Bạn đã từng làm việc dưới quyền một người sếp giỏi chuyên môn nhưng lại khiến cả đội mất động lực? Sếp tồi của Michelle Gibbings là cuốn sách phơi bày những nghịch lý trong môi trường công sở: vì sao những người từng xuất sắc trong công việc lại có thể trở thành nhà lãnh đạo thất bại.

Khi thăng chức không đồng nghĩa với lãnh đạo giỏi
Chúng ta thường nghe nói rằng một môi trường làm việc tốt sẽ giúp nhân viên cảm thấy hài lòng và gắn bó hơn. Nhưng điều gì thực sự tạo nên một môi trường làm việc lý tưởng? Một nghiên cứu thực hiện tại Mỹ và Anh đã chỉ ra một yếu tố quan trọng: năng lực chuyên môn của người lãnh đạo.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét ba khía cạnh để đánh giá tác động của năng lực sếp đối với sự hài lòng của nhân viên: Liệu sếp có đủ khả năng thực hiện công việc của nhân viên cấp dưới khi cần thiết không? Liệu họ có trải qua quá trình thăng tiến từ các vị trí thấp hơn, tức là hiểu rõ từng cấp bậc trong tổ chức không? Và cuối cùng, các nhân viên trực tiếp đánh giá trình độ chuyên môn của sếp mình ra sao?
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân viên cảm thấy hài lòng hơn nhiều, khi được làm việc dưới quyền một nhà lãnh đạo thực sự hiểu rõ công việc của họ. Một người sếp có chuyên môn vững vàng không chỉ giúp nhân viên an tâm mà còn tạo ra tác động tích cực mạnh mẽ nhất đối với mức độ hài lòng trong công việc.
Tại Mỹ, nhiều người lao động còn đánh giá cao một vị sếp giỏi chuyên môn hơn cả mức lương họ nhận được. Thậm chí, trong trường hợp nhân viên vẫn đảm nhiệm cùng một công việc nhưng có một cấp trên mới, mức độ hài lòng của họ có thể tăng đáng kể nếu người sếp mới thể hiện năng lực chuyên môn xuất sắc.
BÀI LIÊN QUAN
Vậy thì, có phải những người có năng lực chuyên môn xuất sắc đều có thể trở thành những nhà lãnh đạo giỏi không?
Điều này thì…chưa chắc. Một lý thuyết được biết đến với tên gọi “Nguyên lý Peter” cho biết trong nhiều tổ chức, nhân viên được thăng chức dựa trên thành tích ở vị trí hiện tại mà không xét đến kỹ năng cần thiết cho vai trò mới. Từ đó dẫn đến tình trạng một người được thăng cấp cho đến khi họ đạt đến vị trí mà bản thân không còn đủ năng lực đảm nhiệm.
Điều này được minh chứng rõ trong một nghiên cứu thực hiện trên 214 tổ chức và 1.500 nhân viên bán hàng. Dữ liệu cho thấy những người có thành tích bán hàng xuất sắc thường được thăng chức lên làm quản lý, nhưng nghịch lý là nhóm nhân viên cấp dưới của họ lại bị giảm hiệu suất bán hàng tới 7,5%. Trong khi đó, nếu một người có thành tích bán hàng ở mức trung bình nhưng được bổ nhiệm vào vị trí quản lý, hiệu suất của đội nhóm lại có xu hướng cải thiện đáng kể.
Trong cuốn sách Sếp tồi, tác giả Michelle Gibbings cho biết nguyên nhân là vì việc quản lý một đội nhóm không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn hay kinh nghiệm thực tế mà còn cần sự linh hoạt trong tư duy, khả năng giao tiếp và nghệ thuật truyền cảm hứng. Một số người có thể gặp khó khăn trong vai trò mới vì những thói quen cố hữu hoặc do chưa thích nghi với áp lực lãnh đạo.
Một kỹ sư giỏi không chắc sẽ trở thành giám đốc kỹ thuật tốt. Một nhân viên bán hàng xuất sắc không có nghĩa sẽ là người quản lý tốt đội ngũ. Và từ đó, hệ quả xảy ra: những người từng được kỳ vọng lại trở thành nguyên nhân khiến hiệu suất đội nhóm đi xuống.
Xem thêm
•12 quyển sách về lịch sử Việt Nam hay nhất giúp bạn thêm yêu sử Việt
•Gợi ý 8 quyển sách tâm lý hay nhất bạn nên đọc để thấu hiểu nhân tâm
•10 cuốn sách hay mới nổi bật nhất trong tháng 3/2025
Lãnh đạo không phải là một danh hiệu
Thực tế, nhiều người thất bại trong vai trò mới không phải vì họ thiếu nỗ lực hay không đủ giỏi, mà vì không nhận ra rằng vai trò lãnh đạo là một “nghề” khác, với những nguyên tắc riêng. Nếu những người lãnh đạo không được chuẩn bị, không được đào tạo, hoặc không chịu học hỏi, họ dễ trở thành “sếp tồi” trong mắt chính những người từng ngưỡng mộ họ. Và ở vai trò của tổ chức, nếu thành tích được xem là đủ điều kiện để bước lên vai trò cao hơn mà không có hệ thống đánh giá kỹ năng lãnh đạo, chúng ta đang đặt một cá nhân giỏi giang vào vị trí dễ thất bại – không chỉ cho họ, mà còn cho cả đội nhóm.
Suy cho cùng, sếp giỏi không đơn thuần là người có năng lực chuyên môn xuất sắc, mà còn phải có tư duy lãnh đạo đúng đắn. Trong cuốn sách Sếp tồi, Michelle Gibbings không chỉ phơi bày sự thật, vì sao có những người giỏi lại trở thành quản lý tồi, mà còn đưa ra những chỉ dẫn thiết thực để người đọc, dù là nhân viên hay lãnh đạo, có thể cải thiện bản thân và các mối quan hệ trong công việc.
Nếu bạn đã từng ở nơi mà tiếng nói của mình không được lắng nghe; từng nỗ lực dưới trướng một người sếp giỏi kỹ thuật nhưng không hiểu con người; hoặc chính bạn, trong một khoảnh khắc nào đó đã bối rối khi bước lên vai trò mới mà không biết phải lãnh đạo từ đâu – thì cuốn sách này sẽ là một người bạn hữu ích. Michelle Gibbings không hứa hẹn một giải pháp hoàn hảo dành cho bạn, nhưng có thể giúp bạn khai mở những góc nhìn mới – sâu sắc và nhân văn hơn – về cơ chế quyền lực, tâm lý tổ chức và cách nuôi dưỡng một môi trường làm việc lành mạnh.
Bạn đã từng gặp một “sếp tồi” chưa? Hay chính bạn đang trên hành trình trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn? Hãy để cuốn sách này giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Nhóm thực hiện
Nguồn: First News