Hằng Mai: Chung tầm nhìn & giá trị sẽ dễ làm việc cùng nhau

Đăng ngày:

Hằng Mai thường được gọi là “chợ trưởng” vì là người sáng lập XanhShop.com và dần trở nên gần gũi với những người cùng chung tầm nhìn bởi các chia sẻ dí dỏm, thẳng thắn trên mạng xã hội; đồng thời cũng là một “cọng rơm” đã và đang tích cực lan tỏa tinh thần sống thuận tự nhiên. Còn đối với các nhóm cộng đồng, chị là người “giữ lửa” và duy trì kết nối suốt nhiều năm qua.

Chào chị. Chị có thể giới thiệu một số nhóm/cộng đồng mà chị đang tham gia?

Tôi tham gia vào ba nhóm: XanhShop.com – cửa hàng kinh doanh thực phẩm online, còn được biết đến như một tổ chức có tinh thần xã hội và sinh thái; Cuộc cách mạng một cọng rơm (CCMMCR) – nhóm của những bạn đọc cuốn sách cùng tên; và Giáo Dục Cảm Xúc (GDCX) – nhóm tình nguyện với mong muốn góp phần xây dựng một cộng đồng nhiều đồng cảm và thương yêu.

Cơ duyên nào khiến chị gặp gỡ và quyết định gắn bó với các nhóm này?

XanhShop là nơi tôi dành nhiều tâm huyết suốt 10 năm nay. Tôi tin ai cũng có khả năng tự tạo việc làm và mong muốn các bạn đến XanhShop đều có thể tự tạo việc làm cho chính mình. Sau một thời gian ở XanhShop, nay đã có bạn về quê làm vườn, làm mẹ, có bạn buôn bán nhỏ hoặc mở doanh nghiệp nhỏ ở quê.

Nhóm CCMMCR đã hình thành được hơn 5 năm từ khi chúng tôi dịch và xuất bản cuốn sách cùng tên. Cuốn sách đã gây cảm hứng cho nhiều người. Trong số đó, có nhiều người muốn quay về sống gần gũi với tự nhiên. Vì đa phần là người từ-phố-về-quê, đều thiếu nhiều kỹ năng nên chúng tôi cùng giúp nhau xây dựng năng lực, hoàn thiện các kỹ năng, từ dựng nhà, làm nông đến vun vén cuộc sống hằng ngày…

Trong thời gian gầy dựng XanhShop, tôi gặp nhiều bạn trẻ bị tổn thương về cảm xúc. Nhờ duyên gặp thầy Hà Vĩnh Thọ (Giám đốc Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia GNH của Bhutan), cô Lisi vợ thầy, các thầy cô và các bạn ở Trung tâm Bảo trợ người khuyết tật Tịnh Trúc Gia, tôi biết đến khái niệm “giáo dục cảm xúc”. Từ đó, chúng tôi thực hành tạo không-gian-cảm-xúc (KGCX) hằng tuần, hằng tháng ở XanhShop. KGCX là nơi mọi người được trải lòng mình, được lắng nghe, được hiểu, được thương.

Hằng Mai nói về cách thức làm việc giữa các nhóm cộng đồng

Trong một chuyến đi Costa Rica, tôi gặp bà Maris Estela Fernandez (chủ tịch Trung tâm hội nhập xã hội SIFAIS) – người đã trải nghiệm và chỉ ra rằng mỗi người chỉ cần dành ra ba giờ một tuần để làm tình nguyện cho một “lý do” mà họ lựa chọn thì cơ hội cho một cuộc sống tốt đẹp hơn có thể được khai mở. Hoàn toàn bị thuyết phục bởi tấm gương sống, tôi về bàn với các bạn trẻ cùng thành lập nhóm tình nguyện GDCX.

Làm sao chị kết nối được các nhóm đa dạng lại với nhau?

Các nhóm dù có những hoạt động khác nhau nhưng đều hướng về chữa-lành-đất-đai (thực hành nông nghiệp thuận tự nhiên) và chữa-lành-trái-tim-con-người (thực hành giáo dục cảm xúc). Trong cuốn Gieo mầm trên sa mạc, Fukuoka có viết: “Chưa từng có một thế hệ nào mà trái tim con người bị thương tổn như thế hệ hiện tại. Dần dà, tôi đi đến chỗ nhận ra rằng quá trình cứu lấy cái sa mạc trong trái tim con người và việc phủ cây cho sa mạc, thật ra là cùng một thứ”.

Được biết, các nhóm này đều có thành viên chủ chốt là nữ giới. Chị nghĩ đó có phải là điểm đặc biệt khiến các nhóm dễ dàng liên kết và hỗ trợ nhau hơn không?

Thật ra, khi làm việc nhóm, giới tính không phải là vấn đề mà cần có tầm nhìn và giá trị chung. Trên cơ sở đó, mọi người cùng đề ra quy tắc ứng xử. Như vậy sẽ dễ làm việc cùng nhau. Các bạn ở XanhShop hơn 90% là nữ nhưng các chú giao hàng đều là nam, các nông dân bạn hàng thì gồm cả nam và nữ. Nhóm CCMMCR nam nữ lại khá đồng đều. Nhất là cuộc sống ở vườn, giữa tự nhiên lại càng cần sự phối hợp của cả hai giới. GDCX có các thành viên cốt lõi chủ yếu là nữ nhưng mọi hoạt động cộng đồng đều nhận được sự ủng hộ của tất cả các giới.

Hằng Mai trong quá trình làm việc với GDCX và Tịnh Trúc Gia

Chị Hằng Mai cùng với các thầy trò Tịnh Trúc Gia và tình nguyện viên tại triển lãm “Câu chuyện của những bàn tay” (2017).

Mỗi nhóm đều có những hoạt động riêng và được tổ chức không thường xuyên, làm sao để duy trì kết nối, sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia dù luôn ở xa nhau?

Các kết nối được duy trì dựa trên ba yếu tố: thứ nhất là tầm nhìn và giá trị, như đã nói ở trên; thứ hai là nhu cầu tự thân đượctham- gia của mỗi người; thứ ba là không có ai làm lãnh đạo, mà là vòng kết nối của những người đồng đẳng.

Nếu như các hoạt động được duy trì dựa trên một mục tiêu và lý tưởng chung, khi niềm tin của một (vài) thành viên dành cho mục tiêu, lý tưởng đó bị lung lay, chị sẽ làm gì?

Chúng tôi thường cho nhau không gian và thời gian để mỗi người được trải lòng mình, được lắng nghe. Rồi mỗi người tự quyết định tham gia hoặc không tham gia, dựa trên niềm tin, nhu cầu, năng lực của chính mình.

Trong các nhóm hoặc cộng đồng, đặc biệt là dành cho nữ giới, tiếng nói cá nhân có quan trọng hay không và nó giữ vai trò như thế nào trong việc xây dựng cộng đồng ấy?

Quyền-được-nói rất quan trọng nhưng nếu không được lắng nghe thì cũng vô nghĩa. Chúng tôi thực hành lắng nghe. Học nghe khó hơn học nói. Thầy chúng tôi dạy rằng có nhiều cấp độ lắng nghe:

1. Lắng nghe nhưng vẫn tự hạn chế mình bởi những định kiến, nhận thức, trải nghiệm trong quá khứ. Nghe chỉ để khẳng định những gì mình đã tin, đã biết (downloading).

2. Lắng nghe một cách cởi mở, không thành kiến, đón nhận những góc nhìn mới, nhận thức mới, thông tin mới (openminded).

3. Lắng nghe một cách chân thành. Đứng ở góc nhìn của người khác để thấu hiểu, cảm nhận (open-heart).

4. Sự lắng nghe vượt qua góc nhìn giới hạn của từng cá nhân, hướng đến những điều lớn hơn chính bản thân mình (generative listening).

Vòng tròn chia sẻ ở triển lãm “Những ngày vui” (2019).

Vòng tròn chia sẻ ở triển lãm “Những ngày vui” (2019).

Theo chị, điều gì đã gắn kết những người phụ nữ lại với nhau và khi làm việc ăn ý, họ có thể tạo ra sức mạnh như thế nào?

Tầm nhìn và giá trị, nhu cầu tự thân, vòng tròn đồng đẳng là những điều gắn kết mọi người, cả nam và nữ. Và nếu một nhóm đạt được cấp độ lắng nghe càng cao thì trước hết, mỗi cá nhân sẽ càng hạnh phúc. Khi đó, sức mạnh của họ không chỉ là kết quả công việc mà còn là năng lượng tích cực họ lan tỏa.

Trong tương lai, chị sẽ vẫn tiếp tục hoạt động tại những nhóm này chứ?

Các cụ vẫn dạy “dưới gốc cây cổ thụ cỏ không mọc được”. Như diễn thế sinh thái tự nhiên thì cây mở đất sẽ chết đi, tạo nền cho cây khác vươn lên. Các nhóm như XanhShop và GDCX hiện đã có cuộc sống riêng của chính nó, có cộng đồng của chính nó nên tôi không tham gia việc điều phối nữa. Tuy nhiên, lối sống mà các nhóm hướng tới như #bớt_một_cọng_rác, #trồng_một_cây, #lắng_nghe_đồng_cảm… thì cá nhân tôi vẫn thực hành mỗi ngày. Tôi tiếp tục hòa mình trong dòng di dân ngược từ-phố-về- quê với những người bạn của mình trong cộng đồng CCMMCR, tiếp tục trồng cây và sống tối giản ở vườn.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE. Chúc chị luôn khỏe mạnh và tràn đầy nhiệt huyết để tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Ảnh: TRAMP, GDCX

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more