Giá trị hợp đồng và những quy tắc ngầm cho vị trí Giám đốc Sáng tạo

Đăng ngày:

Quyền sở hữu trí tuệ cho thiết kế của các Giám đốc Sáng tạo thuộc về ai sau khi “đường ai nấy đi” và liệu có một điều khoản nào trong hợp đồng làm việc bảo vệ cho lý tưởng nghệ thuật của họ?

Vấn đề pháp lý trong thời trang, đặc biệt là các bản hợp đồng lao động luôn là một trong những đề tài nhạy cảm và khó đào sâu nhất. Đó là bởi hai lý do chính: Thứ nhất, trừ khi xảy ra tranh chấp nghiêm trọng đến nỗi “đưa nhau ra tòa”, các điều khoản (bao gồm cả mức lương) đều là thông tin được thương hiệu và tập đoàn bảo mật tuyệt đối. Thứ hai, Giám đốc Sáng tạo không đơn giản là một chức danh “nghĩa trên mặt chữ”, từng thương hiệu và từng nhà thiết kế lại có cách làm việc của riêng mình, kéo theo hàng chục loại hợp đồng khác nhau. Nếu cuộc chia tay của Riccardi Tisci và Burberry đã được dự báo một cách chắc chắn dựa theo thời hạn mà hai bên ký kết với nhau, thì các trường hợp trước đó, chẳng hạn như Daniel Lee và Bottega Veneta, Frida Giannini và Gucci lại cho thấy, “chiếc ghế nóng” ở các tập đoàn xa xỉ rất “chông chênh” và bạn hoàn toàn có thể phải “thu dọn hành lý” rời khỏi “ngôi nhà” sau một cú điện thoại. Sự khác biệt đến từ định hướng sáng tạo và bối cảnh toàn cầu.

giám đốc sáng tạo Riccardi Tisci nói lời tạm biệt với Burberry

Riccardi Tisci nói lời tạm biệt với Burberry sau 5 năm đồng hành. (Ảnh: Burberry)

Nếu các thương hiệu độc lập hoặc thuộc sở hữu cá nhân có thể hoàn toàn kiểm soát hình ảnh của mình thì vấn đề trở nên phức tạp hơn ở các đế chế, nơi tập hợp nhiều nhà mốt khác nhau và đứng đầu là hội đồng quản trị. Mới đây nhất, sự việc Alessandro Michele chính thức rời khỏi Gucci đã làm dư luận phải tò mò về lý do đằng sau. WWD cho rằng Michele đã “bị yêu cầu thay đổi phong cách thiết kế theo hướng tối giản hơn” sau khi không đáp ứng được các kỳ vọng tăng trưởng hậu đại dịch. Và ông đã từ chối thực hiện mệnh lệnh đó.

Chắc hẳn không ít người trong chúng ta tò mò về chuyện “lương lậu” của các Giám đốc Sáng tạo? Khi Hedi Slimane rời khỏi Saint Laurent vào năm 2016, anh đã đệ đơn kiện công ty mẹ Kering vẫn chưa giải quyết hết các khoản thanh toán trong hợp đồng của mình, con số này lên đến 10 triệu EURO. Tiếp đến, một vụ kiện trong cùng khoảng thời gian giữa Oscar de la Renta và Carolina Herrera tiết lộ rằng vị trí của Laura Kim – NTK cũ của Herrera, tại Oscar de la Renta bao gồm mức lương khởi điểm hàng năm là 1 triệu USD và “cơ hội nhận được tới 300.000USD tiền thưởng” theo tờ New York Times.

nhà thiết kế hedi slimane và karl lagerfeld

Hai vị giám đốc sáng tạo từ hai nhà mốt xa xỉ Chanel và Celine: Karl Lagerfeld và Hedi Slimane (Ảnh: Getty Images)

Một câu hỏi khác là điều gì sẽ xảy ra nếu các doanh nghiệp và nhà thiết kế quyết định chia tay trước khi hợp đồng kết thúc? Theo The Fashion Law, trích dẫn từ các tài liệu của tòa án Pháp, khi Nicolas Ghesquière nói lời tạm biệt với Balenciaga vào năm 2013, nhà mốt đã phải đền bù cho Ghesquière “6,6 triệu EURO cho việc vi phạm hợp đồng đã ký vào năm 2010 và 2012 với anh ấy”. Ghesquière “cũng ra đi với 32 triệu EURO từ việc sở hữu 10% cổ phần công ty khi Gucci mua lại Balenciaga vào năm 2001” – theo WWD.

sàn diễn của Louis Vuitton

Nicolas Ghesquière hiện đang giữ chức giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton. (Ảnh: Louis Vuitton)

Tuy nhiên, kể cả khi đã được giải thoát khỏi công ty cũ, các (cựu) Giám đốc Sáng tạo hay nhà thiết kế vẫn chưa hoàn toàn tự do vì những điều khoản hạn chế sự cạnh tranh (non-compete clause). Để ngăn chặn việc tiết lộ bí mật thương mại, chẳng hạn như “top secret” về các dự án sắp tới hoặc chiến lược marketing, các điều khoản hạn chế trong hợp đồng lao động quy định thời gian và loại công việc mà người đó có thể chấp nhận sau khi rời đi. Một năm sau khi kết thúc hợp đồng tại công ty cũ dường như là khoảng thời gian được các nhà mốt Châu Âu lựa chọn để bổ nhiệm một giám đốc sáng tạo mới. Nicolas Ghesquière đảm nhận vị trí của mình tại Louis Vuitton từ ngày 4/11/2013, đúng một năm và một ngày sau khi rời Balenciaga, trong khi Riccardo Tisci chỉ đợi hơn một năm để gia nhập Burberry vào tháng 3/2018 sau khi rời Givenchy vào tháng 2/2017.

Cuối cùng, cuộc chiến pháp lý giữa Slimane và Kering cũng làm sáng tỏ một yếu tố quan trọng khác có trong hầu hết các hợp đồng sáng tạo: quyền sở hữu đối với các tác phẩm được tạo ra trong thời hạn hợp đồng sẽ thuộc về ai? Trong hầu hết các trường hợp, quyền lực sở hữu trí tuệ và sản phẩm được trao cho thương hiệu. Không còn nghi ngờ gì nữa, quần áo và phụ kiện của Hedi Slimane dường như là tài sản của Saint Laurent, nhưng các bên đã tranh giành quyền sở hữu các bức ảnh trong kho lưu trữ trên website của công ty, trong số đó nhiều bức ảnh được chụp bởi Slimane. Do đó, sau khi Anthony Vaccarello được xướng tên là người kế nhiệm Slimane, tài khoản Instagram của YSL đã phải xóa hàng loạt ảnh – theo Fashion Law.

giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello và Rosé

Giám đốc sáng tạo mới của Yves Saint Laurent, Anthony Vaccarello sánh đôi cùng Rosé (BLACKPINK) tại Met Gala 2021 (Ảnh: Getty Images)

Bằng cách phóng đại định nghĩa về “đối thủ”, các điều khoản cấm cạnh tranh và mệnh đề đi kèm của nó đã được mở rộng. Do đó, công chúng hiện đang nhận thức rõ hơn về nguyên nhân những nội dung của các văn bản pháp lý này hầu như luôn được giữ kín. 

Nhóm thực hiện

Chuyển ngữ: Ngọc Lê 
Bài: Bernardo Savastano
Ảnh: Tổng hơp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more