Hơn cả thời trang và văn chương

Đăng ngày:

“Có một cái nhìn nữa về thời trang (…) để thiết lập một chức năng thực sự trừu tượng hóa và thơ mộng hóa. Đó là thời trang gợi đến sự thanh thản, sự sang trọng, song lại không đánh mất sự theo đuổi hình thái thiết kế của riêng chúng. Hiểu theo chức năng này thì theo tôi, thời trang cũng mang cả chức năng gợi tả rất gần với văn chương” – Roland Barthes.

NGÔN NGỮ VÀ THỜI TRANG

Dường như có một xu hướng liên kết giữa chữ nghĩa/văn chương với thời trang đang trở lại trong thời đại của chúng ta. Đó là sự liên kết giữa những ẩn ý biểu hiện của ngôn ngữ với tính biểu tượng và gợi mở mà thời trang hay quần áo có thể mang lại cho mỗi con người. Từ lâu, với người Pháp, thời trang không chỉ là sự theo đuổi duy mỹ, mà họ còn hiểu thời trang theo những ngữ nghĩa trừu tượng hơn.

Tính chất trừu tượng đầu tiên là đôi khi con người tạo ra quần áo, nhưng chính quần áo lại trở thành “gông cùm” quy định về “bản chất” của con người. Đàn ông bị trói buộc với những bộ suit và phụ nữ với những bộ váy gợi cảm, người công nhân với đồng phục lao động, người phụ nữ Islam giáo với khăn trùm đầu, tính truyền thống buộc y phục người Nhật phải là kimono…

Ta nhận ra mô hình quan hệ này cũng rất gần với mô hình của ngôn ngữ với con người. Con người tạo ra ngôn ngữ để giao tiếp nhưng rồi cũng bị trói buộc trong giới hạn biểu lộ bản thân qua ngôn ngữ và định ra cách người khác sẽ “nghe” và phân loại ta vào các nhóm: quý tộc, thành phố, quê mùa…

thời trang ngôn ngữ riêng

Một tác phẩm trong triển lãm Ngôn ngữ của Thời trang.

Tiên phong trong nghiên cứu về ngôn ngữ và các hiện tượng văn hóa đại chúng không thể không nhắc đến Roland Barthes (1915-1980). Ông có hẳn một công trình nghiên cứu tên Systèmes de la Mode (Paris 1967) chuyên luận về thời trang. Và gần đây, Bảo tàng für Kunst und Gewerbe Hamburg (MK&G) đã thực hiện triển lãm Ngôn ngữ của Thời trang, theo văn bản truyền thông thì quả thật họ đã lấy cảm hứng cho sự kiện này từ chính những trang luận của Barthes.

Bước vào không gian thưởng lãm kỳ này của MK&G, khán giả phải tham gia vào “trò chơi giải mã những ký hiệu” tương tác giữa chữ nghĩa và quần áo thời trang, gắn liền với nhiều thương hiệu và biểu tượng lớn trong văn hóa đại chúng lẫn những đề tài chính trị phức tạp. BST trong triển lãm bao gồm hơn 35 món đồ từ thế kỷ 19 cho đến ngày nay của các NTK nổi tiếng như Walter Van Beirendonck, Coco Chanel, Jean-Charles de Castelbajac, Jean-Paul Gaultier, Tom Ford, Karl Lagerfeld, Martin Margiela và các NTK trẻ đang lên như Edda Gimnes và Flora Miranda Seierl.

Sự chơi đùa với tâm trí của khán giả bao gồm việc thách thức tư duy khi ngôn ngữ và chữ viết biểu lộ những ngữ nghĩa đôi khi đối lập và xa lạ hoàn toàn với các cảm giác về văn hóa, quy định ngầm về ý nghĩa của trang phục được triển lãm ở đây. Để hiểu mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn của chữ và quần áo, ta hãy quay về những năm 1960, khi những bộ váy giấy – thiết kế lai giữa váy và áp phích – lần đầu ra đời.

thời trang bảo tàng ở đức

Bảo tàng für Kunst und Gewerbe Hamburg (MK&G) ở Đức.

NGÔN NGỮ THAY ĐỔI THỜI TRANG

Ta có thể nhắc đến tác phẩm Untitled (Hãy vui mừng lên!) của Jenny Holzer. Vào năm 2018, một đoạn trích từ tác phẩm đã được Holzer dùng trên các áp phích từ năm 1979 đến năm 1982 và được dán khắp New York. Tấm thiệp trên chiếc váy đỏ mà Lorde mặc tại Grammy 2018 cũng mang chữ nghĩa của Holzer. Jenny Holzer là một nghệ sĩ tân quan niệm người Mỹ, sống tại Hoosick, New York. Trọng tâm chính trong công việc của cô là truyền đạt từ ngữ và ý tưởng trong không gian công cộng.

Năm 2017, cô hợp tác với một nhân vật nổi tiếng khác về phương pháp thiết kế dựa trên văn bản, đơn giản hóa: Virgil Abloh. Abloh đã nói rằng với chỉ “một từ duy nhất”, ta có thể nâng một vật thể bình thường lên tầm tuyệt tác. “Bạn có thể sử dụng kiểu chữ và từ ngữ để thay đổi hoàn toàn nhận thức về một sự vật mà không thay đổi bất cứ điều gì về nó”. “Nếu tôi lấy một chiếc áo len nam và viết “phụ nữ” trên lưng nó, đó là nghệ thuật”.

Chính những ý tưởng phá vỡ mặc định tưởng chừng là chân lý về giá trị của quần áo, hoặc ai sẽ là người mặc những trang phục của nhóm nghệ sĩ tiên phong này, đã góp phần chất vấn mạnh mẽ những trói buộc và quy định về quần áo. Qua đó, họ cũng gián tiếp khiến ngành thời trang dần chuyển biến vào làn sóng phi giới tính – phi định kiến xã hội, cũng như phá vỡ dần các quy định ngầm rằng quần áo loại này chỉ thuộc về giai cấp này mà không phải giai cấp khác chẳng hạn.

Hay sự thay đổi chiến lược quanh khái niệm giấc mơ của ca sĩ Britney Spears. Trong thập niên 2000, câu nói thường in trên áo của cô là “Tôi là giấc mơ Mỹ”(I am the American dream) đã được cô từ bỏ và thay bằng quan điểm mới “Tất cả chúng ta là những người mơ” (We are all dreamers) và rất được hưởng ứng trên internet. Chính những chiếc áo phông đầy thông điệp của Britney đã đưa chúng ta đến với xu hướng “cá nhân hóa” thời trang một cách dễ dàng, để ta tự biểu lộ tất cả căn tính hay khao khát mà ta muốn lên những chiếc áo ta mặc hằng ngày. Áo phông không chỉ là quần áo thông thường, nó đã kết hợp với chữ nghĩa để trở thành một phong trào văn hóa và đặc điểm thời đại.

thời trang các tác phẩm trưng bày

thời trang các tác phẩm trưng bày tại Đức

Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm Ngôn ngữ của Thời trang tại bảo tàng für Kunst und Gewerbe Hamburg (MK&G).

NGÔN NGỮ CỦA THỜI TRANG

Quay lại với triển lãm tại für Kunst und Gewerbe Hamburg (MK&G) gần đây, ta thấy nhiều tác phẩm quả thực là sự cố gắng kết hợp giữa cảm nhận cá nhân về cái đẹp và những cuộc tranh luận văn hóa rất sâu sắc. Nhiều trang phục là sự kết hợp giữa quần áo trang nhã với những trích dẫn đầy khiêu khích của các ca khúc Deathpunk và nét vẽ nguệch ngoạc, hay những bộ quần áo xa hoa nhưng lại được kết hợp với chữ nghĩa có nội dung mỉa mai của Proust (một nhà văn nổi tiếng thuộc giới tinh hoa xong lại chán ghét chính thế giới tinh hoa).

thời trang một đoạn trích tác phẩm văn chương

Một đoạn trích từ tác phẩm của Holzer trên chiếc váy đỏ của Lorde tại Grammy 2018.

thời trang britney và áo biểu tượng

Britney Spears và chiếc áo phông in dòng chữ “I am the American dream”.

Một chiếc áo khoác hiển thị trích dẫn từ “bức thư” của Madeleine trong cuốn Bên phía nhà Swann (1913) thuộc bộ Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust (1817-1922), tên nhà văn này được viết ngay sau mặt áo. Proust sinh thời luôn viết về những cuộc lang thang của tâm trí khi hoài niệm về ngày tháng đã qua, của những khoảng trống ký ức rời rạc và thật ngạc nhiên khi tinh thần đó cũng được biểu lộ ngay trong thiết kế hoa văn cắt lỗ chỗ để tạo hình của trang phục.

thời trang các tác phẩm trong untitled

Các trích đoạn trong tác phẩm Untitled (Hãy vui mừng lên!) của Jenny Holzer thường được sử dụng trên áp phích, kiến trúc và thời trang.

KẾT LUẬN

Hiểu theo ngữ nghĩa của Roland Barthes khi gợi ý về sự tương cận của việc ngôn ngữ và thời trang do con người tạo ra nhưng đều giới hạn con người, ta nhận ra rằng, khi kết hợp hai hiện tượng này lại với nhau, chúng có thể tạo nên những cuộc đối thoại và biểu lộ nhiều thông điệp, đẩy con người đến những khám phá mới. Thậm chí, chính chữ nghĩa đã gợi lại cho quần áo những cách thức biểu lộ hình thái trong thiết kế, để thể hiện việc chống lại chiến tranh, đấu tranh cho bình đẳng giới, niềm tin của bản thân vào cuộc sống, hay thậm chí gợi đến những ý niệm trừu tượng tưởng hồ chỉ có trong văn chương…

Nhóm thực hiện

Bài: Vương An Nguyên 

Hình ảnh: Tư liệu 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more