Báo in, tạp chí, sách giấy: Niềm tin chẳng hão huyền

Đăng ngày:

[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 7/2018] Dù có những tạp chí lâu đời hay công ty sách đóng cửa, tôi vẫn tin vào tương lai của ngành xuất bản in, tôi cũng tin mình chẳng phải người duy nhất.

Gắn bó với ngành xuất bản bao gồm cả sách, báo và tạp chí trong 10 năm, tôi vừa là người quan sát, vừa là một phần của sự dịch chuyển mau chóng của ngành này. Sự thất thế của báo in hay sự lên ngôi của báo điện tử và mạng xã hội là điều không thể phủ nhận được. Nguồn thu của báo chí phần lớn phụ thuộc vào các trang quảng cáo, và quảng cáo thì lệ thuộc vào số lượng người đọc, mà giờ đây, rõ ràng là độc giả đã chuyển sang thế giới internet.

Để bảo tồn đế chế của mình, những tờ báo in nổi tiếng phải thích ứng với hoàn cảnh mới. The New York Times và một loạt tờ báo chất lượng khác mau mắn đưa ra hình thức trả tiền để đọc báo trực tuyến hoặc dùng báo điện tử để lôi kéo độc giả mua báo giấy. Trong khi đó, The Guardians, tờ báo danh tiếng của nước Anh, chọn hình thức kêu gọi độc giả đóng góp tiền để nuôi tòa soạn. Tuy nhiên, doanh thu của báo chí vẫn sụt giảm, vì mạng xã hội với nguồn thông tin khổng lồ và miễn phí từ người dùng dần trở thành một thế lực đối đầu với báo chí.

tạp chí và báo in 4

Báo in, một thời là sự trông chờ của nhiều người dân khắp thế giới mỗi buổi sáng để nắm bắt thông tin, giờ đã trở thành một con rùa chậm chân so với Newsfeed chuyển động từng giây của Facebook và việc cập nhật tin tức theo từng phút của báo điện tử. Với tình hình báo chí là vậy, sách in cũng không nằm ngoài xu hướng thay đổi mau chóng này. Với sự phát triển chóng mặt của tablet và điện thoại thông minh, sách điện tử mau chóng trở thành một lựa chọn lý tưởng cho những người ham đọc mà quá bận rộn. Thay vì phải lang thang quanh các hiệu sách, họ chỉ cần ngồi tại chỗ tìm kiếm, rồi thì hoặc trả tiền để mua một ấn bản điện tử, hoặc tìm cách tải lậu cuốn sách đó. Thay vì phải ôm một cuốn sách nặng nề đi khắp nơi, giờ đây họ chỉ cần một cái kindle hay điện thoại mỏng nhẹ với cả ngàn cuốn sách trong bộ nhớ. Mau chóng, tiện lợi và rẻ, đó là ba điều mà sách điện tử mang lại cho người đọc.

tạp chí và báo in 2

Tuy nhiên, tôi và các đồng nghiệp của mình vẫn giữ niềm tin là báo chí và sách in sẽ chẳng bao giờ thực sự lụi tàn. Tại sao? Vì loài người không thể liên tục sống mãi với sự quay cuồng, hấp tấp và vội vã. Chúng ta dù sống nhanh tới đâu, cũng cần có những khoảng dừng chân để tiêu hóa được lượng thông tin đang ùn ùn đổ tới. Bạn có thể cho rằng một bài báo thì đọc ở đâu cũng vậy, cái độc giả cần là tin tức cập nhật và đầy đủ. Không hẳn vậy, báo chí cung cấp cho chúng ta nhiều hơn “tin tức”. Các nhà báo mang tới cho chúng ta những điểm nhìn của họ, kiến thức của họ, phân tích của họ. Bất kỳ ai cũng có thể mau chóng thu lượm những sự kiện đang tới tấp xảy ra nếu họ kiên nhẫn ngồi “lướt” Facebook hay Twitter, nhưng những cây bút thực sự có thể nhìn ra được “sự thật” đằng sau những mẩu vụn tin tức rời rạc đó. Họ có thể chỉ ra cho bạn thấy sự bất cập của những điều luật đất đai ẩn sau những tranh chấp bạo lực của hai người láng giềng, họ có thể chỉ ra sự tăng giá của một số loại trái cây là hệ quả trực tiếp của vấn đề quản lý thị trường hoặc biến đổi khí hậu. Những bài phân tích dài phù hợp hơn khi bạn đọc trên mặt giấy, không chỉ vì mắt bạn sẽ đỡ nhức mỏi, mà vì bạn cần tách mình khỏi tin tức để nhìn vào bản chất.

tạp chí và báo in 3

Những trang báo hay tạp chí in, hơn thế nữa, cho bạn một khoảng thời gian thư giãn. Đó là lý do tại sao những tạp chí thời trang và phong cách sống, dù cũng đã có trang báo điện tử cập nhật liên tục, vẫn duy trì ấn bản in của mình. Bởi vì bản chất của các tạp chí không phải là nhồi nhét thêm thông tin cho độc giả vốn đã đủ bận rộn mà là để họ được “lười”, được nằm dài trên ghế, được uống ly cà phê hay tách trà, uể oải lật giở những trang giấy thiết kế chỉn chu, được mơ mộng hay nghiền ngẫm. Gigi Hadid hay Kylie Jenner có thể cập nhập tin tức bản thân mỗi ngày trên Instagram, nhưng rồi độc giả vẫn tìm đến các tờ tạp chí để đọc những bài phỏng vấn, bởi vì họ cần sự chững lại để lắng nghe thần tượng của mình kể chuyện. Chúng ta không thể lắng nghe nếu mắt liên tục đảo ngược xuôi tìm kiếm thông tin mới.

Việc đọc, ở ý nghĩa sâu xa của nó, là đưa chúng ta đi ra khỏi chúng ta, để lại rồi đưa ta về với thực tế chân thật nhất của mỗi con người. Thế nên, khi tôi tin báo in sẽ chẳng lụi tàn, thì tôi lại càng tin sách in sẽ luôn là lựa chọn ưu tiên so với sách điện tử. Là một độc giả và cũng là người làm việc cho các độc giả, tôi tin là một người đọc không mưu cầu sự tiện lợi và cấp tốc. Trái lại, việc đọc là niềm vui của việc được “sống chậm”, của việc được trốn khỏi thực tế với những âu lo, căng thẳng, nhàm chán, băn khoăn… và lạc vào thế giới của sự trấn an, êm đềm, ly kỳ hay những lời giải đáp và cảm hứng.

tạp chí và báo in 5

Và tất nhiên, tôi tin ở việc đọc sách giấy, bởi vì chúng ta không chỉ đọc vì những con chữ. Chúng ta đọc vì mùi hương dịu dàng của giấy, của cảm giác ấm áp khi đầu ngón tay chạm vào trang sách, sự băn khoăn khi ngắm nhìn những vệt cà phê chẳng may vương vào sách, của những con chữ vội vàng viết lên góc lề hay những lời đề tặng. Chúng ta yêu việc đọc, cũng bởi vì đôi khi ta tình cờ ngồi giở ra một trang sách cũ, và rồi ta cứ thế mê mải đọc, quên mất mình đang dọn dẹp căn phòng. Chúng ta cũng đọc, vì niềm vui được lạc lối giữa các cửa hàng sách, được thì thầm bàn luận với người mình yêu quý về những cuốn sách trên kệ. Chúng ta cũng đọc, vì niềm vui được làm quen với cụ già bán sách cũ với việc tìm lại những ký ức mà thế giới thông tin tấp nập kia chẳng thể mang lại cho ta.

Niềm tin của tôi chẳng phải hão huyền. Từ năm 2016, theo một báo cáo của CNN, doanh thu từ sách điện tử sụt giảm mau chóng, và sách giấy lại quay trở lại vị thế hàng đầu của mình. Các cửa hàng sách cũ vẫn tiếp tục tồn tại. Công ty sách tôi từng làm việc trước đây mở thêm nhiều cửa hàng sách trên khắp Việt Nam, số lượng sách họ bán ra tăng theo cấp số nhân. Và tôi, mỗi khi nhìn thấy những người trung niên đọc báo giấy ở Sài Gòn, hòa mình cùng dòng người trong hội sách, hay khi bước chân vào một cửa hàng sách Kinokuniya ken kín những gương mặt trẻ tuổi, tôi lại thầm thì với bản thân “Bạn có thể gọi tôi là kẻ mơ mộng, nhưng tôi không phải là người duy nhất”.

tạp chí và báo in 6

Xem thêm:

Taylor Swift ra mắt ứng dụng mạng xã hội The Swift Life

Hôn thê của Hoàng tử Harry chính thức đóng cửa mọi tài khoản mạng xã hội

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thủy

Thiết kế hình ảnh: Vĩnh Lộc

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more