Thời trang Tết Việt thế kỷ 20 – Cách “bắt trend” của ông bà ta

Đăng ngày:

Mãi là tà áo dài truyền thống, nhưng ở mỗi một giai đoạn, nó chiêm nghiệm những hào hoa của thời đại, để khi thì phóng khoáng mà tinh tế khi lại kín kẽ mà gợi cảm, như vẻ đẹp của người con gái Việt.

Thế kỷ XX đánh dấu nhiều cột mốc trọng đại trong trang sử Việt Nam. Từ thường phục đến lễ phục cũng được biến đổi không ngừng theo chế độ và bối cảnh xã hội. Nhưng dù là thời Pháp thuộc hay sau giải phóng, áo tứ thân và áo bà ba định nghĩa riêng cho hai miền Nam -Bắc luôn được hàn gắn lại bằng chiếc áo dài cội nguồn. Có hay chăng sự khác biệt chỉ nằm trong mỹ cảm của phái đẹp thời đó, họ thích sự đơn giản mộc mạc hoặc cái ấp ôm quyến rũ, đầy màu sắc của những xu hướng thời trang Tây phương. 

Trước năm 45: Áo dài là tấm áo thượng lưu

Những năm cuối nhà Nguyễn, trang phục của người Việt bị phân hóa bởi giai cấp và tầng lớp xã hội. Đối với vương tôn quý tộc và các gia đình giàu có, ngày Tết họ khoác lên mình những tấm áo dài bằng gấm lụa đắt đỏ, được thêu tay tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ và vấn tóc cao với khăn đóng. Đây là những hình hài nguyên sơ về áo dài ngày nay, nó có phom dáng rộng rãi, dài qua đầu gối không quá một gang tay, giữa nam và nữ chỉ phân biệt về kích thước. Để tô đậm xuất thân của mình, những phu nhân và tiểu thư quyền quý rất chuộng phục sức các loại kiềng vàng hoặc bạc. 

tết việt nhà thượng lưu khi xưa

(Ảnh: manhhai sưu tầm)

Người nông dân ở miền Nam vẫn mặc áo bà ba còn Bắc Kỳ thì đặc trưng với áo tứ thân sẫm màu, áo yếm và khăn xếp đội đầu. Một số phụ nữ có điều kiện hơn may cho mình những chiếc áo ngũ thân với màu sắc tươi sáng như hồng, xanh lam, cam, lục,… chỉ để diện vào dịp lễ hội. Nón quai thao cũng là một món đồ không thể thiếu với phụ nữ thuộc mọi tầng lớp. 

trang phục ngày hội ở miền Bắc

(Ảnh: Léon Busy)

bán hoa tết ở chợ đồng xuân

Người bán hoa Tết ở chợ Đồng Xuân những năm 1920 – 1929. (Ảnh: manhhai sưu tầm)

phụ nữ đi chợ tết xưa

Phụ nữ đi chợ Tết năm 1928. (Ảnh: manhhai sưu tầm)

Thời kỳ 1945 -1975: Áo dài đã ở muôn nơi

Khi bị chia cắt theo chế độ thống trị, miền Bắc được bảo hộ bởi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên vẫn nề nếp và giữ hồn Việt thuần túy, ít có sự can thiệp của văn hóa trời Tây. Người phụ nữ Hà Thành lúc này chuộng những thiết kế đơn giản, màu sắc trang nhã, ít có họa tiết và vẫn là phom dáng áo suông thoải mái. Trang sức ngọc trai cũng bắt đầu phổ biến từ thời kỳ này và trở thành sự lựa chọn hàng đầu để phối cùng áo dài. 

Tết Ất Mùi năm 1955

Tết Ất Mùi năm 1955 ở Hà Nội. (Ảnh: manhhai sưu tầm)

hết ở Hà Nội năm 1955

(Ảnh: manhhai sưu tầm)

phụ nữ Hà Thành đi lễ xưa

Phụ nữ Hà Nội đi lễ đầu năm. (Ảnh: Nguyễn Duy Kiên)

Ở miền Nam là một cuộc cách tân mang tính lịch sử để áo dài có được hình hài hoàn chỉnh của ngày hôm nay. Các quý cô Sài Thành có thể xuống phố thật “mode” trong những bộ cánh Tây hóa, nhưng ở ngày Tết Nguyên Đán, họ vẫn chọn tà áo dài truyền thống. Tư duy cởi mở và thẩm mỹ hiện đại của phái đẹp nơi đây đã khiến chiếc áo dài Raglan (áo chít eo) và Le Mur (thường có cổ tròn, tay phồng, trang trí đường viền và nhiều sáng tạo lấy cảm hứng Tây phương) ra đời và bắt đầu những cuộc cách mạng. 

chợ hoa nguyễn huệ sài gòn xưa

Xuân Đinh Mùi năm 1967 ở Góc ngã tư Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế, Sài Gòn. (Ảnh: manhhai sưu tầm)

thiếu nữ sài gòn mặc áo dài 1962

Ảnh thiếu nữ Sài Gòn trên bìa 4 tạp chí Sáng Dội Miền Nam số Tết Nhâm Dần 1962.

thời trang tết con cọp khi xưa 1962

(Ảnh: Tạp chí Sáng Dội Miền Nam)

Cũng như bây giờ, các cô gái trẻ luôn thích thả dáng trong chiếc áo dài rồi dạo bước trên những con đường, những khu chợ hoa rực rỡ sắc màu để lưu lại những bức ảnh xuân sắc, trước khi bước sang tuổi mới. Trái ngược với miền Bắc, phái đẹp Sài Gòn “lăng xê” hết mực cho những thiết kế có màu sắc tươi sáng và nổi bật. Đỏ, vàng, xanh lam, hồng được ưa chuộng hơn cả còn họa tiết là nơi “lũng đoạn” của những búp hoa cỡ lớn. 

chợ hoa tết thời xưa

(Ảnh: thoixua.vn)

thời trang tết xưa ở sài gòn với áo dài hồng

(Ảnh: manhhai sưu tầm)

thời trang với áo dài họa tiết ở chợ hoa xưa

(Ảnh: manhhai sưu tầm)

chụp ảnh với áo dài ở chợ hoa tết

(Ảnh: thoixua.vn)

thời trang tết xưa ở chợ hoa

(Ảnh: Life)

Tất nhiên không thể thiếu màn nhập cuộc của những “đứa con” trời Âu. Ngoài những buổi lễ chùa để dâng hương, xin lộc, các cô gái thành thị bị thu hút bởi những chiếc đầm chữ A, chân váy mini juyp hay áo cộc tay sành điệu. Họ cũng bắt đầu thấm thía những tôn chỉ thời trang và say mê túi xách. Bóp đầm, túi đeo tay hay thậm chí là baguette rất được chào đón. 

chợ hoa nguyễn huệ năm 1967

Chợ hoa Tết đường Nguyễn Huệ năm 1976. (Ảnh: Darkman67)

áo cộc tay thời xưa

Chợ hoa Tết Mậu Thân 1968. (Ảnh: HG Waite)

Sau 1975: Những minh tinh dẫn đầu làn sóng thời trang

Hình ảnh bụi bặm, năng động và tràn đầy sức hút của các minh Hồng Kông thời bấy giờ trở thành hình tượng mơ ước. Khi điện ảnh dần thâm nhập vào đời sống tinh thần của khán giả Việt Nam, thế hệ nghệ sĩ gạo cội của thập niên 80 và 90 như Việt Trinh, Thu Hà, Trương Ngọc Ánh,… góp phần không nhỏ để định hình nên một phong cách trẻ trung và rất sặc sỡ. Các cô gái trẻ đã bản lĩnh hơn bao giờ hết để thả mình vào những chiếc áo bra, áo ba lỗ ôm sát hay sơmi mặc sơ-vin,… và tự giải phóng bản thân khỏi hết thảy định kiến. Denim là biểu tượng của những thiếu niên sành điệu với đa dạng các phiên bản từ quần ống loe, ống rộng, chân váy mini đến áo khoác hay mũ nón,… Bên cạnh chiếc áo dài vẫn tỏa sáng trong buổi hội họp gia đình, phái nữ giờ đây muốn trải nghiệm phong cách menswear trong thời bình quyền về ăn mặc. 

thời trang tết việt những năm 80

(Ảnh: Việt Trinh)

thời trang tết denim on denim

(Ảnh: Việt Trinh)

thời trang tết 1990

Xuân Canh Ngọ ở Hà Nội năm 1990. (Ảnh: Redsvn)

Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more