Xanh hóa chuỗi giá trị: Vẻ đẹp bền vững của thương hiệu địa phương
Cung đến theo gót cầu. Khi nói về các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu dưới góc nhìn của ngành bán lẻ, các giải pháp từ phía nhà cung cấp phải bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Sau đại dịch, làn sóng tiêu dùng xanh ngày càng phát triển mạnh mẽ, thị trường trở nên sôi động với sự tham gia đông đảo của các thương hiệu địa phương có sản phẩm chất lượng, triết lý kinh doanh tử tế và hoạt động theo hướng bền vững, tôn trọng tự nhiên.
NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA NGÀNH TIÊU DÙNG
Hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân, vệ sinh nhà cửa… là một trong những nhóm ngành không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của con người, nhưng đồng thời cũng là nhóm ngành đang gây ra tác động lớn cho môi trường. Việc xử lý rác thải nhựa từ bao bì sản phẩm, tồn dư của hóa chất độc hại trong đất và nguồn nước hay dấu chân carbon tạo ra bởi quá trình sản xuất hàng hóa số lượng lớn và vận chuyển xuyên quốc gia… đều là những vấn đề nan giải đối với tất cả mọi người, từ các nhà hoạt động môi trường cho đến người tiêu dùng có ý thức.
Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Theo kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và công ty tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp độc canh, sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật quá mức đang để lại hậu quả khốc liệt cho thế giới tự nhiên và con người. Nông nghiệp chịu trách nhiệm cho 1/3 lượng khí thải toàn cầu, đất đai bạc màu và nhiễm độc, nguồn nước sạch cạn kiệt, hệ sinh thái tự nhiên bị mất cân bằng, dẫn tới nhiều dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng và cả con người.
Không chỉ đối mặt với chất lượng môi trường sống ngày càng đi xuống, con người cũng phải chịu tác động từ hóa chất trong sinh hoạt, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày. Do đó, các sản phẩm xanh, sạch, có nguồn gốc từ thiên nhiên đang trở thành xu thế hiện nay khi vừa bảo vệ sức khỏe gia đình, vừa bảo vệ môi trường hiệu quả.
SỰ LÊN NGÔI CỦA THƯƠNG HIỆU ĐỊA PHƯƠNG
Khi nhận thức về các vấn đề môi trường và sức khỏe ngày càng tăng, người tiêu dùng càng có xu hướng tìm đến các thương hiệu phản ánh niềm tin của họ, có tính minh bạch cao, thân thiện với sinh thái, bao gồm cả những sản phẩm làm từ vật liệu tái chế hoặc phân hủy sinh học, có bao bì tối giản. Bên cạnh đó, có những công ty đặt mục tiêu tham vọng hơn là tiến đến Net Zero, cắt giảm lượng khí thải carbon gián tiếp trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ nhà cung cấp cho đến người dùng cuối.
Hiện nay, thị trường tiêu dùng xanh tại Việt Nam đang hoạt động sôi nổi hơn bao giờ hết trước sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu nội địa. Mỗi thương hiệu lại mang đến những câu chuyện có chiều sâu, xuất phát từ chính trăn trở của người sáng lập, đồng thời khai thác các vùng nguyên liệu gắn với văn hóa truyền thống và tri thức bản địa, sử dụng phương thức sản xuất cổ truyền kết hợp với công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, bao bì vừa thân thiện vừa có tính thẩm mỹ. Từ Nam chí Bắc, ta có Việt Herb tạo ra sản phẩm từ cây thuốc nam ở Lạng Sơn, Hợp tác xã Sinh Dược khai thác vùng thảo mộc dưới chân núi Bái Đính – Ninh Bình, Noom Food xây dựng vườn rừng ở Quảng Nam, Nông trại Đất Phú tận dụng vùng sen lâu đời của Phú Yên, Đạt Foods xây dựng nông trại ở Củ Chi – Hà Tĩnh – Hòa Bình, One4One tận dụng nguồn nguyên liệu ở xứ dừa Bến Tre và vùng trồng lạc ở Hương Khê, Con Tôm Rừng biến hóa vô vàn sản phẩm từ vùng rừng ngập mặn Cà Mau… Những vùng đất trù phú, những sản vật tươi ngon, những nghề thủ công gia truyền thấm đẫm giá trị văn hóa và bề dày lịch sử… chính là lợi thế sẵn có để người trẻ trở về xây dựng thương hiệu địa phương, phát triển quê hương theo hướng bền vững và đậm đà bản sắc.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, phải có người tiêu dùng sáng suốt thì mới có nhà cung cấp thấu đáo. Quyết định của người mua là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của nhà sản xuất. Điểm chung của các thương hiệu thuần Việt là muốn xây dựng chuỗi giá trị bền vững, phát triển đồng đều từ người nông dân đến người tiêu dùng. Vườn đã sinh thái, sản xuất đã bền vững, bao bì đã thân thiện, sản phẩm đã tốt lành, nếu hoạt động phân phối được tối ưu hóa và người sử dụng có ý thức, chúng ta sẽ tạo nên một vòng tuần hoàn lành mạnh trong tiêu dùng. Mua các mặt hàng được sản xuất thủ công tại địa phương hoặc dựa trên nền tảng truyền thống cũng là cách tuyệt vời để hỗ trợ cộng đồng bản địa, gián tiếp tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế trong nước và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Chỉ cần thay đổi thói quen tiêu dùng, lựa chọn các sản phẩm xanh thuần Việt, chúng ta có thể kiến tạo chuỗi giá trị bền vững, xây dựng niềm tin và thúc đẩy sự phát triển của các thương hiệu địa phương, cũng như hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường.
Bài: Đông Quân