Những điều bạn nên biết về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19

Đăng ngày:

Những tổn thất mà con người phải hứng chịu do đại dịch chính là dấu hiệu cảnh báo cho chúng ta về những viễn cảnh khủng khiếp hơn mà tự nhiên có thể mang lại cho loài người trong trong tương lai.

Hơn bao giờ hết, lúc này con người cần phải bắt đầu nhận thức và hành động để phòng ngừa và ngăn chặn việc tái diễn lại các thời kỳ đen tối do dịch bệnh và thiên tai từng có trong lịch sử. Vậy tại sao việc con người quan tâm đến tự nhiên sẽ góp phần giảm thiểu hậu quả và tránh gây ra các thảm họa tàn khốc hơn trong tương lai? Cùng ELLE tìm hiểu những tác động của biến đổi khí hậu và mối liên hệ của biến đổi khí hậu đến đại dịch nhé.

Mỗi năm ô nhiễm không khí khiến 7 triệu người tử vong trên toàn thế giới

Ô nhiễm không khí là một trong những tác nhân gây hiểm họa đến sức khỏe như bệnh tim và làm suy yếu hệ hô hấp của con người. Trên thế giới cứ 10 người thì sẽ có 9 người sống trong bầu không khí ô nhiễm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một phần ba trong số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi và bệnh tim đến có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí. 

biến đổi khí hậu và đại dịch

Ảnh: Unsplash

Các nghiên cứu về dịch SARS năm 2003 đã chỉ ra rằng ở các vùng có mức độ ô nhiễm không khí cao hơn, những người bị mắc bệnh dịch và có tiền sử bệnh án liên quan đến đường hô hấp thì sẽ có khả năng tử vong cao gấp đôi so với người khỏe mạnh. Trong một nghiên cứu của Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19 tăng khoảng 15% ở những khu vực có mức độ ô nhiễm bụi mịn gia tăng trong những năm gần đây. 

Chất lượng không khí được cải thiện đáng kể từ khi bùng phát đại dịch

Mặc dù đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất nặng nề đến thế giới, nhưng nó cũng góp phần làm giảm mức độ ô nhiễm không khí trong vài tháng trở lại đây. Ở phía Đông Bắc Hoa Kỳ, chỉ trong tháng 3, mức độ ô nhiễm không khí đã giảm 30%, và ở các quốc gia khác như Trung Quốc và Ý, tỷ lệ ô nhiễm trong không khí cũng được giảm đáng kể.

ô nhiễm không khí ô tô đi trên đại lộ

Ảnh: LA Times

Tại Việt Nam, vào cuối tháng 3, nồng độ bụi mịn PM2.5 được đo tại Hà Nội được xác định là giảm đi 9 lần, xuống mức 11,5 µg/m³, tiệm cận với tiêu chuẩn 10 µg/m³ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Còn tại một số quận như quận 2, 3, Bình Thạnh… ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng giảm từ 1,5 – 5 lần so với trước đây. 

Việc mọi người ở nhà nhiều hơn đã giảm thiểu lượng xe tham gia giao thông và tình trạng tắc đường. Nhưng đại dịch đã đặt ra những vấn đề khác như rác thải y tế và các dịch vụ giao hàng tại nhà… Những khía cạnh tích cực về ô nhiễm không khí hiện tại chỉ là tạm thời, khi mọi thứ trở lại bình thường, chúng ta sẽ phải giải quyết bài toán tái cấu trúc nền kinh tế sau khi đại dịch qua đi mà vẫn phải đảm bảo giải quyết được các vấn đề ô nhiễm môi trường.

70% bệnh truyền nhiễm trên thế giới đến từ môi trường tự nhiên

Hầu hết các bệnh truyền nhiễm trong vài thập kỷ gần đây đều xuất phát từ môi trường tự nhiên. Do đó mà những tác động tiêu cực mà chúng ta mang đến cho tự nhiên sẽ làm tăng nguy cơ lan truyền các bệnh truyền nhiễm cho con người. Một trong những tổn hại mà con người gây ra cho thiên nhiên chính là đốt và làm cháy rừng, dẫn tới phá hủy môi trường của nhiều loài sinh vật hoang dã. Những loài sinh vật này sẽ phải tìm nơi cư trú mới, khiến cho mầm bệnh ẩn chứa trong chúng có cơ hội được lan rộng. Bên cạnh đó, càng nhiều loài động vật bị tiêu diệt thì càng nhiều siêu vi khuẩn mất đi môi trường sinh tồn và phải tản ra để tìm vật chủ, khi đó con người rất dễ trở thành nơi cư ngụ của những loài siêu vi này.

biến đổi khí hậu cháy rừng

Ảnh: Unsplash

Điển hình, thế giới đã từng ghi nhận virus truyền nhiễm bệnh Ebola ở Tây Phi từ loài dơi, virus H5N1 khởi nguồn từ loài chim, và các loại bệnh sốt rét, sốt xuất huyết tại châu Mỹ được truyền từ muỗi… hay virus SARS năm 2002 được xác định có nguồn gốc lây nhiễm từ cầy hương… Theo một nghiên cứu gần đây của Trung Quốc, tê tê có thể là vật chủ truyền nhiễm virus Corona.

biến đổi khí hậu loài đơi

Ảnh: Unsplash

Dơi là loài có hệ miễn dịch tương đối hoàn hảo và hầu hết miễn nhiễm với các loại virus gây nguy hiểm cho con người. Theo đó, loài dơi cũng có chứa virus này nhưng vẫn có thể sống khỏe mạnh và phát triển bình thường, tuy nhiên, con người – vốn không có cơ chế miễn dịch hoàn hảo như loài dơi – lại rất dễ phát bệnh. Điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay là con người phải học cách thích ứng và sống chung với tự nhiên thay vì mang tư duy thống trị thiên nhiên, coi mình là trung tâm của vạn vật.

Biến đổi khí hậu giúp lây truyền dịch bệnh

Hiện tượng nóng lên toàn cầu và thời tiết thay đổi bất thường đã tạo điều kiện cho sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch. Nhiệt độ tăng lên khiến cho hệ miễn dịch của con người ngày càng suy yếu. Thông thường, cơn sốt sẽ kích thích hệ miễn dịch và tạo ra môi trường với nhiệt độ cao làm suy yếu mầm bệnh – vốn dĩ sinh trưởng mạnh trong môi trường có nhiệt độ thấp. Nhưng khi mầm bệnh thích ứng được với nhiệt độ tăng cao trong môi trường tự nhiên, chúng sẽ dễ dàng thích nghi và tồn tại trong cơ thể con người.

biến đổi khí hậu trái đất nóng lên

Ảnh: Unsplash

Khi đó, một trong những cơ chế của hệ miễn dịch đã bị suy yếu. Cuộc khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 đã cho ta thấy sự yếu kém trong việc chuẩn bị của con người trước các bệnh dịch mới. Nếu hệ miễn dịch của con người mất hàng nghìn năm để tiến hóa thì chỉ trong vài tháng, virus Corona đã hình thành ít nhất 8 biến thể khác nhau. Và những đại dịch như thế này vẫn có thể tái diễn nếu chúng ta không có những biện pháp cải thiện môi trường và phòng chống hiệu quả trong tương lai. 

Ảnh hưởng từ chế độ ăn uống của con người lên môi trường

Vào năm 2019, Liên Hợp Quốc đã công bố rằng chế độ ăn dựa trên thực vật sẽ góp phần bảo vệ môi trường, khắc phục biến đổi khí hậu. Theo số liệu mà Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) đưa ra vào năm 2018, lượng khí thải nhà kính mà ngành chăn nuôi thải ra chiếm 18% trên tổng số lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ngoài ra, những hoạt động chăn nuôi gia súc còn tạo ra một lượng lớn chất thải hữu cơ gây ô nhiễm môi trường. Nếu bạn muốn thay đổi chế độ ăn uống trước đây và bắt đầu xây dựng chế độ ăn uống bền vững có lợi cho sức khỏe và môi trường thì đây chính là thời điểm thích hợp để bạn thực hiện.

chế độ ăn uống ảnh hưởng đến môi trường

Ảnh: Unsplash

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Vi Tường

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Thao khảo: TeenVogue

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more