận động qua lại phức hợp, không ngừng biến hoá giữa con ngườicông nghệ. Người học – Học người đóng vai trò khảo sát về cách mà các hành vi phi lý của con người có thể được châm ngòi bởi sự tràn ứ dữ liệu. Trong những bộ đồng phục màu đen, danh tính của người diễn viên/trình diễn co rút lại chỉ còn là những đơn vị không phân cấp, có thể hoán đổi lẫn nhau trong một cấu trúc hệ thống được thiết kế nhằm chiếm dụng và khai thác các biến cố, khiếm khuyết, tai nạn và giới hạn. Các trục trặc công nghệ, các nhiễu loạn máy tính hiện ra dưới dạng các hành vi thất thường của con người. Nguyễn Hoàng Giang đã đảo ngược quá trình học máy một cách có ý thức để tạo ra một không gian mà trong đó sự thoái hóa của các thiết bị số và cơ dẫn tới sự tương tác giữa các sai sót của con người và phi-con người. Kết quả cuối cùng của quá trình này là một dạng siêu-hiện thực trừu tượng.

triễn lãm người học trưởng ngu ngốc của nguyễn hoàng giang và gabriel hensche

Tiền thân của Người học – Học người là tác phẩm Cú ngã (đã đạt giải nhất Dogma Prize 2019). Tiếp tục mở rộng hơn thêm các đường biên giữa số & thực, Người học – Học người đề nghị ta tham gia một trải nghiệm choáng ngợp khi lạc giữa những sự khó hiểu không lường trước những trò chơi đối kháng phản công lại các quy luật, bối cảnh và mong đợi của người chơi/người xem. Nguyễn Hoàng Giang đề nghị người tham gia thực hiện những bài tập “phản ứng” hoặc “bắt chước” những hành vi của robot, giả dụ như: ngã, đi bộ, tránh các chủ thể người… Những chuyển động này khảo sát vai trò chủ nhân-tôi tớ giữa con người và máy móc, nhắc ta rằng công nghệ chỉ phỏng theo bản chất khó diễn tả và bấp bênh của loài người, để từ đó đề xuất tưởng tượng về một tương lai nơi máy móc và con người cùng tồn tại, hợp tác, và học tập lẫn nhau.

Những bài tập cho Kỷ nguyên Số – Thực hành nào cần được phát triển trong thời đại công nghệ?

Những bài tập cho Kỷ nguyên Số là sắp đặt tranh in trên vải được cấu trúc treo dạng nhánh cây gồm 20 tấm vải cỡ vừa và lớn tạo không gian cho người xem có thể len lỏi đi vào giữa để ngắm/đọc/chạm vào các thảo luận, ý tưởng được thực hiện giữa nghệ sĩ Gabriel Hensche cùng 20 nghệ sĩ hỗ trợ đến từ khắp nơi trên thế giới (nổi bật là từ Đức và Việt Nam). Trong suốt nhiều tháng, tác phẩm được phát triển và lưu trữ trực tuyến dưới dạng những ghi chép và hình vẽ trên Miro Board.

Trong mùa dịch, Gabriel Hensche bắt đầu đặt câu hỏi: Hành vi tập thể dục bắt nguồn từ đâu? Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu về lịch sử của việc tập luyện. Anh phát hiện ra rằng, cùng với mức sống ngày một nâng cao từ thập niên 50 cũng như sự lan tỏa của vô tuyến, ngày càng nhiều người hóa thành các “bị khoai” ngồi ì trước TV. Đặt tên dự án “Những bài tập cho Kỷ nguyên số” (một dự án dài hơi), Gabriel muốn cùng những nghệ sĩ tham gia khảo sát xem đâu là những thực hành cần được phát triển trong thời đại của internet, phương tiện số và trí tuệ nhân tạo. Dự án đề xuất một nỗ lực tập thể – dưới hình thức các đối thoại trực tuyến một-một (sử dụng chuột, bàn di chuột, tranh vẽ nét như công cụ trao đổi) – để kết nối những hiểu biết và thực hành gần gũi của 20 nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới: Ashlee Conery, Kim Trang, Nam Phùng, Nhật Thanh, Dorothea Rust, Claire Nichols, Raúl Hott, Niccolò Moronato, Stéphanie Cadoret, Jan Hofer, Roberto Fassone, Jin-me Yoon, Ayumi Goto & Peter Morin, Mattin, OMSK Social Club, Jol Thoms, Rory Pilgrim, ​​Delphine Pouillé, Giang Nguyen Hoang, Sarah Friend & Ashlee Conery, Sophie Kahn, Gabriella Torres-Ferrer, Mohsen Hazrati, Colette Robbins.

triễn lãm người học trưởng ngu ngốc của nguyễn hoàng giang và gabriel hensche

Ảnh:

Những hình vẽ, ký tự khán giả có thể nhìn thấy giữa “rừng” tác phẩm của Gabriel Hensche dễ gợi liên tưởng tới những hình vẽ vô ý trên mép tờ giấy đặt sẵn trên bàn làm việc – những mảng những đường nguệch ngoạc hiện ra nửa có ý thức nửa không. “Với những tác phẩm này, tôi hy vọng có thể dự phần vào cuộc đối thoại không chỉ về công nghệ và những can thiệp chính trị của nó (giả dụ: người nào quyết định, vì lý do gì, loại dữ liệu nào có ích, cái gì được thấy và xem như tiếng ồn?) mà còn về bản thân nghệ thuật và tiềm năng vượt ra mọi giới hạn về tưởng tượng công nghệ của chúng ta.” (Trích từ tuyên ngôn đăng tải trên trang web của nghệ sĩ Gabriel)

Triển lãm được mở cửa tự do cho công chúng (miễn phí vào cửa) từ 18/12 – 25/12/2021. Bên cạnh đó, Gabriel cùng một trong số những nghệ sĩ hỗ trợ Ashlee Connery sẽ thực hiện một buổi workshop online vào lúc 14:00 – 16:30, Thứ Năm, ngày 23/12/2021, để khán giả có thể hiểu hơn về bài tập của Gabriel cũng như quá trình hình thành tác phẩm được trưng bày tại Toong lần này.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more