Lea Trúc: Đặt Việt Nam lên bản đồ với Women Meet Tech

Đăng ngày:

Rời bỏ vị trí của một giảng viên ngành marketing và thiết kế ở Mỹ để bước vào ngành công nghệ từ con số 0, Lea Trúc giờ đã trở thành người phụ nữ khởi lập nên cả cộng đồng cho những người phụ nữ khác muốn theo đuổi công việc lập trình.

“Khi tôi nói mình muốn theo đuổi ngành công nghệ, người bạn cũ đồng thời cũng là một kỹ sư máy tính kỳ cựu bảo tôi đừng mơ mộng, tôi sẽ không bao giờ làm được đâu, vì vậy tôi càng muốn bắt đầu”. Khi tôi hỏi Lea Trúc về lý do cô chọn theo đuổi ngành lập trình khi đang là một giảng viên thiết kế marketing ngành thời trang tại một trường đại học ở Boston (Mỹ), cô đã chọn câu nói ấy như lý do trực tiếp khiến cô quyết tâm bước vào con đường mới. Tuy nhiên, đó không phải là một quyết định bồng bột và hiếu thắng. Khi đang làm công việc giảng viên, Trúc đã tham gia vào mạng lưới của những người nghiên cứu ngành khoa học máy tính và tham dự nhiều sự kiện của ngành từ các đại học thuộc thành phố Boston như MIT và Harvard. Những trải nghiệm ấy giúp cô nhận ra đây là ngành nghề mà cô yêu thích, và cũng có một tương lai rộng mở.

Từ những bước chân đầu tiên

Tuy nhiên, hành trình sang ngành công nghệ, nhất là khi cô chọn Việt Nam làm nơi phát triển, không hề dễ dàng. Trở lại Việt Nam, cô nhận ra sự mất cân bằng giới tính trong ngành nghề này ở quê nhà còn trầm trọng hơn rất nhiều so với nước Mỹ. Có rất nhiều lý do khiến phụ nữ cảm thấy họ không thể theo đuổi ngành lập trình hay công nghệ. Trước hết, đây là ngành nghề đàn ông chiếm thế thượng phong, môi trường học tập và làm việc được thiết kế cho nam giới và ưu tiên nam giới. Các cô gái theo đuổi nghề này bị xã hội cho rằng thiếu nữ tính, khô khan. Phụ nữ đã là thiểu số tại giảng đường và các trung tâm đào tạo, khi đi làm đa số lại làm trái ngành. Ngay cả những phụ nữ chọn làm trong nghề này, vị trí họ đảm nhận lại thường nằm ở phần điều hành, nhân sự hay chăm sóc khách hàng. “Vấn đề nảy sinh ở đây là vì không am hiểu sâu sắc về công nghệ nên những người phụ nữ ấy không nắm rõ giá trị cốt lõi của sản phẩm, phụ thuộc vào các kỹ sư là nam giới, và tiếng nói của họ bị giảm nhẹ”.

Lea Trúc công nghệ thông tin

Nhận ra hiểu biết chính là chìa khóa vượt qua rào cản, Lea Trúc dành hàng giờ ngồi học lập trình, bắt đầu từ những lớp học cơ bản nhất. “Tóc tôi rụng mất một nửa vì nỗ lực học cho bằng được này đấy”, cô bật cười khi nhớ lại những ngày đầu tiên. Thành quả đầu tiên của cô là thiết kế một trò chơi điện tử, và không phải vì cô là một chuyên gia lập trình, mà là vì cô áp dụng được những kỹ năng của thiết kế đồ họa – thế mạnh từ mảng marketing của cô. “Đến khi ấy, tôi vừa cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh, vừa nhận ra rằng những người rẽ ngang từ các ngành nghề khác sẽ có thế mạnh của “think out of the box” (thoát khỏi các lối mòn)”, cô chia sẻ.

“Từ bản thân, tôi nhận ra phụ nữ không dám bắt đầu theo đuổi một ngành nghề mới vì chúng ta có nỗi sợ bản thân không hoàn hảo. Điều quan trọng là phải vượt qua nỗi sợ rằng mình không làm được. Vì phải thử mới biết mình có làm được hay không”. Nhưng giúp phụ nữ thử theo đuổi ngành công nghệ bằng cách nào? Lea Trúc tìm ra một giải pháp rất hữu ích: Khởi tạo cộng đồng Women Meet Tech tại Việt Nam. Với sự tài trợ của Lãnh sự quán Hoa Kỳ, chương trình là chuỗi workshop dành cho tất cả những người, đặc biệt là phụ nữ, muốn bắt đầu tìm hiểu và thực hành công việc lập trình. Với tư cách là người đứng đầu chương trình, Lea Trúc và các đồng sự của cô đã thiết kế chương trình học kết hợp lý thuyết thực hành, để học viên vừa hiểu về tầm quan trọng của ngành công nghệ, vừa biết chính xác họ cần làm gì và bắt đầu từ đâu.

Lea Trúc lập trình viên

“Ở chương trình đầu tiên, chúng tôi giúp học viên hoàn thành một sản phẩm hữu ích và đơn giản: Học các ngôn ngữ lập trình cơ bản và áp dụng chúng để thiết kế một website hoàn chỉnh”, Trúc chọn sự đơn giản để tạo cảm hứng cho mọi người, vì soi chiếu từ chính trải nghiệm với nghề của mình, chị hiểu rằng những bước đầu là khó khăn nhất. Người học cần phải có một thành quả nhỏ, để họ vượt qua được nỗi sợ thất bại và sẵn lòng cho những bước đi xa, sâu hơn. Ở chương trình thứ hai, học viên sẽ được học lập trình toàn diện hơn, bao gồm cả việc thiết kế ra một chương trình ứng dụng và quảng bá, ứng dụng chương trình đó trong thực tế. Lea Trúc tự hào là cách tiếp cận của cô đã thành công, thể hiện qua việc 90% học viên chương trình đầu muốn học chuyên sâu hơn và muốn theo đuổi ngành nghề này.

… Đến sự phát triển của một cộng đồng

Thành công lớn lao hơn từ các khóa học của Women Meet Tech cũng đã biến ước mơ của Lea Trúc thành sự thật: Tạo ra được một cộng đồng của những người phụ nữ trẻ và ở khoảng giữa của sự nghiệp. Trước khi chương trình bắt đầu, Lea Trúc cảm thấy khá đơn độc trên con đường mình đã chọn. Cô là người phụ nữ duy nhất trong nhiều cuộc họp hay hội thảo về công nghệ, cô cũng là khách mời nữ duy nhất tại sự kiện Google Developer Festival tại Việt Nam. Đến giờ, cô đã có hơn 700 thành viên trong cộng đồng của mình, và có thêm hai đồng sự cốt cán để điều hành chương trình tại Việt Nam cùng mình. “Khi tìm hiểu về cộng đồng Women Meet Tech toàn cầu, tôi rất kinh ngạc khi không thấy có tên Việt Nam trên bản đồ. Tôi quyết tâm đưa Việt Nam vào mạng lưới ấy, và giờ tôi đã làm được”, Trúc không giấu nổi niềm tự hào khi nói về điều này.

Lea Trúc thiết kế đồ họa

Điều đó không có nghĩa là chương trình chỉ dành cho phụ nữ. Các lớp học của cô có 21% học viên là nam giới và các giới tính khác. “Chúng tôi đặt tên chương trình là STEM program for Diversity and Inclusion in Vietnam (Chương trình STEM với Đa đạng và Đón nhận, trong đó STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học), vì đây là chương trình dành cho tất cả mọi người. Máy tính không phân biệt giới tính, chúng vận hành với bất kỳ ai có kỹ năng”.

Tuy nhiên, Lea Trúc cũng nhấn mạnh rằng, điều cô mong muốn nhất qua việc phát triển cộng đồng chính là việc phụ nữ nhận ra những tiềm năng và lợi thế từ ngành nghề này: “Người ta vẫn cho rằng phụ nữ không nên theo đuổi lập trình vì họ phải sinh con, chăm sóc gia đình và không thể toàn tâm toàn ý cho công việc vốn yêu cầu sự tập trung cao độ này. Nhưng trên thực tế, nếu bạn muốn làm việc ở bất kỳ đâu và có thể ở bên con bất kỳ lúc nào, đây là một nghề rất phù hợp với bạn. Phụ nữ nên thấy đây là một công việc giải phóng họ khỏi các định kiến giới và rào cản địa lý mà nhiều nhà tuyển dụng còn mang nặng”.

Lea Trúc công việc nam giới

Vẫn còn nhiều dự định cho tương lai, Lea Trúc thừa nhận còn nhiều ngổn ngang trên con đường xây dựng cộng đồng công nghệ cho phụ nữ tại Việt Nam. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là cô đã vượt qua nỗi sợ, trấn an được nỗi lo lắng của cha mẹ khi cô quyết định đổi mục tiêu sự nghiệp, chứng minh được cho những người từng nghi ngờ mình là cô có thể làm được. “Tôi không còn dành thời gian quá nhiều cho việc xây dựng các chương trình cụ thể nữa mà chọn cách bước ra ngoài, mang câu chuyện của bản thân đến với những phụ nữ khác”. Không dám tự nhận là một hình mẫu lớn lao, Trúc chỉ thấy rằng, nếu mình làm được thì mọi phụ nữ đều làm được. Cái họ cần là một ai đó chỉ cho họ nơi bắt đầu, và cho họ một cộng đồng để không còn ai cảm thấy cô đơn ở những bước đầu tiên.

Lea Trúc

Thạc sĩ Marketing ngành Thời trang cao cấp (Savannah College of Art and Designs, Georgia, Mỹ). Diễn giả nữ duy nhất tại GDG DevFest Vietnam 2018.

Sáng lập Women Meet Tech và chương trình STEM program for Diversity and Inclusion in Vietnam (Chương trình được nhận Federal Public Diplomacy Award của chính phủ Mỹ).

Giành giải thưởng tại Regional Pitching for Advancing Gender Equality.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên

Ảnh: Nam Phạm

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more