Thời trang / Thế giới thời trang

Từ điển vải vóc mà dân mộ điệu thời trang phải biết (phần 3)

Bạn sẽ không còn phải choáng ngợp giữa “mê hồn trận” các loại vải khi đã có từ điển vải vóc này của ELLE.  

Con đường để một bản vẽ thiết kế trở thành một siêu phẩm thời trang phải thông qua… “giao lộ” vải. Tại “giao lộ” này, chỉ cần “quẹo” sai loại vải là tác phẩm có thể không thành hình vì mỗi loại vải đều có một tính chất riêng. Làm sao để chọn vải đúng? Bạn hãy “bỏ túi” ngay từ điển vải vóc này nhé.

P

Peau de soie

Cũng tương tự như Satin nhưng Peau de soie có cấu trúc phức tạp hơn. Vải có trọng lượng trung bình và cảm giác mịn màng như của Satin, nhưng bên trong lại cứng cáp hơn, vì thế nó được ứng dụng với nhiều phong cách khác nhau. Peau de soie ít bóng bẩy hơn so với Satin hoặc Charmeuse. Vải thích hợp để may đầm dạ tiệc sang trọng hoặc váy cưới mặc vào tiệc tối. Tránh sử dụng Peau de soie cho các sự kiện tổ chức trong bầu không khí nóng nực vì mồ hôi sẽ thấm qua lớp vải, gây mất thẩm mỹ.

Cách phân biệt: So với các dòng vải lụa mềm – mỏng – mịn khác như Satin, Chiffon, Charmeuse…, Peau de soie có trọng lượng trung bình. May trang phục bằng vải Peau de soie khá dễ dàng, nhưng lưu ý, vải lưu lại vết may khá rõ nên hạn chế may sai và tháo chỉ nhiều lần nhé.

Vải Peau de soie (Alfred Sung)

Pique – Vải cá sấu

Vải pique chuyên dùng để may áo thun có cổ, áo thun đồng phục cao cấp, được phát minh bởi thương hiệu Lascote. Vải có độ dày và trọng lượng vừa phải với mô hình hoa văn dệt kim nhỏ trên bề mặt. Đây là sự lựa chọn hoàn hảo cho trang phục trẻ em quần áo trẻ em, áo thun, váy và quần vì vải Pique hút ẩm, thấm mồ hôi, giảm nhiệt và làm mát cơ thể.

Cách phân biệt: Đặc điểm chung của vải Pique là mắt vải được dệt to hơn so với các loại vải khác, mình vải hơi đứng nhưng mềm, giặt nhanh khô.

Vải Pique (Shein)

Polyamide

Là một ứng viên tiềm năng khác cho trang phục thể thao xịn, Polyamide gồm các sợi hóa học được sản xuất từ các sợi Polyme tổng hợp. Vải polyamide hấp thụ nhiều nước hơn và cũng làm khô nhanh hơn, và vì những đặc tính tốt như dẻo dai, khó rách, co giãn tốt nên các tín đồ thể thao hay tìm mua trang phục làm từ Polyamide.

Cách phân biệt: Vải Polyamide bị bạc hoặc mất màu khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, vải Polyamide mềm, mỏng, bóng sợi đều. Khi đốt, xơ cháy đầu đốt bị chảy nhựa màu hổ phách, cứng khi nguội và bóp không vỡ.

Vải Polyamide (thevanca)

Polyester

Là vải tổng hợp cực kỳ chắc khỏe và bền bỉ, Polyester khô nhanh và có thể giặt tay hay giặt khô (thế nên nhớ kiểm tra tag hướng dẫn sử dụng trước khi dùng nhé). Polyester thường được phối trộn với nhiều loại sợi khác để tăng tính chống nhăn. Nhưng lưu ý rằng, đây không phải là loại vải dễ tẩy vết bẩn đâu, và cũng không thấm hút tốt như nhiều loại vải khác.

Cách phân biệt: Đốt mẫu vải Polyester, tro sẽ co lại thành hạt nhựa cứng; quá trình thử nghiệm này cũng sẽ tạo ra khói đen không tốt cho sức khỏe. Khi cháy, Polyester tỏa ra mùi ngọt vì đây là mùi chất hóa học.

Vải Polyester (fcfc)

R

Rayon

Vải Rayon là loại siêu mềm và siêu bền, có khả năng thấm hút tốt hơn Cotton và cũng là loại vải làm từ thiên nhiên. Một điểm cộng khác của Rayon nằm ở tính thân thiện với môi trường, Rayon có khả năng phân hủy sinh học do Rayon làm từ bột gỗ, bột giấy tinh chế. Với độ bền, sự mềm mại, Rayon ứng dụng trong nhiều mẫu trang phục và thường được diện vào mùa hè.

Cách phân biệt: Vải Rayon khi ướt sẽ có cảm giác khá bám vào tay, lâu khô. Nếu là vải Rayon có màu trắng, Rayon sẽ vẫn duy trì độ trắng bóng sáng rực rỡ chứ không chuyển sang trắng ngà như nhiều loại vải khác.

Vải Rayon (shakatime)

S

Satin

Nhắc đến thiên đường lụa là phải nhắc đến Satin. Vải Satin mềm mại, uyển chuyển ôm sát theo từng dáng người (bạn hãy tưởng tượng đến chương trình Bước nhảy hoàn vũ, các cô vũ công vận váy Satin và xoay chuyển cơ thể nhẹ nhàng, bay bổng như thế nào). Hầu như vải Satin có độ bóng nhẹ nhàng, có nghĩa là nó sẽ bắt ánh sáng nhẹ. Satin sẽ hoàn hảo nhất khi được vận trong đám cưới hoặc dạ tiệc đêm. Ngoài ra, Satin cũng góp mặt trong trang phục lót của phụ nữ, áo choàng ngủ…

Cách phân biệt: Lụa Satin sẽ phản chiếu độ lấp lánh khi đặt dưới ánh nắng mặt trời, đừng quên mẹo này khi mua vải Satin nhé.

Vải Satin (Gucci)

Silk – Vải tơ tằm

Tơ lụa là một trong những loại vải lâu đời nhất trên thế giới, đã được sản xuất và mua bán từ hàng trăm năm nay. Được làm từ sợi tự nhiên, chất vải toát nên vẻ sang trọng và phản ánh sáng ở mọi góc độ. Vải lụa giúp bạn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, chất liệu hoàn hảo tạo form tốt.

Cách phân biệt: Hãy chà xát vải Silk vào tay, nếu bạn cảm thấy ấm khi chạm lên bề mặt vải, hãy mua liền tay vì đó là tấm vải Silk xịn đó. Bởi nếu là vải nhân tạo sẽ không có cảm giác ấm nóng khi bạn chà xát bề mặt vải bằng tay. Ngoài ra, bạn cũng có thể luồn vải Silk vào nhẫn, nếu vải dễ dàng chui tọt qua vòng nhẫn thì đây đích xác là vải Silk thật. Vải nhân tạo sẽ bị nhàu nát và khó luồn qua nhẫn.

Vải Silk (Molly Bloom)

Soy – Vải đậu nành

Chuyện khó tin nhưng có thật, vải làm từ dầu đậu nành hoặc đậu hũ khiến loại vải này góp mặt vào danh sách những loại vải thân thiện với môi trường. Cách chăm sóc, bảo quản vải Soy khá dễ và vải hấp thụ thuốc nhuộm rất tốt. Vải Soy rất nhẹ và mềm mại, dễ thoát mồ hôi nên tạo cảm giác dễ chịu và mát mẻ trong thời tiết nóng bức.

Cách phân biệt: Vải Soy rất dễ ăn màu thuốc nhuộm, mềm, nhẹ giống vải lụa và không nhăn.

Vải Soy (DenverPost)

T

Tactel

Vải Tactel có độ bền gấp 3 lần loại vải khác, dễ chăm sóc vì khô nhanh hơn vải Cotton gấp 8 lần, mỏng nhẹ, thấm hút tốt và có độ sáng nhiều hơn 20% so với các loại vải cùng loại. Vải Tactel được ứng dụng trong rất nhiều loại trang phục khác nhau. Tactel còn rất dễ nhuộm, vì các sợi vải chứa rất ít lượng dầu, sợi vải có thể được tẩy với nhiệt độ thấp (50 độ C) và sử dụng chất tẩy nhẹ. Quy trình nhuộm ngắn hơn nên sẽ tốn ít năng lượng hơn, giá thành rẻ hơn.

Cách phân biệt: Vải Tactel rất co giãn và độ bền cao hơn nhiều so với các loại vải cùng loại.

Vải Tactel (Pinterest)

Tweed

Nếu có loại trang phục nào chỉ cần nhìn vào hình cũng thấy được sự thô ráp trên thớ vải thì rất có thể đó chính là vải Tweed. “Quê hương” của vải Tweed ở Scotland. Chính nhà thiết kế Coco Chanel đã có công biến loại vải này vốn chỉ được dùng cho tầng lớp bình dân trở thành nguyên liệu cho những bộ sưu tập cao cấp. Vải làm từ len, bề mặt khá sần, giữ ẩm rất tốt.

Cách phân biệt: Vải rất dày; bề mặt vải sần sùi, thô ráp là những đặc điểm không thể không nhớ đến khi muốn nhận diện vải Tweed.

Vải Tweed (newfashioncraze)

V

Velour

Velour là một loại vải sang trọng tương tự như vải nhung. Vải Velour thường được làm từ bông nhưng cũng có thể được làm từ vật liệu tổng hợp như Polyester. Chính vì là loại vải được dệt thoi hay dệt kim nên khả năng kéo giãn của vải rất tốt. Nó kết hợp các tính chất co giãn của vải dệt kim cũng như vẻ ngoài hệt như vải nhung. Velour được sử dụng may những bộ cánh mặc trong dạ tiệc khiêu vũ vì sự thoải mái mà nó mang lại. Chất liệu vải ấm áp nên còn được dùng cho những trang phục hàng ngày.

Cách phân biệt: Vải Velour gần như “song sinh” với vải Velvet, nhưng hãy chú ý nhé, khi đặt trong cùng một điều kiện sáng nhất định, vải Velour sẽ kém bóng hơn vải Velvet đó.

Vải Velour (Pinterest)

Velvet – Vải nhung

Vải nhung có thể được làm từ nhiều loại sợi khác nhau và loại sợi đắt nhất là nhung làm từ tơ tằm. Phần lớn vải nhung được bán hiện nay là sự kết hợp giữa vải Rayon và lụa. Vải nhung được làm hoàn toàn từ lụa rất hiếm và thường có giá rất cao. Cotton cũng được sử dụng để làm nhung, nhưng sẽ khiến vải kém sang trọng hơn. Vải nhung còn có thể được làm từ các sợi vải lanh và len. Gần đây, vải nhung tổng hợp từ Polyester, Nylon, Viscose, Acetate… xuất hiện khá nhiều.

Cách phân biệt: Điểm khác biệt lớn nhất giữa Velvet và Velour chính là độ bóng, Velvet sẽ sáng và bóng hơn Velour.

Vải Velvet (Pinterest)

Viscose

Sợi Viscose được làm từ Cellulose tinh khiết – loại bột giấy từ gỗ được chế biến đặc biệt. Viscose rất giống với vải Cotton và lụa. Nó là một chất liệu tốt và mềm mại được sử dụng may áo thun, áo sơ mi và váy.

Cách phân biệt: Vải Viscose không thấm nước, thế nên hãy nhỏ một chút nước lên bề mặt vải để xem độ thẩm thấu của nước lan trên vải thế nào nhé.

Vải Viscose (Pinterest)

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)