#ELLEBookClub: 5 tựa sách “vén màn” bí mật cuộc đời của các nhà mốt kinh điển

Đăng ngày:

“Biên niên sử” về cuộc đời của 5 nhà thiết kế thời trang tài ba nhất mọi thời đại sẽ sẽ được tái hiện trong những trang sách dưới đây.

Từ hồi ký của Christian Dior, những bí mật tưởng chừng đã bị chôn vùi của Coco Chanel, Saint Laurent hay câu chuyện hiện đại hơn về tinh thần kinh doanh thời trang của Gucci và Prada, tất cả sẽ được dẫn dắt qua ngòi bút sinh động, không mang nặng các triết lý hàn lâm trong 5 cuốn sách tiểu sử thú vị sau. 

Coco Chanel: An intimate life – Lisa Chaney

Theo thống kê, có trên 60 đầu sách từng xuất bản đề cập đến tiểu sử của nhà thiết kế lừng danh thế kỷ 20 nhưng Coco Chanel: An intimate life của Lisa Chaney đã vẽ nên một bức tranh đầy đủ sắc thái nhất về Coco Chanel. Không chỉ miêu tả cuộc hành trình phi thường và độc đáo của Gabrielle Chanel từ khi còn là một cô nhi nghèo cho đến người phụ nữ cầm quyền của một đế chế thời trang, cuốn sách còn khai thác cuộc sống nội tâm của “bà đầm” thời trang nước Pháp. 

sách tiểu sử Coco Chanel: An Intimate Life

Sách Coco Chanel: An Intimate Life của tác giả Lisa Chaney. (Ảnh: Penguin Books)

Giá trị của tác phẩm được định giá bằng “kho báu” tư liệu độc quyền. Chaney đã “may mắn” tìm thấy hộp lưu trữ những bức thư tình của Arthur “Boy” Capel, doanh nhân người Anh đồng thời là tình nhân có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến cảm hứng thời trang những ngày đầu sự nghiệp của Chanel. Bà cũng là người duy nhất có trong tay nhật ký của Dmitri Pavlovich, một người tình khác. Những đoạn ký ức được xâu chuỗi lại, “đập tan” vỏ bọc gai góc mà quý bà Chanel vẫn luôn bày ra trước mặt công chúng. Từng trang sách như lần mò về nguồn gốc sức mạnh sáng tạo của Gabrielle Chanel, người đã tác động mạnh mẽ đến tư duy ăn mặc của nữ giới mãi về sau. 

Dior by Dior – Christian Dior

Dior by Dior là một trong những cơ hội vàng mà giới mộ điệu được nghe người trong cuộc kể lại những câu chuyện về cuộc đời họ. Không cần ai chấp bút, Christian Dior tự mình hoàn thành ghi chép về hành trình thời trang của bản thân và xuất bản lần đầu tiên vào năm 1956, chỉ một năm trước khi ông ra đi. Cuộc gặp gỡ với ông chủ đứng sau thương hiệu thời trang hàng đầu nước Pháp bắt đầu bằng cánh cửa đi vào quá trình vận hành của một nhà mốt với những tình tiết “vạch áo” đầy hấp dẫn. Đây cũng là thước phim mới lạ về thời trang cao cấp ở Paris cổ điển những năm 1950 dưới góc nhìn của “người đánh cờ” Christian Dior khi cho ra đời thiết kế New Look tốn kém vải thời hậu chiến tranh. 

sách tiểu sử Dior by Dior

Hồi ký Dior By Dior của Christian Dior. (Ảnh: Victoria Albert Museum)

Cuốn tự truyện kể chi tiết về thời thơ ấu của nhà thiết kế ở Granville, gia đình và những người bạn gắn bó nhất của ông. Sự ngỡ ngàng từ những năm tháng khó khăn còn đọng lại trong thành công đột ngột cũng như nguồn cảm hứng và quá trình sáng tạo đều được Dior trải lòng theo ngôn từ cá nhân giản dị và đầy tính chân thật, không bị tô màu bởi cảm xúc hoặc ý kiến của bất kỳ ai khác trong cuốn sách.

Yves Saint Laurent: A Biography – Laurence Benaïm

Yves Saint Laurent: A Biography bởi Laurence Benaïm là cuốn sách tiểu sử về “chàng trai mảnh khảnh, đeo chiếc gọng kính đen và luôn thả hồn nơi đâu” cùng tên đã cách mạng hóa ngành công nghiệp thời trang nước Pháp. Nội dung bao gồm những cuộc phỏng vấn độc quyền các nhân chứng trong đời Saint Laurent: từ người bạn tri kỉ Pierre Bergé, các thành viên trong gia đình, đội ngũ trợ lý đến những nàng thơ của ông như Catherine Deneueve, LouLou de la Falaise và Paloma Picasso.

sách tiểu sử thời trang Yves Saint Laurent: A Biography

Sách Yves Saint Laurent: A Biography của tác giả Laurence Benaïm. (Ảnh: Rizzoli Ex Libris)

Bắt đầu từ “Ông ấy lớn lên với ý niệm rằng thời trang là phục trang biểu diễn”, Benaïm đã khéo léo dẫn lối người đọc đến những chủ đề xoay quanh về tình yêu sân khấu của Saint Laurent, sự mong manh và yếu đuối trong tình cảm hay chứng bệnh sợ xã hội bên ngoài xưởng may của ông. Bất kể chuyện đời hay tiểu thuyết đều sẽ thiếu đi phần thú vị nếu không có sự xuất hiện những tình tiết “đắt giá” ít ai biết về nhân vật chính hay thói quen của họ. Chẳng hạn như, nhà thiết kế nhiệt huyết Saint Laurent sẽ luôn “ở ẩn” vài tuần liền trước mỗi bộ sưu tập để đắm chìm trong quỹ đạo nghệ thuật của mình. Sau vài tuần biến mất, ông sẽ mang về một “tập tranh” cho những người thợ may nghèo, để họ tự tìm cách đưa tầm nhìn của ông vào cuộc sống và những bộ trang phục cao cấp, điều mà theo những câu trả lời trong cuộc phỏng vấn là “sự thách đố của ông chủ”. 

Little Book of Gucci – Karen Homer

Hãy để Little Book of Gucci viết bởi Karen Homer đưa bạn ghé thăm ngôi nhà thời trang lâu đời nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Tất cả đều bắt nguồn từ The Savoy (London), nơi Guccio Gucci từng làm việc với nhiều vai trò khác nhau và tìm thấy cảm hứng thời trang của mình từ những vị khách thượng lưu sành điệu. Người sáng lập của “đế chế” đồ da hưng thịnh nhất đất Ý sau đó đã trở về Florence, nơi có nguồn vật liệu chất lượng cao và những người thợ thủ công khéo léo để mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1920. Kể từ đó, Gucci ra đời với hoạ tiết ô trám Gucci Diamante trên vải canvas và logo hai chữ G lồng vào nhau đặc trưng của riêng thương hiệu.

sách thời trang Little Book of Gucci

Sách Little Book of Gucci của tác giả Karen Homer. (Ảnh: Welbeck Publishing)

Trải qua những rạn nứt nội bộ và sóng gió bi kịch, gia tộc Gucci khiến người ta phải kinh ngạc khi vẫn giữ vững được vị trí của mình trên bản đồ thời trang cao cấp thế giới. Xây dựng lại từ những đổ vỡ, Little Book of Gucci đưa chúng ta đến thời kì “hoàng kim” tiếp theo của nhà mốt khi được tiếp quản bởi NTK Tom Ford. Cũng từ đó, thương hiệu “khoác lên mình” chiếc áo mới, trở thành hình ảnh thu nhỏ của tư duy thẩm mỹ những năm 1990 đầy tinh nghịch và vui tươi. Ngày nay, dưới thời Alessandro Michele, sự sang trọng lãng mạn mang chút phong vị đường phố trở thành bản sắc cá nhân giúp nhà mốt nổi bật giữa hàng trăm nhãn hiệu lớn nhỏ. Hơn 100 hình ảnh được chọn lọc kỹ lưỡng trong cuốn sách sẽ đưa bạn đến với “sàn diễn” trên giấy tràn ngập các thiết kế sắc sảo và lộng lẫy của Gucci. 

Little Book of Prada – Laia Farran Graves

Lịch sử nhà mốt huyền thoại Prada đã được kể lại một cách sống động không chỉ qua ngôn từ mà còn bằng tuyển tập những hình ảnh minh họa bắt mắt trong cuốn Little Book of Prada của Laia Farran Graves. Đi ngược lại quan điểm ban đầu rằng chỉ có đàn ông mới có thể tiếp quản công việc kinh doanh của thương hiệu, người sáng lập Mario Prada buộc phải truyền lại công ty xa xỉ phẩm của mình cho con gái, bà Luisa Prada một cách “bất đắc dĩ” khi không người con trai nào của ông hứng thú với di sản gia đình. 

sách thời trang Little Book of Prada

Sách Little Book of Prada của tác giả Laia Farran Graves. (Ảnh: Welbeck Publishing)

Cuốn sách dành một phần nội dung đáng kể để nói về tiểu sử của Miuccia Prada, thế hệ thứ ba và cũng là người đưa thương hiệu chỉ chuyên bán túi xách da, rương du lịch và phụ kiện từng bước trở thành đế chế thời trang bành trướng khắp các lục địa Âu, Mỹ và cuối cùng là châu Á. Phong cách của Prada luôn hướng đến tính tiện dụng song hành cùng sự thời thượng vì vậy thương hiệu này chẳng mấy chốc xâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của những tín đồ thời trang khi đầu óc kinh doanh chiến lược cùng tài năng cấp tiến của vợ chồng Patrizio Bertelli và Miuccia Prada “bén duyên” trong một buổi gặp gỡ định mệnh. 

Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more