Các quyền bình đẳng giới của phụ nữ từ những năm 1940

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 3/2016] Từ quyền được bỏ phiếu, những cuộc tranh luận về mạng che mặt, cho tới cuộc chiến bình đẳng giới – trong lịch sử 70 năm, ELLE đã luôn đồng hành và góp tiếng nói bảo vệ những người phụ nữ mạnh mẽ và độc lập trên các trang tạp chí của mình!

quyen binh dang cua phu nu 1

Bình đẳng giới & các quyền của phụ nữ từ những năm 1940:

Những năm 1940-1950
Vai trò công dân – Quyền được bỏ phiếu

Vào ngày 21/4/1944, phụ nữ Pháp đã giành được quyền bỏ phiếu và quyền được đắc cử. Họ đã có thể tham gia (mặc dù vẫn rất khiếm tốn) vào các hoạt động của thành phố. Thành tựu này chưa từng xảy ra trước đó. Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, những lời châm chọc phân biệt giới tính rất phổ biến trong Quốc hội. “Bàn tay của người phụ nữ đã được sử dụng cho những cuộc tranh giành ở những đấu trường công quyền?” là câu hỏi được nghị viên Bérard đặt ra vào năm 1919. Đàn ông cho rằng phụ nữ sinh ra để phải nhượng bộ, vai trò của họ rất thấp kém, nhất là đối với những người phụ nữ trong vai trò làm mẹ, những người vợ hoặc đã đính hôn. Theo nữ giáo sư về khoa học chính trị, Évelyne Pisier, “Việc không đủ quyền và được pháp luật thừa nhận về vai trò và năng lực của phụ nữ đã dẫn tới sự phân định xã hội sâu sắc. Khi có học vấn, một người phụ nữ bỗng nhiên trở nên… bất thường: xấu xí, trơ trẽn, một người mẹ tồi và một người vợ xấu xa”. Chính những quan điểm lạc hậu này đã kiềm tỏa tư tưởng của nhiều phụ nữ thời đó, khiến họ không được sống đúng với năng lực của mình.

quyen binh dang cua phu nu 2

Những năm 1960
Vai trò của người mẹ – Quyền phòng tránh thai

Người phụ nữ có được quyết định việc sinh nở của họ hay không? “Đàn ông đánh mất sự tự phụ về khả năng sinh con và phụ nữ không còn là một cỗ máy sinh sản”, đại biểu Moselle Jean Coumaros đã phát biểu như thế tại các phiên thảo luận của Quốc hội Pháp được tổ chức trong suốt một năm trước khi tiến hành bỏ phiếu cho luật Neuwirth vào tháng 12/1967 về việc cho phép phụ nữ phòng tránh thai. “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một chính phủ đạt tới sự đồng thuận và cho phép người phụ nữ được quyền chọn lựa phòng tránh thai”, Nathalie Bajos, giám đốc nghiên cứu của Inserm (Viện nghiên cứu Y khoa và Sức khỏe) nhận định, “điều này mang ý nghĩa thay đổi lớn lao, bởi phòng tránh thai trước tiên là một kỹ năng trong cuộc sống. Tuy nhiên, phải kết hợp với sự tự chủ về tài chính và học vấn. Phụ nữ phải được tham gia vào các công việc được trả lương và nâng cao học vấn. Nếu không, sự hợp pháp hóa việc phòng tránh thai sẽ không mang lại hiệu quả như người ta mong muốn”.

quyen binh dang cua phu nu 3

Những năm 1970
Vai trò thụ hưởng cuộc sống – Quyền phá thai

Những chiếc váy ngắn dần, cách nhìn nhận vẻ đẹp cơ thể cởi mở hơn, thời trang cũng ngày càng thăng hoa trong một xã hội được giải phóng khỏi sự gò bó. Những năm 1970 ghi nhận cuộc cách mạng giành quyền làm chủ của phụ nữ trong vấn đề thụ hưởng cuộc sống. Câu hỏi được đưa ra là: Nữ giới luôn dễ xúc động và bị phụ thuộc vào cuộc sống đôi lứa, trong khi nam giới lại có nhu cầu tình dục lớn hơn so với phụ nữ nhưng tại sao phụ nữ luôn là người gánh chịu hệ quả? Tư tưởng bình đẳng giới được ghi nhận trong mọi mặt của xã hội, từ công việc, chính trị, đến đời sống gia đình, nhưng lại loại trừ vấn đề tình dục?

Một bước tiến mới là luật Veil về quyền được nạo phá thai khi có những lý do liên quan đến sức khỏe hoặc nằm trong khuôn khổ pháp lý – IVG (Interruption volontaire de grossesse) được thông qua vào ngày 17/1/1975. Bộ luật này đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về tình dục. Xã hội đã gỡ bỏ những điều cấm kỵ liên quan đến quyền được thụ hưởng của người phụ nữ. “Cuối cùng, chúng ta cũng giải quyết câu hỏi về tình dục bằng cách loại bớt sự căng thẳng, nỗi sợ hãi về việc làm mẹ của họ”, nhà phân tích tâm lý Sophie Marinopoulos giải thích, “người phụ nữ đã bước ra khỏi sự giam cầm”.

quyen binh dang cua phu nu 4

Những năm 1980
Vai trò trong công việc – Quyền bình đẳng trong lao động

Người phụ nữ thập niên 1980 không chấp nhận quyền lực của đàn ông. Với phong cách tự tin trong bộ suit độn vai, họ muốn được gánh vác những trách nhiệm tương đương với nam giới trong công việc. Đã có rất nhiều phong trào kêu gọi sự công bằng trong việc chi trả lương và cải thiện vị trí của người phụ nữ tại công sở. Tuy nhiên, những động thái này đã bị dập tắt do đặc trưng của bối cảnh xã hội như tỷ lệ thất nghiệp cao, sự khuyến khích làm việc bán thời gian, việc giảm sút một nhóm lao động nữ khi chính phủ áp dụng chính sách hỗ trợ các gia đình có con thứ hai…

Xã hội vốn chưa thực sự hài lòng với việc phụ nữ được đi làm và được trả công từ thập niên 60s. Năm 1983, Bộ trưởng về Quyền phụ nữ, bà Yvette Roudy, đã cho bỏ phiếu cho bộ luật đầu tiên về sự bình đẳng lao động giữa nam và nữ. Từ bộ luật đầu tiên này, bốn văn bản đã được Quốc hội Pháp bỏ phiếu mà không bị những sự phân biệt khác gây trở ngại. Mặc dù giành được chiến thắng, nhưng những nỗ lực phi thường dành cho người phụ nữ trong suốt 30 năm qua vẫn không được tưởng thưởng một cách xứng đáng. Cho đến hôm nay, vấn đề thu nhập của phụ nữ so với nam giới vẫn còn là một câu chuyện dài.

quyen binh dang cua phu nu 5

Những năm 1990
Vai trò chính trị – Quyền về sự tương đồng

“Nếu có một lĩnh vực mà người phụ nữ dứt khoát phải rút lui thì đó chính là chính trị”, nhà nghiên cứu chính trị Mariette Sineau, Giám đốc nghiên cứu của Cevipof (Trung tâm nghiên cứu về Khoa học chính trị) đã ghi nhận. Chính những chính trị gia nam giới là người luôn đưa ra nhiều lời nhận xét không được dễ nghe mỗi khi gặp phải các ứng cử viên nữ giới.

Dù đã có các cuộc đấu tranh trong năm 1995, nhưng phụ nữ vẫn chưa thực sự giành được sự bình đẳng trong chính trị. Chủ nghĩa giới tính quá mạnh mẽ khi cho rằng phụ nữ thấp kém hơn. Nam giới vẫn thích nắm giữ vai trò độc tài này. Việc nới rộng phạm vi không khiến cho tất cả mọi người cảm thấy hài lòng. Ngay cả khi một bộ luật về sự tương đồng được thông qua vào ngày 6/6/2000 thì người phụ nữ vẫn phải đấu tranh rất nhiều để giành được sự công nhận trên nghị trường.

quyen binh dang cua phu nu 6

Những năm 2000
Về vấn đề mạng che mặt – Quyền trong chính sách tôn giáo tách biệt ở Pháp

Trong tháng 3/2004, khi Quốc hội Pháp bỏ phiếu cho việc cấm mang mạng che mặt ở trường, những cuộc tranh luận đã nổ ra. Cánh tả cũng như cánh hữu, mỗi người đều có lý lẽ riêng. Mới đó thôi, chính phủ bãi bỏ việc trùm khăn với lý do đó là sự gò bó của tôn giáo hoặc có thể là dấu hiệu của sự phục tùng chế độ phụ quyền. Rồi ngay sau đó, việc mang mạng che mặt lại được bảo vệ với chính sách tôn giáo tách biệt. Chính sách này đã nhận được sự đồng thuận từ những người theo tín ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là một hình thức của phân biệt chủng tộc mà những người phụ nữ Hồi giáo phải chịu đựng. Hơn 10 năm sau khi luật được thông qua, cuộc tranh luận đã dần nguôi ngoai, nhất là tại các trường học. Đến năm 2010, những cuộc thảo luận xung quanh việc đeo mạng che kín mặt hoặc phủ kín người lại thổi bùng lên sự căng thẳng. Chính vì thế, một hiến chương của chính sách tôn giáo tách biệt đã được thông qua trong năm 2013 nhằm làm dịu dư luận.

quyen binh dang cua phu nu 7

Từ năm 2010
Vấn đề di chuyển ở những nơi công cộng – Quyền được bảo vệ khỏi sự lăng mạ

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh: đô thị là một không gian phân biệt đối xử, phụ nữ luôn được khuyến cáo về sự bất an toàn nơi công cộng. Lỗi là từ đâu? Từ trang thiết bị? Từ cảm giác không an toàn? Từ sự quấy rối mà đôi khi họ chính là nạn nhân? Vài năm trở lại đây, có nhiều nhóm phụ nữ trẻ đã tham gia vào cuộc chiến chống lại việc quấy rối nơi công cộng bằng cách thực hiện những chiến dịch vận động nhận thức của xã hội, nhất là trong các quán bar và trên các phương tiện công cộng. Nhiều luật gia cho rằng những người dùng ngôn ngữ tục tĩu có thể bị truy tố vì những lời nhục mạ họ dành cho phụ nữ ở nơi công cộng. Tất cả phụ nữ đã phải chịu đựng sự phân biệt, và không có ai bảo vệ họ. Marilyn Baldeck, phát ngôn viên của AVFT (Hiệp hội châu Âu chống bạo hành đối với phụ nữ tại công sở) đặt câu hỏi: “Có cần phải ấn định nguyên tắc như thế không? Dĩ nhiên là có. Vì phụ nữ luôn cần được tôn trọng, dù họ là ai và đến từ đâu!”.

quyen binh dang cua phu nu 8

Xem thêm

Emma Watson: “Bình đẳng giới cũng là vấn đề của phái nam”

Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander & quyền bình đẳng giới

Quan điểm của phái mạnh về quyền bình đẳng giới

Nhóm thực hiện

Bài: Thanh Loan / Ảnh: tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more