[ELLE Voice] Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ: Sống cuộc đời của chính mình

Đăng ngày:

Thường được gọi là “người đàn bà quyền lực” với nét mặt nghiêm nghị và phong thái làm việc chuyên nghiệp trên sóng truyền hình hay trong các buổi chụp hình thời trang, Hà Đỗ ở đời thường là một người dí dỏm, hay cười và luôn đặt những câu hỏi thú vị. Khác với hình dung về một người phụ nữ kiêu kỳ trong thế giới thời trang phù phiếm mà mọi người những tưởng, chị nhìn cuộc đời bằng đôi mắt bình dị, chân thật, thấu suốt và luôn tràn đầy đam mê, nhiệt huyết khi nói về công việc sáng tạo.

Khi nghe đến chủ đề “sống rực rỡ”, chị hình dung đến một cuộc đời như thế nào?

Cuộc đời mỗi người đều có một câu chuyện riêng, khó mà đưa ra một định nghĩa chung. Khi còn trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm, tôi luôn có những khuôn mẫu để nhìn theo. Mình phải thế này, thế kia, tại sao người ta có cái này, cái nọ mà mình lại không có. Để rồi, mình cứ chạy theo những thứ ở bên ngoài mà quên mất rằng, tập trung vào bản thân mới là điều quan trọng. Có nhiều bạn trẻ đã sớm nhận ra điều này, tôi thấy đó là sự may mắn. Tôi cũng từng ước gì mình có may mắn như vậy. Giờ đây, khi đã ổn định về mặt kinh tế, tôi mới tìm thấy sự tự do để làm những thứ mình thích. Khi đã giải phóng được suy nghĩ của bản thân, tôi thấy cuộc sống nhẹ nhàng, vui vẻ lắm. Sống cuộc đời của chính mình, có lẽ chỉ đơn giản như vậy thôi.

Có dấu mốc đặc biệt nào khiến chị thay đổi suy nghĩ và quan điểm về cuộc sống như vậy không?

Nhiều người nói rằng có con rồi thì phải sống cho con, nhưng chính việc có con lại càng giúp tôi nhận ra rằng mình phải sống cho bản thân mình. Tôi vốn là một người cuồng công việc, nhưng khi có con, tôi phải thay đổi và sắp xếp lại hết mọi thứ. Lúc đó, tôi bị trầm cảm nặng. Đây là chuyện mà bà mẹ nào cũng có thể gặp phải. Trước kia, tôi cho rằng trầm cảm là biểu hiện của sự yếu ớt về mặt tinh thần. Đến khi chính mình rơi vào tình cảnh đó, tôi mới hiểu rằng mình nên bớt khắt khe lại, trước hết là với bản thân và sau đó là với người khác.

Tôi vốn là người đặt tiêu chuẩn rất cao trong mọi thứ mình làm. Nhưng cuộc sống luôn có những lúc thăng trầm, nếu mình cứ “căng” quá thì không thể đi đường dài được. Thế nên, tôi thay đổi suy nghĩ, để cho bản thân giống như làn nước, uyển chuyển nương theo những thay đổi trong cuộc sống. Đại dịch lại càng củng cố suy nghĩ này của tôi. Tất nhiên, tôi vẫn không ngừng khát vọng, vẫn sẽ không hạ tiêu chuẩn của mình xuống, nhưng nếu có mục tiêu nào đặt ra mà mình chưa đạt được, tôi sẽ thôi tự dằn vặt bản thân. Cứ để mặc cho mọi thứ tự nhiên, tới đâu thì tới, vậy mà lại hay.

Từ quảng cáo, tạp chí cho đến chương trình truyền hình và làm phim, sắp tới chị có muốn thử sức ở một lĩnh vực khác không?

Phim ảnh là thứ tôi rất thích nên nếu được, tôi vẫn muốn tiếp tục làm phim. Tôi rất yêu quá trình làm phim. Khi nhận những dự án đặc biệt như Em và Trịnh, tôi không quan tâm đến chuyện lỗ lãi, mình được gì và mất gì, tôi chỉ biết làm và làm, rút ruột ra để làm, dành hết mọi thứ cho nó, sống và chìm đắm trong đó. Mỗi dự án phim có thể ám ảnh tôi rất lâu sau khi kết thúc. Tôi không thể ngừng nhớ về cảm giác được sống trong không gian và thời gian mà mình tạo ra cho bộ phim, nhớ cái không khí được làm việc cùng mọi người. Năng lượng đó giống như một chất gây nghiện vậy. Tôi cảm thấy rất may mắn khi mình vẫn giữ được sự “điên” và cảm xúc trong sáng khi làm nghề.

sáng tạo giám đốc Đỗ Hà

Đã gần 20 năm làm việc trong ngành sáng tạo, làm sao chị vẫn giữ được cảm xúc tươi mới và trong trẻo như vậy? Chị có bí quyết nào không?

Có lẽ nó chỉ đơn thuần là tình yêu, không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Làm sáng tạo không có nghĩa là ngồi chờ ý tưởng từ trên trời rơi xuống, mình phải xem đó là công việc và biến nó thành thói quen hằng ngày. Người họa sĩ phải vẽ mỗi ngày thì kỹ năng mới tăng lên. Trong quá trình tôi luyện đó, anh ta sẽ phát hiện ra tình yêu dành cho công việc. Tất cả bắt đầu từ thói quen, thói quen trở thành ý thức và ý thức sẽ phát triển thành lòng tự trọng. Tôi cho rằng lòng tự trọng là một điều rất quan trọng trong công việc sáng tạo. Khi bạn tôn trọng chính mình, tôn trọng sản phẩm của mình và tôn trọng khách hàng, người khác sẽ nhìn thấy tình yêu của bạn ở trong đó.

Dù đã đạt được nhiều thành công với vai trò giám đốc sáng tạo hoặc thiết kế sản xuất, chị vẫn tiếp tục “quăng mình” vào những dự án thử thách hơn. Do chị chưa hài lòng với những gì mình có hay còn vì lý do nào khác?

Vốn dĩ không có thước đo nào cho sự thành công trong mọi lĩnh vực. Với tôi, sản phẩm tốt hơn là sản phẩm mà mình chưa được làm, những thứ thú vị nhất vẫn còn chờ ở phía trước. Sự nghiệp của người làm sáng tạo là một sự nghiệp lâu dài, nó giống như cuộc đời thứ hai của mình vậy. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ rằng đến một lúc nào đó sẽ dừng lại. Tại sao phải dừng lại nếu như cuộc đời mình vẫn còn nhiều thứ hay ho, vẫn có những trải nghiệm mới, vẫn được đến những vùng đất mới và gặp được những con người mới? Tại sao không tiếp tục biến những điều đó thành năng lượng sáng tạo? Nếu mỗi chặng đường đều có một thử thách để mình chinh phục, chẳng phải mình sẽ có lý do để sống hay sao?

Nhưng khi đã có danh tiếng nhất định, mỗi bước đường mình đi sẽ có nhiều người quan sát và đánh giá. Điều đó có khiến chị phải cân nhắc mỗi khi chọn lựa một dự án mới không?

Có một vị đạo diễn từng nói đại ý rằng, nếu bạn làm một việc mà đôi khi bạn không biết rằng mình đang làm gì và vẫn cảm thấy “bướm bay ở trong bụng” nghĩa là bạn đang làm đúng việc. Dù đã đến các buổi chụp ảnh hoặc ra phim trường hàng trăm lần, nhưng mỗi khi chuẩn bị dự án mới là cả đêm trước đó tôi lại nôn nao đến mức không ngủ được. Tôi sẽ luôn chọn những dự án mang lại cho mình cảm giác nôn nao, lo lắng như vậy chứ không phải một dự án chắc chắn sẽ thành công.

Trong một bài phỏng vấn, chị từng nói rằng mình là người hướng nội. Có vẻ như Hà Đỗ trên các phương tiện truyền thông rất khác với Hà Đỗ ở đời thường.

Tôi nghĩ mình là người linh hoạt thì đúng hơn. Hướng nội ở đây là tôi không dễ dàng chia sẻ đời sống riêng, thế giới nội tâm hay các quan điểm của mình trên mạng xã hội. Tôi thích và quan tâm hơn đến những mối quan hệ đời thường, khi chúng tôi được gặp gỡ và không ngại thể hiện bản thân với nhau.

Tôi vốn không có nhiều thời gian nên đặc biệt thích những khi được ở nhà, chăm con, trang trí, dọn dẹp nhà cửa, hoặc chỉ đơn giản là không làm gì cả, đó là lúc tôi dành thời gian cho bản thân. Tôi rất sợ một cuộc sống hời hợt, sợ rằng mình cứ chạy theo những thứ ở bên ngoài mà bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá với gia đình, với con, với những mối quan hệ thật sự có ý nghĩa. Đối với tôi, gia đình vẫn là quan trọng nhất. Tính chất nghề nghiệp không cho phép tôi lúc nào cũng giữ được cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Có những giai đoạn cần ưu tiên cho công việc, nhưng thời gian còn lại, tôi sẽ dành mọi sự ưu tiên cho gia đình.

Cũng như có bóng đêm thì mới thấy được vẻ đẹp rực rỡ của pháo hoa, có bóng tối nào đã tạo nên ánh sáng của chị ngày hôm nay?

Tôi muốn gọi nó là thủy triều hơn, vì nó lên xuống hằng ngày. Chúng ta sẽ luôn đi qua rất nhiều bóng đêm. Nếu mọi người cứ nghĩ là làm một nghề thì phải có thời, qua thời thì mình sẽ cũ kỹ, lạc hậu, điều đó là không đúng. Mình phải luôn tìm đến những thử thách mới, cho mình cơ hội để sống trọn vẹn mỗi ngày và viết nên câu chuyện của chính mình, như vậy thì con đường sáng tạo sẽ kéo dài mãi.

Tôi sẽ không là gì nếu không làm công việc này. Thực sự là vậy. Tôi chỉ biết là mình phải lao về phía trước, còn mọi người nhìn mình như thế nào, không quan trọng. Tôi không làm việc để nổi tiếng và cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người nổi tiếng. Tôi chỉ muốn là một người gương mẫu để con mình có thể tự hào. Trở thành thế giới của con, với tôi, vậy là đủ.

sáng tạo trong công việc

Thực sự là sau đại dịch, tôi sống đúng với thành ngữ “carpe diem” – sống với ngày hôm nay. Buổi sáng thức dậy, tôi có lý do để ra khỏi giường, buổi tối tôi ngủ rất ngon. Bây giờ tôi đang sống rất vui, rất hạnh phúc, không còn trăn trở hay phải cố gắng chứng tỏ điều gì. Điều quan trọng với tôi bây giờ là xây dựng những thứ gọi là di sản để lại cho con cái, không chỉ về mặt vật chất mà còn là những giá trị tinh thần.

Tuổi thơ vốn rất ngắn ngủi. 10 năm đầu tiên sẽ đi theo con suốt cuộc đời. Những dịp lễ như thế này, tôi thường thao thức suốt đêm để suy nghĩ xem mình nên làm gì để tạo nên những kỷ niệm đẹp cho con, nấu món gì thì con sẽ thích… trong niềm háo hức kỳ lạ, như thể đó là một dự án của đời mình. Ngày xưa, mẹ nấu món gì, mẹ dẫn đi đâu chơi, tôi đều nhớ như in. Tôi muốn con mình cũng có hành trang như vậy. Có lẽ con sẽ nhớ rằng ngày xưa mẹ hay mặc chiếc áo này, mẹ có mùi như thế nào, mẹ đã nấu món gì trong đêm Giáng sinh… Những ký ức đó mới là di sản quý giá nhất cần được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Dường như chị rất hào hứng khi nói đến những niềm vui nhỏ trong cuộc sống. Với một người bận rộn như chị, làm sao để tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc hiện tại và cảm thấy gắn bó với đời sống nhiều hơn?

Lúc trước, tôi khác hoàn toàn bây giờ. Lúc nào tôi cũng ở ngoài đường, nhà cửa thì bừa bộn. Bây giờ tôi lại thích ở nhà và còn đam mê dọn dẹp nữa (cười). Khi ở nhà và sống chậm lại, tôi có thể thấy được rất nhiều thứ mà bình thường mình không để ý đến. Tôi cũng có sở thích quan sát và lắng nghe câu chuyện của người khác. Điều này khiến tôi luôn cảm thấy như mình chỉ mới 15 tuổi vậy, lúc nào cũng tò mò về thế giới và học được nhiều điều hay từ những người mới gặp. Khi quan sát cuộc sống ở nhiều điểm nhìn khác nhau, bạn sẽ nhận ra cuộc sống này quá chừng mới mẻ và thú vị. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ: đi đâu đó, gặp ai đó, thử một môn thể thao mới, học một cái gì đó mới… Rồi khi về lại cuộc sống cũ, bạn sẽ thấy nó không còn như cũ nữa.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc 

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more