Kris Nguyen: Họa lại vàng son qua cổ phục
Yêu thích văn hóa truyền thống từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, họa sĩ minh họa Kris Nguyen mong muốn tái hiện vẻ đẹp rực rỡ của cổ phục Việt Nam trong các ấn phẩm gần gũi hơn với thế hệ trẻ.
Kris Nguyen tên thật là Nguyễn Quốc Trí, sinh năm 1997, thuộc cung hoàng đạo Xử Nữ. Kris tốt nghiệp ngành Thiết kế Đồ họa tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, hiện là họa sĩ minh họa và thiết kế đồ họa tự do. Gần đây, Kris được biết đến với bộ tranh “Nếu các nhân vật cổ tích thế giới là người Việt Nam?”, “Nguyễn Triều nữ y”, đặc biệt là bộ ảnh minh họa 12 cung hoàng đạo cho số báo Tết vừa rồi của ELLE Việt Nam. Ngoài ra, Kris Nguyen cũng là người đồng sáng lập Hoa Niên – thương hiệu Việt phục.
Phong cách minh họa của Kris được lấy cảm hứng từ hội họa Việt Nam thế kỷ 19-20, kết hợp với kỹ thuật digital painting, nhằm đem đến hình ảnh một Việt Nam rực rỡ, đẹp đẽ và giàu màu sắc, đồng thời tái sinh những giá trị văn hóa đang bị lãng quên.
Điều gì khiến bạn quyết định vẽ tranh về cổ phục khi học thiết kế đồ họa?
Khi lên đại học, mình chọn theo chuyên ngành thiết kế đồ họa nhưng sau khi đi làm 2 năm, mình lại chọn lối đi mới với công việc thiết kế và họa sĩ minh họa tự do. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình đã học về những thiết kế, sáng tác của Tây phương và được truyền cảm hừng từ chính văn hóa bản địa của họ. Ngay cả các nước Nhật, Trung, Hàn cũng đã truyền tải văn hóa vào trong các sản phẩm bao bì, digital art… một cách rất tự nhiên và thú vị. Vì vậy, mình tự đặt ra câu hỏi về việc đem văn hóa vào trong các thiết kế, từ nhận diện, bao bì cho tới các tác phẩm digital art. Đối với mình, hai yếu tố thiết kế và minh họa là sự bổ trợ, tác động lẫn nhau và luôn chủ trương đem điều đó vào trong các tác phẩm của mình. Dự án đầu tiên về cổ phục cũng là đồ án tốt nghiệp của mình – đồ án Ngự Trà, làm về bao bì trà cung đình Huế.
Tại sao bạn lại chọn khai thác các yếu tố văn hóa cung đình dưới triều Nguyễn?
Sở dĩ mình tập trung vào trang phục thời Nguyễn do tới hiện tại, các trang phục cũng như những ghi chép, hình ảnh về thời Nguyễn là còn tồn tại rõ ràng nhất. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ phong kiến cuối cùng tiệm cận đại nhất, có pha cả một chút ảnh hưởng của phương Tây. Trong tương lai, mình sẽ còn khai thác thêm về các thời kỳ trước Nguyễn.
Trong các tác phẩm, mình tập trung chủ yếu khai thác trang phục và các dạng thức trang phục vua, quan vì tư liệu, hình ảnh về trang phục vua, quan còn tồn tại khá nhiều.
Có thể thấy phong cách vẽ đồ họa của bạn được lấy cảm hứng từ dòng tranh lụa của các nghệ sĩ nổi tiếng thế kỷ 19-20. Lý do là gì?
Mình luôn ngưỡng mộ các cố họa sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ – những người đặt nền móng cho mỹ thuật Việt Nam cận đại – và chịu ảnh hưởng khá nhiều từ phong cách của hai họa sĩ này.
Mình thích sử dụng bảng màu rực rỡ để thể hiện tính cách Việt Nam cũng như khắc họa nét vàng son của văn hóa cung đình. Nếu có dịp đến Kinh thành Huế, bạn sẽ thấy ở trên tường sẽ có các tác phẩm nghệ thuật pháp lam đầy màu sắc.
Ngoài ra, từ các thời kì trước, trang phục của nữ đã luôn có sự ưu ái, đa dạng hơn trang phục nam. Mình muốn kể lại câu chuyện về người phụ nữ dưới chế độ phong kiến thông qua trang phục của họ. Chính vì vậy mà chủ thể trong tranh của mình đa phần là phụ nữ.
Tuy nhiên, công cụ sáng tạo của bạn vẫn là đồ họa kỹ thuật số – một công cụ mang đậm tính Tây phương. Bạn kết hợp tính hiện đại và truyền thống trong tranh của mình như thế nào?
Trước đây, mình có một dự án cá nhân là bộ tranh “Nếu các nhân vật cổ tích thế giới là người Việt Nam?”. Mình đã vay mượn khá nhiều yếu tố phương Tây nhưng vẫn cố gắng cân bằng với dấu ấn Á Đông. Bối cảnh của bộ tranh được mình lấy cảm hứng từ thời Nguyễn, thời kỳ đã có sự giao thoa với văn hóa phương Tây. Trang phục của các quý bà thời kỳ này đã được thêm thắt nhiều yếu tố Tây hóa, ví dụ như sử dụng vải Tây may áo dài, các phụ kiện, trang sức, khăn choàng…
Như vậy, chủ thể và đối tượng sáng tác của mình vốn đã có sự kết hợp Đông – Tây. Ngoài ra, mình muốn sử dụng công cụ digital để mô phỏng các đặc tính của tranh lụa là một dòng tranh lâu đời của Việt Nam, cách thể hiện thông qua phương tiện kỹ thuật số sẽ giúp tác phẩm trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với các bạn trẻ.
Có mất nhiều thời gian để bạn tìm ra được công thức lên màu theo ý muốn?
Mất không quá lâu để mình có thể tìm được công thức màu phù hợp. Đối với mỗi dự án, mình luôn chuẩn bị cho những công thức màu khác nhau như màu sắc mang hơi hướng tranh lụa, màu sắc mang hơi hướng cổ tích phương Tây, màu sắc mang hơi hướng thời trang… và qua đó, mình luôn không ngừng làm phonng phú thêm màu sắc bản thân.
Bạn là người thiết kế hoa văn cho trang phục của Hoa Niên, vừa vẽ tranh minh họa trong nhiều dự án khác, hai công việc này bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau như thế nào?
Hoa Niên là một thương hiệu thiết kế, may đo cổ phục Việt với mục đích phát triển hình ảnh cổ phục, khiến nó không còn xa lạ, đem cổ phục đến với góc nhìn về cả phái sinh, mô phỏng và cả dưới góc nhìn hiện đại. Thiết kế hoa văn cho trang phục của Hoa Niên mang lai cho mình nhiều cơ hội nghiêm cứu về hoa văn, chất liệu, phom dáng trang phục…
Trong số các tác phẩm tranh minh họa, đâu là tác phẩm bạn yêu thích nhất?
Tác phẩm mình yêu thích nhất cho tới bây giờ vẫn là bao bì trà trong đồ án tốt nghiệp. Việc ứng dụng văn hóa cung đình vào thiết kế bao bì vẫn là đường hướng mình chọn phát triển sau này.
Bạn nghĩ gì về việc thế hệ trẻ hiện nay ngày càng quay trở về với văn hóa truyền thống?
Mình nghĩ đó là điều tất yếu. Trước giờ lịch sử Việt Nam trong sách giáo khoa chưa thực sự đi sâu vào các yếu tố văn hóa, cung đình trong khi những câu chuyện cuộc sống hay văn hóa cung đình của Việt Nam cũng rất hay, không thua kém các quốc gia châu Á khác, nhưng lại ít được đề cập, giảng dạy, dần bị lãng quên. Tuy nhiên, bây giờ, thế hệ trẻ có nhiều công cụ hơn để tiếp cận với các tư liệu xưa. Chính các bạn là tiền đề để những giá trị đang bị bỏ quên có cơ hội được quay trở lại trong đời sống hiện đại.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE