[ELLE Voice] Tuệ Nghi: “Xây ước mơ từ gốc, đừng xây từ ngọn!”

Đăng ngày:

Gen Z – được sinh ra từ giữa những năm 1990 trở về sau – là những người trẻ được kế thừa và đúc kết kinh nghiệm từ thế hệ Millennials.

Bắt đầu đi làm kiếm tiền từ năm 14, 15 tuổi, Tuệ Nghi đã trải qua nhiều công việc vất vả từ lao động tay chân đến kinh doanh nhỏ. Năng động và nhạy bén với thị trường, khi những cô gái đồng trang lứa còn đang lưỡng lự trước những ngả đường sự nghiệp, Tuệ Nghi đã trở thành một doanh nhân trẻ có tiếng và đạt được nhiều thành tựu đáng nể. Mới bước sang tuổi 25, ở khoảng chuyển giao giữa hai thế hệ Millennials và Z, Tuệ Nghi đã và đang là hình mẫu thành công để những người trẻ hướng đến.

Tuệ Nghi có thể chia sẻ một chút về những thử thách và trở ngại bạn gặp phải trong suốt quá trình điều hành doanh nghiệp ở độ tuổi còn rất trẻ?

Thật ra tôi cảm thấy mình không gặp nhiều trở ngại, ngoại trừ việc mình còn trẻ và là phụ nữ thì sẽ phải nỗ lực nhiều hơn gấp 100 lần nếu muốn được công nhận. Những thử thách khác về sự thiếu hụt chuyên môn, giữ chân người giỏi tôi hoàn toàn có thể giải quyết được, cái gì không biết thì mình học. Bản thân tôi là một người rất hiếu học, đến bây giờ 1/3 thời gian của tôi vẫn là dành cho việc học.

Điều hành nhiều doanh nghiệp cùng một lúc, bạn có thời gian để dành riêng cho bản thân?

Tôi rất yêu công việc, có thể thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để làm việc nhưng phải về nhà trước 7 giờ tối để ăn cơm với gia đình. Trước đây, tôi chỉ biết làm việc, không đi chơi, không spa, cuộc sống rất tẻ nhạt. Sau này tôi mới nhận ra có gì đó không ổn và dần điều chỉnh lại. Tôi không muốn cuộc sống khi già đi, ngoài tiền ra thì bản thân không có gì khác. Bây giờ, dù bận đến đâu tôi vẫn dành thời gian để làm đẹp, trồng hoa, đi du lịch, giao lưu bạn bè…

nữ doanh nhân Tuệ Nghi

Tuệ Nghi có nghĩ rằng, thành công đến với bạn là quá sớm và nếu thất bại, phải làm lại từ đầu?

Với những gì đã trải qua, tôi không nghĩ là sớm. Mỗi người đều có một đồng hồ thời gian khác nhau. Có người thành công từ rất sớm, có người lại rất trễ nhưng chắc chắn rằng thời gian đó là phù hợp với chính họ và những gì họ đã trải qua. Tôi không sợ thất bại vì cuộc sống luôn chứa đầy rủi ro mà dù đứng ở vị trí nào cũng phải đối mặt. Tôi cũng không để mình phải quay về vạch xuất phát làm lại từ đầu, vì là người chuộng sự an toàn nên tôi luôn có sẵn nhiều phương án dự phòng.

Tuệ Nghi nghĩ sao khi các cô gái trẻ thần tượng bạn cho rằng khởi nghiệp là con đường dễ dàng thành đạt hơn là phải bắt đầu đi làm thuê?

Tôi đi lên từ những công việc nhỏ nhất chứ không hề làm chủ ngay. Và tôi hiểu một điều nếu làm thuê cả đời thì cuộc sống không thể khá hơn được. Tôi cũng không viển vông đến mức chờ hoàng tử nhà giàu đến cưới về làm vợ để đổi đời. Vì vậy nên tôi lo học, nghe ngóng chuyện làm ăn, thời cơ đến thì tôi chớp lấy.

Khi đến các trường đại học, tôi vẫn luôn nói với các sinh viên rằng: “Xây ước mơ thì phải xây từ gốc, đừng xây trên ngọn”. Tôi khuyến khích việc bắt đầu từ những điều nhỏ nhất chứ không chê bai những công việc tay chân. Gầy dựng sự nghiệp đã khó, giữ được lại càng khó hơn, làm thuê sẽ cho chúng ta những bài học mà không trường lớp nào dạy.

Nhiều bạn trẻ hiện nay muốn có thành công nhanh chóng, mới ra trường lại muốn vị trí lương cao, đòi hỏi nhiều nhưng lại dễ từ bỏ, có xu hướng chạy theo số đông… Bạn có lời khuyên nào cho họ từ những kinh nghiệm của mình?

Với những bạn trẻ như vậy, mọi lời khuyên đều là vô ích, bởi nó phụ thuộc vào quan điểm. Khi chúng ta nỗ lực đưa ra lời khuyên, tức là đang đập những nhát búa vô hình vào quan điểm của họ, điều đó chẳng những không giúp gì được mà còn khiến các bạn cảm thấy tôi sáo rỗng, dạy đời. Tôi nghĩ nên để họ tự trải nghiệm, không có lời khuyên nào hữu ích hơn bằng cách tự vấp ngã, tự đứng dậy. Bất kỳ người trẻ nào cũng sẽ phải trải qua những giai đoạn tâm lý như vậy, cảm giác như mình có thể cứu cả thế giới.

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, tôi nghĩ, sở dĩ nhiều người trẻ đòi hỏi, muốn vị trí lương cao là bởi sâu thẳm trong lòng, họ cần được công nhận nhiều hơn. Thay vì trách, tôi nghĩ nhà tuyển dụng nên biết cách khích lệ họ nhiều hơn. Còn chạy theo số đông hay dễ dàng từ bỏ, tôi cho rằng nó xuất phát từ thực trạng thích chỉ trích của một bộ phận người Việt, khiến ít người dám đi ngược lại với số đông vì sợ bị phán xét, cười chê. Tôi tin rằng mọi việc sẽ trở nên dễ giải quyết hơn nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề từ gốc rễ của nó.

Công việc bận rộn nhưng bạn vẫn có thời gian để viết sách. Vậy viết sách là sở thích hay đơn giản là một cách để PR tên tuổi?

Những cuốn sách của tôi đa phần đều được viết trong những chuyến bay dài hay khi đêm về. Hồi trung học, tôi học chuyên văn, vì vậy viết đã là một phần kỹ năng có sẵn rồi. Lần đầu ra mắt sách là năm tôi 20 tuổi, đó là một cuốn tiểu thuyết tâm lý hình sự được các anh chị trong lực lượng giúp đỡ rất nhiều. Những cuốn sau đều là tản văn, dễ đọc dễ cảm, may mắn đều được độc giả đón nhận và trở thành best-seller. Nếu chỉ để PR tên tuổi có lẽ cần một cuốn là đủ, nhưng đã sắp ra đến cuốn thứ 5 thì chắc chắn phải yêu thích thật sự công việc mới có thể làm được.

nữ doanh nhân Tuệ Nghi cầm sách

“Gầy dựng sự nghiệp đã khó, giữ được lại càng khó hơn, làm thuê sẽ cho chúng ta những bài học mà không trường lớp nào dạy”.

Đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua của tuổi 15. Ngày đó tôi muốn làm nghệ thuật, muốn nổi tiếng để nhận hợp đồng quảng cáo vì như vậy mới có tiền để thanh toán viện phí cho mẹ. Tôi chưa từng luyến tiếc và không có ý định bước vào showbiz dù việc đó không hề khó đối với tôi ở thời điểm này. Tôi thích cuộc sống bình yên, tĩnh lặng. Sẽ rất hiếm khi nhìn thấy tôi ở những nơi tiệc tùng hào nhoáng ngoại trừ các sự kiện trong công việc. Người ta nói viết sách cũng là đã đặt một chân vào con đường nghệ thuật rồi, nhưng tôi cũng có thể rút ra bất cứ lúc nào. Đam mê của tôi là kiếm tiền và kinh doanh vẫn là con đường vững chãi hơn.

Bạn có thể chia sẻ một chút về những kế hoạch thú vị trong tương lai có liên quan đến cộng đồng?

Những năm qua tôi vẫn duy trì các hoạt đồng cộng đồng hướng đến phụ nữ và trẻ em. Xây trường, xây cầu, trao học bổng, tủ sách… Tất cả các hoạt động trên đều từ quỹ “Sẽ có cách, đừng lo” do tôi xây dựng bằng tiền riêng của mình và cũng là tên một cuốn sách do tôi viết. Sau này khi tôi già đi, một phần tài sản của tôi sẽ được chuyển vào quỹ.

Tuệ Nghi

 • Tên thật Phan Thanh Bảo Ngọc, sinh năm 1993.

• Chủ tịch: Pacific Empire Investment.

• CEO & Founder: Shion Trading.

• Country Director: MTD International Vietnam.

• Tác giả của các cuốn sách: “Luật ngầm”, “Sẽ có cách, đừng lo!”, “Cứ bình tĩnh”, “Đàn ông hay hứa, phụ nữ hay tin”… nằm trong top best-seller.

• Nhận giải thưởng nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh (2013) và Lãnh đạo trẻ xuất sắc châu Á – Thái Bình Dương (2013) cùng một số giải thưởng khác.

• Giám khảo các cuộc thi khởi nghiệp, trở thành đại sứ của những dự án cộng đồng trong nước và quốc tế.

Xem thêm

Vì sao thế hệ Millennials tại châu Á sẵn sàng chi nhiều tiền cho chăm sóc da?

Với thế hệ Millennials, đẹp là không chờ đợi

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Tôn

Ảnh: Phạm Trần Quốc Nam

Sản xuất & Stylist: Hoàng Lê

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more