Những tượng đài nhan sắc Việt vang bóng một thời
Cùng nhìn lại hình ảnh của những tượng đài sắc đẹp Việt đã làm xao xuyến lòng người của những thập niên 60-70
Vào những thập niên 60-70 của thế kỉ trước, khi công nghệ chụp ảnh vẫn còn đơn sơ với những bức ảnh trắng đen nhưng cũng đã kịp ghi lại hình ảnh của nhiều tượng đài nhan sắc Việt lúc bấy giờ. Và cho đến hôm nay, chúng ta có dịp chiêm ngưỡng những người đẹp xưa, những mỹ nhân đã làm triệu người xao xuyến.
Đặng Tuyết Mai
Bà Đặng Tuyết Mai sinh năm 1942. Xuất thân trong một gia đình gia giáo ở Bắc Ninh. Với sắc nước hương trời cùng vốn kiến thức uyên thâm, bà Đặng Tuyết Mai là một trong bốn nữ chiêu đãi viên đầu tiên của hãng hàng không Air Việt Nam. Đây cũng chính là cơ duyên khiến bà gặp gỡ và kết hôn với Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ và là mẹ của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Vào những thập kỉ 60, bà Đặng Tuyết Mai làm một trong những biểu tượng của người phụ nữ với tài sắc vẹn toàn. Bà thông thạo cả tiếng Anh và Pháp, cùng với gu ăn mặc hài hòa giữa nét phụ nữ Á Đông và pha lẫn nét hiện đại của phụ nữ phương Tây. Khi cùng sánh vai với các vị phu nhân tổng thống khác, bà Đặng Tuyết Mai vẫn tỏa sáng một vẻ đẹp rất Việt Nam. Có lẽ cho đến bây giờ, hình tượng này vẫn chưa bao giờ sụp đổ và đáng là một tấm gương cho những thế hệ sau dõi theo.
Thẩm Thuý Hằng
Nếu phải nói về những mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành trên màn ảnh Việt lúc bấy giờ, không thể không nhắc đến diễn viên Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng với bộ phim “Người đẹp Bình Dương”. Được xem là ngôi sao sáng nhất của điện ảnh thương mại miền Nam Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 1950 đến cuối thập niên 1970, bà tham gia rất nhiều bộ phim, trong đó nhiều phim hợp tác với Mỹ, Philippines, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản… Tên tuổi của bà không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn được biết tới tại các nước trong khu vực.
Có thể nói, bà là một trong số mỹ nhân màn ảnh chiếm trọn lòng mến mộ của khán giả không chỉ bởi vẻ đẹp kiêu sa mà còn bởi tài năng diễn xuất. Không chỉ tham gia ở lĩnh vực phim ảnh, bà còn đa tài ở một số thể loại khác như cải lương, kịch nói sân khấu,..
Kim Cương
Nữ nghệ sĩ Kim Cương được mệnh danh là “kỳ nữ” của sân khấu kịch nói Nam Bộ lúc bấy giờ, và cho đến bây giờ, tất cả mọi người thường vẫn giữ danh xưng đó với bà bởi lòng mến mộ tài năng. Xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời, có mẹ là cố NSND Bảy Nam nên NSND Kim Cương cũng chịu sự ảnh hưởng sâu sắc và nghệ thuật dường như chính là hơi thở của bà.
“Kỳ nữ” Kim Cương đã để lại những vai diễn ấn tượng đi sâu vào lòng những người dân mến mộ kịch nói Việt Nam, điển hình là vai diễn trong 2 vở “Lá sầu riêng” và “Bông hồng cài áo”. Cho đến nay, dù đã lui về phía sau sân khấu nhưng bà vẫn được mọi người nhắc đến với tấm lòng trìu mến qua những cống hiến của bà cho nghệ thuật, những công tác thiện nguyện xã hội cống hiến cho cuộc đời.
Thanh Nga
Thập niên 60 – 70, nhắc đến Thanh Nga, có thể nói là không ai không biết đến tên tuổi của bà với nhan sắc và tài năng thuộc hàng bậc nhất ở Sài Gòn. Nét đẹp sang trọng, quý phái và đậm chất Á Đông của bà luôn khiến những người mộ điệu phải trầm trồ khen ngợi. Thanh Nga đã được công chúng ưu ái dành tặng cho danh hiệu “Nữ hoàng sân khấu”.
Là một trong bộ ba người bạn thân cùng với NSND Kim Cương và NSƯT Thẩm Thúy Hằng, con đường nghệ thuật của NSƯT Thanh Nga lại tỏa sáng trong lĩnh vực sân khấu cải lương với vai diễn trong tuồng “Tiếng trống Mê Linh” gây tiếng vang một thời. Tên tuổi của bà được xem là những cái tên gây sốt phòng vé khi xưa. Nhưng khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Thanh Nga đã không may bị sát hại. Bà ra đi trong nỗi tiếc thương của biết bao nhiêu người hâm mộ. Cho đến nay, mỗi lần nhắc đến NSƯT Thanh Nga, người ta vẫn còn đầy tiếc nuối về một bóng hồng tài sắc vẹn toàn.
Kiều Chinh
Kiều Chinh là nữ diễn viên nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 và từng tham gia trong một số phim của Hollywood. Là một trong bốn mỹ nhân đình đám ở Sài Gòn những năm trước 1975, Kiều Chinh gây ấn tượng với nhiều người bởi vẻ đẹp khá hiện đại.
Sự nghiệp của bà không chỉ tỏa sáng trong Việt Nam mà còn vươn ra Thế giới. Năm1996, Kiều Chinh nhận giải Emmy cho phim tài liệu “Kieu Chinh: A Journey Home” của đạo diễn Patrick Perez / KTTV. Năm 2003, Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award). Cũng trong năm 2003, tại Liên hoan phim Phụ nữ (Women’s Film Festival) ở Torino, Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất Đặc biệt (Special Acting Award).
Cho dù thời gian có khắc nghiệt, cuộc sống và những quan điểm về sắc đẹp có đổi thay, song khi nhìn lại hình ảnh của những mỹ nhân này – họ không chỉ là biểu tượng của nhan sắc Việt một thời làm chúng ta không khỏi xao xuyến, mà còn là những người phụ nữ đi trước khẳng định sức mạnh “nữ quyền” mạnh mẽ khi liên tục tạo dấu ấn cả trong nước lẫn quốc tế, khiến phái đẹp Việt Nam chúng ta luôn mãi tự hào.
—
Xem thêm:
Lịch sử của cuộc thi sắc đẹp lâu đời nhất: Hoa hậu Thế giới
Hải Liên (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)