MỘT NGOẠI LỆ CỦA HOLLYWOOD
Greta Lee nói rằng trong 5 bộ phim yêu thích nhất của mình, có Trùng Khánh Sâm Lâm của Vương Gia Vệ, và đặc biệt nhắc đến Vương Phi trong vai cô gái làm thuê ở cửa hiệu ăn nhanh đem lòng thầm thương trộm nhớ một chàng cảnh sát rồi lẻn vào nhà giúp anh dọn dẹp. Không cần nói chúng ta cũng có thể nhìn ra ngay điểm chung giữa hai nữ nghệ sĩ: mái tóc ngắn, gương mặt góc cạnh, đôi mắt hơi xếch, khác xa so với vẻ đẹp châu Á thông thường.
Đâu đó, sự nghiệp diễn xuất của Greta Lee, người vào vai nữ kịch tác gia Nora trong Past Lives – một trong những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu nhận được sự yêu thích đặc biệt của giới phê bình trong năm 2023 – cũng có nét tương đồng với Vương Phi: chỉ cần một vai diễn chính là đủ để đời. Nhưng khác với Vương Phi trước đó đã là vương hậu, là danh ca lẫy lừng châu Á, Greta Lee chỉ là một diễn viên nhỏ, chuyên đóng vai phụ trong các series phim truyền hình.
Greta Lee năm nay vừa tròn 40 tuổi. Ở tuổi của cô, Trương Mạn Ngọc đã gần như giải nghệ sau 2046 và Clean. Còn Vương Phi thì chưa cần tới 40 tuổi đã không còn ra các album phòng thu mới nữa, tất nhiên cũng nghỉ đóng phim từ lâu. Người Á Đông có quan niệm “mỹ nhân tự cổ như danh tiếng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (Người đẹp từ xưa như tướng giỏi. Không để nhân gian thấy mình bạc đầu). Greta Lee là một người Mỹ gốc Hàn. Số lượng nữ diễn viên Hàn vẫn còn ham mê đóng phim khi bước vào tuổi đầu 40 cũng không nhiều. Ngay cả diễn viên Hollywood tuy “tuổi thọ” diễn xuất dài hơi hơn nhưng cũng thường gặt hái danh tiếng từ khi còn trẻ, còn 40 là lúc đỉnh cao sự nghiệp. Vậy mà Greta Lee lại chỉ bắt đầu nổi tiếng ở độ tuổi có vẻ như không lấy gì làm thuận lợi trong ngành công nghiệp luôn ưa chuộng sự hào nhoáng của tuổi thanh xuân.
Cô thừa nhận rằng đã có lúc dần đi tới sự chấp nhận mình sẽ không thể nào có một sự nghiệp mà mình hằng mong muốn. Trong một bài phỏng vấn ở Singapore, Lee so sánh bản thân như một nhạc công trong dàn nhạc, nhưng lại không bao giờ được lôi nhạc cụ của mình ra khỏi hộp mà chỉ có thể nhìn người khác – những nữ diễn viên da trắng – tỏa sáng. Trường hợp của Greta Lee thậm chí còn kỳ lạ hơn Dương Tử Quỳnh, người đã trở thành nữ diễn viên châu Á đầu tiên giành giải Oscar cho vai nữ chính ở tuổi 60. Chí ít, Dương Tử Quỳnh đã luôn là một ngôi sao lớn ở châu Á trong thời kỳ thịnh trị phim xã hội đen Hồng Kông, và đã luôn là một trong những cái tên châu Á đầu bảng trong tâm trí các nhà làm phim Mỹ. Greta Lee thì khác. Cô cũng tham gia một vài series được yêu thích, bên cạnh những ngôi sao tên tuổi, như The Morning Show chẳng hạn, nhưng tên của cô chỉ xếp thứ mười mấy trong danh sách diễn viên. Hoặc là cô đã lồng tiếng trong bộ phim hoạt hình ăn khách Spiderman: Into the Spiderverse, nhưng một lần nữa, vẫn là vai rất phụ.
Sự thực thì đáng lẽ ra, vai diễn nữ biên kịch Nora, một người phụ nữ Hàn Quốc nhập cư, kết hôn cùng một nhà văn người Mỹ rồi gặp lại người bạn thanh mai trúc mã ở quê nhà trong chuyến viếng thăm của anh tới New York, đã không thuộc về Greta Lee. Cô… quá lớn tuổi. Ý định của đạo diễn – biên kịch Celine Song ban đầu là Nora chỉ ở khoảng độ tuổi 20. Phải một năm sau, cô mới nhận được cuộc gọi từ NSX, thông báo rằng họ đã đổi ý. Họ cần một diễn viên… lớn tuổi.
BÀI LIÊN QUAN
CHỈ CÓ THỂ LÀ GRETA LEE
Nhưng nghĩ cho kỹ thì, sẽ thật khó tin nếu ghép một nữ diễn viên trẻ trung mơn mởn vào những cảnh phim thật dịu dàng mà cũng thật tiết chế trong Past Lives, những cảnh phim mô tả thứ tình yêu được giữ kín trong lớp vỏ kén mong manh, không bên nào động cựa bởi biết rằng chỉ một va chạm nhỏ thì lớp kén ấy có thể phá hỏng mọi thứ. Ví dụ như cảnh phim thường được nhắc tới nhiều nhất, khi Norah ngồi giữa chồng cô – Arthur, và người bạn cũ – Haesung trong quán Holiday Cocktail Lounge nổi tiếng ở New York, nơi từng đón chào không ít văn nhân và nghệ sĩ ghé thăm. Phải là gương mặt cứng cỏi của Greta Lee, gương mặt của một người phụ nữ nhập cư mạnh mẽ vì nếu không mạnh mẽ thì làm sao sinh tồn được trên đất Mỹ, để giữ sự trìu mến nhưng cũng rất đỗi bình thản, không đi quá một giới hạn nào, khi nghe Haesung chân thành bày tỏ những lời từ tận đáy tim: “Nếu đây cũng là kiếp trước thì sao, và trong kiếp này chúng ta đã là một thứ gì đó khác của nhau? Em nghĩ thế thì chúng ta đang là ai?”.
Trong Past Lives, cả hai người đàn ông dường như đều có gì đó yếu đuối và cả nghĩ hơn người phụ nữ. Chàng trai người Hàn Quốc rụt rè đến mức nhiều lần bỏ lỡ tình cảm của mình. Anh cũng không phải người tham vọng. Khi còn nhỏ, Haesung chưa bao giờ buồn vì kết quả học tập của Nora thường tốt hơn. Còn Arthur, anh bất an và lo lắng khi nghe những lời nói mớ bằng tiếng Hàn mà anh không sao hiểu nổi từ Nora. Là một nhà văn với trí tưởng tượng rộng mở, anh sợ rằng mình sẽ trở thành nhân vật phản diện trong câu chuyện tình lãng mạn của vợ, và rồi vợ anh sẽ bỏ chạy theo người đàn ông xa lạ kia. Nhưng Nora không như họ, cô luôn vững vàng. Hãy thử tưởng tượng vào giây phút cuối, nếu như trước câu hỏi “chúng ta đang là ai?” của Haesung mà Nora mềm lòng đưa ra một câu trả lời lãng mạn cho anh vui, thì bộ phim đã không trọn vẹn một cách xót xa như thế. Cô chỉ trả lời “Em không biết”. Và phải là một gương mặt đã “thấu hiểu hồng trần” của Greta Lee mới phù hợp hoàn hảo với tính cách của Nora. Chỉ Greta Lee mới thật thuyết phục khi thốt ra một câu thoại kiểu như: “Nhìn em có giống người đánh đổi sự nghiệp văn chương với một anh chàng nào đó không hả?”.
KIÊN ĐỊNH VỚI DIỄN XUẤT
Trong phim, Nora là người kiên định với sự nghiệp của mình. Thì ngoài đời, Greta Lee cũng vậy. Chỉ có sự kiên định mới khiến người phụ nữ này không bỏ nghề dù trước 40 tuổi vẫn chưa có thành quả gì đáng nói đến. Mà ai dám tin một ngày nào đó, làn sóng châu Á sẽ ập vào Hollywood như hôm nay để mà kiên định chờ cơ hội tới? May mắn là, mặc dù chưa có một tín hiệu nào trong phim cho thấy Nora sẽ được tưởng thưởng trong nghề viết, nhưng với Greta Lee thì có. Vai diễn trong Past Lives mang lại cho cô một loạt đề cử nữ chính của hệ thống giải thưởng Bắc Mỹ như Quả Cầu Vàng, Tinh Thần Độc Lập, Critics’ Choice Award và rất có thể sắp tới là giải Oscar.
Cảnh cuối của Past Lives là lần đầu tiên và duy nhất trong phim Nora thể hiện sự yếu đuối của mình bằng cách bật khóc trên vai Arthur. Vì sao cô khóc? Nhiều người đặt ra câu hỏi ấy? Vì sự luyến tiếc với Haesung? Vì một điều gì đã mất, đã cắt đứt với quê nhà? Có lẽ là tất cả những điều đó, và thêm một điều nữa – những nỗi niềm mà một phụ nữ nhập cư đã luôn phải che đậy, gồng mình để sống nơi đất khách. Khi được hỏi liệu Nora có còn gặp Haesung không, Greta Lee cho rằng không, họ sẽ không gặp lại. Ngược lại, Nora và Arthur sẽ có một cuộc hôn nhân thật hạnh phúc, và thực ra mối tình vĩ đại nhất của Nora chẳng phải là với người đàn ông nào cả, mà với chính cuộc đời mình. “Cô ấy chỉ sống đời mình thôi”, Greta Lee nói.
Phải chăng Greta Lee cũng là như vậy? Mối tình vĩ đại nhất của cô là với cuộc đời mình? Dù sao, chỉ khi ta yêu cuộc đời mình, thì tất cả những thứ người khác cho là rào cản, như màu da, tuổi tác, mới chẳng phải là điều ta bận tâm. Ta chỉ sống cuộc đời mình thôi. Và cuộc đời của Lee, là diễn xuất.
Nhóm thực hiện
Bài: Hiền Trang
Ảnh: Tư liệu