Thời trang dưới góc nhìn biếm họa

Đăng ngày:

Chủ nghĩa hậu hiện đại (post-modernism) đánh dấu sự thay đổi quan trọng đối với nền văn hóa thế kỷ 20, cụ thể đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có thời trang. Phong cách “thời trang hậu hiện đại” xác định sự hồi sinh của các chi tiết lịch sử để tạo ra những sản phẩm thiết kế có tính “nhái lại” nhưng rất phóng khoáng, châm biếm và đầy hóm hỉnh.

Thời trang hậu hiện đại

Thời trang hậu hiện đại

Thời kỳ của tự do và chủ nghĩa tiêu dùng

Thuật ngữ “hậu hiện đại” đánh dấu thời kỳ sau trào lưu hiện đại vào cuối thế kỷ 19 và được dùng để mô tả cơ cấu văn hóa và xã hội tương ứng với thời kỳ đương đại chúng ta đang sống. Với sự chiếm lĩnh của chủ nghĩa tư bản (capitalism) mang nặng yếu tố thị trường, quan điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại đặt trọng tâm vào tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm.

 

Marilyn Monroe - thoi trang duoi goc nhin biem hoa

Marilyn Monroe

Thời trang dưới góc nhìn biếm họa

Thời trang dưới góc nhìn biếm họa

Chủ nghĩa hậu hiện đại thách thức các tư tưởng văn hóa truyền thống để mang lại sự tự do triệt để cho nghệ thuật và thiết kế. Những môn đồ của khuynh hướng hậu hiện đại quan niệm rằng, nghệ thuật cần phải mở rộng đến với tầng lớp bình dân nhiều hơn và khoảng cách giữa nghệ thuật và hàng tiêu dùng cũng cần được thu hẹp lại.

Nếu chủ nghĩa hiện đại tập trung vào quá trình sản xuất và tính năng sản phẩm, thì chủ nghĩa hậu hiện đại lại khuyếch trương nhu cầu thẩm mỹ trong tiêu dùng và đánh dấu sự phát triển của nền văn hóa tiêu thụ đại chúng. Kiểu cách, ngoại hình được ưu tiên hơn là nội dung và sự tiện ích, trái ngược với quan niệm “hình thức sau chức năng” (Form Follows Function) của chủ nghĩa hiện đại. Thời trang hậu hiện đại vì thế ngoài việc tái sinh các tố chất và kỹ thuật của quá khứ còn chú trọng đề cao tính mỹ thuật của sản phẩm.

 

Hussein Chalayan

Hussein Chalayan 

Alexander McQueen

Alexander McQueen

Bước chuyển mình đáng kể của thời trang hậu hiện đại bắt đầu khi các chi tiết thiết kế được vay mượn từ các nền văn hóa và tổ chức xã hội khác nhau, đem đến cho người tiêu dùng những sự lựa chọn đa dạng và phong phú với chất lượng thẩm mỹ cao. Những ý tưởng truyền thống cứng nhắc về chức năng và tính ứng dụng của trang phục quần áo đã dần được loại bỏ. Các sản phẩm hậu hiện đại vì thế trở nên hấp dẫn, phóng khoáng và mới mẻ hơn.

Nói đến phong cách thời trang chủ nghĩa hậu hiện đại, người ta không thể không nhắc tới những tên tuổi tiên phong như Hussein Chalayan, Maison Martin Margiela và Alexander McQueen. Trong thời gian gần đây, nhiều NTK trẻ cũng đã tiếp cận và bị ảnh hưởng bởi phong cách này khi hình thành ý tưởng cho các BST mới của họ. “Liên tục hướng tới tương lai của thời trang, nhưng vẫn luôn mang âm hưởng của quá khứ” là phương châm của họ.

 

Olympia Le-tan

Olympia Le-tan 

Maison Martin Margiela Haute Couture

Maison Martin Margiela Haute Couture 

Maison Martin Margiela

Maison Martin Margiela 

Alexander McQueen

Alexander McQueen

Cuộc cách mạng trên sàn diễn

Mùa thời trang Thu-Đông 2014 đã bùng lên như một cuộc cách mạng của những thiết kế chủ nghĩa hậu hiện đại. Điển hình là BST của Moschino do Jeremy Scott thiết kế, với ý tưởng chính lấy từ logo và đồng phục của thương hiệu thức ăn nhanh McDonald’s, một trong những biểu tượng của “chủ nghĩa tiêu dùng Mỹ”. Các tông màu rực rỡ và những hình in vui nhộn, kết hợp cùng biểu tượng chữ M tượng trưng cho cả chuỗi nhà hàng ăn nhanh lẫn nhà mốt Ý lừng danh, tạo nên một dấu ấn sinh động, trẻ trung và hài hước trên sàn diễn.

 

Moschino

Moschino

Tương tự, NTK phụ kiện Anya Hindmarch đem đến một trải nghiệm thú vị cho giới thời trang với sự pha trộn tài tình giữa nét sang trọng của dáng túi Ebury cổ điển được sản xuất từ năm 1994 và biểu tượng con gà Cornelius hay Tony the Tiger tinh nghịch. Ngoài hai nhân vật hoạt hình quảng cáo cho dòng sản phẩm ngũ cốc của hãng thực phẩm Kellogg’s này, BST Thu-Đông 2014 của Anya Hindmarch còn gợi lại cho người xem những hoài niệm và cảm xúc như đang bước vào không gian nhà bếp gần gũi với những chi tiết trang trí mô phỏng theo logo bột giặt Ariel, bánh quy McVite’s, hộp diêm Ship Household…

 

Anya Hindmarch

Anya Hindmarch 

Anya Hindmarch

Anya Hindmarch

Olympia Le-Tan cũng là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong một vài năm qua bởi những chiếc túi mang phong cách retro với hình minh họa nữ tính vẽ bằng tay. Những chiếc clutch nhỏ xinh hình hộp giống như một cuốn sách gắn liền với tên tuổi của NTK người Pháp lai Việt nổi tiếng đã trở thành một món đồ sưu tầm thời thượng mà tín đồ thời trang nào trên thế giới cũng ước mơ được sở hữu, nhất là khi chỉ có 16 chiếc được sản xuất cho mỗi mẫu túi.

 

Olympia Le-tan

Olympia Le-tan

Thời trang trong từng vật dụng

Thời trang trong từng vật dụng

Và sự giễu cợt trên phố

Trong làn sóng hậu hiện đại, một bộ phận các NTK thời trang phong cách đường phố thoải mái (streetwear designers) đã gây sốc khi châm biếm các thương hiệu thời trang đẳng cấp và xa xỉ qua những sản phẩm được sản xuất đại trà. Hơn một năm qua, thị trường thời trang tràn ngập những sản phẩm thương hiệu châm biếm (parody branding), trong đó các logo hàng hiệu nổi tiếng được (hay bị?) nhái lại thành những biểu ngữ dí dỏm và hài hước. Ví dụ Brian Lichtenberg dùng Homiès để “đá xoáy” Hermès, hay những chiếc áo của What About Yves in chữ Ain’t Laurent without Yves (tạm dịch: Không phải là Laurent nếu không có Yves) mô phỏng việc thay đổi tên thương hiệu quần áo nữ của hãng YSL từ Yves Saint Laurent thành Saint Laurent Paris. Cũng như vậy, dòng sản phẩm đình đám Comme des F***down (phát âm giống cụm từ dung tục tiếng Anh “calm the f*** down”) của Russ Karablin sản xuất cho nhãn hiệu SSUR dựa trên tên hãng Comme des Garçons.

 

SSUR

SSUR

Nhân vật tiêu biểu của xu hướng “châm biếm” này phải kể đến là Brian Lichtenberg, một NTK thời trang người Mỹ sinh ra ở Florida có trụ sở tại Los Angeles, California (Mỹ). Anh là người sáng lập nhãn hiệu thời trang dạo phố BLTEE, chuyên về trang phục unisex với phong cách nghịch ngợm táo bạo. Các ngôi sao nổi tiếng Hollywood như Miley Cyrus, Rihanna, và Fergie, hay dàn người mẫu đình đám gồm Cara Delevingne, Jourdan Dunn và Candice Swanepoel thường xuyên diện những mẫu quần áo và phụ kiện in dòng chữ nhái lại logo của các hãng thời trang cao cấp hàng đầu như Balmain (Ballin) và Hermès (Homiès).

 

Miley Cyrus trong một thiết kế của Homiés

Miley Cyrus trong một thiết kế của Homiés

Lady Gaga trong một thiết kế của Ain't Laurent

Lady Gaga trong một thiết kế của Ain’t Laurent

Những sản phẩm của Brian Lichtenberg có giá khá cao, ngang tầm với nhiều nhãn hàng hiệu bậc trung cấp, chẳng hạn như chiếc mũ snapback có giá dao động từ 58-60 USD (khoảng 1.270.000 VNĐ), áo thun 77 USD (1.632.000 VNĐ) và áo nỉ 98 USD (2.077.000 VNĐ). Thậm chí trang web chuyên bán hàng hiệu nổi tiếng Net-a-Porter cũng rao bán những sản phẩm này song song với những thương hiệu có tuổi tên mà Brian Lichtenberg đã nhái lại.

 

Ain't Laurent

Ain’t Laurent

Bình luận về những thiết kế của mình cũng như trước lời phê phán rằng chúng chỉ là một loại hàng nhái bất hợp pháp, Brian Lichtenberg chia sẻ: “Tôi tạo ra BST này như là một sự châm biếm văn hóa đại chúng (pop culture). Những chiếc áo thun, mũ snapback này chỉ đơn thuần là một lời bình luận về những gì tôi thấy đang xảy ra trong xã hội chúng ta. Bạn muốn gọi nó là gì cũng được, nhưng mọi hình thức nghệ thuật đều được tạo ra từ văn hóa đại chúng và các tình huống xã hội xung quanh”.

Tuy có rất nhiều thắc mắc liên quan đến tính hợp pháp, những mặt hàng nhái này lại được cho là những sản phẩm tiêu biểu của thời trang chủ nghĩa hậu hiện đại. Khuynh hướng này có mục đích mang lại yếu tố châm biếm và hài hước để thể hiện rằng: biểu tượng và nhãn hiệu thời trang không phải chỉ tồn tại ở ý nghĩa gốc sơ khai mà cần được biến hóa với những phẩm chất mới để tạo ra những sản phẩm có tính “lặp lại” đầy ngẫu hứng nhưng có tính ứng dụng cao. Những sản phẩm này được sản xuất và tiêu thụ đại trà, đối lập hoàn toàn với những nhãn hiệu đẳng cấp xa xỉ hàng đầu thế giới mà chúng nhái theo.

 

Dạo phố với trang phục Felin Meow

Dạo phố với trang phục Felin Meow

Xu hướng hình họa châm biếm trong thời trang hậu hiện đại cũng tạo cảm giác rằng các thương hiệu lớn thuộc tầng lớp thượng lưu đã dễ dàng được tiếp cận hơn. Ngôn ngữ thời trang hậu hiện đại do vậy cũng ám chỉ sự thoát ly khỏi những quy chuẩn hình thức bó hẹp của xã hội và cổ súy cho phong trào văn hóa mang tên “xã hội hóa tiêu dùng” hay “chủ nghĩa tiêu dùng” (consumerism).

Thực ra các sản phẩm thời trang chủ nghĩa hậu hiện đại đang nhắm vào một đối tượng khách hàng rất cụ thể, đó là những người cùng đam mê và sẵn sàng chia sẻ sự lanh trí và hài hước của họ qua những sản phẩm “nhái”. Đối với đám đông đặc biệt này, những thiết kế thời trang dưới góc nhìn biếm họa mang hơi thở chủ nghĩa hậu hiện đại đã trở thành một biểu tượng vật chất không khác gì các món hàng hiệu chính hãng đắt giá.

Xem thêm:

>> Các tin tức khác về thế giới thời trang được cập nhật tại ELLE

Nhóm thực hiện

Bài: Nguyễn Hạnh Sơn Hương – Ảnh: Tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more