Hoa Trần: Nỗ lực vì môi trường và một tương lai xanh hơn

Đăng ngày:

Bắt nguồn từ khát vọng “Vì một Việt Nam xanh hơn”, mặc cho bao thách thức trong suốt những năm qua, chị Hoa Trần – Chủ tịch hội đồng sáng lập, Giám đốc GreenHub Việt Nam – vẫn bước đi không mỏi trên hành trình lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường và giá trị tích cực của lối sống bền vững.

Trong buổi talkshow Let’s Reuse vừa qua, ELLE Việt Nam đã có dịp hiểu thêm về những hoạt động vì môi trường của thương hiệu H&M và Tổ chức phi lợi nhuận GreenHub. Trò chuyện với chị Hoa Trần – Chủ tịch hội đồng sáng lập, Giám đốc GreenHub Việt Nam, chúng tôi ngưỡng mộ tầm nhìn và những gì chị đang nỗ lực thực hiện vì một tương lai xanh hơn cho thế hệ mai sau.

Chị Hoa Trần nỗ lực vì môi trường

Ảnh: GreenHub

Cảm hứng và động lực nào thôi thúc chị thành lập tổ chức GreenHub vào năm 2016?

Hơn 6 năm về trước, tôi và các thành viên trong nhóm sáng lập trăn trở về các thách thức đối với môi trường của Việt Nam, trong đó có vấn đề về rác thải, về nhu cầu cần có cơ sở dữ liệu rác thải cho các thực hành và chính sách quản lý rác thải dựa trên bằng chứng khoa học và mong muốn được xây dựng nền tảng giáo dục, kết nối cộng đồng hướng đến lối sống bền vững/ lối sống xanh. Đó chính là lý do, là động lực thành lập GreenHub với tầm nhìn “Vì một Việt Nam xanh hơn”.

Trong 6 năm phát triển, GreenHub vừa học và hoàn thiện các phương pháp thu thập số liệu rác thải, kiểm toán rác, vừa thúc đẩy xây dựng các mô hình thí điểm thực hành không rác, đồng thời thực hành ngay tại văn phòng để mỗi GreenHuber đều là một đại sứ sống xanh. GreenHub cũng kết nối để tạo các sản phẩm xanh và tiếp cận thị trường cho các sản phẩm này.

Dự án vì môi trường của H&M và GreenHub

Ảnh: H&M

Để thay đổi nhận thức, thói quen và hành động của mọi người về việc hạn chế rác thải, bảo vệ hệ sinh thái chắc chắn là điều không dễ dàng, cần rất nhiều sự nhẫn nại và quyết tâm. Có điều gì khiến chị cảm thấy được khích lệ và động viên nhiều nhất để tiếp tục sứ mệnh của mình?

Đó là những người đồng hành. Những người đầu tiên đi cùng tôi là Ban cố vấn của GreenHub, những người luôn ủng hộ, cố vấn về chiến lược và chuyên môn cho tổ chức. Tiếp theo là các đối tác, nhà tài trợ luôn tin tưởng và chia sẻ để chúng tôi vững bước trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình. Và cả những người đồng hành là các bạn thanh niên. Có những bạn gia nhập đội ngũ GreenHubers theo nhiều hình thức khác nhau để trực tiếp tham gia và thúc đẩy thực hành không rác. Nhiều bạn đón nhận và trao đổi thông tin, thay đổi bản thân và lan tỏa câu chuyện thành công. Và còn nhiều người đồng hành nữa trong hành trình đầy thử thách này đã luôn tiếp thêm cho tôi sức mạnh.

Vì sao chương trình Zero waste school & More (ZHub) do H&M phối hợp cùng GreenHub lại chọn hướng đến thế hệ trẻ, đặc biệt là các em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học?

Trẻ em như tờ giấy trắng, dễ dàng tiếp thu thông tin để điều chỉnh hành vi. Không chỉ có người lớn mới giáo dục cho trẻ nhỏ, ZHub còn giúp người lớn học hỏi ngược lại từ các em – từ trường học đến nhà (from schools to home). Giáo dục sẽ dựa trên trải nghiệm từ trường học đến các vùng miền có vấn đề về rác thải hay có trang trại/cơ sở thực hành không rác thải (from school to farm – field), giúp học sinh tăng cường tương tác, trải nghiệm thực tế, phát huy tính sáng tạo và làm chủ các sáng kiến, từ đó hình thành nhân cách, lối sống không rác thải. 

Dự án môi trường của GreenHub

Ảnh: Zhub

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, tùy vào mỗi đối tượng mà chúng ta sẽ có các phương pháp giáo dục và môi trường khác nhau để tăng hiệu quả cũng như tận dụng được điểm mạnh của từng lứa tuổi. Nhưng dù ở lứa tuổi nào, giáo dục về môi trường cũng cần quá trình lâu dài, các em không chỉ bị động nghe lý thuyết tại trường mà còn được thực hành, tương tác và trải nghiệm, lan tỏa trở lại gia đình, tăng tính sáng tạo, sở hữu và trách nhiệm.

Điều gì khiến chị tự hào nhất về dự án này sau một năm thực hiện?

Trong 1 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, dù trường học đóng cửa, học sinh học trực tuyến, các hoạt động đông người bị hạn chế, nhưng với tinh thần quyết tâm từ phía những người thực hiện chương trình ZHub cùng phía nhà trường, Khu vực Phục hồi vật liệu (MRF) lần đầu tiên được xây dựng tại một trường học công lập tại Hà Nội.

Chúng ta có thể hiểu sơ bộ MRF là một nơi trung chuyển rác mà ở đó, rác được phân loại, tái sử dụng, làm phân bón, được phục hồi như tên gọi của khu vực này. Đối với trường học, đây là một khu vực lý tưởng để cả giáo viên và học sinh trong trường được thực hành hoạt động giảm rác, ủ rác hữu cơ và có thể sử dụng ngay phân bón hữu cơ ấy bón cho cây trồng (cây có thể được trồng trong các chậu/lọ tái sử dụng…) tại đây. Hoạt động này trở thành các bài thực hành trong chương trình học của trường.

Mô hình môi trường MRF

Ảnh: Zhub

Mô hình môi trường MRF

Ảnh: Zhub

Chị đánh giá như thế nào về chương trình Let’s Reuse của H&M và nỗ lực thay đổi hành vi của người tiêu dùng bằng việc mang theo túi mua sắm của riêng mình và khuyến khích tái chế quần áo cũ? 

Chương trình Let’s Reuse của H&M là một chương trình ý nghĩa, là khởi đầu thể hiện nỗ lực thay đổi hành vi của người tiêu dùng về việc giảm sử dụng túi dùng một lần, đóng góp vào chữ R “Reuse /Tái sử dụng” trong tiếp cận 5 Rs của thực hành Không rác thải

Rõ ràng, khi người tiêu dùng phải trả tiền (dù là số tiền nhỏ) cho chiếc túi đựng đồ mà trước đây họ được nhận miễn phí, họ sẽ dừng lại suy nghĩ và tìm hiểu thêm vì sao H&M thực hiện chương trình này. Trong quá trình tiếp nhận thông tin, có thể một số người còn băn khoăn và chưa được thuyết phục. Nhưng gần đây, thông qua các kênh truyền thông với nhiều hình ảnh và số liệu về rác thải được chia sẻ, người tiêu dùng sẽ dễ tiếp nhận và ủng hộ chương trình này hơn. Thông qua việc giảm sử dụng túi dùng một lần, họ sẽ có ý thức và dần hình thành thói quen mang túi cá nhân khi đi mua sắm.

Dự án môi trường của H&M

Ảnh: H&M

Lời khuyên của chị dành cho bạn đọc của ELLE để trở thành người tiêu dùng thời trang thông minh là gì?

Hãy nghĩ đến một số chữ R trong Rethink/Refuse trước khi mua sắm, tức là suy nghĩ lại xem có thực sự cần mua hoặc sẵn sàng từ chối những đồ dùng 1 lần trước khi quyết định mua chúng. Đối với đồ đã mua rồi thì nhớ đến những chữ R trong Reuse/Repurpose/Redesign/Recycle, tức là trước khi thải bỏ thì hãy cân nhắc để tái sử dụng/thay đổi mục đích sử dụng/tái thiết kế/tái chế sản phẩm. Chúng ta đều biết bản thân sản phẩm chỉ chiếm một phần giá trị, còn câu chuyện tạo ra sản phẩm đó như thế nào cũng đóng vai trò không nhỏ. Quan trọng là chúng ta có niềm tin và sẵn sàng thay đổi để trở thành người tiêu dùng thời trang thông minh hay không.

Dự án vì môi trường của H&M và GreenHub

Ảnh: H&M

Chị là một người ủng hộ và hành động cho tiêu chí “zero waste”. Theo chị, chúng ta nên hiểu về khái niệm này như thế nào? Mỗi người nên thực hành, ứng dụng trong cuộc sống như thế nào, bởi vì để đạt được tiêu chí “zero waste” thật sự không dễ? 

Cần hiểu đúng về “zero waste” rằng đây là mục tiêu, là hành trình mà chúng ta cần đồng hành cùng nhau để giảm nhiều nhất có thể lượng rác thải phải đưa đến các bãi chôn lấp, bị đốt bỏ hoặc rò rỉ ra môi trường. Đơn giản là hãy áp dụng các chữ Rs trong thực hành Không rác, cả trước, trong và sau khi mua sắm, bắt đầu từ những việc đơn giản trong chính gia đình mình.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam. 

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more