HƠI THỞ DU NHẬP
Sở dĩ nói vậy là bởi vào thập niên 1950, 1960, Sài Gòn từng chìm trong một “bầu sinh quyển” âm nhạc vô cùng đa dạng. Trong đó, nổi bật là những bản nhạc dành cho khiêu vũ – một loại hình du nhập vào Việt Nam bởi những biến động thời cuộc, rồi dần dà để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Trong cuốn “Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn”, nhà nghiên cứu âm nhạc Jason Gibbs từng viết: “Qua thời gian, khiêu vũ đã chứng tỏ được nhiều điều hơn là một thú vui nhất thời. Nó đặc biệt thấm sâu vào giới nhạc sĩ Việt Nam, một số người học chơi nhạc và từ đó có được cuộc sống tương đối dễ chịu. Khiêu vũ cũng góp phần vào sự phát triển của các ca khúc “theo điệu Tây” mới, khi nhiều nhạc sĩ tân nhạc bắt đầu sử dụng nhịp và tốc độ của nhạc nhảy để sáng tác”.
Vì vậy, khi nhắc đến âm nhạc của “Hòn ngọc Viễn Đông” cách đây hơn 50 năm, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của các điệu Latinh, cả trong không gian khiêu vũ lẫn dòng chảy tân nhạc. Trên sàn nhảy, đó là những tour “7 trong 1” – tổ khúc gồm 7 điệu nhảy nối tiếp, cho phép cả người khiêu vũ lẫn ban nhạc linh hoạt chuyển đổi mà không cần dừng lại. Còn với giới nhạc sĩ, chính từ đây, họ đã sáng tác nên những ca khúc có tiết tấu đặc biệt, trải dài từ Slow, Rumba, Bolero cho đến Cha Cha Cha, Boston, Waltz hay Tango… Những bài hát ấy, dù trải qua bao thăng trầm, vẫn còn vang vọng đến hôm nay – từ nét Rumba-Bolero trong “Thôi” (Y Vân), chút Twist trong “Sầu Đông” (Khánh Băng), chất Ballad Latin của “Trăng Sơn Cước” (Văn Phụng) cho tới nhịp Tango trong “Người Thợ Săn Và Đàn Chim Nhỏ” (Anh Bằng)…
Bên cạnh các điệu Latinh chiếm ưu thế từ những năm 1950, Rock và Rock’n’Roll cũng hòa vào đời sống Sài Gòn từ thập niên 1960, kéo dài đến cuối những năm 1970 – thời điểm nhà văn “Trăm năm cô đơn” chứng kiến một buổi chiều trầm buồn nơi đây. Xuất phát từ trào lưu quốc tế và sự hưởng ứng của giới học sinh – sinh viên, nhiều ban nhạc được thành lập, làm nên tên tuổi những nghệ sĩ lớn, đưa họ vào lịch sử nhạc Việt như Elvis Phương, Tuấn Ngọc, Đức Huy… Những ban nhạc nổi tiếng một thời cũng ra đời trong giai đoạn này, có thể kể đến Phượng Hoàng với Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang; hay The Blue Jets với Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh – những nghệ sĩ gạo cội vài năm gần đây đã trở lại sân khấu và được đón nhận nồng nhiệt. Mang trong mình sức trẻ và khát vọng về tương lai, những ca khúc ấy thẳng thắn khắc họa đời sống, ước mơ và hoài bão của người trẻ.
Với chất giọng thô, dày và phong cách trình diễn “đốt cháy” sân khấu, các guitarist ôm guitar điện, phóng ra những đoạn riff bùng cháy, còn những giọng ca lại như cất lên lần cuối cùng. Mang phong cách gần như hippie, dòng nhạc chịu ảnh hưởng từ Elvis Presley, Bill Haley, Françoise Hardy… này cũng nhanh chóng tìm được người nghe riêng. Ở các trường Petrus Ký, Chu Văn An, Gia Long, Trưng Vương… học sinh tự lập ban nhạc, hát với nhau. Bên cạnh việc hát nguyên bản hoặc chuyển ngữ, những ca khúc mới cũng dần ra đời, đưa Hùng Cường và Mai Lệ Huyền trở thành hai biểu tượng lớn nhất của thể loại này.
Có thể thấy, hơn 50 năm trước, Sài Gòn đã là một thành phố vô cùng cởi mở. Nơi đây đón nhận âm hưởng từ khắp mọi nơi, như nhà văn – nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường từng ví, Sài Gòn như một “vệ tinh” xoay quanh những nền văn hóa. Nhưng không chỉ tiếp nhận thụ động, những người viết, nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ Việt Nam còn sáng tạo để tìm ra chất riêng, từ đó hòa trộn thành một dòng nhạc rất “Sài Gòn”, rất “miền Nam” – một miền ký ức nơi phòng trà, sàn nhảy, sân khấu học sinh… lung linh ánh đèn và rực cháy tiếng thét gào của tuổi trẻ.
BÀI LIÊN QUAN
MỘT DÒNG CHẢY XOAY VÒNG
Dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, sự cởi mở ấy vẫn còn ánh xạ đến hôm nay, khi nhạc Việt hiện đại ngày càng xóa nhòa ranh giới thể loại. Đúng như nhận định “xu hướng đi theo vòng tròn”, âm nhạc giờ đây mang trong mình những phối trộn đầy ngẫu hứng. Không ít nghệ sĩ đã tìm về những chất liệu xưa cũ để đưa vào sản phẩm của mình. Như Wren Evans với album đầu tay “Loi Choi: The Neo Pop Punk”, nơi anh mạnh dạn kết hợp chất Latinh của Flamenco và Bolero vào nhiều ca khúc. Những năm gần đây, các dự án “hồi sinh” và re-mastered các bản ghi âm vang danh một thuở cũng xuất hiện ngày càng nhiều, gây chú ý với loạt đĩa than từ Saigon Supersound. Cùng với dòng chảy retro tìm về những giá trị cũ, âm nhạc Sài Gòn 50 năm trước vẫn là mỏ vàng lộ thiên, chờ đợi những cuộc khai phá tiếp theo.
Và đã có những người tiên phong nắm bắt làn sóng đó. Trong số ấy, Saigon Soul Revival – ban nhạc trưởng thành từ cuộc thi Rock Việt 2017 – đã ra mắt hai album “Họa âm xưa” và “Mối lương duyên”, gây tiếng vang khi tái hiện chất liệu âm nhạc Sài Gòn thập niên 1950, 1960, 1970. Trong các đĩa nhạc, Rock, Bolero, Jazz, Soul… giao thoa hài hòa, âm nhạc xưa được hồi sinh qua “Giây phút cuối tuần”, “Đi xa đời nhau”, “Nỗi niềm dương thế”… thậm chí ban nhạc còn mời Mai Lệ Huyền song ca. Những bản Latinh như “Sầu Đông”, “Thôi” được phục dựng gần như nguyên bản, trong khi sáng tác mới như “Tình nhạc sĩ” lại mang điệu Tango phóng khoáng. Những bản Bolero như “Kẻ không tình” cũng được viết lại theo phong cách gần như nguyên thủy, như mở ra cánh cửa thời gian về nửa thế kỷ trước.
Về mặt ghi âm, họ chủ trương sử dụng những thiết bị và kỹ thuật mang tính hoài niệm, gần gũi nhất với giai đoạn ấy, dù âm thanh đôi khi còn thô, thiếu trong trẻo theo tiêu chuẩn hiện đại. Phần lời cũng được viết theo đúng phong cách giàu ẩn dụ, gửi gắm nhiều lớp nghĩa. Nhưng không chỉ dừng ở tái hiện, họ còn tiếp biến và sáng tạo, để âm nhạc trở thành cây cầu nối hai thế hệ. Điều này phần nào tiệm cận với nhận định của Jason Gibbs rằng, đôi khi các nhạc sĩ Việt Nam cũng đưa yếu tố truyền thống từ cải lương vào tân nhạc, như việc sử dụng điệu Oán từ cổ nhạc. Với Saigon Soul Revival, họ còn đưa đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu… vào bản phối, vừa tôn vinh cái cũ, vừa thử nghiệm cái mới. Điển hình là việc thêm rap vào “Hào hoa”, giúp ca khúc này từng có lúc trở thành hiện tượng trên TikTok.
Giờ đây, hơn 50 năm nhìn lại, không thể không thấy bầu không khí nhộn nhịp, đa dạng của những thập niên xưa, nơi nhiều chất liệu âm nhạc đã gặp gỡ và hòa trộn, tạo nên một “bầu sinh quyển” độc đáo cho một thành phố nằm giữa những vùng ảnh hưởng. Như một vòng xoay, những yếu tố ấy đang dần trở lại trong thời đại này. Và có thể tin rằng, khi được thế hệ mới tiếp tục sáng tạo bằng sự bén nhạy của mình, đây sẽ là một vỉa tầng giàu tiềm năng – một dấu ấn rất riêng của âm nhạc Việt.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu