Kỷ nguyên “Xanh” của công nghiệp thời trang

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE số tháng 11/2017] Những bãi chôn lấp quá tải, những lò đốt quần áo bị nhồi nhét, sự lãng phí nguyên liệu… là những vấn đề cấp bách đang tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang. Những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới môi trường và thiên nhiên hối thúc các nhà mốt phải ráo riết tìm ra giải pháp trước khi quá muộn. Thời trang phát triển bền vững trở thành một xu hướng, một hướng đi không thể tránh khỏi cho tương lai.

Nhu cầu về nguyên liệu thô, cường độ sản xuất cao khiến thời trang trở thành ngành công nghiệp đứng thứ hai (sau dầu mỏ) có ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng nhất đến môi trường. Trong khi đó, khoảng 15% tổng số vải ngành công nghiệp thời trang trên thế giới đang sử dụng vẫn bị lãng phí. Khi nguồn nguyên liệu tự nhiên dần cạn kiệt, ngành thời trang sẽ đối diện với khả năng sinh lời có thể thụt giảm nghiêm trọng. Chắc chắn rằng, việc không quan tâm tới sự thay đổi khí hậu có thể gây ra những hậu quả khổng lồ. Những mối đe dọa cấp bách nhất với các doanh nghiệp thời trang là gì và họ đang làm thế nào để đối phó?

Giá cả vật liệu thô

Từ rất lâu ngành công nghiệp thời trang đã phát triển theo mô hình tuyến tính đó là: “lấy, làm và lãng phí”. Tuy nhiên, khi vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, nguồn tài nguyên mà ngành thời trang cần nhất lại chính là “nước ngọt”. Quy trình nhuộm màu, xử lý sợi vải cần dùng đến một lượng nước khổng lồ. Theo WWF, để sản xuất một chiếc quần jeans và áo phông cần xấp xỉ 20.000 lít nước. Với dự báo về việc khan hiếm nguồn nước ngày càng đáng báo động, đây có thể là con số đáng để các nhà thời trang phải suy nghĩ.

Thiếu hụt nhân công

Ngoài các chất thải vốn có mà ngành công nghiệp thời trang thải ra, những nơi các hãng thời trang đặt nhà máy sản xuất đều có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường xung quanh. Những năm gần đây, các vấn đề về môi trường như việc Trái đất đang nóng dần lên, điều kiện thời tiết bất lợi ngày càng dày đặc gây ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người lao động trong ngành dệt may, dẫn tới sự thiếu hiệu quả trong cả chuỗi cung ứng sản phẩm và giảm sản lượng. Bốn trong năm thủ phủ công nghiệp mà các hãng thời trang đặt nhà máy sản xuất đều bị ảnh hưởng bởi việc nước biển dâng cao, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh. Còn ở những khu vực không bị ảnh hưởng, chi phí cho nhân công dự báo sẽ tăng lên một cách đột biến. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thời trang càng cấp thiết hơn sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung một cách nghiêm trọng.

Vận chuyển

Ngành công nghiệp vận tải và hậu cần cũng đang đối mặt với một tương lai bất ổn. Các mỏ dầu ngày càng khó khai thác và tiếp cận dẫn tới giá tàu vận tải tăng cao. Đây là mắt xích quan trọng của các nhãn hàng thời trang khi họ hàng năm phải vận chuyển hàng tỉ sản phẩm đi khắp nơi trên thế giới. Từ đó giá sản phẩm sẽ có những biến động đáng kể khiến ngành công nghiệp thời trang rơi vào bài toán khó cần giải quyết nhanh chóng.

Vậy đâu là giải pháp tối ưu nhất cho ngành công nghiệp thời trang đang gặp vô vàn khó khăn hiện giờ?

Những nhà tiên phong trong phát triển bền vững

Để tạo nên nền công nghiệp thời trang phát triển bền vững, các doanh nghiệp, tập đoàn phải cùng nhau hành động. 50% thành viên của ngành công nghiệp thời trang là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có sự kiểm soát hạn chế đối với chuỗi cung ứng của mình. Một hệ thống cung ứng tối ưu cùng kiến thức được thu thập khắp nơi trên thế giới là nguồn tài nguyên vô tận mà các nhãn hiệu thời trang nên tận dụng.

H&M là một trong những nhãn hàng tiên phong cam kết giảm lượng carbon thải ra từ chuỗi sản xuất và cung ứng thời trang trên toàn thế giới, tăng gấp đôi năng lượng tái tạo vào năm 2030. Một ví dụ điển hình khác cho sự kết hợp giữa nguồn tri thức khoa học và thời trang là NTK Stella McCartney. Luôn được biết đến là thương hiệu cao cấp tiên phong không sử dụng da và lông động vật, cách đây không lâu, Stella đã công bố một sáng kiến hợp tác với Bolt Threads, một công ty về lĩnh vực hóa học chuyên phát triển vật liệu bền vững dựa trên kết quả nghiên cứu các loại protein được tìm thấy trong tự nhiên với một quy trình sản xuất vô trùng và khép kín. Cô cũng nói về những sợi tơ thân thiện với môi trường được tạo ra từ men rượu và những sản phẩm này sẽ được đưa vào BST sắp tới của Stella McCartney.

Một thiết kế trong BST H&M Exclusive Conscious

“Khi bắt đầu bước chân vào làng thời trang, tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày như hôm nay, khi chúng ta đã tới được một thời điểm quan trọng nơi công nghệ tiên tiến được kết hợp với thời trang, một trong những ngành công nghiệp gây hại nhất đến môi trường”, NTK chia sẻ. “Đây chính là thời điểm để tìm kiếm câu trả lời cho những giải pháp thay thế. Bản thân tôi luôn vật lộn với việc tìm cách sử dụng lụa và việc hợp tác với Bolt Threads chính là bước ngoặt cho sự nghiệp, có thể là cả cuộc đời tôi”.

Show diễn Thu – Đông 2017 của Stella McCartney.

Bắt đầu từ những bước nhỏ

Mỗi thương hiệu đều có thể tạo ra hệ sinh thái phù hợp nhất với các giá trị niềm tin, con người và tài chính của họ. Bắt đầu từ nguyên vật liệu, những loại vải tự nhiên, vải hữu cơ, vải tái chế, vải thủ công, vải thực vật đều không có tác động xấu đến môi trường. Những sợi vải tự nhiên thường được làm từ sợi tơ trong thiên nhiên có thể tự phân hủy, vải hữu cơ hay sợi tự nhiên được trồng mà không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ hay phân bón nhân tạo. Vải tái chế chính là cách người ta chuyển các vật liệu phế thải thành những sản phẩm mới. Để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, việc dùng vải từ sản phẩm đã qua sử dụng cũng là một hành động thiết thực.

Cách các nhà mốt marketing cũng là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi khi đa số vẫn sử dụng túi nylon, hộp và khăn giấy gây hại cho môi trường. Thay vào đó, họ có thể sử dụng túi vải, túi giấy tái chế và tăng thời hạn sử dụng. Trong khâu trưng bày, quảng cáo, các loại vật liệu tái chế sẽ vừa tiết kiệm vừa đảm bảo tính an toàn cho một môi trường “xanh”. Việc trả lương cho nhân công cũng cần được tính toán lại sao cho phù hợp và ổn định hơn. Việc sản xuất tại địa phương sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và giảm ô nhiễm từ việc vận chuyển đường dài. Trong khi tạo thành sản phẩm, các nhà sản xuất cũng nên chú trọng đến việc dùng năng lượng tái tạo, hạn chế dùng điện, dùng thuốc nhuộm tự nhiên, không dùng nước hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng nước để làm sạch, thay vào đó tận dụng công nghệ ozone. Trong khâu vận chuyển, các công ty may mặc có thể sử dụng xe điện hoặc xe gắn động cơ điện cho vận chuyển, hoặc dùng dầu diesel thay vì dùng những chiếc xe bán tải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường khi những đơn hàng shopping online ngày một dày đặc như hiện nay.

Thời trang bền vững là một chặng đường dài và nhiều khó khăn, nhưng vẫn đầy khả thi nếu các thương hiệu, các NTK sớm đưa ra mục tiêu và có kế hoạch cụ thể.

Tại Việt Nam, khái niệm này tuy vẫn còn khá mới mẻ những không hẳn quá xa lạ. NTK Nguyễn Công Trí với BST sử dụng lãnh Mỹ A, hay NTK Linda Mai Phung, NTK Vũ Thảo cùng với những người thợ thủ công, làng nghề dân tộc làm nên các sản phẩm thời trang ý nghĩa chính là những câu chuyện đáng khích lệ và cần được chia sẻ.

Nhóm thực hiện

Bài NHI HEXE

Ảnh tư lIệu

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more