7 đặc điểm của người bị chấn thương tâm lý lúc nhỏ

Đăng ngày:

Chấn thương tâm lý thời thơ ấu thường để lại hậu quả nặng nề lên tính cách của nhiều người ngay cả khi họ đã trưởng thành. Cùng ELLE tìm hiểu 7 dấu hiệu phổ biến của loại tổn thương tinh thần này nhé!

Leonardo da Vinci, Isaac Newton và Sigmund Freud là 3 trong số những thiên tài được kính trọng nhất trong lịch sử loài người bởi những cống hiến vô giá của họ cho nền khoa học – nghệ thuật nhân loại. Các ông có một điểm chung là đều từng trải qua tuổi thơ bị ngược đãi. Thế nhưng, da Vinci, Newton và Freud cũng đồng thời là 3 ví dụ điển hình chứng minh rằng, các chấn thương tâm lý lúc nhỏ hoàn toàn không định nghĩa bạn là ai. 7 đặc điểm dưới đây sẽ mang đến cho chúng ta cái nhìn bao dung và thấu hiểu hơn về những người từng bị chấn thương tâm lý thời thơ ấu.

1. Thường xuyên hoảng loạn

Những người mắc chấn thương tâm lý lúc nhỏ thường phải vật lộn với nỗi lo lắng thường trực ngay cả khi họ đã trưởng thành. Với góc nhìn bi quan và cảnh giác, họ gặp khá nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề. Do đó, đôi khi, những người này trở nên hoảng loạn trong các tình huống thông thường mà không có lý do cụ thể. Nếu đối diện với thách thức, họ thường phải chịu áp lực, căng thẳng gấp đôi những người bình thường.

cô gái tóc vàng chấn thương tâm lý

Ảnh: Unsplash

2. Quá thận trọng

Những trải nghiệm đau thương trong quá khứ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phần đời còn lại của người từng bị chấn thương tâm lý. Để đảm bảo bản thân không gặp phải hoặc rơi vào hoàn cảnh tồi tệ tương tự, họ luôn cẩn thận thái quá khi suy nghĩ và hành động. Những người này tôn sùng sự thoải mái và ổn định trong vùng an toàn của mình. Mặc dù nhận biết được cách sống này có thể giới hạn tinh thần phiêu lưu mạo hiểm và kiềm hãm sự phát triển của bản thân nhưng họ vẫn chấp nhận an phận. Trong công việc và cuộc sống, họ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, bản tính nhút nhát và sợ thử thách khiến họ khó thăng tiến trong sự nghiệp.

cô gái nhìn ra cửa sổ chấn thương tâm lý

Ảnh: Unsplash

3. Dễ sợ hãi

Người từng bị chấn thương tâm lý lúc nhỏ có xu hướng xâu chuỗi các tổn thương quá khứ và liên tưởng đến những trải nghiệm trong hiện tại cũng như tương lai. Họ thường xuyên bị ám ảnh bởi những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt, tầm thường như sự cô đơn, bóng tối, độ cao, hỏa hoạn, tai nạn, trộm cắp, khủng bố… Tuổi thơ không trọn vẹn khiến họ cảm thấy bất an, sợ hãi. Do đó, những người này luôn tự đề cao cảnh giác để sẵn sàng đối mặt với nghịch cảnh.

cô gái ngồi trên ghế chấn thương tâm lý

Ảnh: Unsplash

4. Sống khép kín, thu mình

Khi phải chịu đựng quá nhiều tổn thương và bất công, những người bị chấn thương tâm lý thời thơ ấu có xu hướng che giấu nội tâm nhằm né tránh sự tò mò, phán xét hoặc ánh nhìn thương hại của mọi người. Họ trở nên lầm lì, ít nói, tự thu mình vào chiếc kén an toàn của bản thân và chỉ giao tiếp với người khác khi thật sự cần thiết. Đây chính là biểu hiện của chứng rối loạn lo âu xã hội.

cô gái và mái tóc sáng tối chấn thương tâm lý

Ảnh: Unsplash

5. Trở nên thụ động

Theo thời gian, những người mắc chấn thương tâm lý lúc nhỏ tìm cách kiềm nén sự tức giận và oán hận ẩn sâu bên trong con người họ. Thay vì dũng cảm đối diện với cảm xúc của mình, họ cố tình chôn vùi những bức xúc chất chồng trong tâm hồn và giả vờ rằng bản thân vẫn ổn. Dù hiểu rõ mình cần phải làm gì để thay đổi nhưng họ vẫn quyết định ngồi im chịu đựng.

cô gái bên cửa sổ toa tàu

Ảnh: Unsplash

6. Căng thẳng liên tục

Tuy các trải nghiệm đau khổ đã kết thúc từ lâu nhưng đa số những người bị chấn thương tâm lý thời thơ ấu không thể dễ dàng lãng quên chúng. Tất nhiên, dẫu biết rõ bản thân hiện tại đã được an toàn và thay đổi rất nhiều nhưng họ vẫn luôn lo lắng, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống tồi tệ có thể xảy ra. Sự căng thẳng khiến cuộc sống của họ trở thành gánh nặng phiền muộn. Họ rất khó suy nghĩ lạc quan, vui vẻ và vô tư như người bình thường.

cô gái nằm ngủ bên quyển sách

Ảnh: Unsplash

7. Suy nghĩ nạn nhân

Trong những năm tháng tuổi thơ, người mắc chấn thương tâm lý là những nạn nhân vô tội của môi trường, bởi họ còn quá nhỏ để có thể tự lựa chọn và quyết định số phận của mình. Vì vậy, họ luôn cảm thấy căm phẫn, bất lực, khổ sở và cô đơn. Thế nhưng khi trưởng thành, suy nghĩ này vẫn tiếp tục ăn sâu vào tiềm thức của họ. Do đó, trước những sự việc không như ý, họ thường cho rằng điều đó vốn là một sự an bài đồng thời bản thân là nạn nhân của mọi đau khổ.

cô gái trùm nón áo khoác

Ảnh: Unsplash

Chữa lành chấn thương tâm lý thời thơ ấu là một quá trình lâu dài. Bạn sẽ cần rất nhiều sức mạnh tinh thần để soi rọi thật sâu vào góc khuất tâm hồn mình và dứt khoát tạm biệt quá khứ buồn bã. Hãy luôn nhớ rằng, bạn không hề đơn độc. Hãy chia sẻ và giúp đỡ những người bạn có cùng trải nghiệm. Tương lai tươi đẹp hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn. ELLE thương chúc bạn vượt qua tất cả thật mạnh mẽ và bình tâm.

Nhóm thực hiện

Bài: Xuân Mai

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: The Minds Journal

Ảnh: Unsplash

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more