Đào Thị Hồng Quyên: Tri thức thay đổi số phận con người

Đăng ngày:

“Cái gương Quyên hay nhìn nhất là gương xe máy. Chẳng quan tâm gì đến hình thức, vậy mà không ngờ có ngày được lên ELLE”. Đào Thị Hồng Quyên tỏ ra bất ngờ và có phần bẽn lẽn khi trò chuyện với ELLE. Cô giáo trường làng bình dị, chân chất này chính là người nhận giải thưởng “Power of Radiance” lần thứ 5 của thương hiệu mỹ phẩm toàn cầu Clé de Peau Beauté.

Chân phương và giản dị là thế, nhưng trên bục giảng, Hồng Quyên vẫn tỏa sáng theo một cách riêng. Cô là người thắp lên ngọn lửa và lan tỏa sức mạnh tri thức, một người phụ nữ đặc biệt đã cống hiến hết mình để tiếp thêm sức mạnh cho trẻ em gái và nữ giới trong cộng đồng thông qua giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).

Hồng Quyên là Trưởng bộ môn Khoa học tại trường Trung học Genesis, ngôi trường tiên phong về Giáo dục Xanh tại Việt Nam, nơi cô phụ trách các dự án khoa học. Sinh ra và lớn lên ở một làng quê, cô được truyền cảm hứng từ người cha quá cố của mình, người đã tâm huyết theo đuổi sự nghiệp giáo dục ở làng trong hơn 10 năm. Cô tìm cách thúc đẩy giáo dục và giúp các trẻ em gái bằng cách thu hẹp khoảng cách giới tính trong Giáo dục STEM và xóa bỏ rào cản về định kiến giới.

Với những nỗ lực bền bỉ của mình, Hồng Quyên vừa được trao giải thưởng “Power of Radiance” vào ngày 19/4 vừa qua. Giải thưởng là một phần trong cam kết hoạt động xã hội lâu dài của Clé de Peau Beauté, nhằm hỗ trợ Chương trình Bình đẳng giới, hướng tới trao quyền, giúp các trẻ em gái và phụ nữ trên toàn thế giới được tiếp cận tốt hơn với giáo dục, khai mở sức mạnh tri thức của bản thân để thay đổi thế giới của chính họ. Hồng Quyên là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng này.

Chào Hồng Quyên. Chị có cảm xúc như thế nào khi nhận được giải thưởng “Power of Radiance” của thương hiệu Clé de Peau Beauté?

Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và biết ơn, đồng thời cũng cảm nhận được trách nhiệm lớn lao của bản thân. Được một thương hiệu uy tín như Clé de Peau Beauté công nhận tầm quan trọng của việc mang giáo dục STEM đến với các bé gái nông thôn mà tôi đang làm quả là điều may mắn và thật đáng trân trọng. Đây là cơ hội lớn trong cuộc đời tôi, giúp tôi thực hiện giấc mơ phát triển giáo dục STEM và lan tỏa thông điệp về vẻ đẹp tri thức của người phụ nữ.   

Chị nghĩ gì khi lần đầu biết đến một giải thưởng tôn vinh phụ nữ và trao quyền cho trẻ em gái thông qua giáo dục STEM?

Lần đầu biết đến giải thưởng vào năm 2021 thông qua UNICEF, tôi đã rất ấn tượng. Những câu chuyện đầy cảm hứng mà “Power of Radiance” mang lại khiến cá nhân tôi nói riêng và nữ giới nói chung có thêm động lực để cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn trên hành trình theo đuổi mục tiêu của mình. 

Đào Thị Hồng Quyên và sức mạnh tri thức 3

Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với kế hoạch mở rộng giáo dục STEM mà chị đang theo đuổi?

Tôi mong muốn giải quyết vấn đề định kiến giới ở Việt Nam bằng cách thay đổi suy nghĩ của xã hội đối với trẻ em gái. Điều này có nghĩa là trao quyền cho các bé gái tự tin lựa chọn và học các môn học STEM, để các em có thể tận dụng tối đa tiềm năng và không chấp nhận những giới hạn áp đặt lên mình.

Được Clé de Peau Beauté hỗ trợ, tôi dự định mở rộng các sáng kiến của mình hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục STEM. Giờ đây, chúng tôi có khả năng không chỉ nêu bật tầm quan trọng của giáo dục STEM cho trẻ em gái thông qua các hoạt động truyền thông mà còn có thể hỗ trợ giáo dục STEM cho một số thanh thiếu niên dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam, bao gồm cả người dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật.

Con đường theo đuổi sự nghiệp phát triển giáo dục STEM của chị đã bắt đầu như thế nào?

Niềm yêu thích của tôi đối với khoa học kỹ thuật đã hình thành từ ngày thơ ấu. Sau này, tôi theo học ngành Sinh học và đó là nền tảng vững vàng để tiếp cận giáo dục STEM. Có lẽ, quyết tâm theo đuổi việc phát triển giáo dục STEM bắt đầu khi tôi nhận ra khoảng cách giáo dục giữa nông thôn và thành thị. Sự tương phản và thiệt thòi của trẻ em sống trong điều kiện khó khăn là động lực thôi thúc tôi. Những ngày đầu, tôi thậm chí còn không biết rằng việc dạy học tích hợp Khoa học – Kỹ thuật hay Toán như vậy là STEM. Tôi chỉ biết rằng mình phải cố gắng để mỗi bài học hay hơn, sinh động hơn, gần với thực tế hơn.

Chị nhìn nhận như thế nào về tương lai mà STEM mang lại cho giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục nông thôn nói riêng?

Giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) đang trở thành một xu hướng toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Giáo dục STEM không chỉ cung cấp kiến thức về các lĩnh vực quan trọng trong kinh tế hiện đại như công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, điện tử, vật lý, hóa học và sinh học, mà còn phát triển kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề, hợp tác và sáng tạo, các kỹ năng quan trọng cho sự nghiệp và sự phát triển cá nhân.

Tương lai của giáo dục STEM đối với nền giáo dục chung của Việt Nam là rất tiềm năng và đầy triển vọng. Với việc đẩy mạnh giáo dục STEM, Việt Nam có thể đào tạo thêm nhiều cán bộ giáo dục và chuyên gia trong lĩnh vực STEM, đồng thời cung cấp cho học sinh, sinh viên các kỹ năng và kiến thức cần thiết để tham gia vào các ngành nghề liên quan đến STEM.

Đặc biệt, giáo dục STEM có thể giúp giải quyết các thách thức đang đối mặt với nền giáo dục chung của Việt Nam như giảm thiểu khoảng cách giữa giáo dục đô thị và giáo dục nông thôn, tăng cường sự tương tác giữa các trường học và các doanh nghiệp trong việc đào tạo cán bộ và sinh viên, cải thiện chất lượng giáo dục và tạo ra môi trường học tập tốt hơn.

Đào Thị Hồng Quyên và sức mạnh tri thức 4

Tại sao giáo dục STEM chưa thực sự được quan tâm tại Việt Nam? Theo chị, có những giải pháp khả thi nào có thể cải thiện tình trạng này?

Đất nước của chúng ta còn nhiều khó khăn. Giáo dục cũng như vậy. Rất nhiều vấn đề cần quan tâm phát triển, trong đó có giáo dục STEM. Dù khái niệm STEM và Giáo dục STEM đã xuất hiện ở Việt nam cách đây khoảng 10 năm, văn bản chỉ đạo thực hiện giáo dục STEM chỉ mới được ban hành vào năm 2020. Như vậy, chỉ vài năm gần đây, giáo dục STEM mới được thực hiện trong các nhà trường một cách tương đối rõ ràng. Thêm vào đó, nhóm ngành Khoa học – Kỹ thuật hiện tại vẫn chưa được phụ huynh lựa chọn là định hướng cho con em mình.

Để thay đổi tình hình này, tôi cho rằng cần đẩy mạnh nguồn lực từ giáo viên, bao gồm cả số lượng và chất lượng. Thêm vào đó, cần sự hỗ trợ của các đơn vị truyền thông để xã hội có sự thấu hiểu và quan tâm hơn đến giáo dục STEM.

Với kinh nghiệm hoạt động của mình, chị có thể giải thích tại sao lại có những rào cản giới trong giáo dục STEM nói riêng và giáo dục nói chung?

Theo thống kê, tỷ lệ nữ giới hoạt động trong lĩnh vực STEM là khoảng 26%, có một số lĩnh vực rất thấp, ví dụ như kỹ sư chỉ khoảng 15% (Women in STEM Statistics – Stem Women). ở Việt Nam, số liệu khả quan hơn là 37% (Vietnamese women are increasingly well prepared for decision-making roles in businesses).

Rào cản giới trong lĩnh vực STEM đến từ định kiến xã hội. Chúng ta vẫn thường cho rằng những công việc liên quan đến Khoa học – Kỹ thuật phù hợp với nam giới hơn nữ giới. Khi lựa chọn nghề nghiệp, trường đại học cho con, phụ huynh thường có xu hướng lựa chọn nhóm ngành không phải STEM vì cho rằng nhóm ngành này đỡ vất vả hơn, đồng thời cũng cho rằng phụ nữ không có khả năng làm những ngành này. Khi tôi còn là nữ sinh, những hoạt động liên quan đến chế tạo thường không được giao cho nữ. Mọi người thường mặc định là các bạn nữ phải thi nấu ăn, các bạn nam thi đá bóng hoặc chế tạo, sửa chữa…

Trong quá trình giảng dạy, chị cảm thấy trẻ em gái có cơ hội phát triển như thế nào trong lĩnh vực Khoa học – Kỹ thuật – Công nghệ? Khi được tiếp cận với STEM, các em có thể mở rộng tiềm năng ra sao?

Trẻ em gái cũng như trẻ em trai, đều có cơ hội phát triển như nhau trong lĩnh vực STEM. Thậm chí, ở nhiều kỹ năng, trẻ em gái tỏ ra khéo léo hơn, tập trung hơn và nhanh thành thạo hơn. Tôi nghĩ rằng các em hoàn toàn có thể tiếp tục theo đuổi ngành nghề STEM trong tương lai.

Nhiều phụ huynh chưa thực sự hiểu được ứng dụng thực tiễn của các môn học STEM trong đời sống. Chị có thể giới thiệu một số ứng dụng thực tiễn của STEM theo cách rõ ràng, dễ thấy và hiệu quả nhất, đặc biệt là trước bối cảnh công nghệ phát triển nhanh đi liền với các vấn đề môi trường như hiện nay?

Ngày nay, việc trẻ em tiếp cận và sử dụng công nghệ là cực kỳ phổ biến. Nhưng để trẻ có thể làm chủ công nghệ thì cần học tập các môn STEM. Ví dụ, hầu như em bé nào cũng thích chơi game, nhưng nếu được học lập trình game (học sinh tiểu học đã có thể lập trình trò chơi của mình), các em hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ ngay từ những thứ gần gũi nhất trong đời sống hằng ngày.

Chị có tin rằng học vấn có khả năng thay đổi số phận con người? Chị đánh giá thế nào về tầm quan trọng của giáo dục trẻ em nói chung và trẻ em nữ nói riêng?

Tôi tin rằng tri thức thay đổi số phận con người và đó là cách hiệu quả và nhân văn. Giáo dục là nền tảng của xã hội. Giáo dục trẻ em giúp định hình sự phát triển của cá nhân đồng thời cũng là quốc sách cho việc phát triển nguồn nhân lực. Giáo dục giúp trẻ em gái có được kiến thức, kỹ năng, sự tự tin để đưa ra quyết định thông minh và tham gia vào xã hội. Giáo dục giúp các em phát triển khả năng tư duy phản biện, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề, điều này rất quan trọng cho thành công trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.

Thông điệp của chương trình “Power of Radiance” là khai mở vẻ đẹp tri thức cho phụ nữ. Chị có quan điểm gì về sự song hành của vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong, cũng như sức hút của vẻ đẹp trí tuệ ở người phụ nữ?

Tôi tin rằng phụ nữ, giống như tất cả mọi người, có vẻ đẹp đa chiều, cả bên trong lẫn bên ngoài, nhưng chính vẻ đẹp bên trong, hay điểm mạnh, mới thực sự định nghĩa vẻ đẹp của chúng ta. Với tôi, vẻ đẹp tri thức chính là thế mạnh này.

Đây là lý do tại sao tôi rất ấn tượng với Giải thưởng “Power of Radiance”. Đây là một giải thưởng tuyệt vời, công nhận và trao quyền cho phụ nữ thể hiện đầy đủ sức mạnh của vẻ đẹp tri thức. Thông qua những chương trình như thế này, chúng ta có thể tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ trên khắp thế giới để họ phát huy hết tiềm năng của mình.

Chị chia sẻ một chút về hoạt động tiếp theo trên hành trình phát triển giáo dục STEM của mình nhé.

Tôi sẽ hỗ trợ thúc đẩy giáo dục STEM ở các huyện và các vùng dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực giáo viên, đồng thời tổ chức chiến dịch truyền thông về giáo dục STEM cho trẻ em gái.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.

Nhóm thực hiện

Bài: Đ.T

Video: Quốc Nam

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more