[ELLE Voice] Lại Hồng Vy: Tôi biết ơn vì được ở đây, bây giờ

Đăng ngày:

Lại Hồng Vy là cây bút đứng sau cuốn sách Chuyện của nghề, dịch giả của tác phẩm “Sống đủ” (Azby Brown), đồng thời là người kể chuyện trên trang “Chuyến đi của Vịt” và “Vườn nhà vịt”. Với chị, viết lách là “phương thức để kết nối với mọi người và sống đầy đủ hơn về mặt tinh thần” song song với hành trình quay về với nghề nông. Hiện chị đang sống cùng chồng và cậu con trai trong một khu vườn canh tác thuận tự nhiên ở Đồng Nai.

Chào chị. Điều gì đã khiến anh chị quyết định trở về lối sống làm nông thuận tự nhiên như hiện tại?

Bảy năm trước, mình cùng người bạn (là chồng mình bây giờ) thực hiện chuyến đi thăm các vườn, lấy cảm hứng từ con đường làm nông thuận tự nhiên của cụ Masanobu Fukuoka (tác giả cuốn Cuộc cách mạng một-cọng-rơm). Thực ra, chồng của mình đã luôn xác định sẽ trở về làm vườn, dù anh có một thời gian đi học đi làm ở thành phố. Còn mình, khi đi thăm các vườn để ghi chép và kể lại chuyện của người nông dân, mình dần cảm thấy bản thân không đủ hiểu để viết về con người và công việc của họ. Vì chưa thực sự trải nghiệm đời sống đó, những gì mình viết ra đều có phần hời hợt dưới góc nhìn của người ngoài cuộc. Hơn nữa, hầu hết những người nông dân mình gặp đều có cuộc sống yên bình, tự tại. Những điều này nhen nhóm trong mình mong muốn được “ở yên” tại một khu vườn nào đó, tự tay trồng rau trồng cây, tự tay chăm sóc cuộc sống của mình.

Sau chuyến đi, chồng mình về nhà làm vườn. Sau đó, trong một lần tới thăm, mình cảm thấy muốn ở lại phụ giúp anh. Bọn mình bắt đầu chăm sóc khu vườn nhỏ và tình cảm cũng thật sự phát triển từ đó. Sau khi kết hôn, bọn mình tiếp tục sống chung cùng nhà chồng. Tuy nhiên, vì lối sống và làm vườn của vợ chồng mình khá khác với cách của bố mẹ và nhiều người xung quanh, hai vợ chồng quyết định tự xây dựng khu vườn riêng ở một nơi có cộng đồng cùng chung cách sống. Sau vài cuộc “di cư”, cuối cùng tụi mình cũng tìm được mảnh vườn ưng ý ở Đồng Nai.     

Lại Hồng Vy và con trai cùng lối sống làm nông

Ảnh: NVCC

Thời gian đầu đến với mảnh vườn mới, hẳn mọi thứ còn rất ngổn ngang?

Lúc gia đình mình dọn về đây, đường sá, điện đóm, nhà cửa đều chưa có. May mắn là có rất nhiều bạn bè từ mọi nơi đã đến giúp vợ chồng mình dựng nhà, và hàng xóm thì chia sẻ điện nước trong thời gian đầu. Vườn cũng có sẵn cây điều cho bóng mát và có hạt điều để thu. Khi mới về vườn, có rất nhiều việc cần được hoàn thành sớm khiến vợ chồng mình khá căng thẳng. Ví dụ như chồng mình lo dựng nhà cơ bản trước khi mưa nhiều; hoặc muốn mùa khô có chuối che bóng mát, có một số loại nông sản để dùng thì phải trồng xong trong mùa mưa. Mình thì lo chăm con, khi ấy mới hơn 1 tuổi, và lo cơm nước, dọn dẹp cũng hết ngày.

Trong suốt thời gian đó, chồng mình đã gánh vác những công việc lớn, đồng thời làm chỗ dựa và động viên mình rất nhiều. Anh tin rằng mọi việc rồi sẽ tốt lên. Anh dạy mình hiểu rằng mọi thứ đều cần thời gian, ví dụ như nhà cửa thì cần hai năm để ổn định hẳn, còn với khu vườn thì cần năm năm để nó có thể tự duy trì và phát triển mà không cần mình chăm sóc quá nhiều. Bây giờ ngẫm lại, mình thấy thật đúng. Đã hai năm kể từ khi nhà mình chuyển đến đây, quả thật mọi thứ đang dần đi vào nề nếp. Khu vườn đã cho mình cái ăn, nhiều thứ năm trước còn phải đi mua thì năm nay đã tự trồng được. Con cũng lớn hơn nhiều. Hai vợ chồng mình bắt đầu có thời gian rảnh rỗi để làm những việc liên quan đến sở thích cá nhân.

Tới bây giờ, anh chị đã tự chủ lương thực chưa?

Gọi là tự chủ hoàn toàn thì chưa và đó vẫn là một hành trình dài. Tuy nhiên, từng bước, mình sẽ bớt phụ thuộc vào bên ngoài. Hai năm đại dịch càng làm mình hiểu rõ tầm quan trọng của việc tự chủ lương thực. Vừa rồi chồng mình thử trồng lúa và không ngờ thu hoạch được một ít đủ ăn vài tháng. Đó là niềm động viên để sắp tới tụi mình trồng lúa nghiêm túc hơn. Trong nhà có gạo, có củi, có nước là yên tâm. Ngoài ra, nhà mình có sẵn hạt điều, trồng các loại chuối, khoai củ, đậu hạt và mấy loại rau quả thường dùng. Về cơ bản thì thực phẩm trong vườn đã đủ ăn, thỉnh thoảng mình chỉ mua hoặc trao đổi những thứ vườn không có để đa dạng hóa bữa ăn thôi.

Bọn mình chưa bao giờ bắt đầu với suy nghĩ trồng, làm chỉ để bán. Mọi thứ luôn xuất phát từ nhu cầu của gia đình, rồi tới cho tặng, trao đổi, cuối cùng mới nghĩ tới chuyện bán. Lối sống này cho phép bọn mình tự do sử dụng và sắp xếp thời gian trong ngày, tự do chọn lựa điều mình muốn làm và cách mình sống. Khi mọi thứ dần ổn định, bọn mình có nhiều thời gian hơn để thực hiện những sở thích khác, ví dụ như mình có thời gian để viết blog và trồng hoa, còn chồng mình làm đồ thủ công và ủ nước trái cây lên men. 

làm nông những món đồ thủ công

Ảnh: NVCC

Làm đồ thủ công và viết lách, đối với anh chị, là công việc để tạo thêm thu nhập hay mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn?

Mình nghĩ là cả hai. Nếu có thể làm một việc mình thích, mình thấy vui mà việc đó tạo ra thu nhập thì tốt. Mình trân trọng cả giá trị tinh thần lẫn tính thực tế của những thứ mình làm ra. Điều quan trọng là những công việc đó phải xuất phát từ nhu cầu tự thân trước. Ví dụ như chồng mình có niềm yêu thích với việc làm đồ gỗ thủ công. Trưa nắng không thể ra vườn hoặc buổi tối sau khi đã xong việc, anh thường mày mò làm muỗng, thớt cho gia đình dùng. Rồi từ từ, mọi người thấy thích và muốn mua thì anh làm bán. Nó bắt đầu như một sở thích và dần trở thành một phần sinh kế. Hơn nữa, làm theo cách này cho phép anh đầu tư tâm huyết, tình cảm và sự tỉ mỉ. Mỗi sản phẩm làm ra, trước tiên vẫn là vì niềm vui của bản thân, nên nó mang nhiều ý nghĩa tinh thần đối với anh.

Còn với cá nhân mình, viết lách là cách mình kết nối với mọi người. Mình vốn là người thích lắng nghe và kể chuyện, thích chia sẻ trải nghiệm và cảm nhận với những người đã và đang theo dõi hành trình của mình từ trước tới nay. Đó là nhu cầu xuất phát từ bên trong và mình cần được bộc lộ thông qua con chữ. Điều này khiến cho đời sống tinh thần của mình đủ đầy hơn. Đây cũng là cách mình chia sẻ về những sản phẩm của vườn. Mình thường viết vào sáng sớm, đầu giờ chiều hoặc buổi tối, khi con đã ngủ.

Nhiều người cho rằng “rời phố về vườn” nghĩa là bỏ lại hết những vết tích của đời sống hiện đại và trở về với lối sống thuần nông ngày xưa. Theo chị, điều này có khả thi không?

Mình nghĩ còn tùy vào điều kiện và quan điểm cá nhân của mỗi người. Trước đây, mình bị dính mắc vào những thứ có hai chữ “tự nhiên”. Quần áo thì phải tự nhuộm, may theo kiểu ông bà ngày xưa; đi chợ thì phải xách túi cỏ bàng; thức ăn thì phải hoàn toàn không có chút hóa chất nào… Nghĩa là mình dùng những thứ nhỏ nhặt để cố thể hiện là đang quay về với tự nhiên. Về sống ở vườn rồi, mình nhận ra chúng không quan trọng nữa. Quần áo được cho, miễn sạch sẽ, thoải mái và phù hợp thì mình mặc. Thức ăn được cho hoặc mua được từ người dân ở địa phương tự trồng, mình đều trân trọng. Đến bây giờ nhà mình vẫn không dùng tủ lạnh, không phải mình cố từ chối nó mà chỉ vì mình không có nhu cầu sử dụng. Nhưng mình lại rất vui khi được tặng một cái máy xay sinh tố, vì mình cần nó để nấu sữa hạt hay làm bơ từ hạt điều. “Tự nhiên” nên là giá trị và lối sống xuất phát từ bên trong chứ không nên là những thứ trang trí ở bên ngoài. Đồ dùng hiện đại nếu thật sự cần thiết và được dùng có trách nhiệm thì vẫn tốt mà.

làm nông cuộc sống tại đồng nai

Ảnh: NVCC

Anh chị có cảm thấy mình đang sống rất gần với lối sống “bán nông bán X”?

Vợ chồng mình chưa bao giờ gọi tên lối sống của gia đình mình và điều đó cũng không cần thiết. Nhưng cá nhân mình nghĩ rằng đây là một khái niệm dễ tiếp cận đối với những bạn đang muốn “rời phố về vườn”, những bạn đang có công việc, đam mê khác nhưng cuộc sống ở thành phố đã không còn phù hợp. Ngoài ra, việc có một công việc khác để có thu nhập trong thời gian đầu về vườn là điều tốt, như thế sẽ đỡ áp lực phải làm vườn để có tiền ngay. Có nhiều cách để một người trở về sống gần gũi với thiên nhiên. Có người về sống hẳn ở vườn, có người chỉ về vào cuối tuần, có người vừa sống ở vườn vừa làm việc này việc kia… tất cả chỉ là những con đường dẫn ta trở về. Bạn có thể chọn con đường phù hợp với mình.

lối sống làm nông gia đình trồng lúa

“Lối sống này cho phép bọn mình tự do sử dụng và sắp xếp thời gian trong ngày, tự do chọn lựa điều mình muốn làm và cách mình sống”. Ảnh: NVCC

Theo quan sát của chị, ở nơi chị sống đã hình thành cộng đồng “bán nông bán X” chưa?

Hiện giờ vẫn còn quá ít, nhưng mình nghĩ đó sẽ là một xu hướng tự nhiên khi ngày càng có nhiều người trở về vườn hơn. Mình nghĩ khái niệm “cộng đồng” được xây dựng dựa trên những cá nhân có thể tự lo cho cuộc sống của mình vững vàng trước đã, rồi chúng ta tự nhiên sẽ có mong muốn kết nối, chia sẻ và trao đổi với nhau. Bọn mình chuyển về đây một phần vì có các bạn đã về ở từ trước, thấy hợp nhau. Có nhà hay làm các loại bánh mứt, bia gừng cũng thường chia cho nhà mình để thưởng thức hoặc học làm. Có nhà đã chẻ điều bán được vài năm thì hướng dẫn cho nhà mình cách làm khi mới về. Cách đây một năm, có anh bạn của chồng mình chuyển về ở gần. Anh ấy vốn là đầu bếp, ngoài thời gian làm vườn thì làm thêm việc nấu ăn cho nhà nghỉ khi họ đông khách. Thi thoảng anh lại nấu đãi bạn bè một bữa ăn ngon.

Mỗi ngày quan sát cuộc sống ở vườn, chị thường có cảm nhận gì?

Mình biết ơn vì được ở đây, bây giờ. Mình không phải lo lắng về ngày mai, cũng không bận tâm về ngày hôm qua. Đặc biệt là mình có thể dành toàn bộ thời gian cho con. Khi nhìn con lớn lên từng ngày, đầy tình yêu thương với mọi người, với cỏ cây, hoa lá cũng như những con vật xung quanh và học những kỹ năng sống một cách rất tự nhiên, mình luôn cảm thấy may mắn và biết ơn vì đã chọn lựa con đường này.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc
Hình ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more