Các quốc gia châu Á ăn mừng Tết Trung Thu như thế nào?

Đăng ngày:

Tết Trung thu vốn được biết đến như một dịp lễ lớn ở các quốc gia châu Á và sẽ diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch hàng năm. Mỗi quốc gia sẽ ăn mừng dịp lễ này bằng những món ăn và các phong tục khác nhau nhưng nhìn chung, Tết Trung Thu ở các quốc gia này đều mang ý nghĩa sum họp, quây quần gia đình và tạ ơn trời, đất. 

Cùng ELLE điểm qua nét văn hóa đặc trưng trong Tết Trung thu ở 6 quốc gia châu Á nhé!

1. Hàn Quốc

Tết Trung thu tại xứ sở kim chi thường được gọi là Chuseok hoặc Hangawi – mang nét nghĩa tương đương Lễ Tạ ơn ở các nước phương Tây. Đối với người Hàn, Lễ Trung Thu là dịp để cảm tạ trời, đất đã ban cho họ một năm mùa màng bội thu và nguyện cầu những năm tiếp theo, họ vẫn được ơn trên bảo hộ và đem đến sự may mắn, bình an. Trong 3 ngày Trung Thu, người Hàn Quốc thường mặc Hanbok – trang phục truyền thống của xứ sở kim chi khi sum họp cùng gia đình và cùng nhau thực hiện nghi lễ trà đạo Charye để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Sau đó, nghi lễ sẽ kết thúc bằng việc thưởng thức Songpyeon – loại bánh trung thu truyền thống được làm tỉ mỉ bằng tay với lớp vỏ ngoài dẻo dai từ bột nếp và các loại nhân ngọt như mè đen, đậu đen hoặc hạt thông. 

hàn quốc tết trung thu

Ảnh: Cathlyn’s Korean Kitchen

2. Nhật Bản 

Ở xứ sở Mặt Trời mọc, Trung thu được gọi là Tsukimi hoặc Otsukimi – có nghĩa là ngắm trăng. Tương tự như Tết Trung Thu tại Hàn Quốc, Tết Trung Thu ở Nhật Bản cũng được xem như một ngày lễ để cảm tạ ơn trên vì những đã bảo hộ và ban tặng cho họ cuộc sống đủ đầy một năm qua. Để chuẩn bị cho Trung Thu, họ thường trang trí nhà cửa bằng những khóm cỏ pampas – loài cỏ mộc mạc tượng trưng cho sức sống, lòng dũng cảm và tinh thần cộng đồng của người Nhật Bản. Ngoài ra, cỏ pampas được tin rằng có khả năng xua đuổi những năng lượng xấu và thường được cắm trong lọ hoặc đặt ở bậc thềm trước cửa nhà. Và, vào đúng đêm Trung thu, khi trăng đã lên cao họ sẽ cùng nhau ngồi nhâm nhi món bánh tsukimi dango với lớp vỏ ngoài làm từ bột nếp và phần nhân hạt dẻ hoặc khoai môn. 

tết trung thu nhật bản

Ảnh: Vietjet Air

tết trung thu nhật bản

Ảnh: Just One Cookbook

3. Việt Nam

Tết Trung Thu ở Việt Nam còn có tên gọi khác là Tết Đoàn viên. Đối với mỗi người Việt Nam, Trung Thu là dịp để những người con xa xứ trở về quê nhà để  quây quần, sum họp gia đình và cùng nhau dùng một bữa cơm tối ấm cúng. 

Lồng đèn là một trong những nét đặc trưng của dịp Trung Thu ở Việt Nam. Những chiếc lồng đèn với đủ hình dạng, màu sắc, kích cỡ ánh lên những tia sáng rực rỡ ở những con phố, lấp lánh trên tay trẻ em là hình ảnh thân quen trong dịp Tết Đoàn viên ở Việt Nam. Bên cạnh đó, những chiếc bánh Trung Thu là yếu tố không thể thiếu trong những cuộc trò chuyện đêm trăng. Đối với người Việt, những chiếc bánh Trung Thu đa dạng hình dáng, hương vị không chỉ là một trong những thức quà đặc trưng của mùa Thu, chúng còn là tặng phẩm ẩn chứa những lời nguyện ước chân thành về một cuộc sống đủ đầy và sung túc được gửi trao đến những mối quan hệ thân tình.

tết trung thu việt nam

Ảnh: Tasting Tables

tết trung thu việt nam

Ảnh: Báo Dân Trí


Xem thêm:

• 7 truyền thống văn hóa Nhật Bản đặc sắc nhưng ít người biết

• 10 địa danh nổi bật tại Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

• Những địa điểm bạn nhất định phải check-in khi đến Hội An


4. Thái Lan 

Truyền thuyết của người Thái kể rằng trong ngày Trung Thu có 8 vị tiên đi đến Cung điện mặt trăng để tặng những quả đào cho Quan Âm Bồ Tát. Trên đường đi, họ sẽ ban tặng những điều may mắn, bình an cho mọi người ở trần gian. Vì thế, người Thái Lan thường sẽ khấn nguyện dưới ánh trăng trong đêm Trung thu và trao tặng nhau những chiếc bánh nặn hình quả đào với ý nghĩa gửi trao những nguyện ước tốt lành trong cuộc sống. 2 loại bánh Trung Thu đặc trưng cho xứ sở Chùa vàng là bánh nhân sầu riêng và bưởi. Sầu riêng là loại quả nổi tiếng của Thái Lan và bưởi tượng trưng cho sự sum họp, đoàn viên của gia đình.

tết trung thu thái lan

Ảnh: Ivivu.com

5. Campuchia

Tết Trung Thu được gọi là Bon Om Touk ở Campuchia. Khác với những quốc gia khác, người dân nơi đây đón Tết Trung Thu vào tháng 11.  Vào 2 ngày đầu tiên trong ba ngày lễ, người dân Campuchia sẽ tổ chức lễ hội đua thuyền. Truyền thuyết Cheadok kể rằng trên cung trăng có loài thỏ sinh sống và mọi hoạt động của người dân Campuchia đều được những chú thỏ quan sát. Vào đêm Trung Thu, họ thường đi chùa để cầu bình an và may mắn. Bên cạnh đó, họ sẽ bày một số lễ vật gồm trái cây và ak ambok – món ăn truyền thống gồm bột gạo, chuối, và dừa trước cửa nhà cho những chú thỏ trên mặt trăng, đồng thời nguyện cầu những bình an, yên lành cho cuộc sống.

tết trung thu campuchia

Ảnh: Ivivu.com

6. Trung Quốc

Lễ Trung thu (hay còn gọi là Trung Thu Tiết) là một trong những dịp lễ quan trọng tại Trung Quốc, bắt nguồn từ 3000 năm trước.Tương tự như Tết Trung Thu tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Tết Trung Thu tại Trung Quốc được xem như dịp lễ để cảm tạ đất trời vì đã ban tặng cho con người một năm sung túc và nguyện cầu may mắn, bình an trong năm kế tiếp. Một số hoạt động cho đêm Trung thu tại Trung Hoa thường bao gồm ngắm trăng, thưởng thức bánh Trung Thu, dùng cơm gia đình hoặc làm đèn lồng. Ở một số thành phố, các truyền thống và trò chơi lâu đời cho đêm Trung thu vẫn được gìn giữ. Ví dụ, người dân thành phố Hạ Môn sẽ cùng nhau chơi trò Bo Bing. Mỗi người chơi sẽ thay phiên nhau tung 6 viên xúc sắc. Mặt số 4 hiện lên càng nhiều, phần thưởng bạn nhận được sẽ càng lớn. 

tết trung thu ở trung quốc

Ảnh: Ivivu.com

trò chơi tết trung thu

Ảnh: Chinlingo

Nhóm thực hiện

Bài: Nhu Quynh Doan

Tham khảo: Legend 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more