[ELLE Voice] Bảo vệ môi trường tự nhiên chính là bảo vệ các thế hệ tương lai

Đăng ngày:

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến châu Phi, hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn thiên nhiên đẹp mê đắm và kỳ diệu, tôi đã khóc bởi ước mơ… “giải cứu thế giới” từ hồi còn nhỏ của mình sắp thành sự thực.

Rời vùng an toàn

Trước đây tôi học về Thiết kế nội thất, đã từng đi làm khoảng 1 năm trong lĩnh vực này. Trong khoảng thời gian đó, tôi cũng tham gia một số hoạt động tình nguyện liên quan đến môi trường. Cho đến khi xem nhiều thông tin về tình trạng động vật hoang dã đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, tôi bỗng có suy nghĩ đơn giản là “Phải đi cứu thế giới!” bởi sự sinh tồn của các loài động vật trong thiên nhiên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cuộc sống của loài người. Vậy là tôi bỏ hết lại phía sau, sang Anh du học về ngành Bảo tồn động vật học. Dù phải bắt đầu lại từ đầu nhưng mỗi khi nghĩ đến trái đất tươi đẹp đang dần bị hủy hoại dưới bàn tay con người, tôi lại quyết tâm theo đuổi.

Trong suốt quá trình học, tôi được tiếp xúc với nhiều người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Những câu chuyện thú vị và cảm động của họ đã truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực giúp tôi củng cố niềm tin của mình.

môi trường 1

Học trong trường là một chuyện, nhưng khi đi làm, thực tế đôi lúc khác xa với mình tưởng tượng. Chẳng hạn như tê giác, loài động vật hiện được đưa vào Sách đỏ bởi nhu cầu săn sừng tê giác từ các quốc gia tại Đông Á rất cao. Theo số liệu thống kê của Bộ Môi trường Nam Phi, chỉ năm 2014 đã có 1.215 cá thể tê giác đã bị giết hại riêng tại Nam Phi và trở thành một trong những năm đen tối nhất đối với loài động vật có từ thời tiền sử này. Từng xem những thước phim, hình ảnh nhiều con tê giác bị tàn sát, trong tôi khi đó đã hình thành một mối liên kết đặc biệt với những con thú đáng thương.

Khi đến châu Phi, tận mắt thấy xác những con tê giác bị chặt hết nửa khuôn mặt để lấy sừng, chết mòn vì mất máu, tê giác con chạy xung quanh tìm hơi ấm mẹ, cả những người canh gác rừng có thể mất mạng bất cứ lúc nào bởi kẻ săn trộm liều lĩnh, tôi cảm thấy đau lòng mà không có từ nào có thể diễn tả nổi. Tôi cứ tự hỏi tại sao con người có thể vì tin theo những lời đồn thổi vô căn cứ về sức khỏe, vì phô trương chiến tích hay sự giàu có mà họ có thể mất hết nhân tính.

môi trường 2

Mỗi ngày, những thực tế đau lòng đó cứ ngấm vào người khiến tôi càng nỗ lực, giúp tôi có sức mạnh thoát ra khỏi vùng an toàn của mình để đến nơi hoang dã dù muôn vàn khó khăn. Cuộc sống ở thành phố đầy đủ bao nhiêu thì châu Phi lại hoàn toàn trái ngược, điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn. Chúng tôi có khi phải ở giữa rừng sâu, tách biệt hoàn toàn với thế giới văn minh hiện đại. Ở đây mùa Đông rất lạnh, còn mùa Hè nóng như lò thiêu. Những ngày Đông lạnh giá, chúng tôi phải đổ nước nóng vào bình rồi ôm vào người để ủ ấm. Nước cực kỳ khan hiếm, nhiều khi chẳng có để tắm. Điện phải dùng năng lượng mặt trời và vì vậy, tất nhiên cũng không có internet để kết nối với gia đình, bạn bè, xã hội.

Ngoài ra, chúng tôi còn phải đối mặt với côn trùng, dịch bệnh và mối nguy hiểm lớn nhất đến từ những kẻ săn trộm. Thực ra họ đều là dân bản địa, vì không được giáo dục tốt, họ dễ dàng bị những người thương lái lợi dụng, mua chuộc với số tiền bằng cả năm làm việc ngoài đồng. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực, tôi được tiếp xúc và làm việc chung với những người có nhiều tâm huyết. Ở đó, gạt bỏ hết những rào cản, mọi người đơn thuần vì một mục đích chung là bảo vệ những gì mình yêu quý. Bởi vậy, đối với chúng tôi, mọi nguy hiểm dường như không còn quan trọng nữa.

Giáo dục là điều cốt lõi trong công tác bảo tồn

Công việc của tôi chủ yếu là nghiên cứu và lên kế hoạch, trực tiếp chăm sóc những con thú bị thương hoặc mất mẹ, giúp chúng phát triển và hòa mình với cộng đồng trước khi được thả về môi trường tự nhiên. Trước đó, tôi từng kết hợp với các nhiếp ảnh gia thực hiện sách ảnh và bán để gây quỹ. Các quỹ này được sử dụng cho công tác bảo tồn và chăm sóc thú. Các tổ chức cũng cần nhiều tình nguyện viên chung tay nhưng họ chủ yếu đến từ các nước phương Tây.

Điều kiện để trở thành tình nguyện viên rất khắt khe, nhất là đối với người châu Á bởi rất nhiều người lợi dụng công việc tình nguyện để trà trộn làm trung gian mua bán và vận chuyển thú rừng, ngà voi, sừng tê giác trái phép. Chúng tôi cũng không được phép công khai vị trí của các khu bảo tồn để tránh bọn săn trộm đánh hơi được. Quả là nhiều hạn chế và khó khăn, nhưng chúng tôi không còn cách nào khả dĩ hơn.

Trong những năm gần đây, truyền thông dần đẩy mạnh tuyên truyền về bảo tồn động vật hoang dã và có những dấu hiệu đáng mừng. Theo số liệu thống kê, số lượng tê giác bị những kẻ săn trộm giết hại để lấy sừng tại Nam Phi trong năm 2018 đã giảm 25% so với năm 2017. Tính ra, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, số lượng tê giác bị săn trộm trong một năm giảm xuống dưới 1.000 cá thể. Nhưng theo tôi, như vậy vẫn còn chưa đủ. Việc cốt lõi của bảo tồn là giáo dục, và sẽ cần khoảng thời gian khá dài.

môi trường 3

Các chiến dịch tuyên truyền chỉ là một phần mà với những người giàu, họ không thật sự quan tâm. Đối với họ, tê giác hay sư tử chỉ là những con vật và nếu chúng phục vụ lợi ích cho họ, họ sẽ chi tiền không tiếc tay. Họ hoàn toàn không hiểu rằng, lợi ích phù phiếm của họ đã gián tiếp làm tổn hại đến môi trường sống của trái đất. Chẳng hạn, đời sống trung bình của một con tê giác chỉ có khoảng 30 năm và thời gian mang thai là 15 tháng. Sau khi sinh, tê giác con chưa chắc có thể sinh tồn và phát triển trong hoang dã. Chúng phải được 3-4 tuổi mới rời mẹ, và khi đó con mẹ mới có thể sinh lứa thứ hai. Phải mất một thời gian dài để có thế hệ tiếp theo nhưng khi tê giác được 4 tuổi, vừa mới nhú sừng thì đã có nguy cơ bị nhòm ngó và giết hại. Khi giết một con tê giác, người ta đã giết đi cả một thế hệ sau đó. Chưa kể, họ còn giết rất nhiều thú rừng khác trong chuyến đi săn dài ngày, gây mất cân bằng hệ sinh thái.

Theo tôi, để cải thiện tình trạng này, cần phải tác động mạnh vào ý thức của con người hơn nữa. Đối với người trưởng thành, họ cần được chứng kiến tận mắt hậu quả họ đã gây ra trên những con thú như thế nào. Tôi tin và hy vọng rằng hình ảnh đau thương của những con thú bị giết hại sẽ khơi dậy tính nhân văn và lòng trắc ẩn vẫn luôn ở đâu đó tận sâu bên trong họ. Đối với trẻ em, cần truyền tải nhiều hơn nữa kiến thức và trải nghiệm thực tế để giúp các em hình thành tình cảm yêu quý và bảo vệ môi trường từ nhỏ. Chính các em sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ và nhận thức của người lớn, là phụ huynh và những người thân của các em.

môi trường 4

Sắp tới, tôi sẽ kết hợp với vài người bạn là nhiếp ảnh, chuyên gia tổ chức triển lãm tranh ảnh, talkshow để chia sẻ về những trải nghiệm trong công việc của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng, những mẩu chuyện vui về những loài vật đáng yêu sẽ tạo sự thân thiện và có tác động tích cực. Ngoài ra, ước mơ của tôi là trong tương lai gần sẽ có thể xây dựng một khu bảo tồn nhỏ ở châu Phi để người Việt có thể trải nghiệm và tiếp xúc với thiên nhiên hoang dã một cách thực tế và gần gũi nhất. Tôi biết, để thực hiện việc thay đổi về thói quen và nhận thức của con người là vô cùng khó nhưng nếu kiên trì và quyết tâm, không gì là không thể. Chỉ cần có chút hy vọng, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc.

Tôi mong rằng, rồi họ – những con người vô tâm và đang gây hại đến động vật hoang dã – một ngày nào đó sẽ hiểu được rằng bảo vệ môi trường tự nhiên cũng chính là bảo vệ tương lai của các thế hệ con cháu họ.

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Tôn

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more