[ELLE Voice] Tái định nghĩa cách học trong thời đại mới

Đăng ngày:

Giáo dục không phải là nội dung mới trên các phương tiện truyền thông xã hội mà đã xuất hiện dưới nhiều hình thức trên Facebook, Pinterest, Twitter, YouTube… từ rất lâu trước khi TikTok xuất hiện. Tuy nhiên, trên TikTok, sức mạnh của nội dung giáo dục được phát huy gấp nhiều lần và mở ra con đường kết nối tri thức với Gen Z theo một cách hoàn toàn mới.

TikTok dạy cho chúng ta một điều: học là phải vui. Kiến thức đơn giản, hữu ích, dễ tiếp cận và mang tính giải trí cao là những đặc trưng của nội dung giáo dục “edutainment” trên nền tảng này. Hiểu nôm na, “edutainment” không chỉ cung cấp kiến thức cho người dùng mà còn đem lại cho họ những trải nghiệm thú vị khi học tập thông qua thế mạnh của ứng dụng video trên điện thoại: có thể dễ dàng truy cập mọi lúc, mọi nơi; dễ chia sẻ, tương tác; khả năng sáng tạo không giới hạn với hình ảnh, âm thanh, đồ họa…

Theo chị Trang Nguyễn, Giám đốc Marketing của TikTok Việt Nam: “Điểm chung của những video nổi tiếng trên TikTok là chất liệu nội dung chân thật và gần gũi với đời sống. Kết hợp với khả năng sáng tạo của cộng đồng, các video này giúp truyền tải nhiều góc nhìn mới lạ và thú vị đến người xem, khiến họ không thể bỏ lỡ”.

Cô gái xem TikTok để học hỏi

Ảnh: Unsplash/Kan Denis

TikTok đã sớm nhận ra thế mạnh này. Vào tháng 5/2020, nền tảng này đã ra mắt sáng kiến #LearnOnTikTok sau khi ghi nhận nhu cầu lớn về nội dung giáo dục của những người dùng trẻ tuổi. Trước khi có sáng kiến này, các video giáo dục thường do các nhà sáng tạo nội dung sản xuất một cách tự phát. Kể từ khi đại dịch COVID-19 gây ra sự gián đoạn hàng loạt cho hệ thống giáo dục trên toàn thế giới, TikTok đã phát triển cuộc chơi của riêng mình. Sáng kiến này đã quy tụ hơn 800 nhân vật nổi tiếng, các nhà xuất bản truyền thông, các tổ chức giáo dục và vô số chuyên gia cung cấp tài liệu học tập trên TikTok. Một số tên tuổi lớn tham gia #LearnOnTikTok gồm có nhà khoa học Bill Nye, người dẫn chương trình NBC Lilly Singh, nhà vật lý thiên văn Neil deGrasse Tyson, Tyra Banks của America’s Next Top Model hay “shark” Thái Vân Linh ở Việt Nam.

#LearnOnTikTok cũng là chiến dịch nổi bật tại Việt Nam trong năm 2020 và 2021. Cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung giáo dục đã có sự phát triển vượt bậc với các tài khoản nổi tiếng như @khanhvyccf (học tiếng Anh và kiến thức thường thức qua tình huống hằng ngày), @gioiielts98 (học tiếng Anh qua các tình huống giao tiếp), @maianhducc (học lịch sử qua tình huống văn học), @thuytienthuphap (học lịch sử qua tranh vẽ), @edutalk.edu.vn (học tiếng Anh qua lời bài hát), @cogiaoquynh (học tiếng Anh qua các trò chơi đặc sắc) hay @yeutiengthai (học tiếng Thái qua những nội dung sinh động về văn hóa Thái Lan). Cho đến hiện tại, #LearnOnTikTok đã có hơn 3,7 triệu video mang nội dung giáo dục cùng 269,9 tỷ lượt xem. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều xu hướng chia sẻ nội dung giáo dục do người dùng tự phát triển trên nền tảng này, ví dụ như #DaiHocCoGiVui hay cuộc thi #hoccungtiktok trong tháng 7/2021.

Nội dung đa dạng của TikTok là lựa chọn hoàn hảo để thu hút sự chú ý của Gen Z, một thế hệ khao khát tri thức vượt ra khỏi giới hạn trường lớp. Theo báo cáo năm 2021 của mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp EY, chỉ 54% nhóm tuổi thuộc Gen Z cho rằng các hình thức giáo dục phổ thông có thể giúp họ thành công trong tương lai. Sau khi bước vào thị trường lao động, niềm tin này lại giảm thêm 10%. Trong khi đó, 75% sinh viên muốn tiếp tục với giáo dục trực tuyến sau đại dịch.

Thế nhưng, giữa nhiều nền tảng mạng xã hội, tại sao Gen Z lại chọn TikTok? TikTok không phải là một mạng xã hội theo nghĩa thuần túy: người dùng không mở ứng dụng để xem thông tin cập nhật từ bạn bè mà có thể tiếp cận với nhóm nội dung họ quan tâm, được làm mới liên tục, đến từ bất kỳ tài khoản nào. Nó khai thác sự chủ động và tích cực khi tiếp cận việc học của người dùng, được khơi dậy bởi mối quan tâm dành cho chủ đề chứ không phải vì chứng chỉ của khóa học. Các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok cũng được trao quyền, khi bất cứ ai cũng có thể tự tạo video để chia sẻ thông tin, kiến thức mà không phải chịu sự kiểm soát của các định chế giáo dục. Họ không nổi tiếng vì bằng cấp hay ngôi trường theo học mà bằng chính kỹ năng và nội dung được thể hiện trực tiếp trên sản phẩm. Điều này khiến TikTok trở thành công cụ được ưa thích để người dùng khám phá và tìm hiểu thêm về thế giới. Là ứng dụng nhận được nhiều lượng truy cập hơn cả Google (theo Year In Review Internet Rankings 2021 của Cloudfare), TikTok đang nghiêm túc hóa vấn đề giáo dục để biến nó thành đặc trưng của nền tảng này so với các mạng xã hội khác.

tiktok và giáo dục giải trí

Trong đó, chiến thắng thực sự thuộc về video ngắn dưới 60 giây và định dạng theo chiều dọc. Theo theo nghiên cứu năm 2015 của Microsoft, Gen Z có khoảng thời gian chú ý là 8 giây, vì vậy, nội dung giáo dục trên TikTok được thiết kế để tiếp cận được với nhóm người trẻ và phù hợp với xu hướng học tập vi mô (microlearning). Microlearning hiệu quả hơn 17% so với các khóa học truyền thống có thời lượng dài và biến các chủ đề thành những phần nhỏ dễ “tiêu hóa”. Trên tất cả, người dùng có thể học tập ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào với tất cả sự hứng thú nhờ khả năng tiếp cận trên điện thoại – vật bất ly thân của thời đại mới.

Edutainment có thể là trải nghiệm giáo dục hiệu quả cho cả người dạy và người học. Tuy nhiên, TikTok vẫn là một ứng dụng đa nội dung, trong đó, nhóm nội dung Tin tức và Giải trí được xem nhiều nhất với lượng video đăng tải tăng đến 245% so với cùng kỳ năm ngoái (theo báo cáo What’s Next 2022 của TikTok). Bản thân người học sẽ phải xây dựng thói quen tự học và định hướng nội dung cho chính mình nếu không muốn bị phân tâm bởi vô vàn nội dung giải trí trên nền tảng này.

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more