Caroline Guiela Nguyễn – Len lỏi giữa những thế giới khác biệt

Đăng ngày:

[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 11/2018] Dù không sinh ra, không gắn bó với mảnh đất này nhưng phảng phất đâu đó vẫn có thể nhận ra chiếc kính lúp soi vào tâm hồn Việt trong “Saigon” của Caroline Guiela Nguyễn, chứa đựng mối kết nối sâu sắc kỳ lạ với Việt Nam.

Vở kịch Saigon, đạo diễn người Pháp Caroline Guiela Nguyễn (36 tuổi) và đoàn kịch của cô Les Hommes Approximatifs sau hành trình lưu diễn và cháy vé tại nhiều nơi trên thế giới đã về đến TP.HCM. Trong tiếng vỗ tay như sóng tràn, giữa bầu không khí dào dạt những nức nở thầm kín của khán giả tại buổi công diễn nhiều cảm xúc ở quê hương Sài Gòn, tiếc thay tác giả lại không có mặt. Đây là tác phẩm được yêu thích nhất tại Liên hoan sân khấu quốc tế Avignon lần thứ 71 năm 2017.

Caroline Guiela Nguyễn 1

Đạo diễn người Pháp Caroline Guiela Nguyễn đã mang đến cho khán giả vở kịch “Saigon” với nhiều cảm xúc.

Nét độc đáo của Saigon là sân khấu mở đầu và kết thúc suốt hơn 3 giờ đồng hồ chỉ với một bối cảnh nhà hàng Việt Nam của bà chủ người Pháp gốc Việt Marie Antoinette – nơi sẻ chia câu chuyện riêng tư của những con người đã từng trải qua giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt – Pháp. Trong không gian độc nhất, cảnh trí không biến đổi, chỉ có nhân vật, quá khứ và hiện tại liên tục đan xen. Khán giả được khóc cười theo sự dịch chuyển nhịp nhàng của phận đời tha hương trôi đi giữa nỗi u sầu bất tận. Bằng một bối cảnh duy nhất, Caroline đã mở ra được các chiều kích thời gian và không gian khác nhau trong tâm trí người xem.

Tờ Volkskrant nhận định Saigon là một bức tranh sắc nét về nỗi đau thời kỳ hậu thuộc địa. Nó đề cập đến mối quan hệ lịch sử đặc biệt giữa nước Pháp và Việt Nam. Tuy nhiên, phủ nhận tất cả những nhận định về màu sắc chính trị trong vở kịch, Caroline Guiela Nguyễn khẳng định đây là chuyện về những số phận bình thường, hiếm khi được nhắc đến. Cô không có chủ đích đi tìm nguồn gốc, hay gắng viết về lịch sử mà chỉ viết về hiện tại, về các câu chuyện ký ức.

Caroline Guiela Nguyễn 2

Tờ “Volkskrant” nhận định “Saigon” là một bức tranh sắc nét về nỗi đau thời kỳ hậu thuộc địa.

Cái nhìn của cô về những người Việt Nam sang Pháp tại thời điểm 1956 và trở về quê hương năm 1996 hoàn toàn dưới góc độ của một người Pháp. Một cách nghĩ đầy cẩn trọng của người luôn nung nấu kể chuyện về Việt Nam, về những góc khuất với quá nhiều mất mát và quên lãng. Thế nhưng, nếu đã được xem Saigon của Caroline Guiela Nguyễn, thật khó có thể đồng tình rằng tác phẩm chỉ khởi đi từ góc nhìn của nước Pháp, hoặc giữa cuộc giao thoa văn hóa theo dòng lịch sử. Tác giả muốn khước từ cái khao khát khai phá những mảnh vụn ký ức để kết nối với một phần quê hương của mình.

Ngay phần mở màn, qua mô tả về mối quan hệ con Pháp và mẹ Việt, tác giả đã nhẹ nhàng cắm thẳng vào tim khán giả một lưỡi dao sắc bén, khiến tất cả phải bật cười trong nghẹn ngào. Cậu con trai lớn lên tại Pháp không biết tiếng Việt và hiểu văn hóa Việt nên thường mất kết nối với mẹ mình, nhất là khi bà trò chuyện với người Việt quanh anh. Chi tiết phải chăng phản ánh trải nghiệm của chính Caroline Guiela Nguyễn, người có cha là Pháp kiều hồi hương từ Algeria từng mở nhà hàng ăn và mẹ là người Việt. Dù Caroline đã rất nhiều lần khẳng định kịch bản là một cái nhìn khách quan, dựa trên những câu chuyện hư cấu do cô viết ra.

Nhưng bên cạnh trí tưởng tượng mãnh liệt xây dựng nhân vật đầy sức thuyết phục, không thể tách Saigon khỏi những kinh nghiệm cá nhân mà cô từng thừa nhận: “Như phần đông con cái của những người di dân, chúng tôi không được học tiếng mẹ đẻ vì cha mẹ chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ giúp chúng tôi dễ dàng hội nhập hơn. Giống như nhân vật Marie Antoinette, người Việt di cư thời đó sống khép mình. Họ khóc trong im lặng. Mẹ tôi kể với tôi rất ít về Việt Nam, và bản thân tôi cũng không hỏi về nó”. Theo Libération, Caroline Guiela Nguyễn sinh ra ở tỉnh Var (Pháp) nhưng lại không thừa hưởng di sản văn hóa ở đây. Tốt nghiệp ngành xã hội học và nghệ thuật biểu diễn, tiếp tục theo học khoa đạo diễn tại trường Sân khấu quốc gia Strasbourg danh giá đã giúp cô tạo ra bước ngoặt quan trọng. Tại đây, Caroline nhận thức “khác biệt lớn lao về văn hóa”và bài học “cần tìm cách làm hòa với chính mình sẽ mở ra con đường đi đến nghệ thuật” từ người thầy Guy Alloucherie.

Caroline Guiela Nguyễn 3

“Saigon” là nơi sẻ chia câu chuyện riêng tư của những người đã từng trải qua giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt – Pháp.

Từng trở về quê mẹ năm 1996, Việt Nam trong mắt cô vừa đỗi thân quen mà cũng vô cùng xa cách. Cô đã mất rất nhiều thời gian để quen với sự nhập nhằng này. Trong ê-kíp 11 diễn viên cả chuyên và không chuyên, gốc Pháp, gốc Việt và cả người Pháp gốc Việt của Saigon có những diễn viên sinh năm 1990, một thế hệ còn chưa kịp hiểu hết về thành phố họ đang sinh trưởng nhưng đã phải lao vào ngóc ngách sâu kín nhất trong tâm hồn những người Việt kiều Pháp di dân cách đây 40 năm. Sự liều lĩnh ấy lẽ nào là một cơ hội để thâm nhập trở lại thực tại của người trẻ đang còn mơ hồ trước những góc khuất của lịch sử.

Caroline Guiela Nguyễn 4

Nhà hàng trong “Saigon” phần nào minh chứng cho sân khấu của Caroline đã lột tả thành công nỗi nhớ quê hương được nuôi dưỡng trong gian bếp của những người Việt như thế nào.

Caroline có thể đã len lỏi được vào quá khứ và đưa nó đến với sự đồng cảm trong nhận thức của con người hiện đại. Dù khá kín đáo, không thường chia sẻ nhiều cảm xúc của mình với mọi người quanh chủ đề Việt Nam, nhưng tất cả đều đồng điệu vì Caroline là người có sự cảm nhận sâu sắc về các yếu tố văn hóa, cũng như nhạy bén trước tâm hồn Việt. Đặc biệt là sợi dây liên kết với ẩm thực Việt với không gian nhà hàng xuyên suốt vở kịch.

Quá trình sáng tác của Caroline Guiela Nguyễn được xây dựng bằng những tầng ký ức, trải nghiệm và cảm xúc một cách tự nhiên. Sẵn sàng tranh đấu cho tính đa dạng về nguồn gốc xã hội, và dành sự quan tâm đến những ẩn số lịch sử, Caroline vẫn tiếp tục dùng kịch nghệ để phô diễn vẻ đẹp của trí tưởng tượng, tạo nên sự đồng cảm, xóa mờ những khác biệt, kéo tất cả xích lại gần nhau, bởi chính quá trình sáng tác là lúc cô bước vào hành trình đi tìm điểm chung giữa các thế giới.

Thông tin:

Caroline là nghệ sĩ thường trực của nhà hát Odéon, nhà hát châu Âu, nhà văn hóa MC2 Grenoble.

Cô là thành viên của nhóm nghệ thuật La Comédie de Valence thuộc Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Drôme-Ardèche.

Cô được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương vào năm 2016.

Phong cách kịch của cô tập trung vào tính hiện thực và sống động.

Xem thêm:

Sài Gòn trong truyện của nhà văn Lê Văn Nghĩa

Saigon Artbook 6 – Khiến nghệ thuật gần gũi hơn với cuộc sống

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Hạ

Ảnh: Institut français à Ho Chi Minh-Ville

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more