Tiết lộ bất ngờ về những ngày lễ đặc biệt trong thế giới thời trang

Đăng ngày:

Ai là người phát minh ra chiếc máy may đầu tiên trên thế giới? Câu chuyện đầy bất ngờ đằng sau ngày Quốc tế Denim ở Ý là gì?

Ngoài những NTK tên tuổi hay các BST mãn nhãn, thế giới thời trang còn có nhiều ngày lễ đặc biệt mà ít ai biết đến. Không chỉ là ngày kỷ niệm về phát minh khiến ngành công nghiệp may mặc thay đổi, nó còn mang đến thông điệp ý nghĩa cho phụ nữ, trẻ em.

Quốc tế thợ may (28/2)

Ngành công nghiệp dệt may sẽ không thể phát triển như ngày nay nếu không có máy may khóa tiêu chuẩn với kim nhọn được phát minh bởi William Elias Howe vào ngày 28/2/1846. Sau đó, chiếc máy được hoàn thiện với các phụ kiện khác và làm việc tốt hơn theo thời gian.

Với sự ra đời của máy may, thế giới thời trang đã có một bước tiến mang tính lịch sử. Phụ nữ có thể tìm được việc làm trong các nhà máy lớn với điều kiện làm việc tốt hơn. Công việc được chuẩn hóa và tiền lương của họ cũng vậy. Hàng may mặc chất lượng có thể được sản xuất hàng loạt với chi phí thấp hơn, do đó quần áo may sẵn cũng trở nên “thân thiện” hơn với túi tiền của đại chúng.

Ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 7

(Ảnh: Eastman House)

Sức mạnh chi tiêu ngày càng tăng đã mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, sản xuất hàng may mặc chất lượng cao trên quy mô lớn bằng máy may công nghiệp. Ngày Quốc tế thợ may nhằm ghi nhớ sự sáng tạo của nhà khoa học William Elias Howe, người đã có công mang đến phát minh mang tính lịch sử này.

Ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 8

(Ảnh: Compra Moda Nacional)

Quốc tế denim (Thứ tư, tuần thứ tư của tháng 4)

Câu chuyện ngày kỷ niệm về denim bắt đầu ở Ý vào năm 1992, cô gái 18 tuổi bị người hướng dẫn lái xe 45 tuổi cưỡng hiếp khi đang dạy cô bài học lái xe đầu tiên. Hắn đưa cô đến một con đường biệt lập, kéo cô ra khỏi xe, cởi quần jeans và xâm hại.

Cô báo cáo vụ việc với tòa án, hung thủ bị truy tố và chịu án tù với tội danh hiếp dâm. Nhiều năm sau, anh ta đã kháng án vì cho rằng họ có quan hệ tình dục đồng thuận. Tòa án tối cao Ý đã lật lại bản án và hung thủ được thả ra. Một tuyên bố của Tòa án cho rằng, vì cô mặc quần jeans quá chật, hắn phải giúp cô cởi bỏ quần jeans, đó không phải là cưỡng hiếp mà là quan hệ tình dục đồng thuận. Điều này đã trở nên nổi tiếng trên khắp nước Ý với cái tên alibi jeans và trở thành khái niệm đặc biệt trong thế giới thời trang (chứng cớ ngoại phạm từ quần jeans).

Ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 6

(Ảnh: Denimdayinla.org)

Tức giận vì phán quyết trên, những người phụ nữ trong Quốc hội Ý đã phát động một cuộc biểu tình mặc quần jeans tại Tòa án Tối cao. Cuộc biểu tình này đã được các phương tiện truyền thông quốc tế đón nhận, truyền cảm hứng cho Thượng viện cùng Hội đồng bang California, Mỹ làm điều tương tự tại Tòa nhà Quốc hội ở Sacramento.

Chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của cuộc biểu tình, Patti Occhiuzzo Giggans, giám đốc điều hành Tổ chức chống bạo lực gia đình và tình dục ở miền Nam California nghĩ rằng, mọi người nên mặc quần jeans để phản đối sự việc tương tự có thể xảy ra. Từ đó, ngày denim ở Los Angeles đã ra đời. Sự kiện này được tổ chức lần đầu tiên vào ngày thứ tư, tuần thứ tư của tháng 4 năm 1999 và được tiếp tục hàng năm kể từ đó.

Ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 5

(Ảnh: Sdfi)

Quốc tế thiết kế (27/4)

Một trong những ngày kỷ niệm quan trọng trong thế giới thời trang là Quốc tế thiết kế. Mục tiêu của WDD (Quốc tế thiết kế) là tôn vinh giá trị cũng như khả năng hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn của công việc sáng tạo này.  Đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập ico-D (International Council of Design – Hội đồng Thiết kế Quốc tế) vào ngày 27 tháng 4 năm 1963. Những người tham gia trên toàn thế giới sẽ gặp gỡ, thảo luận để gắn kết cũng như học hỏi lẫn nhau.

Ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 4

(Ảnh: ico-D)

Chủ đề của WDD2019 là Woman in Design (Phụ nữ trong lĩnh vực thiết kế). Các NTK nữ đóng góp quan trọng cho các diễn ngôn về sự thay đổi toàn cầu. Phụ nữ đang làm việc trong các tổ chức, trong cộng đồng và với chính phủ để tìm cách giúp giải quyết nhiều vấn đề về quyền bình đẳng. Họ tham gia thiết kế và đạt được không ít thành tựu như những NTK nam.

Tuy nhiên sự thật là, các NTK được công nhận vẫn chủ yếu là đàn ông. Lịch sử thiết kế đã có xu hướng bỏ qua sự hiện diện của phụ nữ. Đối với Ngày thiết kế thế giới 2019, ico-D muốn làm nổi bật vai trò của họ, những người tạo ra thiết kế thông minh, toàn diện, cho dù điều này tạo ra sự khác biệt lớn hay nhỏ. Chủ đề Women in Design tôn vinh và hướng đến các NTK nữ đáng chú ý trong quá khứ và hiện tại.

Ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 1

(Ảnh: ico-D)

Ngày không đi giày (10/5)

Ngày không đi giày được thiết lập bởi công ty Toms Shoes của California, nhằm khuyến khích mọi người chú ý hơn đến vô số vấn đề mà việc thiếu giày có thể gây ra với những đứa trẻ nghèo khó. Mọi chuyện bắt đầu khi Blake Mycoskie, chủ sở hữu của Toms Shoes, đến thăm Argentina vào năm 2006 và nhận thấy rằng nhiều đứa trẻ đang chạy trên đường bằng chân trần.

ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 13

(Ảnh: Chrystal Dawn)

Blake phát hiện ra việc thiếu giày là vấn đề lớn ở Argentina cũng như các nước đang phát triển khác, đặc biệt là  việc thiếu giày thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em như thế nào. Và Blake quyết định sẽ giúp đỡ họ thông qua công ty giày của mình.

ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 12

(Ảnh: Princeton)

Mycoskie sau đó đã đưa ra mô hình kinh doanh “một người cho một người” (one for one). Với mỗi đôi giày được bán ra, một trẻ em Argentina hoặc ở các nước phát đang phát triển khác sẽ có một đôi giày mới miễn phí. Theo thống kê, đã có 10.000 đôi giày miễn phí được chia sẻ vào tháng 10 năm 2006.

Tuy hiện tại, công ty của Blake không còn vận hành hình thức kinh doanh này nữa nhưng ngày kỷ niệm vẫn còn được lưu lại như một dịp thể hiện sự quan tâm đến những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Thế giới thời trang không chỉ có những buổi trình diễn ấn tượng, những bộ cánh xa hoa mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Quốc tế giày đỏ (25/7)

Quốc tế giày đỏ, một ngày lễ ý nghĩa khác trong thế giới thời trang ra đời nhằm mục đích tưởng niệm bệnh nhân người Úc, Theda Myint, mắc chứng Lyme – chứng nhiễm trùng do một loại ký sinh thuộc chi Borrelia, đã qua đời vào ngày 25/7/2013. Tại sao lại là giày đỏ? Lý giải câu hỏi này, Theda trước khi qua đời đã từng trả lời rằng, cô yêu màu xanh của lá cây và yêu đôi giày màu đỏ. Vì sắc đỏ rực rỡ, nổi bật và luôn được nhìn thấy dù ở kích thước nào.

Nhanh chóng sau đó, ngày 25/7 được chính thức được trở thành dịp để tưởng niệm những bệnh nhân, không chỉ chứng Lyme, mà còn nhiều căn bệnh “vô hình” khác.

Ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 2

(Ảnh: Global Lyme & Invisible Illness Organisation)

Thuật ngữ “vô hình” để chỉ những căn bệnh như nhiễm khuẩn Lyme, ME/CFS – Fibromyacheia (hội chứng mệt mỏi mãn tính), không chỉ vô hình với nghiên cứu, điều trị hay chăm sóc thích hợp mà còn vô hình với xã hội. Thay vì được vô tư xuống phố, đến trường, họ phải vật lộn trên giường bệnh mà không phương thuốc nào có thể giúp họ phục hồi.

Ngày lễ đặc biệt liên quan đến thế giới thời trang 3

(Ảnh: SikeliaNews)

Xem thêm:

Thời trang trong phim: Nữ chính bản remake Việt có gì đặc biệt hơn so với phiên bản gốc?

Những kiểu “dress code” thông dụng nhất trong thế giới thời trang

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Hạ Vy

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more